Nghị luận xã hội về hiện tượng gian lận trong thi cử

Thứ bảy - 18/05/2024 09:57
Môi trường sư phạm và nơi học đường luôn có nhiều vấn đề nổi cộm nhận được sự quan tâm của toàn dư luận trong mọi thời đại khác nhau.

Nghị luận xã hội về hiện tượng gian lận trong thi cử - Bài làm 1

Môi trường sư phạm và nơi học đường luôn có nhiều vấn đề nổi cộm nhận được sự quan tâm của toàn dư luận trong mọi thời đại khác nhau. Một trong số đó phải kể đến hành vi gian lận trong thi cử của học sinh hiện nay.

Một thực trạng đáng lo ngại đó là trong những kì thi, những giờ kiểm tra trên lớp xảy ra rất nhiều trường hợp các bạn học sinh giấu tài liệu mang vào phòng thi để chép bài với nhiều thủ thuật khác nhau từ tài liệu chép bài trên lớp, tài liệu photo rồi thu nhỏ đến các thiết bị công nghệ như điện thoại di động, tai nghe không dây,… Bên cạnh đó, tình trạng học sinh lén lút bàn luận, trao đổi bài khi giám thị không để ý cũng không phải hiếm thấy. Dù tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng buồn cho thấy ý thức của các bạn học sinh ngày càng đi xuống.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận trong thi cử này trước hết là do ý thức chủ quan của các bạn học sinh tuy lười học, không có ý thức vươn lên nhưng vẫn muốn được điểm cao, bị bệnh thành tích. Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc đến đó là do áp lực từ phía gia đình và thầy cô giáo, nhà trường luôn muốn con em cũng như học sinh của mình đạt điểm cao, có thứ hạng cao để có thành tích xuất sắc.

Hậu quả của việc gian lận trong thi cử là hình thành thói quen xấu, ỷ lại, dối trá cho các bạn, làm ảnh hưởng đến quá trình làm tạo lập tính cách của các bạn. Việc gian lận thi cử còn khiến cho các bạn học sinh không nắm chắc kiến thức bài học, tạo lỗ hổng tri thức. Bên cạnh đó, hành động này còn tạo ra “thành tích ảo” khiến các bạn học sinh tưởng rằng mình không cần chăm chỉ học tập cũng có được thành tích như thế.

Để khắc phục tình trạng và hậu quả này, trước hết bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử. Gia đình cần dạy dỗ các bạn đức tính trung thực, không tạo quá nhiều áp lực cho các bạn và không đặt nặng bệnh thành tích. Nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe học sinh của mình.

Mỗi cá nhân học sinh cũng như mỗi người có liên quan cùng có trách nhiệm, ý thức trong việc tự giác học tập và trung thực trong thi cử sẽ giúp cho thế hệ học sinh không chỉ bây giờ mà còn các thế hệ mai sau có đức tính tốt đẹp và có ý chí nỗ lực vươn lên trong học tập.
 

Nghị luận xã hội về hiện tượng gian lận trong thi cử - Bài làm 2

Trường học là ngôi nhà thứ hai dạy bao điều tốt đẹp cho con người. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều tiêu cực trong nhà trường ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của học sinh, trong đó phải kể đến hiện tượng gian lận trong thi cử. Gian lận trong thi cử là việc học sinh vi phạm quy chế thi cử, làm những việc bị cấm như: mang bài vào phòng thi, sao chép, trao đổi bài, v.v. những tiêu cực mà chúng ta phải tẩy chay, phê phán. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do ý thức chủ quan của học sinh, nhiều em còn lười học, chưa có ý thức học tập nhưng vẫn muốn đạt điểm cao, mắc bệnh thành tích. Tuy nhiên, một phần khác là do đề thi dài, khó do giáo viên và gia đình tạo áp lực về học lực nên các em phải tìm mọi cách đạt điểm cao để làm hài lòng mọi người. Gian lận trong thi cử tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng thực tế lại có tác động và hậu quả vô cùng to lớn đối với học sinh. Thứ nhất, nó tạo cho bạn những thói hư, đức tính xấu, sẵn sàng gian lận để đạt điểm cao, ảnh hưởng đến quá trình làm người của bạn. Cũng chính từ hiện tượng này mà hình thành nhiều thành tích ảo, điểm số không còn đánh giá đúng năng lực của học sinh. Để môi trường học đường tốt hơn, học sinh có điều kiện phát triển hơn, trước hết bản thân mỗi học sinh cần có ý thức tự giác học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử. Ngoài ra, gia đình nên dạy trẻ đức tính trung thực, không tạo áp lực cho trẻ và không quá coi trọng thành tích. Bên cạnh đó, các trường ra đề thi hợp lý, phổ biến quy chế thi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe. Hãy chung tay xây dựng một môi trường học đường tích cực, tốt đẹp, loại bỏ những mặt tiêu cực và hiện tượng gian lận trong thi cử để trở thành một công dân tốt trong tương lai, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.
 

