Có tâm hồn nào lại không rung lên xao xuyến khi chợt nhớ về bóng quê hương, đất nước. Có người nghệ sĩ nào không để riêng một góc tâm hồn mình cho những tác phẩm về nó. Tình cảm quê hương đất nước trở thành một tình cảm vĩnh hằng của muôn đời, muôn người, muôn thế hệ. Viết về đề tài này, nền thơ cổ điển dân tộc đã để lại cho văn học nước nhà những áng thơ hướng tới phần sâu kín, thiết tha và cao đẹp trong tâm hồn Việt Nam, làm rung động bao trái tim người đọc bởi những áng thơ tuyệt diệu và cao khiết của nhiều thi sĩ. Tình cảm quê hương, đất nước trở thành tiếng gọi của trái tim và lương tri con người. Chính những vần thơ viết lên từ đáy lòng bao nhà thơ đã tạo nên điệu tâm hồn đất nước, cho mỗi con người Việt Nam, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương hay những tác giả sau này Nguyễn Khuyến, Tú Xương... đều có những vần thơ làm rung động phần sâu kín nhất trong tâm hồn của nhiều độc giả.
Cho dù dòng chảy thời gian cứ trôi đi khắc nghiệt theo quy luật sự sống, nhưng mãi mãi trong tiềm thức của chúng ta; tình cảm quê hương đất nước luôn trở thành một tình cảm thiêng liêng, mãnh liệt nhất. Hình ảnh quê hương đất nước trong những vần thơ của tác giả trong nền văn học trung đại khiến ta không khỏi bồi hồi xúc động. In đậm trong lòng ta một tình yêu vô bờ về đất nước. Đó là sự gắn bó thương yêu với những cảnh trí tươi đẹp, gần gũi của thiên nhiên và cuộc sông con người. Ta bắt gặp một màu xoan tím, một bến đò ... đầy thương nhớ trong thơ Nguyễn Trãi hay một vầng trăng, một cần trúc ... giản dị trong thơ Nguyễn Khuyến. Tâm hồn bao thi sĩ dường như hòa nhập làm một với từng bức cảnh thân thương trên đất nước quê hương mới có thể viết nên được những vần thơ như vậy. Cảnh sắc ấy có thể gắn liền với bao kí ức thời thơ ấu, đã đi theo và đi suốt trong cuộc đời nhiều nhà thơ, trở thành một ảnh hình để gửi theo sau những vần thơ là cả tiếng lòng của họ.
Nguyễn Khuyến từng được mệnh danh là nhà thơ của quê hương, làng cảnh Việt Nam. Đối với Tam Nguyên Yên Đổ, quê hương đất nước trở thành một phần tâm hồn và trái tim ông. Hình ảnh ấy cũng đã đi vào trong thơ ông với một mối tình thiết tha trìu mến.
Mùa thu là mùa của thi ca. Và với Nguyễn Khuyến, mùa thu chính là niềm cảm hứng sáng tác của ông. Phải chăng cái dịu dàng sâu lắng của mùa thu quê hương đã hòa điệu trong tâm hồn thi sĩ? Ông đã có nhiều bài thơ viết về mùa thu, nhưng tựu trưng và điển hình nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh được viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Ba hồn thu, ba dáng thu, ba sắc thu, nhưng đều gợi lên được cái thần của mùa thu làng quê đất nước, đặc biệt là vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ. Mùa thu trong thơ Tam Nguyên Yên Đổ thường đi từ cảnh rồi giao hòa quấn quyện với lòng người:
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu bóng lập lòe.
Đọc câu thơ ta cứ tưởng chừng đó là cảnh thực bởi Nguyễn Khuyến đã vẽ lên được một bức tranh gần như là máu thịt của cái tình quê bao la rộng mở của Nguyễn Khuyến. Phải có một sự say người, say cuộc sông. Tam Nguyên Yên Đổ mới nhìn thấy một cách tinh vi sự biến chuyển của khoảng không gian bao la vô tận:
Lưng giậu phất phơi màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Cảnh động lên thật khẽ khàng nhưng dường như càng làm tăng thêm cái tĩnh lặng của mùa thu quê nhà. Những buổi chiều như bao buổi chiều khác đọc câu thơ Nguyễn Khuyến ta xúc động đến nao lòng. Làn khói lam chiều ấy bay lên từ những mái nhà ấm áp và thanh bình đến lạ. Làn khói, hương cuộc đời - hương cuộc sống dường như cũng ngại ngùng trước cái se se lạnh của mùa thu nên sẽ sàng đậu lên từng bờ dậu nửa muốn đi, nửa lưu luyến chẳng muốn rời. Bốn chữ “1” liên tiếp trong câu thơ tựa như một chiếc kèn đồng to dần, to dần rồi mở rộng ra xa như ánh trăng cứ lăn tăn theo mặt nước hồ rồi mở rộng ra ở đỉnh điểm cuối cùng trăng vàng rực khắp mặt nước. Không những vậy mùa thu còn in hình của mình trên bầu trời bởi cái màu xanh ngăn ngắt. Dường như sắc màu ấy đã gợi cho Yên Đổ một cái gì mơ hồ, trĩu nặng chất suy tư.
