Quan hệ giao tiếp với người phải giữ khoảng cách

Thứ hai - 29/11/2021 09:11
Giữa người và người luôn có khoảng cách tự nhiên. Nếu khoảng cách này bị phá vỡ, con người nhất định sẽ bị tổn thương. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta nên có một cái nhìn sáng suốt để duy trì và ứng biến khoảng cách.
Quan hệ giao tiếp với người phải giữ khoảng cách
Có một cô gái thất nghiệp đi đến phía Nam thăm người nhà. Cô ngồi chung với một anh trung niên. Anh này rất nhiệt tình, hòa nhã, nói rằng mình là giám đốc của một Công ty liên doanh với nước ngoài, tới đây để tuyển nhân công, rồi đưa danh thiếp cho cô. Cô gái bèn bày tỏ có ý tới đăng ký thi tuyển. Anh ta hứa đề bạt cô vào vị trí thư ký. Nghe xong câu nói đó, cô gái vô cùng cảm kích, liền xuống xe cùng với anh ta, vào một khách sạn. Vào buổi tối hôm ấy, tất cả tài sản cô mang theo trên người đều bị trộm sạch. Người tự giới thiệu mình là giám đốc là một tên tội phạm lừa đảo.

Kẻ bịp bợm quả là một “chuyên gia tâm lý” lợi dụng nhược điểm tâm lý của người ta, như chuộng danh tiếng hão, nóng vội ăn xổi, tham lam hưởng lạc... áp dụng mánh khoé nhằm vào đánh bóng bản thân, ngụy trang làm người thành đạt, có vị thế, tài chính làm danh thiếp để giăng bẫy, ăn nói phong nhã, hứa hẹn dụ dỗ, lợi dụng những thứ đó làm “phép thôi miên” để lừa bịp. Bởi vậy, chúng ta nói, lơ là dễ tin là trợ thủ tâm lý cho những kẻ bịp bợm, lừa đảo thành công.

Tục ngữ có câu: “Không nên có lòng hại người, không thể thiếu lòng phòng người”. Trong xã hội còn tồn tại những kẻ phạm pháp, “lòng phòng người” là không thể thiếu được, khi tiếp xúc với người lạ phải lùi xa một bước. Đặc biệt đối với thanh thiếu niên tuổi đời chưa nhiều càng nên cảnh giác. Để giữ khoảng cách với người lạ, phải chú ý những điểm sau:
 

1. Không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài

Khi giao thiệp với người lạ, con người thường hay đề cao dáng vẻ bề ngoài, dễ có thiện cảm đối với những người phong độ phóng khoáng, dáng vẻ đàng hoàng. Kẻ lừa đảo giỏi lợi dụng tâm lý hám thích vẻ đẹp bề ngoài mà dùng những đồ hoa mỹ trang trọng đánh bóng bản thân một cách tinh xảo để đi lòe người. Bởi vậy, khi giao thiệp với người lạ cần phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được bị mê hoặc bởi dáng vẻ bề ngoài.
 

2. Không nên “động lòng” trước sự niềm nở của kẻ lạ

Lời nói, cử chỉ niềm nở dễ khiến người ta cảm động. Kẻ lừa bịp cũng nắm được điểm yếu này. Họ giỏi bày tỏ sự niềm nở, làm thân, nhằm tạo lòng tin và ấn tượng tốt để bạn coi họ trở thành người của mình, cuối cùng rơi vào bẫy. Đặc biệt khi người ta rơi vào tình trạng khốn khó hoặc buồn rầu cô đơn, rất mong được hưởng sự đồng tình, quan tâm, giúp đỡ, đó chính là thời cơ tốt cho bọn lừa bịp hành động. Bởi vậy, lúc này phải hết sức đề cao cảnh giác, phải có con mắt “Tinh đời”. Đối với những người niềm nở phải giữ khoảng cách nhất định.
 

3. Đừng tin vào những lời hứa hẹn

Con người ta dễ bộc lộ sự cảm kích, nảy sinh cảm giác tin cậy đối với lời hứa hẹn của người khác. Đây cũng là giữa lúc tâm lý phòng vệ bị mất hiệu lực. Cô gái nhắc đến trong đoạn mở đầu phần này chính là một trong những trường hợp đó. Bởi vậy, đối với những lời hứa hẹn của người mà bản thân không hiểu hết, cần phải có tinh thần cảnh giác. Trong những tình huống gặp nhau tình cờ nói chung, đối với những người mở mồm hứa hẹn thường không thể tin được, sẽ dễ bị mắc lừa.

Đương nhiên, nâng cao tâm lý phòng vệ tích cực không có nghĩa là đóng khung mình lại, đoạn tuyệt giao thiệp với người khác, cũng không nên đến mức “thần hồn nát thần tính”, mắc chứng “nhắc đến hổ là tái mặt”... Chỉ cần khi chúng ta giao thiệp với người lạ bằng nhiệt tình mà không mất khả năng kiểm soát, chân thành mà chẳng dễ tin, như thế những kịch bản lòe bịp của kẻ khác sẽ chẳng có cách nào thực hiện được.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây