Chiếc xe ca chuyển bánh, đổ lại sau lưng lớp bụi đó bốc lên mù mịt. Nhìn theo đám bụi đó ấy, tôi có cảm giác mình đang lắc lư theo nhịp bánh xe. Đã trọn một đêm, một ngày, ba bố con tôi phải vượt đường trường trên chiếc xe ca cũ kĩ, chật ních người và chật ních cả tiếng cãi vã ấy để về quê. Với tôi, lần nào về quê cũng là một sự kiện lớn. Do điều kiện làm việc và sống xa quê nên cứ phải ba năm hay bốn năm, bố tôi mới đưa anh em tôi về thăm quê một lần. Ngồi trên xe, hai anh em tranh nhau nhắc lại những hình ảnh về cảnh vật và con người ở quê. Thế mà bây giờ, làng quê tôi đã hiện ra trước mắt kia. Không hiểu sao tôi cứ thấy nao nao...
- Nhanh lên kẻo tối, các con ! Vẫn còn phải đi bộ ngót hai cây số nữa đấy ! - Tiếng bố tôi thúc giục đã kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ miên man.
Xốc lại ba lô hành lí, tôi vội vã bước theo bố. Cu Miu đã nhanh chân chạy lon ton ở phía trước. Cu cậu xem chừng phấn khởi lắm. Lần trước về, nó mới năm tuổi, bé tí teo, giờ đã đường hoàng là một cậu học sinh lớp hai. Cái túi ếch dựng quần áo của nó cứ lúc la lúc lắc theo nhịp nhảy chân sáo. Thỉnh thoảng, bố phải nhắc nó đi chậm lại kẻo ngã.
Từ đường quan vào nhà ông bà nội tôi phải đi qua một quãng đồng rộng. Đã lập xuân nhưng tiết trời vẫn còn rét lắm. Hiểu rõ khí hậu ở quê nhà nên khi ba bố con lên đường về quê, mẹ đã chuẩn bị sẵn đồ ấm đầy đủ. Lúc ngồi trên xe, thấy cồng kềnh, tôi nghĩ bụng: “Mẹ lo xa quá !”. Nhưng giờ thì mới hiểu được giá trị của mấy cái áo khoác to sù. Xuýt xoa trước những đợt gió chiều hun hút, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân lên con đường dẫn vào làng. Nó thay đổi nhiều quá. Trước đây, con đường này chỉ là một lối đi hẹp chen giữa hai bờ lúa. Mùa khô thì - bốc bụi mù mịt. Mùa mưa thì trơn như đổ mỡ. Tôi đã từng “chụp ếch” mấy lần đau điếng trong đợt về quê trước. Bây giờ con đường đã được mở rộng ra, ô tô đi vào vẫn có chỗ cho các loại xe khác tránh. Người ta đã rải đá và đổ một lớp nhựa mỏng. Hai bên vệ đường, hàng cây non mới trồng cao quá đầu người. Trong bóng chiều, ánh nắng nhạt màu còn rải rác, sót lại trên những đám ruộng lúa xanh rờn, mơn mởn. Con mương dẫn nước đã được làm bằng bê tông, nước trong vắt, soi bóng những đám mây trắng lang thang trên vòm trời xám đục. Tết đến nơi rồi mà mọi người vẫn cần mẫn làm việc. Thấp thoáng bóng áo nâu, nón trắng trong bóng chiều.
Qua khỏi cánh đồng là vào ngay làng. Cu Miu chợt la lớn:
- Bố ơi ! Lạc đường rồi! Không phải làng mình !...
Trong kí ức của anh em chúng tôi, làng quê phải là những mái nhà nhỏ ẩn sau luỹ tre xanh. Là những ngõ xóm quanh co, vòng vèo, đầy rơm rạ; là những hàng tre rậm rạp, chìa ra bao nhiêu cành nhỏ vướng áo người qua đường... Thế mà giờ đây, trước mắt chúng tôi, cảnh tượng đã khác hẳn. Không riêng gì cu Miu, ngay cả tôi cũng cứ ngờ ngợ. Chẳng lẽ làng mình đây ư ? Bố tôi thì chỉ cười, búng tai mỗi đứa một cái, ý bảo: “Còn lạ nhiều nữa đấy !”. Năm vừa rồi, bố đi công tác, có ghé qua thăm ông bà nên những đổi thay ấy đâu có làm bố ngạc nhiên như chúng tôi.
