I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Trong cuộc sống, mọi người thường nói đến quan hệ nhân - quả (Nhân nào thì quả nấy, Gieo gió gặt bão, Ở hiền gặp lành), nghĩa là mình ăn ở, cư xử với người xung quanh thế nào thì sẽ thu về một kết quả tương xứng như thế.
- Quan niệm trên đã phản ánh đúng thực tế trong cuộc sống hay chưa? Tại sao xung quanh ta còn nhiều kẻ ác mà không bị trừng trị, nhiều người ở hiền mà lại không gặp lành? Vì vậy, vấn đề này cần được phân tích kĩ trên nhiều mặt.
2. Thân bài:
* Thế nào là: Ở hiền gặp lành?
- Nếu ta đối xử tử tế với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác lúc khó khăn thì sẽ được đền bù xứng đáng bằng những điều tốt lành.
a. Thực tế cuộc sống có diễn ra như điều khẳng định trên đây không? Có hai khả năng:
+ Thuận: Nhiều người ở hiền đã gặp lành. Đó là điều dễ hiểu bởi nếu đối xử tử tế với bà con, cô bác, bạn bè,... thì mọi người sẽ có cảm tình với mình và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết.
+ Nghịch: Không phải bao giờ cuộc sống cũng đúng quy luật như trên. Không ít người ở hiền mà lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Ngược lại, có nhiều kẻ xấu xa, độc ác mà vẫn sống đầy đủ, sung sướng. Tại sao?
- Vì xã hội vốn phức tạp, những thế lực hắc ám và bọn người làm ăn bất chính vẫn còn tồn tại. Ai cũng có thể là nạn nhân của chúng - trong đó phần lớn lại là người hiền.
- Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, văn minh nhưng việc cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đòi hỏi phải có thời gian lâu dài. Phải phấn đấu rất nhiều mới biến được ước mơ đó thành hiện thực.
- Hơn nữa, nếu chỉ ở hiền thôi thì chưa đủ khả năng tạo ra cuộc sống sung sướng mà còn cần phải lao động giỏi và có những năng lực khác...
b. Trước tình hình trên, chúng ta có nên ở hiền hay không?
- Dù thực tế có khi phũ phàng (kết quả không tương xứng), ta vẫn nên ở hiền bởi đó là quan điểm sống nhân ái, mang đến cho tâm hồn sự thanh thản (giúp được mọi người là niềm vui lớn). Lòng tốt thường có tác dụng thức tỉnh, thuyết phục, giáo dục kẻ xấu.
c. Cần hiểu theo nhận thức và quan điểm đúng đắn về chữ hiền.
- Hiền không phải là im lặng, né tránh, nể nang, thậm chí làm ngơ trước cái xấu, cái ác. Không phải đối với bất cứ ai chúng ta cũng ở hiền. Đối với những kẻ bất lương, xã hội phải có biện pháp giáo dục, trừng trị.
- Người hiền cũng là người biết đấu tranh quyết liệt chống cái ác để bảo vệ cái thiện.
3. Kết bài:
- Câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” khuyến khích chúng ta sống theo truyền thống nhân ái, hướng thiện. Đó là một phương châm xử thế tích cực, dù có khi tạm thời cái tiêu cực đang lấn át và người lương thiện thường bị thua thiệt.
- Chúng ta cầu mong cho tất cả những người ở hiền đều gặp lành, nhưng cũng phải nhận thấy các diễn biến phức tạp trong thực tế để tránh hụt hẫng, bi quan. Mỗi chúng ta không những cần hướng thiện mà còn phải kiên trì đấu tranh để nhân rộng cái thiện.
II. Bài văn mẫu
Trong cuộc sống, nếu chúng ta biết làm những việc tốt thì sẽ gặp được sự may mắn trong tương lai. Đó là lời khuyên trong câu tục ngữ: “Ở hiền gặp lành”. Trong lớp em, nhiều bạn rất thích câu này. Câu nói nhắn nhủ rằng nếu chúng ta có một tấm lòng tốt, đối xử tử tế với những người xung quanh thì điều may mắn tốt lành sẽ đến với chúng ta.
Nhưng không phải ai ở hiền cũng gặp lành và lúc nào kẻ ác cũng bị trừng trị. Do đó ý nghĩa của câu tục ngữ Ở hiền gặp lành vẫn tiếp tục được đưa ra bàn cãi. Trong cuộc tranh luận ở lớp, em cũng đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.