Nghị luận xã hội về hiện tượng gian lận trong thi cử - Bài làm 3

Hiện nay, khi xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cũng là lúc có nhiều vấn đề nổi cộm nổ ra nhận được sự quan tâm của toàn dư luận. Một trong số đó phải kể đến hiện tượng gian lận trong thi cử của học sinh hiện nay.

Một hiện trạng dễ dàng nhận thấy là trong những kì thi, những giờ kiểm tra xảy ra rất nhiều trường hợp các em học sinh giấu tài liệu mang vào phòng thi để chép bài bị giáo viên, giám thị bắt được và nhắc nhở. Bên cạnh đó là việc các bạn học sinh lén lút bàn luận, trao đổi bài trong giờ học, giờ thi khi giám thị không để ý. Nghiêm trọng hơn nữa là có những trường hợp học sinh mang thiết bị công nghệ cao như điện thoại, tai nghe không dây,… để tra cứu đáp án.

Nguyên nhân của hiện tượng gian lận trong thi cử này không thể không nhắc đến đầu tiên là do ý thức chủ quan của chính các bạn học sinh: vì lười học, không có ý thức học tập nhưng vẫn muốn được điểm cao hoặc bị bệnh thành tích mà đâm ra quay cóp, gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến nguyên nhân khách quan là do thầy cô ra đề thi khó và dài, bao quát hết mọi chương trình học và mở rộng, nâng cao ra khỏi chương trình. Một nguyên nhân nữa phải kể đến đó là việc nhà trường, thầy cô tạo áp lực cho các bạn học sinh về thành tích.

Hậu quả của việc gian lận trong thi cử để lại cho các bạn học sinh là vô cùng to lớn, trước hết, nó tạo ra thói quen xấu, đức tính xấu cho các bạn, làm ảnh hưởng đến quá trình làm người. Bên cạnh đó là việc các bạn học sinh không nắm vững kiến thức bài học mà chỉ chăm chăm vào việc mang “phao” vào trong phòng thi.

Để khắc phục tình trạng gian lận trong thi cử, trước hết, bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử. Bên cạnh đó, gia đình cần dạy dỗ con em mình đức tính trung thực, không tạo áp lực cho các em và không đặt nặng bệnh thành tích. Ngoài ra, nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe.

Mỗi người một hành động nhỏ nhưng cùng chung tay với sẽ tạo ra ý nghĩa lớn, lan tỏa được thông điệp lớn lao. Để đẩy lùi hiện tượng gian lận trong thi cử, chúng ta cần chung tay xây dựng một thói quen học tập thật tốt và rèn luyện đức tính trung thực cho bản thân để trở thành một người chủ nhân thực thụ của đất nước.
 

Nghị luận xã hội về hiện tượng gian lận trong thi cử - Bài làm 4

Trung thực là một đức tính quan trọng cần phải có của mỗi con người, đặc biệt đối với học sinh, đức tính đó càng quan trọng và phải được đặt lên hàng đầu. Giáo dục để đào tạo ra những người trung thực và sáng tạo là hai đức tính thực sự cần thiết trong quá trình hội nhập với thế giới.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là hiện nay một bộ phận học sinh đang dần đánh mất đi sự trung thực trong học tập và thi cử. Để đáp ứng những đòi hỏi của một nền giáo dục hiện đại, hơn lúc nào hết, vấn đề này cần phải được nhìn nhận và bàn luận một cách nghiêm túc.

