Trong câu nói ấy, người xưa muốn khuyên nhủ chúng ta rằng: Muốn đi tới thành công phải đem hết sức mình ra để nỗ lực làm việc và phải cùng nhau đoàn kết mới được. Thật vậy, ở đời có bao giờ không cố gắng mà lại thành công được? Người học sinh không chịu miệt mài đèn sách thì bao giờ thi đỗ? Người thợ không chịu trau dồi, học hỏi thì có bao giờ thành thợ hay, thợ giỏi? Một dân tộc nô lệ không dám tranh đấu, hi sinh xương máu thì bao giờ đòi được độc lập, tự do?
Nói tóm lại, không thể thành công nếu không cố gắng, song cố gắng nhiều khi chưa đủ mà còn phải đoàn kết nữa. Có đoàn kết thì cố gắng mới thêm sức mạnh, mà sức mạnh của đoàn kết thì không có gì chế ngự nổi. Cố gắng của một cá nhân hay một nhóm người lẻ tẻ thường khi chỉ như một đám bọt bèo sẽ bị vùi dập bởi giống tố, phong ba … vì cố gắng đó chưa đủ mạnh để đương đầu với những trường hợp cam go, gắt gao.
Xem ngay trong một gia đình. Từ cha đến con, ai cũng muốn tậu nhà để khỏi đi ở mướn, muốn nhiều tiền đề đỡ bị cực. Song người cha bê tha, bỏ bê công ăn việc làm, người mẹ luôn luôn bất đồng ý kiến với chồng, nên đâm ra chán nản, con cái thì thờ ơ biếng nhác, ai kiếm được kẻ ấy tiêu, không bảo được nhau. Gia đình này chắc chắn không thành công mà sẽ còn cơ cực, đổ vỡ nữa là khác.
Ở học đường cũng vậy, một cuộc cắm trại cho học sinh, một buổi ca nhạc giúp đồng bào nghèo khó… cần phải có sự cố gắng và đồng tâm hiệp lực của toàn thể nam nữ học sinh trong trường. Nếu ai cũng chểnh mảng, trốn tránh nhiệm vụ chung, rồi khích bác nhau trong sự tập tành, ghen tị nhau trong việc phân công thử hỏi kết quả của những tổ chức ấy có mỹ mãn được không? Chắc chắn là không.
Ở ngoài xã hội cũng không khác. Người cần lao không chịu mang hết sức mình mà sản xuất cho nhiều, cho đẹp, nhà trí thức chẳng chịu đem hết tài năng phụng sự đồng loại, người có của dửng dưng, không chịu đồng lao, cộng lực. Tất cả đã thờ ơ với trách nhiệm lại thêm hằn học nhau, ganh ghét nhau, rồi tư tưởng bất động bày ra những cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Tình trạng ấy giả sử kéo dài thì xã hội ấy chắc chắn và chẳng bao giờ tiến lên được và có thể đi đến chỗ bị tiêu diệt là khác.
Xem vậy, bất cứ ở đâu, bất cứ thời đại nào về trường hợp nào, hễ muốn thành công thì phải có hai liều thuốc quý: “cố gắng” và “đoàn kết”. Không cố gắng và đoàn kết, thì việc lớn, việc nhỏ đều chắc chắn thất bại một các thảm hại, làm cho con người phải thất vọng đau khổ, ê chề.
Trong giai đoạn hiện nay của nước nhà thì lời vàng ngọc kể trên lại càng trở nên vô cùng cấp thiết. Nó phải được ghi sâu vào tâm khảm mọi người dân Việt Nam đang phấn đấu vươn lên trong công cuộc dựng xây đất nước, trước thềm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) để đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã dặn.