Câu chuyện thứ nhất:
Nhớ lại những kinh nghiêm thành công trong quá trình tạo dựng sự nghiệp của mình, doanh nhân nổi tiếng Nhật Bản Kichita Tadao, người sáng lập ra tập đoàn YKK, đã nói rằng: “Trong quan hệ với mọi người, trước tiên cần phải thành thật, có như vậy người khác mới tin tưởng vào bạn. Nếu không làm được điều này, những thành công của bạn chẳng khác nào cây không có rễ, hoa mà không có gốc”.
Khi mới khởi nghiệp, Kichita Tadao làm tiếp thị cho một cửa hàng bán đồ điện loại nhỏ. Lúc đầu, công việc của ông không được thuận lợi, trong một thời gian dài, công việc không có gì khởi sắc. Thế nhưng ông không nản chí, mà vẫn kiên trì làm việc. Một đợt ông tiếp thị một loại dao cạo râu, trong vòng nửa tháng đã bán được cho 20 khách hàng. Nhưng sao đó ông mới bất ngờ phát hiện ra rằng, dao cạo mà ông bán, có giá cao hơn so với mặt hàng cùng loại của những cửa hàng khác, điều này làm cho ông không an tâm. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, ông quyết định nói rõ sự việc với 20 khách hàng, hơn nữa, ông chủ động xin trả lại số tiền chênh lệch giá. Cách làm của Kichita Tadao đã làm cho khách hàng cảm động, không những họ không yêu cầu Kichita Tadao phải trả lại số tiền chênh lệch giá, mà còn đặt thêm một số mặt hàng mới. Nhờ đó, số lượng hàng mà Kitachi Tadao bán được tăng đột biến và Kitachi Tadao được ông chủ cửa hàng khen thưởng.
Công ty đầu tiên mà ông thành lập chỉ có vốn liếng vỏn vẹn 350 yên, sau 70 năm gian khổ phấn đấu, công ty của ông đã trở thành một tập đoàn quốc gia, trải rộng trên phạm vi toàn thế giới.
Câu chuyện thứ hai:
Đối tác của tập đoàn Tam Cửu (Trung Quốc) là một công ty của Pháp. Trong một lần giao dịch, công ty này gửi đến một khoản tiền. Sau khi kiểm tra, tập đoàn Tam Cửu phát hiện đối tác gửi dư ra 80 nghìn France.
Tổng giám đốc Triệu Tân của tập đoàn Tam Cửu yêu cầu nhân viên liên hệ với công ty của Pháp. Mới đầu công ty này không tin, họ cho rằng mình không nhầm, hơn nữa, cho dù có chuyện nhầm lẫn thì bên nhận sẽ không đời nào chủ động liên hệ trước. Sau nhiều lần được tập đoàn Tam Cửu nhắc nhở, phía Pháp mới phát hiện ra mình có nhầm lẫn, lúc đó số tiền dư ra đã được tập đoàn Tam Cửu gởi trả lại. Công ty Pháp vô cùng cảm động, ngay lập tức quyết định mở rộng quan hệ hợp tác, tăng đáng kể số lượng đơn hàng.
Câu chuyện thứ ba:
Khương Vĩ Thao là một doanh nhân thành đạt của tỉnh Cát Lâm ( Trung Quốc), nắm giữ tài sản lên tới hàng tỷ nhân dân tệ. Ông là chủ tịch hội đồng quản trị của một mạng lưới gồm 400 cửa hàng. Khương Vĩ Thao xuất thân từ một thợ mỏ, lúc còn hàn vi, ngay cả việc mua một bao thuốc lá rẻ tiền cũng tiếc, nhưng nhờ có đức tính trung thực nên ông đã gặp nhiều điều may mắn.
Khi mới lập nghiệp, Khương Vĩ Thao bán đồ may mặc cao cấp. Cửa hiệu của Khương Vĩ Thao trưng những bộ quần áo đắt tiền trong những chiếc tủ kính, nhưng có rát ít người đến mua. Mọi người đoán già đoán non “Đây hình như là những hàng giả trôi dạt từ phía nam về”. Những người có tiền thà phải đi xa hơn một chút vào thành phố để mua, chứ không tin rằng những đồ mà anh trưng bày là hàng hiệu. Khương Vĩ Thao nghĩ bụng: “Thực ra không thể trách được người tiêu dùng. Điều này đều do những thương nhân dối trá làm tổn hại đến uy tín của giới kinh doanh. Trước tình hình này, chỉ cần kiên định làm một người thành thực, giữ lời hứa, mình nhất định sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi tình cảnh ế ẩm”. Nghĩ là làm, Khương Vĩ Thao bèn cho dán một thông báo trước cửa hàng:
1. Tất cả các mặt hàng đều không giảm giá.
2. Sau khi mua khách hàng có thể trả lại bất cứ lúc nào, miễn là không làm hư hỏng hàng hoá.
Khương Vĩ Thao cho rằng, giảm giá một cách tuỳ tiện sẽ làm tổn hại uy tín của mình, hơn nữa đây là hành động thiếu trách nhiệm đối với các khách hàng đã mua sản phẩm trước đây. Còn đối với việc khách hàng trả lại hàng một cách vô điều kiện, tuy có tạo nên những tổn thất nhất định về mặt kinh tế, nhưng những ảnh hưởng tốt mà nó đem lại không thể dùng tiền bạc mua nổi.
Tuần đầu tiên, trước cửa hàng của Khương Vĩ Thao thường có một số người hiếu kỳ đứng xem thông báo, rồi chỉ chỉ, trỏ trỏ, cửa hàng chỉ bán được chiếc cà vạt kiểu Quảng Đông. Tuần thứ hai, ông bán được ba bộ quần áo, bị trả lại một bộ. Tuần thứ ba, ông bán được năm bộ, bị trả lại 2 bộ. Một vài tháng sau, lượng hàng bán ra tăng hàng chục lần, lợi nhuận cũng theo đó tăng lên đến mức khó tưởng tượng. Nhờ vào sự thành thực, lần đầu tiên va chạm với thương trường, Khương Vĩ Thao đã gặt hái được thành công đáng kể.
Bạn đọc thân mến! Có vẻ như sự thành thật đã làm cho bạn phải hi sinh những lợi ích đã cầm chắc trong tay, nhưng thực ra, chỉ cần nhìn xa hơn một chút, bạn sẽ thấy rằng những thứ do thành thật đem lại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần; sự thành công do tính thành thật đem lại càng chinh phục lòng người.
Bài học rút ra: Lừa dối chỉ thu được những lợi ích nhất thời mà thôi, không thể có được sự phát triển cũng như những lợi ích lâu dài. Hãy thử nhìn những doanh nhân thành công thực sự, họ đều là những người rất thành thật. Họ lấy sự thành thật để đổi lấy sự tin tưởng của mọi người. Họ lấy thành thật làm châm ngôn trong kinh doanh. Thành thật là nguyên tắc đầu tiên mà những người thành công phải có.