Một con người sống trong xã hội với đồng bào, đồng loại cần nhiều đức tính: lòng khoan dung, nhân ái, tin tưởng, hòa hợp, vị tha… và quan trọng nữa là lòng trung thực. Trung thực là ngay thẳng, thật thà. Người có thái độ trung thực là người trước một sự việc luôn có thái độ đúng đắn, phản ánh một cách chân thực, đúng với sự thật, không làm sai lạc đi. Thiếu trung thực trong cuộc sống chính là thái độ không tôn trọng sự thật, vì một mục đích nào đó mà có thể gây ra những hậu quả không tốt. Trong học tập và thi cử, thiếu trung thực là thái độ gian lận để đạt được những kết quả không đánh giá đúng thực lực của mình; là việc coi trọng điểm chác mà bỏ qua những kiến thức thực của bản thân, Một học sinh quay cóp trong giờ kiểm tra, nhìn bài bạn, chép bài của bạn để đạt điểm cao; các nhà giáo dục vì chạy theo thành tích mà không quan tâm đến chất lượng thực của học sinh, để cho tình trạng quay cóp, tình trạng ngồi nhầm lớp diễn ra.,. Đó là những biểu hiện tiêu biểu của thái độ thiếu trung thực trong thi cử.

Mấy ai tin rằng gian lận thi cử chỉ xảy ra vào năm 2006 và chỉ ở vài ba trường thuộc tỉnh Hà Tây?. Và mấy ai có thể khẳng định rằng, đằng sau những sự thiếu trung thực trong thi cử đó chúng ta đang phải đối mặt với biết bao những nạn học giả, bằng giả, làm suy thoái chất lượng nền giáo dục cũng như chất lượng đội ngũ trí thức nước nhà?.., Người học thiếu trung thực trong thi cử có thể do nhiều lý do: Học trò lười, nhưng lại muốn đạt điểm cao trong các kì kiểm tra, kì thi, dẫn đến gian lận. Cũng có những người tuy có học nhưng lại không tự tin với những gì mình có, không tự chủ được bản thân cộng với tư tưởng đánh đồng: với những hiện tượng đang diễn ra xung quanh nên vẫn quay bài. Cũng có cả những nguyên nhân khách quan là những áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc cha mẹ đều muốn con cái mình giỏi giang mà không hề quan tâm đến thực lực của con cái khiến chúng phải “oằn” mình gánh lấy ước mơ của cha mẹ. Khi bản thân không thể tự lực thì đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của gian lận. Căn “bệnh thành tích” cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tình trạng học giả, chất lượng học tập đồng đều giả vẫn còn đang diễn ra phổ biến trong xã hội.

Thiếu trung thực trong thi cử, nền giáo dục nước nhà nói chung và bản thân mọi người học nói riêng phải đứng trước những tác hại, hậu quả nghiêm trọng. Người học không phải bằng thực lực của bản thân sẽ không có kiến thức để có thể tự tin bước vào đời. Nó khiến cho học sinh trở nên phụ thuộc, coi thường tri thức và ý nghĩa của việc học tập, đôi khi là tự huyễn hoặc vào chính bản thân mình nên khi bắt gặp những môi trường đòi hỏi gắt gao, chân thực thì sẽ không thể đáp ứng được và bị đào thải là điều không thể tránh khỏi. Gian lận trong thi cử kéo theo sự mất công bằng trong xã hội, không đánh giá đúng thực lực con người. Những kẻ chủ nghĩa cơ hội, gian lận trót lọt thì đạt được những kết quả cao trong khi người học hành vất vả nhưng nhiều khi kết quả lại không được như mong muốn.

Từ đó dẫn đến hậu quả làm cho những người có chí, có tinh thần học tập đích thực dễ bị nản chí. Những kẻ dựa vào luồn cúi, gian dối để có được kết quả cao lại tiếp tục vươn lên những vị thế cao hơn trong xã hội. Tri thức đất nước vì thế mà có khả năng ngày cảng bị xuống cấp. Thiếu trung thực trong thi cử cũng làm cho chất lượng giáo dục giảm sút, mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà cũng như không có khả năng để khẳng định mình cùng với thế giới.

Chỉ có trung thực trong học tập và thi cử thì mới có thể nhìn nhận đúng năng lực, phản ánh đúng kết quả học tập của bản thân người học từ đó có hướng phấn đấu phù hợp. Để có thể đem lại sự trung thực trong giáo dục đòi hỏi sự hợp tác của mỗi cá nhân, của toàn xã hội. Mỗi học sinh cần phải ý thức một cách đầy đủ về vai trò của việc học tập bằng chính năng lực của mình để có thể đứng vững trong xã hội, phải thấy được rằng những thành quả có được do gian lận chỉ là những thành quả mang tính tạm thời, bề ngoài, khi phải đối mặt với khó khăn thực sự và những đòi hỏi gắt gao của cuộc sống thì họ sẽ không thể có đủ tự tin để vượt qua. Ý thức sâu sắc được việc học thật, thì thật là một điều cần thiết để từ đó mỗi chúng ta có một thái độ học tập nghiêm túc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây