Bài ca dao này được lưu hành khá rộng rãi và thống nhất ở trong nhân dân cũng như trong các tập sách sưu tầm, tuyển chọn ca dao, chỉ có vài dị bản nhỏ về từ ngữ không quan trọng lắm. Chẳng hạn ở câu thứ nhất “Ra đi” hoặc “Anh đi” ở câu thứ hai “dãi nắng dầu sương” hoặc “dãi nắng dầm sương”.
Cả bài chỉ vẻn vẹn có bốn câu, lời lẽ rất giản dị, dễ hiểu, tưởng chừng ai cũng hiểu như nhau, chẳng có chuyện gì phải bàn cãi, phân tích nữa. Thế nhưng thực tế đã có ít nhất hai cách hiểu khác nhau rõ rệt mà với mức độ khác nhau cả hai cách đều có cơ sở lí do để tồn tại. Cách hiểu thứ nhất nhấn mạnh vào nỗi “nhớ quê nhà” và coi chủ đề chính của bài ca dao là tình cảm quê hương đất nước, có người đã đặt hẳn bài này vào mục ca dao về “đất nước” (2). Cách hiểu thứ hai, nhấn mạnh vào nỗi “nhớ ai” ở hai câu cuối và coi chủ đề chính của bài ca dao là tình yêu đôi lứa.
Về cách hiểu thứ nhất:
Mỗi con người, mỗi nhà thơ đều có cách định nghĩa riêng về quê hương của mình, không ai hoàn toàn giống ai cả. Quê hương của Giang Nam có hoa, có bướm, có những ngày trốn học bị đòn roi. Quê hương của Đỗ Trung Quân là chùm khế ngọt, là con đò nhỏ... Còn quê hương của chàng trai trong bài ca dao này là canh rau muống, cà dầm tương là những con người dãi nắng dầm sương, tát nước bên đường..., thật là tự nhiên và hợp tình hợp lí. Với cách hiểu thứ nhất thì nội dung và mối quan hệ đại từ “Ai” nên được hiểu và lí giải như thế nào cho phải?
Người ta không thể xưng “Anh” với mọi người, càng không thể xưng “anh” với ông bà, cha mẹ và những người hơn tuổi. Vậy thì ở đây chàng trai đã xưng “anh” với ai? Chỉ có thể với một trong ba đối tượng là: với em, với vợ hoặc với người yêu. Với em mà người gọi là “ai” (như ở hai câu cuối) thì không phù hợp và vô lí. Với vợ thì có thể được nhưng chỉ thật sự phù hợp khi vợ chồng mới cưới nhau chưa lâu, quan hệ tình cảm còn đang ở trăng mật buổi mới, chưa trở thành chai sạn. Còn nếu như vợ chồng đã già hoặc đã ăn ở với nhau lâu dài mà lại gọi nhau bằng "ai” một cách ỡm ờ thì vẫn là không hợp và không hay (thậm chí lòn bị coi là khách sáo). Đó cũng chính là cơ sở và lí do mà nảy sinh ra cách hiểu thứ hai về bài ca dao này.
Về cách hiểu thứ hai:
Cách hiểu này coi “ai” trong hai câu cuối của bài ca dao không phải là vợ mà là người bạn tình của chàng trai. Nỗi nhớ quê nhà của anh gắn liền với nỗi nhớ người yêu và cả hai nỗi nhớ đều chân thực, tha thiết, đó là nội dung trực tiếp được thể hiện để qua đó, chàng trai bày tỏ tình yêu với người bạn gái. Đôi trai chú ý đến nhau nhưng chưa một lần thổ lộ, tình yêu của họ đang buổi ban đầu, đầy e ấp, khó nói. Giờ đây, khi sắp sửa xa quê chàng trai mới mạnh dạn gặp cô gái để giãi bày tâm sự. Cách diễn đạt nỗi nhớ, (từ xa đến gần, từ chung đến riêng, từ phiếm chỉ đến xác định) và cách xưng hô (“Anh” – “ai”), chứng tỏ chàng trai rất e dè, thận trọng, dường như vừa nói, vừa thăm dò sự phản ứng của đối tượng. Nhằm mục đích bày tỏ tình yêu, nhưng suốt cả bài ca dao chàng trai ở đây (cũng giống như các chàng trai trong nhiều bài ca dao tỏ tình) đã né tránh, không đụng chạm đến một một từ “yêu” “thương” nào cả. Tất cả sự yêu thương đều dồn vào một từ “nhớ” được nói đi nói lại đến năm lần, mỗi lần một cung bậc, một nội dung khác nhau và càng về sau càng cụ thể, tha thiết. Trong ca dao, nhất là ca dao tỏ tình, việc dùng từ này để nói khái niệm kia, mượn nhớ để nói yêu, mượn giận để nói thương đã trở thành thông lệ quen thuộc.
Nếu coi bài ca dao là lời tâm sự trước lúc đi xa của chàng trai với cô gái thì có một điều đặc biệt đáng chú ý nữa là, chàng trai chưa đi xa mà đã nhớ! Và dường như cô gái cũng thiết tha dò hỏi về điều đó để xem khi xa chàng trai sẽ nhớ những ai. Bốn câu ca dao với năm từ nhớ liên tiếp, chàng trai vừa giải bày được lòng mình, vừa đáp ứng yêu cầu của người bạn.
Nghe câu thứ nhất, tuy nỗi nhớ còn chung, chưa cụ thể, xác định, nhưng chắc cô gái cũng rất yên tâm và chứa chan hi vọng. Vì chàng trai xưng “anh” với cô rất ngọt ngào thân mật. Vả lại ra đi chàng trai vẫn “nhớ quê nhà” là yên tâm vững dạ lắm rồi, vì trong “quê nhà” có cả bản thân cô gái.
Đến câu thứ hai, chàng trai cụ thể hóa nỗi nhớ quê nhà ở câu thứ nhất, rất tự nhiên hợp lí, nhưng chắc chắc cũng làm cho cô gái càng thêm hồi hộp lắng nghe, chờ đợi và theo dõi tiếp. “Canh rau muống”, “cà dầm tương”; những món ăn quen thuộc của quê nhà, mấy ai xa quê mà không thèm, không nhớ. Nhưng chỉ có thế thôi ư?
Sang câu thứ ba: “Nhớ ai dãi nắng dầm sương”, cô gái không thể không liên tưởng đến mình, nhưng không thể hoàn toàn khẳng định chắc chắn, vì ở quê nhà có biết bao người “dãi nắng dầm sương” chứ đâu phải riêng có mình cô? Còn với chàng trai, thì nói như vậy là vừa kín vừa hở? Có thể hoàn toàn yên tâm, nếu cô gái nghe mà đồng tình ưng thuận thì sẽ tiếp tục phát triển thêm, còn nếu cô gái không đồng tình chấp nhận tình cảm của anh thì cũng chẳng sao, anh hoàn toàn có đủ điều kiện để làm chủ bản thân và làm chủ cuộc trò chuyện giữa hai người.
Đến câu cuối cùng chắc chắn đã hoàn toàn hiểu được thái độ và sự diễn biến tình cảm của cô gái nên chàng trai mới dám nói một cách tế nhị nhưng hết sức cụ thể và xác định như vậy: “Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”. “Hôm nao” là cái hôm mà cả hai người đều không thể nào quên được ấy. Nói như vậy là hết sức tài tình, vừa kín đáo, tế nhị vừa có tính xác định và cụ thể cao.
Mỗi cách hiểu đã trình bày và phân tích ở trên đều có chỗ hợp lí và chỗ hay riêng của nó. Nhưng nhìn chung thì cách hiểu thứ hai hay hơn và độc đáo hơn so với cách hiểu thứ nhất.