Hồ Tây vừa huyền ảo, vừa thân thương. Cái huyền ảo là của thiên nhiên, cái thân thương là của cuộc đời. Đương nhiên là cả hai đều rất đáng yêu, song cái đặc sắc của bài ca dao không chỉ ở nội dung mà trước hết ở cách thể hiện.
Đã là tả cảnh, dù là cảnh thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt, các giác quan đều mở ra đón nhận những hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, ánh sáng, hương vị. Về thiên nhiên có bốn chi tiết: làn gió, màng sương, mặt hồ, cành trúc, về sinh hoạt có ba chi tiết: tiếng chuông đền, tiếng gà gáy, tiếng nhịp chày. Để riêng các chi tiết thành hai loại như vậy thì thấy rất rõ là thiên nhiên được miêu tả bằng hình ảnh, đường nét màu sắc, ánh sáng, còn sinh hoạt lại được miêu tả bằng âm thanh và chỉ có âm thanh - những tiếng của đời thường. Tại sao lại không miêu tả như lệ thường, nghĩa là với thiên nhiên thì không chỉ nhìn thấy mà còn nghe thấy và với đời sống thì không chỉ nghe thấy mà còn nhìn thấy? Những âm thanh của thiên nhiên cũng như những hình ảnh của đời sống nào phải kém chất thơ!
Thiên nhiên yên lặng đến tuyệt đôi. Không có tiếng gió, lời chim hay tiếng lao xao cành lá. Chính vì tất cả đều không cất lời mà khung cảnh càng thêm huyền ảo. Tất cả như chìm trong sương, chỉ còn hiện lên một cành trúc. Một cành trúc mảnh mai, mềm mại lá ngọn sát mặt nước và nhẹ đưa theo gió. Một cành trúc của cây trúc vốn nổi tiếng là xinh (Trúc xinh trúc mọc đầu đình... Trúc xinh trúc mọc bờ ao...). Làn gió ban mai mát lành vừa đủ đung đưa cành trúc và một trời sương khói như mơ. Không có màu sắc nào rực rỡ, lung linh. Chỉ một màu hơi nước bốc lên nghi ngút, và một chút xanh xanh lá trúc. Không có đường nét nào rõ ràng. Bầu trời, không trung, mặt nước sương khói mờ ảo. Tuy nhiên không vì thiếu vắng những âm thanh của thiên nhiên mà cảnh sắc thiếu cả sức sống. Cành trúc lay động nhẹ nhàng. Mặt hồ thì biến đổi: đang mờ trong sương khói chuyển thành một tấm gương lớn sáng trong. Không phải hồ nào cũng khói sương nghi ngút. Màn sương phủ kín mặt hồ chính là một nét riêng của Hồ Tây. Vào thời Lí, Hồ Tây có tên là Dâm Đàm, nghĩa là đầm sương mù. Và tấm gương bừng sáng cả một vùng thì đúng là Hồ Tây, cái hồ mênh mông của một Hà Nội không phải là to lắm.
Chẳng thế mà Hồ Tây có tên là hồ Lãng Bạc (nước mênh mông chan hoà). Và chỉ một cành trúc thanh mảnh, xinh xắn mà đã làm cho khung cảnh sống hẳn lên.
Từ trong cái yên lặng ấy cất lên những âm thanh của cuộc đời. Dường như là thiên nhiên đã cô giữ im lặng để cho những tiếng đời được vút lên, được ngân nga. Dường như là tác giả đã dùng sắc màu huyền thoại của thiên nhiên để làm khung cảnh cho bản giao hưởng của cuộc đời. Tiếng chuông đền Trấn Vũ lan tỏa giữa chốn nước mây. Tiếng gà huyện Thọ Xương gáy chuyền nhau vọng đến báo hiệu một ngày mới. Và tiếng chày giã đó nhịp nhàng của những người làm nghề giấy làng Yên Thái cần mẫn bắt đầu công việc ngày từ mờ sáng. Nếu như tiếng chuông, tiếng gà chẳng riêng Hồ Tây mới có thì nhịp chày tay thật là âm điệu đặc trưng cho vùng này. Giai điệu Hồ Tây bình bình trầm trầm với tiếng chày đều đều, vút lên với tiếng chuông dóng dả, tiếng gà lảnh lót, rồi ngân nga lan xa...
Bài ca dao có 28 chữ thì đã 8 chữ chỉ địa danh: Trấn Vũ, Thọ Xương, Yên Thái, Hồ Tây. Điều đó cố nhiên là cần vì những tên riêng ấy vang lên gợi ra được không gian vùng Hồ Tây. Nhưng như vậy chỉ còn 20 chữ để tả cảnh. Có ngần ấy thôi, sao đủ tả hết nên chỉ cảnh thiên nhiên được tả (cành trúc la đà, mịt mù khói ma, mặt gương Tây Hồ) còn cảnh sinh hoạt chỉ gợi mà không tả (nhắc tiếng chuông đền, tiếng gà gáy, tiếng nhịp chày mà không dùng những tính từ, động từ miêu tả): Với 20 chữ vẫn khiến người đọc nhận ra ngay được Hồ Tây qua những bảy chi tiết, mà đều là những chi tiết tiêu biểu, dấu hiệu đặc sắc: hồ rộng, hồ đầy sương, hồ mang nhịp sống vùng thủ công nghiệp cổ truyền, hồ đẹp và nên thơ. Với 20 chữ mà diễn tả nhiều đến thế, không thể dùng những so sánh ngầm kiệm lời: sương như khói, như rừng, mặt nước sáng như gương.
Bài ca dao mang nhịp điệu khoan thai, nhờ dùng thể lục bát, dùng nhịp đôi trong suốt cả bài và ngắt đôi các dòng tám. Nhịp điệu ấy biểu hiện nhịp sống thanh bình yên ả.
Đương nhiên bài ca dao còn hồi hộp như tâm tình của con người trước cảnh mà trước hết là tâm tình người Hà Nội.