Trong cuộc sống, nhận thức của con người không ngừng thay đổi, theo thời gian, ngày một tiếp cận gần chân lí. Nhạc sĩ Pháp S. Gunô có lần đã nói: “Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài. Ba mươi tuổi tôi đã nói: Tôi và “Môda”. Bốn mươi tuổi tôi nói: “Môda và tôi”. Còn bây giờ tôi chỉ nói: “Môda”. Cần phải có sự từng trải, con người mới học được bài học khiêm tốn, để ngày một đến gần chân lí, đó là điều S.Gunô muốn nói với chúng ta.
Hiểu theo nghĩa hẹp nhất, câu nói trên đây như là khen ngợi thiên tài Môda. Nhưng thực ra Gunô, nhà soạn nhạc tài ba có tiếng tăm thế kỉ trước, chủ yếu muốn nói đến bài học kinh nghiệm trường đời mà ông đã gặt hái được trong cuộc đời lao động nghệ thuật và suy nghĩ nghiền ngẫm của mình, với bao cố gắng tự vượt mình, tự nâng nhận thức của mình lên. Cùng với tuổi tác, từ “hai mươi” đến “ba mươi” rồi “bốn mươi”, rồi nhiều tháng năm hơn nữa... vị trí của “tôi” và “Môda” qua nhiều lần thay đổi trong nhận thức của Gunô, và cuối cùng đảo ngược lại hoàn toàn ban đầu” “Tôi” độc tôn hợm hĩnh kiêu căng nhường chỗ cho “Môda” một mình ngự trị. Đó cũng là từng bước cái khách quan chân lí thay thế cho cái chủ quan mù quáng. Thời gian, tuổi tác, trường đời từng trải... và sự điềm tĩnh tiếp cận chân lí là những quá trình xảy ra song song trong nhận thức Gunô, mà ông muốn nói đến ở đây. Câu nói độc đáo, giàu ý nghĩa triết lí hóm hỉnh này vì vậy có thể làm bài học kinh nghiệm cho mỗi chúng ta.
Trước hết là một Gunô ở cái tuổi “hai mươi”, như là kiêu căng tự mãn khác thường: “Hồi hai mươi tuổi tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài”. Về mức độ kiêu căng đến mức có thể nói điều đó thành lời như Gunô ở câu này thì có thể ít ai dám làm như thế. Nhưng nếu chỉ xét riêng sự kiêu căng nói chung, thì lại hoàn toàn không hiếm, thậm chí lại là sự thường tình phổ biến. Bởi đó cũng là đặc điểm tự nhiên thường thấy ở tuổi trẻ, đang sắp sửa hoặc mới tập tễnh vào đời, nhất là những người ít nhiều có tài năng. Tuổi trẻ chưa từng trải, chưa được thực tế trui rèn nhào nặn, chưa va vấp, chưa đi nhiều, chưa thấy nhiều... thì chưa biết rằng vũ trụ là vô tận, cuộc đời là vô tận, còn biết bao chân trời hoàn toàn xa lạ, mới lạ. Vì vậy con người tuổi trẻ lại có tài thường tự bằng lòng thỏa mãn với cái mình đã có. Khi đó nếu anh ta gặp phải hoàn cảnh nào đó được ve vuốt mơn trớn tâng bốc... thì sự kiêu căng mù quáng trên kia càng có cơ hội bành trướng hoành hành. Khi đó, anh ta sẽ trở thành kẻ tự tôn tự mãn, chỉ thấy mình cao hơn tất cả, và sẵn sàng phủ định hoài nghi hết thảy” “tôi” là vũ trụ, là trung tâm vũ trụ! Hoặc nói như câu thơ Xuân Diệu trước Cách mạng: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất, không có chi bè bạn nổi cùng ta...” Và thực tế quanh ta cũng không hiếm những trường hợp như thế. Ví như một đứa con được cha mẹ cưng chiều quá mức, một học sinh vừa học khá hơn bạn bè đã vội khinh ngạo... Trong giai thoại văn học còn kể lại câu chuyện về Cao Bá Quát: hồi còn đi học, ông quả là một con người tư chất thông minh nhưng ông cũng tự mãn khinh người ra mặt. Có lần ông nói: “Thiên hạ chỉ có bốn bồ chữ thì ta đã lấy hai rồi, anh ta Bá Đạt và bạn ta Nguyễn Siêu giữ một bồ, chỉ còn có một bồ thiên hạ chia nhau. Về sau ông đã phải nhận bài học thấm thía về câu chuyện chữ nghĩa ấy. Và thế kỉ chúng ta cũng đã từng nghe: có một ban nhạc trẻ ở Tây Âu một thời lừng lẫy tiếng tăm đã vội huênh hoang: “Chúng tôi nổi danh hơn cả chúa Giêsu”. Như vậy câu nói của Gunô chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân ông.
