Ở một nông thôn nhỏ của nước Nga, có một nghệ nhân làm phỗng đất. Những con phỗng đất của ông rất đẹp và bán rất chạy. Cuộc sống của ông rất khá giả và con trai của người nghệ nhân cũng đã khôn lớn. Ông thấy nó cũng nhanh trí và khéo tay nên ông dạy cho nó cách nặn phỗng đất rồi sau đó, hai cha con ông cùng làm nghề nặn phỗng đất.
Con trai ông rất khéo tay nên không lâu sau đó nó nặn phỗng đất còn đẹp hơn cả bố mình. Lúc đầu, phỗng đất nó nặn chỉ bằng giá nữa giá tiền với những con phỗng đất do bố nó nặn. Sau khi bị bố quở mắng mấy lần, nó nặn phỗng đất cẩn thận và tỉ mỉ hơn. Rồi dần dần, phỗng đất của nó nặn bán chạy hơn cả của bố nó. Phỗng đất của bố nó chỉ bán được 2 rúp 1 con, trong khi của nó bán được 3 rúp 1 con. Thế nhưng những lời quở trách của bố vẫn không giảm đi chút nào. Ông luôn không hài lòng về những con phỗng đất của con trai mình nặn ra, ông chê chỗ này có khuyết điểm chỗ kia còn chưa được. Người con trai nặn phỗng đất ngày càng chú tâm và chịu khó hơn trước.
Bây giờ, những con phỗng đất người con trai nặn ra đẹp hơn trước rất nhiều. Giá cả cũng vì thế không ngừng tăng lên. Những con phỗng đất của ông bố thì vẫn giống như trước, 2 rúp một con, trong khi đó phỗng đất của người con trai đã tăng lên 4 rúp một con rồi sau đó lại tăng lên 5 rúp, 6 rúp, 8 rúp, và cuối cùng là 10 rúp một con. Thế nhưng, ông bố vẫn tỏ ra chưa hài lòng về đứa con trai của mình. Ông thường bới móc những khuyết điểm của những con phỗng đất mà người con trai nặn, con này thì mắt to mắt bé, con kia thì hai vai không cân, móng tay bé quá nhìn không thấy…
Một hôm, người con trai bực tức nói:
- Tại sao bố cứ cố tình tìm ra những khiếm khuyết của những con phỗng đất mà con nặn vậy? Những con phỗng đất bố nặn cũng có thể tìm thấy không dưới 20 khiếm khuyết. Sao bố không tự xem lại, phỗng đất bố nặn đến nay vẫn chỉ bán được 2 rúp một con, trong khi những con phỗng đất do con nặn thì bán đến tận 10 rúp một con mà mọi người còn tranh nhau mua. Con cảm thấy rằng những con phỗng đất do con nặn chẳng có khiếm khuyết gì cả, không cần phải chỉnh sửa nữa.
Ông bố, nhìn cậu con trai buồn rầu nói:
- Con trai những điều con nói bố đều biết hết, nhưng những lời nói ấy, đều do con nói ra cho nên bố cảm thấy rất buồn và thất vọng. Bố biết rằng từ nay về sau giá cả những con phỗng đất con nặn sẽ không bao giờ cao hơn 10 rúp.
- Tại sao vậy ? cậu con trai ngạc nhiên hỏi.
Ông bố nhìn con trai với vẻ mặt nghiêm nghị:
- Làm một nghệ nhân nếu tự cho rằng tay nghề của mình là tuyệt đỉnh rồi thì khó có thể nâng cao tay nghề lên được nữa. Điều đó có nghĩa là con sẽ dừng lại ở đó không thể nào tiến bộ thêm. Khi nào con tự mãn thì lúc đó tay nghề của con sẽ dùng lại ở đó. Ngày xưa cũng có một lần bố tự thoả mãn với tay nghề của mình và từ ngày đó trở đi phỗng đất mà bố nặn chỉ bán được 2 rúp một con và chưa bao giờ vượt qua mức giá này.
Bài học rút ra: Chúng ta phải luôn luôn học hỏi, không ngừng tìm hiểu, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để ngày một tiến bộ hơn và không bị lạc hậu trước cuộc sống hiện đại. Học, học nữa, học mãi – đó là chân lý.