Thu vịnh là một trong ba bài thơ xưa nay vẫn thường được nhắc tới nhiều nhất. Bài thơ thể hiện một trạng thái tâm hồn Nguyễn Khuyến: giản dị sáng trong nhưng vô cùng sâu lắng. Tiềm ẩn sau những dòng thơ, ta bắt gặp cái cao, cái trong của cảnh và sức nặng của tình người. Cảnh thu được mở ra bởi một khung trời vô tận:
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Mở ra giữa không gian có cái vô hạn của nền trời, nhưng lại có cái hữu hạn của cần trúc. Một bức tranh thanh nét, chấm phá đầy sức quyến rũ tựa nét đẹp của một bức tranh cổ điển Trung Hoa. Cái sâu, cái cao như càng được nhân lên, nhân mãi và dáng trúc nhỏ xinh như càng thêm nhỏ bé. Màu trời sâu lắng ấy nhi dồn tất cả vào trong sự mảnh mai mềm mại của cây trúc.
Câu thơ làm ta liên tưởng đến một vần thơ khác của ông:
Tầng mây lơ lửng xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Hai bầu trời - hai khoảng không gian khác biệt nhau. Nếu như ở Thu vịnh với cái vời vợi cao xa tít tắp không mờ ẩn một chút mây thì với Thu điếu bầu trời tuy vẫn có cái xanh cao nhưng điểm xuyết thêm một cái bồng bềnh của từng áng mây lững lờ phiêu dạt. Đối lập lại với không gian kia là một ngõ vắng rợp đầy trúc ít người qua lại. Vần “ắt” ở câu đầu gợi nên được cái sâu thẳm cao xa của nền trời, còn vần “eo” ở câu sau là cái eo sèo đơn lạnh của một ngõ vắng ít người đi. Thu quê còn được Nguyễn Khuyến vẽ ra trong ánh trăng hay trên mặt hồ nhỏ bé của xứ vườn Bùi chốn cũ:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Không gian chỉ man mác một nỗi buồn, một sự cô đơn da diết. Bờ ao nhỏ bé nước trong vắt không gợn. Chẳng thê còn xuất hiện một chiếc thuyền bé nhỏ “tẻo teo”. Không gian như rút ngắn cái độ nhỏ nhoi của con thuyền lại. Cảnh vắng lặng đến không cùng. Những biến chuyển quá đỗi nhẹ nhàng tưởng như là bất động. Cái tĩnh lặng đơn côi. của cảnh làm cho người ta trở về với thực tại của chính mình:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Cảnh động lên một chút khẽ khàng. Nhưng dường như chỉ muốn tôn thêm cái yên lặng của bức tranh thu. Sóng biếc khẽ khàng, chiếc lá vàng rơi khe khẽ. Tất cả tạo nên cái êm nhẹ rất riêng và sâu lắng của mùa thu. Chiếc lá vàng mùa thu hiển hiện trong khoảnh khắc. Bức tranh gợi tả vừa có chiều cao, chiều sâu và kết hợp nhuần nhị giữa cận cảnh và viễn cảnh tạo nên một vẻ đẹp riêng rất thơ và rất tình trong thơ Nguyễn Khuyến.
Không chỉ là nỗi niềm riêng của Tam Nguyên Yên Đổ mà tình yêu quê hương đất nước còn thể hiện rất rõ trong phần thơ của ức Trai - bậc vĩ nhân của thế kỉ XV. Cảnh trí quê hương đất nước Việt Nam thân yêu hiện lên trong từng vần thơ của ông tươi tắn và tràn đầy sức sống:
Cỏ xanh như khói bến xuân tươi,
Lại có mưa xuân nước vỗ trời,
Quạnh quẽo, đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi.
Hiển hiện lên trong mắt ta một bức tranh gần gũi và thương yêu đến lạ. Mùa xuân trong bài thơ dường như đã đạt đến độ chín, độ viên mãn tràn đầy nên có phần mất đi vẻ tươi tắn của những buổi đầu xuân, nhưng vẫn tràn đầy và chan chứa sức xuân trong cảnh.
Trong bức tranh hiện ra một gam màu đậm sắc như chiếm lĩnh toàn bộ bức tranh thiên nhiên. Màu xanh đậm của cỏ như màu khói của hơi nước bốc lên nơi bến trại. Xuân đang hướng lão nhưng không hề tàn lụi. Những tiếng mưa xuân đang nặng dần hạt báo hiệu thời điểm của sự gian nan. Phải nói rằng tâm hồn nghệ sĩ Ức Trai có một cảm quan cuộc sống hết sức tinh tế nên mới lắng nghe được những thanh âm quá đỗi khẽ khàng trong từng bức tranh thiên nhiên. Cảnh như quấn quyện vào nhau lắng nghe hơi thở ấm nồng của mùa xuân muộn...
Sợi dây tình cảm trong ông lại rung lên xao xuyến bởi tiếng gọi thiết tha, giục giã của thiên nhiên, làm bao nỗi buồn trong ông lắng xuống để tâm hồn ông cảm nhận được nét xuân muộn đáng yêu trên quê nhà:
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn,
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.
Tiếng cuốc kêu khắc khoải giữa thinh không kia phải chăng trở thành một sự giao âm, hòa điệu trong tâm hồn Nguyễn Trãi. Âm thanh ấy như vang vọng trong những vần thơ tươi tắn của Ức Trai. Và hình ảnh: “Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan” - màu hoa của quê hương đang rụng rơi đầy bay bay trong những hạt mưa xuân như khơi vào lòng Ức Trai một niềm khao khát giao cảm với đời và sự sống. Màu tím ấy như làm bừng sáng lên cả một khoảng trời xuân.
Tình yêu quê hương đất nước còn gắn liền với tình yêu lịch sử, yêu những trang sử hào hùng và đã từng trải qua trong quá khứ của cha ông ta. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là đạo lí muôn đời của dân tộc. Hôm nay đọc những vần thơ của Ức Trai, chúng ta làm sao không thể không yêu quê hương, đất nước.
Biển lùa gió bấc thổi băng băng
Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng.
Hồn thơ Ức Trai tìm đến với dòng sông Bạch Đằng. Cái lạnh của gió trời dường như đối lập với cái ấm nồng cháy bỏng rạo rực của tâm hồn Ức Trai khi trở về với những bãi chiến trường xa xưa còn mang đậm chiến công của dân tộc:
Ngạc chặt kỉnh băm non bởm chởm
Giáo chìm gươm gãy bãi đăng đăng
Bao khí thế hào hùng được gợi lại trong tâm hồn Nguyễn Trãi như còn mới ở đâu đây. Hôm nay, ngày xưa, cái khoảng thời gian mênh mông vô tận như được Ức Trai rút ngắn lại để hồn người trở lại với quá khứ hào hùng.
Câu thơ đọc lên gợi trong lòng ta cái tĩnh lặng, yên bình của một vùng đất nước. Cảnh sắc kì vĩ, trang nghiêm gợi lên trong ông biết bao nỗi niềm khó tả. Đứng trước trời đất quê hương mà Nguyễn Trãi vẫn cảm thấy mình bé nhỏ với những gì làm nên hôm nay. Trong sự cảm nhận của tác giả còn mang đậm màu sắc chiến sự, bởi Nguyễn Trãi vừa là một nhà thơ vừa là một nhà chính trị đại tài, nhà quân sự kiệt xuất.
Tình yêu quê hương đất nước xét cho cùng cũng bắt nguồn từ tình yêu đối với những người dân. Hình bóng của họ hiện lên qua những áng thơ và từ đó cho các nhà thơ bộc lộ nỗi lòng ước vọng của mình đối với những con người bình dị lam lũ.
Nhân vật trung tâm trong những bức tranh phong cảnh ở the Bà Huyện Thanh Quan chính là con người bé nhỏ:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Có người cảnh thường vui và ấm áp hơn nhưng ở đây hình ảnh như sự xuất hiện của con người làm cho cảnh cũng đìu hiu vắng vẻ và gợi lên trong lòng bà xiết bao nỗi niềm. Nếu như bà Huyện nhìn cuộc sống đượm vẻ úa tàn, thì với Nguyễn Trãi cuộc sống ùa vào trong mắt ông đầy sức sống:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
“Nguyễn Trãi từng mong ước khắp thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu”. Niềm mong ước ấy bật ra thành những vần thơ:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Khác với Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến lại có bao nỗi âu le như một người dân quê thực sự:
Năm nay cày cấy vẫn chân thua
Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa.
Đọc thơ Nguyễn Khuyến ta càng cảm phục, mà kính trọng ông, một “nhà thơ dân tình” cao quí ...
Tóm lại, thời gian có thể làm nhạt nhòa đì tất cả, nhưng những tác phẩm viết về quê hương đất nước Việt Nam, về con người Việt Nam của nhiều nhà thơ cổ điển vẫn sống mãi cùng lịch sử dân tộc, góp phần làm phong phú tâm hồn bao thế hệ.