Chủ đề 2. MẠNG MÁYTÍNH VÀ INTERNET
Bài 2. Tìm kiếm thông tin trên website
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Kiến thức
- Tìm kiếm thông tin phù hợp trên website.
- Chia sẻ thông tin với các bạn trong nhóm.
2. Năng lực
- Tìm được trên website cho trước những thông tin phù hợp và có ích cho nhiệm vụ đặt ra.
- Hợp tác, chia sẻ được thông tin với các bạn trong nhóm để hoàn thành công việc được giao.
3. Phẩm chất
Chăm chỉ, hợp tác, có tinh thần làm việc nhóm.
B. CHUẨN BỊ
GV: Tìm kiếm và sưu tầm địa chỉ một số website có thông tin phù hợp với lứa tuổi HS lớp 5 và cấp Tiểu học; thiết bị lưu trữ di động USB; đăng kí một hộp thư điện tử, một tài khoản mạng xã hội để có thể sẵn sàng trình chiếu các thao tác gửi và chia sẻ thông tin cho HS xem; máy chiếu, bài trình chiếu về nội dung bài (nếu có).
C. GỢI Ý CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC CHỦ YẾU
I. Hoạt động khởi động
Mục tiêu của Hoạt động khởi động là nêu vấn đề và dẫn dắt HS vào tình huống cụ thể trong bài, đó là tìm kiếm thông tin về Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi trên website của báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Chủ đề tìm kiếm và website tìm kiếm đều quen thuộc với HS tiểu học.
Câu hỏi: “Theo em, các bạn sẽ tìm kiếm thông tin như thế nào?” là vấn đề đặt ra với HS. Sau khi nêu vấn đề và dẫn dắt, GV đặt câu hỏi này cho cả lớp để các em trao đổi, thảo luận, đưa ra các phương án khác nhau.
1. Tìm kiếm thông tín trên website
Hoạt động 1: Truy cập website
Mục tiêu |
Tiến hành |
Kết quả |
Chú ý |
HS định hình được, mô tả được, nói ra được cách mà các em thường xem thông tin trên các trang web và cũng là cách mà theo các em bạn An nên làm. |
Chia lớp thành các nhóm (nhóm 3 hoặc nhóm 5 - 6 HS).
Các nhóm thảo luận để tìm ra câu trả lời.
GV chọn một vài nhóm đại diện trình bày kết quả và có thể hỏi thêm tại sao các em lại cho rằng bạn An nên làm theo cách đó.
GV tổng hợp kết quả. |
- Sản phẩm là câu trả lời sau khi thảo luận nhóm.
- HS cho rằng bạn An làm theo cách nào không quan trọng, quan trọng là các em nêu ra lí do chọn.
Thường thì các em sẽ chọn và nêu lí do theo cảm tính, theo thói quen mà mình hay làm. |
Thời gian cho hoạt động 8 - 10 phút. |
1.1 Hoạt động đọc
Nội dung đoạn văn bản sẽ cho các em biết về cách sắp xếp thông tin trên website và những tính năng mà website hỗ trợ người sử dụng tìm kiếm và xem thông tin. Từ đó các em biết có hai cách tìm kiếm thông tin trên website là tìm kiếm theo chủ đề và tìm kiếm bằng công cụ tìm kiếm do website cung cấp. Các kiến thức đó được minh hoạ cụ thể bằng website của báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, giúp các em dễ dàng tiếp thu.
GV cũng có thể liên hệ và nhắc lại kiến thức mà HS đã học ở lớp 3. Đó là nội dung Sắp xếp để dễ tìm. Thông tin trên các website đã được sắp xếp rất khoa học, hợp lí để hỗ trợ người sử dụng tìm kiếm một cách dễ dàng và tiết kiệm thời gian. Cách tìm kiếm theo các chủ đề của website chính là cách tìm kiếm theo cách sắp xếp, vì thế sẽ nhanh chóng và hiệu quả.
GV cũng có thể nêu ra các ví dụ tìm kiếm cụ thể trong đời sống để minh hoạ. Ví dụ khi em đến trường tiểu học để tìm bạn, em sẽ tìm theo cách nào?
- Cách 1: Em vào bất kì một phòng học nào để tìm, không thấy bạn em lại đi tìm tiếp ở các phòng khác.
- Cách 2: Em biết bạn học ở lớp 5A, em xem sơ đồ vị trí các phòng học ở cổng trường, em biết phòng học của lớp 5A là ở dãy nhà B, tầng 2, phòng 205. Em đi đến đúng phòng đó để tìm bạn.
Với ví dụ cụ thể trên, HS sẽ biết ngay nên tìm theo cách nào sẽ nhanh hơn. Qua đó, các em học được cách suy nghĩ trước khi hành động. GV hướng các em đến bài học trong thực tế là: khi cần thực hiện một công việc, giải quyết một vấn đề, các em nên suy nghĩ, tìm cách giải quyết vấn đề một cách khoa học, hiệu quả, tiết kiệm thời gian.
Qua Hoạt động 1 và hoạt động đọc, khi truy cập một website bất kì, các em sẽ biết cách tìm kiếm, khai thác thông tin một cách khoa học, hợp lí chứ không thực hiện một cách cảm tính như trước đây.
1.2. Chốt kiến thức
HS cần ghi nhớ hai cách tìm kiếm thông tin trên website là duyệt theo các chủ đề và sử dụng công cụ tìm kiếm của website.
1.3. Câu hỏi củng cố
Đáp án: D.
Sau khi HS chọn phương án, dù đúng hay sai, GV cĩing nên nhấn mạnh lại cách tìm kiếm thông tin trên website theo chủ đề, có thể theo các bước sau:
- Duyệt tên các chủ đề của trang web.
- Xác định xem thông tin cần tìm thuộc chủ đề nào. Ví dụ: Vì Bóng đá là một môn thể thao nên các thông tin liên quan đến Bóng đá sẽ được sắp xếp trong chủ đề Thể thao.
2. Hợp tác, chia sẻ thông tin
Hoạt động 2: Hợp tác, chia sẻ thông tin
Mục tiêu |
Tiến hành |
Kết quả |
Chú ý |
HS suy nghĩ, tìm cách chia sẻ thông tin dựa vào những kiến thức mà các em biết và dựa vào tình hình thực tế. |
Chia lớp thành các nhóm (nhóm 3 hoặc nhóm 5-6 HS).
Các nhóm thảo luận trả lời câu hỏi.
GV chọn một vài nhóm đại diện trình bày kết quả.
GV tổng hợp kết quả. |
Sản phẩm là các câu trả lời sau khi thảo luận nhóm.
Câu trả lời sẽ tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của HS. Có em biết cách gửi thông tin qua thư điện tử, gửi qua các trang mạng xã hội. Có em biết cách sao chép vào các thiết bị lưu trữ di động. Nói chung, sẽ tuỳ thuộc vào việc các em quan sát cách người lớn xung quanh mình làm như thế nào. |
Thời gian cho hoạt động 8-10 phút. |
2.1 Hoạt động đọc
Đoạn văn bản nêu các cách chia sẻ, trao đổi thông tin lưu trên máy tính trong điều kiện gia đình, trường học của HS có đầy đủ máy tính, mạng, khả năng truy cập Internet. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, các em sẽ chọn được cách chia sẻ, trao đổi hiệu quả nhất.
Nếu HS không có điều kiện sử dụng máy tính để làm bài trình chiếu, GV có thể nêu các cách chia sẻ thủ công như chép thông tin ra giấy, chuyển cho bạn, bạn sẽ tổng hợp từ bản viết tay của các bạn rồi trình bày trên bảng cho cô giáo và các bạn nghe. Đó cũng là chia sẻ, trao đổi và trình bày thông tin, đó cũng là làm việc nhóm để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, điều quan trọng là các em cần trao đổi, thống nhất với nhau để tìm ra cách phù hợp nhất. Việc cùng nhau thảo luận và đồng ý với nhau cách tiến hành mới chính là điểm quan trọng để các em hoàn thiện kĩ năng làm việc nhóm và hoàn thành công việc được giao.
2.2 Chốt kiến thức
HS cần biết: Muốn chia sẻ được thông tin thì cần trao đổi và thống nhất với nhau cách làm và trong thực tế có nhiều cách khác nhau để trao đổi thông tin.
GV ghi ngắn gọn, tóm tắt kiến thức mới. HS có thể ghi nội dung này vào vở.
2.3 Câu hỏi củng cố
Đáp án: A, B, C.
Câu hỏi này cũng là một cách gián tiếp cho các em biết việc trao đổi, chia sẻ thông tin rất đa dạng và có nhiều cách. Ở bất cứ trường hợp nào cũng có thể tìm ra cách hiệu quả.
Có thể một số HS sẽ chọn nhầm cả phương án D. GV có thể giải thích cho các em biết phương án D cũng là một cách trao đổi thông tin, tuy nhiên thông tin lưu trên máy tính (là thông tin số hay cụ thể là các loại tệp) thì không chia sẻ theo cách gọi điện thoại được.
3. Thực hành tìm kiếm thông tin trên website và chia sẻ thông tin
Qua hai nhiệm vụ được hướng dẫn cụ thể từng bước, mỗi HS hoặc một nhóm HS sau khi TH xong sẽ có đủ sản phẩm, hoàn thành được nhiệm vụ đã đặt ra ở mục tiêu và Hoạt động khởi động của bài học. Đó là tìm kiếm được thông tin trên website, lưu lại những thông tin tìm được, chia sẻ thông tin trong nhóm để có đủ thông tin cho bài trình chiếu về Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi.
GV nên nhấn mạnh một lần nữa về sự giống nhau và khác nhau của việc tìm kiếm thông tin trên Internet mà HS đã được học ở lớp 4 với việc tìm kiếm thông tin trên website bằng công cụ tìm kiếm.
- Giống nhau là cùng tìm kiếm bằng từ khoá và cách làm là nhập từ khoá vào ô tìm kiếm.
- Khác nhau ở phạm vi tìm kiếm (phạm vi trong một website và phạm vi trên Internet).
3.1 Luyện tập
Hình 14 là giao diện website của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
a) Địa chỉ website là nchmf.gov.vn.
b) Các chủ để thông tin trong website là: Giới thiệu, Thời tiết, Khí hậu, Thuỷ văn, Hải văn, Phân vùng rủi ro thiên tai, Khoa học & Công nghệ, Kiến thức KTTV, Dịch vụ KTTV.
c) Vị trí của công cụ tìm kiếm thông tin trên website là ở phía trên, bên trái, cạnh hình cờ đỏ sao vàng. Nháy chuột vào biểu tượng chiếc kính lúp, ô tìm kiếm sẽ xuất hiện để người sử dụng nhập từ khoá tìm kiếm.
3.2 Vận dụng
GV có thể dành một khoảng thời gian cuối giờ TH để HS thực hiện việc truy cập vào website nchmf.gov.vn, tìm kiếm thông tin, chọn thông tin và ghi lại thành các tệp trên máy tính.
GV có thể đánh giá theo từng phần công việc mà HS thực hiện được (xác định được từ khoá, tìm được thông tin, ghi lại được thông tin thành tệp).
Tuỳ thuộc vào từng địa phương mà GV có thể gợi ý cho HS những website khác để tìm kiếm thông tin, ví dụ các website giới thiệu về các địa danh du lịch, giới thiệu về địa phương,... Khi được tìm hiểu về nơi HS đang sống, các em sẽ thấy hứng thú hơn.
D. MỘT SỐ LƯU Ý VÀ KIỂN THỨC BỔ SUNG
Nhiệm vụ đặt ra trong bài là truy cập website của báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng để tìm kiếm thông tin về Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi chỉ là một ví dụ minh hoạ cụ thể. Tuỳ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng lớp, từng trường, từng địa phương, hay tuỳ thuộc vào thời gian dạy học (có thể có các sự kiện liên quan đến văn hoá, du lịch của địa phương) mà GV có thể chọn chủ đề tìm kiếm khác, trên những website khác để HS TH. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các chủ đề và website lựa chọn phải phù hợp với đối tượng HS tiểu học (cụ thể là HS lớp 5).
Nếu GV chọn giới thiệu website khác thì cần truy cập và xem thật cẩn thận thông tin trên các website đó trước khi lên lớp để đảm bảo không có các thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực đến HS khi các em truy cập và tìm kiếm thông tin.
Việc truy cập, đọc thông tin trên website nói chung (kể cả người lớn) cũng vẫn theo cảm tính, chưa theo đúng cách tiếp cận, cách tìm kiếm khoa học. Vì vậy, kĩ năng này các em cần TH nhiều mới tạo thành thói quen.