Lincoln được mệnh danh là một trong những tổng thống vĩ đại nhất của nước Mĩ, nhưng khi còn trẻ, ông lại không phải là người khiêm nhường. Sau này, khi đã trở thành một luật sư, Lincoln vẫn không thể thay đổi được tính cách cay nghiệt của mình, khi phê bình hoặc đả kích, ông không hề nể nang ai. Vì tính cách này mà có lần suýt chút nữa ông mất mạng.
Số là có lần, Lincoln đăng một bài báo với nội dung châm biếm, đả kích một người Ireland tên là Shields. Lincoln nói Shields là một kẻ ngông cuồng tự cao tự đại, tính cách thô lỗ, hơn nữa còn hiếu thắng như một con dã thú. Rất nhiều người sau khi đọc bài báo này đều cười nghiêng ngả, khiến. Lincoln rất đắc ý vì mục đích đả kích người khác của ông đã thành công. Tuy nhiên, khi Shields đọc được bài báo này thì vô cùng phẫn nộ, để bảo vệ danh dự của mình, ông ta tìm Lincoln quyết đấu.
Lincoln cảm thấy rất hối hận, nhưng lúc này đã quá muộn, không còn cách nào khác, ông đành phải mang kiếm tới nơi quyết đấu trong tâm trạng thấp thỏm. Cũng may vào phút cuối cùng, một người bạn của Lincoln đã đứng ra ngăn cản, giúp đôi bên giảng hòa với nhau. Sau chuyện này, Lincoln cố gắng thay đổi tính cách của mình, từ đó không bao giờ tùy tiện phê bình người khác nữa.
Sự thay đổi của Lincoln chỉ vì ông sợ chết thôi sao? Không phải vậy, mà bởi vì trong “chuyến đi sinh tử” này, ông đã lĩnh ngộ được một đạo lí: Nếu chưa đến mức vạn bất đắc dĩ thì đừng tùy tiện phê bình người khác. Có người sẽ cho rằng: “Phê bình một chút thì có gì là không được? Làm sai thì phải bị phê bình chứ!” Nhưng, nếu xét trên một góc độ khác: Nếu một người nào đó bất chấp thể diện của bạn, lớn tiếng chỉ trích, phê bình bạn thì bạn có cam tâm tình nguyện chấp nhận lời phê bình đó không?
Chỉ biết oán trách người khác mà không nhìn nhận lại bản thân là bản tính của con người; chúng ta thường nhìn thấy rõ khuyết điểm của người khác hơn là khuyết điểm của bản thân mình. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn không đếm xỉa đến thể diện của người khác, chỉ biết thỏa sức phê bình người khác cho sướng miệng thì quả là một cách làm ngu ngốc; bởi vì như tế không những không giải quyết được vấn đề mà còn gây ra ác cảm từ phía đối phương, khiến sự việc trở nên tồi tệ hơn. Có thể lời phê bình của chúng ta xuất phát từ thiện ý, có thể những gì chúng ta nói là chân lí, nhưng khi đối phương đã nảy sinh tâm lí chống đối thì cho dù là lời vàng ý ngọc cũng chẳng có chút tác dụng gì. Nhà văn người Anh - James từng nói: “Chưa tới ngày tận cùng của thế giới thì Thượng đế sẽ không tùy ý phán quyết nhân loại”. Nếu việc chỉ trích không đem lại được nhiều tác dụng thì chúng ta hà cớ gì phải tùy tiện phê phán người khác?
Nếu bạn muốn vấn để được giải quyết một cách nhanh chóng để người khác tiếp thu ý kiến của bạn, vậy thì hãy mau bỏ thói quen nghĩ gì nói nấy của mình! Hãy cố gắng suy nghĩ trên lập trường của người khác. Người biết vận dụng “nghệ thuật phê bình” mới là người thực sự thông minh.
• Trước khi phê bình người khác, hãy cân nhắc xem những lời của mình có làm tổn thương đối phương hay không?
• Tùy tiện phê bình người khác không thể giải quyết được vấn đề.
• Phê bình quá thẳng thắn là cách tốt nhất khiến người khác ghét bạn.
* Bốn điều cấm kỵ trong nghệ thuật phê bình
1. Lời lẽ gay gắt:
+ Nguyên nhận: Nhìn gương mặt lạnh lùng với những lời lẽ gay gắt của bạn thì làm sao tôi có thể mỉm cười với bạn được?
+ Làm thế nào mới đúng? => Sắc mặt hiền hoà, giao tiếp chân thành lời nói nhã nhặn, như vậy thì còn vấn đề gì mà không giải quyết được?
2. Lớn tiếng trước mặt người khác:
+ Nguyên nhân: Mất mặt trước bao nhiêu người, tôi còn tâm tư nào mà nghĩ đến ý kiến của bạn nữa!
+ Làm thế nào mới đúng? => Việc bất chấp thể diện của người khác chỉ gây phản tác dụng. Hãy trò chuyện với họ bằng thái độ trân trọng, như vậy mới đem lại hiệu quả tích cực.
3. Phủ định sạch trơn:
+ Nguyên nhân: Anh đã phủ định toàn bộ công sức của tôi thì có lý do gì mà tôi lại phải lịch sự với anh?
+ Làm thế nào mới đúng? => Trước tiên hãy khen ngợi, rồi chỉ ra sai lầm. Khẳng định ưu điểm của đối phương, sau đó nêu ra kiến nghị, chắc chắn sẽ thành công.
4. Bới móc sang chuyện khác:
+ Nguyên nhân: Từ chuyện này lại bới sang chuyện khác, cuối cùng là nhắc lại sai lầm cũ, tôi thực sự khiến anh thấy đáng ghét như thế sao?
+ Làm thế nào mới đúng? => Phê bình phải nhằm vào sự việc cụ thể chứ không phải vào con người, đừng để lời phê bình biến thành sự công kích cá nhân, cũng đừng bới móc chuyện cũ, như thế sẽ khiến tình hình ngày càng xấu đi.