Thông thường, tài năng bộc lộ ngay từ hồi còn trẻ. Họ có quyền tự hào chính đáng. Gunô ở đây cũng có quyền chính đáng như vậy. Nhưng dù tài năng đến đâu, nếu lạm dụng quyền chính đáng ấy cũng sẽ dễ trở thành kiêu ngào đáng ghét. Điều đó cũng thật dễ gặp ở tuổi trẻ. Bởi tuổi trẻ nói chung thường bồng bột, hiếu thắng, chưa va chạm, cọ xát, va vấp với đời, nên dễ chủ quan, tự hào vô lối thành tự mãn, để cái “tôi” trùm lên tất cả. Tuy nhiên, tuổi trẻ còn có những cái hay, những mặt tốt, tích cực. Chẳng hạn sự hăng hái, say mê, giàu nghị lực, sẵn sàng nhiệt tình, dám thách thức trở ngại khó khăn bằng tất cả khả năng của mình... Và nhược điểm vừa nói trên kia cũng có mặt phải của nó: lạc quan, tự tin, khát vọng và say mê chiến thắng. Cùng với thời gian, cuộc sống luôn vận động. Con người cùng với tháng năm, tuổi tác, sự hiểu biết, kinh nghiệm cuộc sống được tích lũy ngày một giàu thêm, phong phú thêm... miễn là anh đừng quay lưng lại với cuộc đời, đừng sống dửng dưng, lười biếng suy nghĩ. Nhưng rõ ràng, con người hiếu thắng, say mê chiến thắng trên kia, với tất cả nhược điểm của nó, cũng xa lạ với mẫu người lười biếng dửng dưng.
Con người Gunô trong câu nói tự bộc lộ là con người như vậy. Trước sự phát triển của xã hội, con người luôn luôn nhận được những thông tin mới, tầm nhìn luôn mở rộng... và do đó nhận thức, suy nghĩ cũng luôn luôn đúng đắn tinh tế dần lên. Đó là quá trình cuộc sống điều chỉnh nhận thức, thông qua sự điều chỉnh của con người, cái gì đúng sẽ được giữ lại, cái gì sai sẽ bị cải chính. Khi ấy, niềm tin tuyệt đối một cách mù quáng vào cái “tôi” chủ quan tự mãn, sai lầm sẽ lung lay. Bản thân cái “tôi” trong câu nói của Gunô, hay trong câu thơ Xuân Diệu đã dẫn trên kia, đã bao hàm sự cô độc đầy chênh vênh mong manh. Mặt khác, khi hiểu biết càng đầy, tri thức càng phong phú, con người sẽ nhận ra những chỗ yếu, cái “sở đoản” của mình. Bởi vì, như người xưa đã đúc kết thành chân lí: con người không ai có thể “Mười phân vẹn mười” (“Nhân vô thập toàn”). Khi đó, nếu như anh ta chưa nhìn thấy cái dở cái yếu của bản thân mình thì ít nhất anh ta cũng sẽ nhận ra cái hay cái mạnh của người khác. Dù chưa thấy cái người ta hơn mình, thì ít nhất cũng thấy cái người ta khác mình... Đó chính là sự trưởng thành. Nói sự chín già dặn đồng hành với tuổi tác chính là như vậy. Ta hiểu vì sao Gunô có những suy nghĩ khác hẳn khi bước sang tuổi trung niên: Ba mươi tuổi tôi đã nói: “Tôi và Môda”.
Theo lôgic diễn đạt trong câu nói của Gunô, có đến bốn bước chuyển trong quá trình nhận thức, thì đây là bước quan trọng nhất. Bởi chính ở bước này, cái “tôi” chủ quan đã phá vỡ chế độ độc tôn duy nhất. Từ đó những bước chuyển kế tiếp đã được mở ra: “Bốn mươi tuổi tôi nói”: Môda và tôi”. Cái “tôi” đã nhượng bộ, mà từ nhượng bộ đến thừa nhận cái khách quan là không mấy khó khăn.