Đại đa số người hiền đã gặp lành. Điều này vừa hiển nhiên, vừa có tính quy luật. Khi chúng ta mang hết tấm lòng nhân hậu, tốt đẹp ra để đối xử với những người xung quanh thì mọi người sẽ quý mến chúng ta. Khi chúng ta gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, mọi người sẽ mở rộng vòng tay dìu dắt, nâng đỡ. Chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa dòng người, dòng đời. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên đáng yêu hơn và có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn có một số trường hợp tuy ở hiền nhưng lại rơi vào hoàn cảnh khốn đốn, vất vả, hẩm hiu, trơ trọi.
Ngược lại, có nhiều kẻ bất lương, đểu giả, độc ác lại có một cuộc sống sang giàu. Tại sao lại có sự bất công như thế? Hiện nay đất nước ta đang trên con đường phát triển, xã hội hãy còn phức tạp. Có những kẻ làm ăn không chân chính, gây thiệt hại cho người hiền lành và cho đất nước. Chẳng hạn như những kẻ buôn lậu, làm hàng giả, buôn bán ma túy và các chất gây nghiện khác. Ngoài ra, còn có bọn cướp giật rất đáng lên án. Địa bàn hoạt động của chúng là đường phố hoặc những nơi đông người. Nhiều người hiền lành là con mồi ngon của bọn chúng. Hành vi của chúng có khi còn gây chết người một cách thảm khốc...
Do đó, chúng ta cần phải phấn đấu xây dựng một xã hội ngày càng công bằng, văn minh. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để làm thay đổi bộ mặt một xã hội, tiêu diệt cái xấu, xây dựng cái mới. Các Mác nói rằng “Hạnh phúc là đấu tranh” nên người hiền muốn có hạnh phúc, xã hội muôn tốt đẹp thì phải đấu tranh với cái xấu một cách quyết liệt, kiên trì biến ước mơ thành hiện thực. Hơn nữa, chúng ta chỉ ở hiền thôi thì chưa đủ điều kiện tạo ra cuộc sống sung túc.
Chẳng hạn, chúng ta suốt ngày ở hiền mà lao động chưa đạt năng suất cao, trình độ văn hóa còn hạn chế thì cũng không mang lại hạnh phúc thật sự. Bởi thế hiền chỉ là một phạm trù thuộc về đạo đức, phạm trù này cần kết hợp với tài năng mới có thể phát triển tích cực lâu dài. Dù trên thực tế, chúng ta “ở hiền” mà có lúc phải lãnh hậu quả cay đắng, nhưng chúng ta không vì thế mà từ bỏ cách sống “ở hiền”.
Đây là một nhân sinh quan cao đẹp, hướng tới cái “chân - thiện - mĩ” rất đáng được học tập. Mặt khác, “ở hiền” sẽ giúp cho tâm hồn chúng ta lúc nào cũng thanh thản vì giúp ích được mọi người. Đây còn là một trong những nguyên nhân giúp chúng ta giữ gìn tuổi trẻ và làm tăng cao tuổi thọ. Vả lại, lòng tốt của chúng ta đôi lúc lại có khả năng thức tỉnh, có thể cảm hóa được con người, giáo dục những kẻ xấu, những người sa chân lỡ bước.
Bạch Hải Đường là một tên cướp khét tiếng dưới chế độ cũ. Chính quyền thời đó không thể nào khuất phục được tên cướp này. Nhưng với tấm lòng độ lượng, khoan dung, thấu hiểu và chia sẻ, một đại úy cảnh sát đã cảm hóa được đối tượng này và Bạch Hải Đường đã ra đầu thú với chính quyền cách mạng. Cũng chính người cảnh sát này và chính quyền mới đã khơi dậy lương tâm của Bạch Hải Đường, giúp đối tượng hòa nhập với cuộc sông mới, trở thành người có ích cho xã hội.
Không riêng gì Bạch Hải Đường mà nhiều tên cướp hung ác khác dưới chế độ cũ cũng được lòng tốt của mọi người cảm hóa. Tuy nhiên, không phải đối với hoàn cảnh nào, đối với bất kì ai ta cũng “ở hiền” đối với những kẻ cướp nước, bán nước, chúng ta phải đoàn kết đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, càng sớm càng tốt. Còn những kẻ bất lương, phản bội, cơ hội, chúng ta phải có biện pháp giáo dục và trừng trị một cách thích đáng.
Ở bất kì xã hội nào, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác luôn diễn ra một cách gay go, quyết liệt, từng phút, từng giờ. Nhưng cuối cùng cái thiện luôn giành thắng lợi. Do đó, chúng ta hãy khuyến khích mọi người “ở hiền gặp lành” để cho tâm hồn trong sạch và cho cuộc sống chúng ta luôn đầy ắp tiếng cười, cho cây đời đời mãi xanh tươi.