Dưới cái nhìn của tôi, làng quê đã khoác một chiếc áo mới thực sự. Đường trong làng đã được mở rộng và đổ bê tông. Hai bên đường, cây cối được phát quang. Nhiều nhà đã thay bờ rào tre bằng những hàng rào xây cao, có cổng sắt sơn xanh, sơn nâu trông rất đường hoàng. Trong xóm lác đác xuất hiện một số nhà hai tầng theo kiểu hiện đại. Ngay đầu xóm, hội trường lớn và trụ sở làm việc của Uỷ ban Nhân dân xã cũng đã được sửa sang lại trông khang trang hẳn lên. Một hàng chữ được căng trước cổng Uỷ ban Nhân dân xã: “Chào mừng xuân Kỷ Hợi 2019”. Phía trong gara, xe máy xốp hàng ngang hàng dọc. Hình như mọi người đang họp tổng kết cuối năm. Kế tiếp Ủy ban Nhân dân xã là trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở. Những dãy nhà cao làng mới mọc lên, thay thế cho dãy nhà cấp bốn trước đây. Học sinh đã nghỉ Tết nên sân trường vắng tanh vắng ngắt. Mấy cây bàng, cây phượng trước đây còn bé tí, giờ đã phỏng phao. Những chổi non xanh mơn mởn đang thắp sáng trên các cành cây khẳng khiu. Mùa xuân đã về thật rồi!
Đang đi, tôi chợt sững lại. Trước mắt tôi là ngôi nhà lớn có đề dòng chữ “Hội quán xóm Trung Thành”. Nơi đây ngày xưa là bãi đất trống bỏ hoang. Bọn trẻ chúng tôi vẫn thường rủ nhau ra đá bóng, thả diều và chơi trò đánh trận giả. Giờ người ta đã xây hẳn một khu hội quán khang trang có sân chơi, bãi tập. Hình như đây còn là nơi lớp mẫu giáo học vì tôi thoáng thấy trong góc vườn có mấy cái cầu trượt, đu quay... Thấy tôi đứng ngẩn người ra, bố tôi phải bảo cu Miu quay lại kéo tôi đi. Đã về đến gần nhà ông bà tôi. Bố tôi gật đầu chào mấy người hàng xóm. Chúng tôi líu ríu chào theo. Tôi vẫn nghe rõ những tiếng xì xào thân thương. “Chà ! Hai quý tử đã lớn bằng ngần này rồi kia à ! Chóng quá ! Chóng quá !”. Tôi rảo bước càng nhanh hơn. Cu Miu đã cuống cuồng vượt lên trước. Nhà ông bà đây rồi. Cánh cổng sắt sơn xanh mở toang như chờ đón chúng tôi. “Ông bà ơi, cháu đã về đây !”. Sau tiếng gọi của cu Miu, cả nhà ùa ra đón bố con tôi. Nhanh chân nhất vẫn là con vàng. Nó sủa ăng ẳng mà cái đuôi thì ngoáy tít. Thì ra nó vẫn nhớ chúng tôi. Tiếp sau con vàng là thằng Lâm, con chú Hải. Nó trạc tuổi cu Miu nhưng thấp đậm và có nước da hơi nâu. Lũ trẻ ở quê đứa nào chả thế. Nó reo từ trong sân “A ! Bác Thọ, anh Quang và anh Miu !”. Cuối cùng là ông bà tôi. Vừa nhìn thấy ông bà, tôi đứng sững lại. Không hiểu sao nước mắt cứ ứa ra. Ông bà tôi già đi nhanh quá. Mái tóc bạc trắng, lưng còng xuống, dáng đi có phần chậm chạp hơn trước nhiều. Ông kéo tôi vào lòng, còn bà ôm vai cu Miu. “Cha bố các anh ! Sao không đợi ông bà khuất núi rồi hẵng về ?”. Cu Miu khóc oà lên làm bà phải dỗ: “Thôi, bà nói vui vậy thôi ! Cún con của bà chóng lớn quá !”.
Tối hôm ấy, cả nhà quây quần bên mâm cơm, bàn kế hoạch ăn Tết. Hình như sự có mặt của bố con chúng tôi làm cho chương trình đón Tết của gia đình thêm phần rôm rả. Chú Hải tôi còn tuyên bố một câu “xanh rờn”:
- Sáng mồng một Tết, cậu cả (tức là tôi) sẽ dẫn đầu cả phái đoàn nhà ta lên thắp hương trên nhà thờ họ. Sau đó di chúc Tết quanh xóm một vòng.
Còn thằng Lâm thì ghé tai tôi: “Anh Quang, sáng mai em sẽ dẫn anh đi chơi. Làng mình có nhiều cái lạ lắm, khác lắm”.
Đêm hôm ấy, tôi ngủ một giấc thật ngon lành trong vòng tay của ông nội. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang cùng thằng Lâm và cu Miu lạc vào một xứ sở thần tiên. Ở đó, có đầy đủ các thành viên của đại gia đình chúng tôi. Quê tôi đó chăng ? Vừa xa vời, vừa gần gũi biết bao !