Tuy nhiên, giữa hai bước chuyển này (sang “ba mươi tuổi...” và “bốn mươi tuổi...”) không phải không có khác biệt, và sự khác biệt ấy không phải không đáng kể. Cái “tôi” trong cả hai trường hợp đều có “Môda” cùng song song tồn tại. Nhưng khác nhau là ở trật tự, thứ tự trước sau, hàm nghĩa thứ hạng, đánh giá hơn kém. Đến đây không chỉ là sự nhượng bộ mà còn là sự thừa nhận, thừa nhận chân lí. Cho nên nó giống như một sự giác ngộ, như cách nói nhà Phật. Cái “tôi” chủ quan đã hoàn toàn thần phục cái khách quan. Quãng đường ấy không hề đơn giản nhưng hiểu được. Bởi vì tuổi ba mươi - bốn mươi chưa phải là nhiều nhưng không còn là ít nữa. Con người ở độ tuổi này đã đủ sự chín chắn cần thiết để tự mình có thể soát xét kiểm nghiệm lại mình và tự điều chỉnh. Trong quan hệ với thế giới khách quan, anh ta cũng đã đủ kinh nghiệm để bao quát, quan sát cuộc sống.
Thật là thú vị, người phương Đông xưa cũng có tổng kết tương tự như vậy. Đây là câu cửa miệng của các nhà Nho: “Tam thập nhi lập”. “Tứ thập nhi bất hoặc. Ngũ thập nhi tri thiên mệnh...” Nghĩa là: Ba mươi tuổi là tuổi lập thân. Bốn mươi tuổi thì không nghi hoặc gì nữa (về mình). Năm mươi tuổi thì biết được mệnh trời. “Lập thân” là xác định vị trí cụ thể của mình trong cuộc sống. “Không nghi hoặc gì nữa (về mình)” trước hết là về tài năng trí lực của mình. Còn “thiên mệnh” ở đây có thể hiểu nó đồng nghĩa với chân lí khách quan. Bước chuyển cuối cùng trong nhận thức Gunô chính là nói cái chân lí khách quan ấy: “Bây giờ tôi chỉ nói: “Môda”. Đồng thời qua đó chúng ta còn thấy được một Gunô khác trước hoàn toàn, một Gunô khiêm tốn. “Chỉ có Môda”, Gunô đã kiên quyết xóa bỏ đi cái “tôi” của mình. Đó không phải là sự khiêm tốn kiểu nhún mình giả tạo, mà chính là sự lớn lên đạt độ chín của con người, cả về tuổi tác, và quan trọng hơn là nhận thức chân lí, về đạo đức... và phẩm cách. Từ những lí giải trên đây, ta rút ra được điều gì bổ ích? Trước hết, mỗi người chúng ta cần có lòng tự tin trong cuộc sống, trong học tập và lao động. Nhưng tự tin chứ không phải kiêu ngạo. Tự tin sẽ góp phần mang lại thành công; ngược lại kiêu ngạo sẽ dẫn đến thất bại chắc chắn.
Nhận thức của Gunô hồi hai mươi tuổi quả có cái kiêu căng, tự phụ nhưng mặt nào đó là niềm tự tin, tự hào có phần quá đáng về mình đó thôi. Ta thử đặt giả thuyết, nếu ngay đầu đời, Gunô đã vội nghĩ ra và tin rằng không ai có thể bằng được “Môda”, ông ta có còn là Gunô không, có còn những sáng tạo độc lập thực sự của Gunô hay không? Như vậy, tự tin là một phẩm chất rất cần cho mỗi con người. Nhưng mặt khác ta còn phải rèn luyện đức khiêm tốn. Đó là tình cảm chan hòa gần gũi với mọi người, cao hơn, là lòng tận tụy hi sinh, là ý thức học tập không ngừng để tiến bộ. Càng tài giỏi, càng khiêm tốn.. Trong văn học ta còn có tác phẩm nào xuất sắc hơn “Truyện Kiều”, vậy mà kết thúc tuyệt tác ấy Nguyễn Du lại tự hạ gọi là: “Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh.” Thời đại ta, Bác Hồ chính là tấm gương lớn về lòng tự tin, quả cảm, nhưng chính Bác lại cũng là một mẫu mực về đạo đức giản dị, khiêm tốn.
Tóm lại, câu nói của Gunô cho ta bài học sâu sắc mà tế nhị. Nó nhắc ta chớ vội chủ quan nông nổi khi tự đánh giá chung quanh, nếu không muốn làm “thầy bói xem voi” hoặc rơi vào cảnh “ếch ngồi đáy giếng”. Tự tin và khiêm tốn, đó là hai mặt biện chứng của phẩm chất con người chân chính. Nhưng giữa chúng chỉ có một lằn ranh hết sức tế nhị. Phải luôn luôn quan niệm câu nói của một nhà bác học lừng danh: “Những gì tôi biết chỉ là hạt cát, nhưng những gì tôi chưa biết là cả một đại dương bao la”, từ đó chúng ta xác định con đường tích cực học tập rèn luyện không ngừng vươn lên, tránh thói tự kiêu, tự mãn để thành người tài đức vẹn toàn.