Từ sự chuyển biển sâu sắc trong tình cảm của chàng thanh niên tiểu tư sản trong bài thơ Từ ấy (Tố Hữu), suy nghĩ về ranh giới của lòng yêu thương giữa người với người

Thứ tư - 03/02/2021 10:14
Có một tình cảm sẽ mãi mãi tồn tại cùng với sự trường tồn của loài người: tình yêu thương. Yêu thương là một tình cảm không biên giới, là động lực thôi thúc người thanh niên tiểu tư sản trong Từ ấy của Tố Hữu tự nguyện dấn thân vào cuộc chiến đấu với kẻ thù:
Từ sự chuyển biển sâu sắc trong tình cảm của chàng thanh niên tiểu tư sản trong bài thơ Từ ấy (Tố Hữu), suy nghĩ về ranh giới của lòng yêu thương giữa người với người
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn dầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...

Có một thực tế là trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Nhưng “từ ấy”, từ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản, nhà thơ không chỉ có được lẽ sống mới mà còn vượt qua tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình thân yêu ruột thịt. Bằng cách đồng nhất bản thân mình trong các vị trí con, em, anh trong đại gia đình quần chúng lao khổ, tác giả đã nhấn mạnh, khẳng định tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết.

Hơn khi nào hết, Tố Hữu đã ý thức sâu sắc bản thân mình là một thành viên của đại gia đình ấy. Để rồi, trước những kiếp người đau khổ, bất hạnh, những kiếp lao động vất vả, dãi dầu mưa nắng, trước những bé em không nơi nương tựa, phải lang thang vất vưởng, nay đây mai đó, trong nhà thơ đã bùng cháy lên ngọn lửa của lòng căm giận. Không căm giận sao được trước bao bất công, ngang trái của cuộc đời cũ? Và càng căm giận, chàng thanh niên tiếu tư sản lại càng hăng say hoạt động cách mạng, để giành lấy tự do, ấm no, hạnh phúc cho những cô gái giang hồ (Tiếng hát sông Hương), cho chú bé đi ở (Đi di em), cho ông lão khốn khổ (Lão đầy tớ), cho em bé bán bánh (Một tiếng rao đêm)...

Đọc đoạn thơ trên, chúng ta lại thấy thêm ấm lòng bởi một lần nữa truyền thống nhân đạo, yêu thương con người của dân tộc Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ. Thời điểm Từ ấy ra đời cách nay đã ba phần tư thế kỉ nhưng rõ ràng tình cảm cao đẹp của chàng trí thức tiểu tư sản vẫn lay động mỗi chúng ta rất nhiều. Đáng buồn là trong xã hội hiện nay, khi sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng trở nên sâu sắc, thì tình cảm yêu thương giữa người với người ít nhiều đã ít nhiều bị vật chất hóa hay biến dạng... Nhiều người không còn yêu thương thật lòng, nhiều người lại lấy tiền bạc làm thước đo tình cảm, nhiều người đánh mất lòng yêu thương trong mình vì vàng, vì xe cộ... Thế nên mới xảy ra nhiều và liên tiếp như thế những vụ án mạng kinh hoàng, chỉ để cướp vàng, cướp xe, cướp tiền... Mà xót xa hơn, tác giả của những hành động man rợ ấy phần đông là đám thanh niên, thậm chí một số còn ở tuổi vị thành niên.

Trước thực tế đó, lời thơ của Tố Hữu là tiếng chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta, đánh thức trong chúng ta tình cảm yêu thương, sự gắn bó, hòa hợp phi ranh giới giữa người với người. Yêu thương không giới hạn, hòa nhập tận độ với thế giới loài người, đó là cách tốt nhất để con người có thể duy trì sự sống. Vậy thì lòng yêu thương cần thiết phải được vun đắp trong mỗi người, bất kể sự chia cách của giai cấp, màu da... Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ngân nga điệp khúc: Hãy yêu nhau đi, Hãy yêu nhau đi...
 
Lê Tấn Đắc
Trường THPT Hai Bà Trưng, Huế
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố năm 2013

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây