Truyện này thuộc Nhóm truyện kể về những con vật hoang dã thường là đối tượng săn lùng giữa những con vật đó, hoặc đối tượng săn lùng của con người. Gút của truyện chính là sự săn lùng để thoả mãn nhu cầu của cuộc sống, để tránh sự hiểm nguy. Và mở của truyện chính là sự thông minh, nhanh nhẹn đầy mưu mẹo của những con vật bị săn đuổi đó. Con cá vàng, một nhân vật siêu nhiên trọng truyện là biểu tượng của lòng biết ơn và của lẽ công bằng theo luật nhân quả trong cuộc sống.
II. Cũng như một số truyện khác, phần đầu truyện giới thiệu nhân vật trần thế, và sự gặp gỡ của nhân vật này với nhân vật siêu nhiên. Đó là ông lão nghèo sống bằng nghề đánh cá cùng với người vợ trong căn lều nát ở trên bờ biển. Tất nhiên lão phải đi biển mỗi ngày để kiếm ăn. Một hôm, sau ba lần kéo lưới lão mới bắt được con cá vàng. Con cá xin tha mạng và sẽ đền ơn. Lão thả con cá, cầu trời phù hộ cho nó, và không quên cho nó biết rằng “Ta không có gì cả, ta cũng chẳng cần gì”. Tình huống gặp gỡ thần kì giữa con cá vàng là biểu tượng của thế giới siêu nhiên với ông lão là đại diện của thế giới thực, cũng như mụ vợ cục cằn, tham lam của ông. Cái gút được đưa ra là “đền ơn... muốn gì cũng được” của con cá vàng, “không đòi gì cả” của ông lão, và sự cộc cằn, tham lam của mụ vợ. Để mở cái gút này, người kể đã dùng phép tăng tiến dần, cho xuất hiện các tình huống từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều để đưa đến mở toàn bộ nút thắt.
Tình huống đầu tiên là ông lão đem câu chuyện gặp con cá vàng kể cho mụ vợ nghe. Nghe xong, mụ mắng và đòi một cái máng cho lợn ăn. Ông lão ra biển gọi cá vàng lên và cầu mong cá vàng giúp ông. Cá vàng giúp vợ chồng lão có cái máng. Được cái máng rồi, mụ vợ lại mắng ông ngu, sao không “đòi một cái nhà rộng”. Đòi được cái nhà rộng rồi mụ lại muốn là “một bà nhất phẩm phu nhân”. Được làm vợ của quan nhất phẩm trong triều đình mụ vẫn chưa chịu. Mụ đòi “làm nữ hoàng”. Đã từng bắt lão quét chuồng ngựa, mụ còn “tát vào mặt lão”. Các sự việc xảy ra theo độ tăng tiến càng lúc càng lộ rõ lòng tham vô đáy và tính tình hung dữ, bội bạc của mụ. Mụ tham giàu có và cũng hám danh. Mụ hành xử tàn nhẫn và bội bạc cả với người chồng tận tuy chiều lòng vợ.
Với cá vàng thì sao trước những đòi hỏi của mụ vợ lão chài? Lúc đầu thì “biển gợn sóng êm ả”. Có lẽ cá vàng nhận ra yêu cầu có được cái máng để nuôi lợn là điều hợp lí. Nhưng khi biết mụ yêu cầu có toà nhà đẹp thì “biển xanh đã nổi sóng”. Càng về sau thì biển xanh càng “nổi sóng dữ dội”. Điều ấy biểu hiện cá vàng càng lúc càng phật lòng vì nhưng đòi hỏi vô lí, vì lòng tham vô đáy, và sự đối xử tệ hại của mụ vợ với người chồng. Hết bắt chồng “quét dọn chuồng ngựa” lại dứt lòng “đuổi đi” khỏi nhà chưa kể đến bao lần đánh mắng.
Rồi cá vàng lại gặp ông lão hiền từ, nghe ông bảo rằng “mụ muốn làm Long Vương ngự trên mặt biển, để bắt cá vàng phải hầu hạ mụ và làm theo ý muốn của mụ”.
Chúng ta đã biết từ cái máng cho đến chức vụ nữ hoàng là do cá vàng, hình ảnh tượng trưng của thế giới siêu nhiên ban cho. Người được cá vàng đền ơn là ông lão đánh cá hiền từ. Mụ vợ của lão chỉ là người được thụ hưởng, là kẻ ngồi mát ăn bát vàng. Từ một kẻ đền ơn, từ vị trí của người ban tặng, cá vàng trở thành kẻ “phải hầu hạ mụ và làm theo ý muốn của mụ”. Mụ đã thể hiện lòng tham không đáy cả về của cải đến quyền lực, và sẵn lòng làm bất cứ điều gì để đạt cho được tham vọng ấy mà không hề nghĩ đến tài đức của mình. Còn đối với cá vàng thì đòi hỏi của mụ đã xúc phạm đến lòng tốt, danh dự của mình. Và có lẽ cá vàng cũng nghĩ đến mụ ta là vợ của lão nên khi nghe lão than thở thì “cá vàng không nói gì, quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển” mà không có một lời nói, không có biểu hiện gì như những lần trước. Thay vì phải trừng trị kẻ đã xúc phạm mình, cá vàng đã lấy lại tất cả những gì đã nhớ ơn cứu mạng của lão mà ban tặng cho mụ vợ của lão để những mong lão được sống yên thân.
III. Ông lão đánh cá và con cá vàng là một truyện cổ khá hấp dẫn nhờ những chi tiết thần kì siêu nhiên giao hoà với đời sống thực. Các tình huống diễn tiến theo trục thời gian và phép tăng tiến làm lộ rõ tính cách của từng nhân vật. Tiêu biểu cho hiền từ và nhu nhược là ông lão đánh cá, còn mụ vợ là hình ảnh của kẻ tham lam, độc ác. Cả hai đều là nguyên nhân của sự nghèo lại hoàn nghèo.
Đấy là bài học cho bất cứ ai thiếu kiên quyết, không biết dùng lòng tham đúng lúc trong việc khai thác quà tặng của thiên nhiên. Sự cạn kiệt tài nguyên do cái thói “được voi đòi tiên”, “ăn cháo đá bát” của mụ vợ, và sự không kiên quyết của lão đánh cá chẳng là bài học giá trị cho con người hôm nay sao?!
* Ghi chú:
- Truyện cổ tích thường khuyết danh, riêng truyện này do nhà văn thơ Nga A.Pu-skin kể lại.
- Thuộc loại truyện cổ thần kì, nhân vật thần kì là loài cá (động vật).
- Thể hiện lòng biết ơn người nhân hậu (ông lão đánh cá).
- Trừng trị kẻ tham lam, bội bạc (mụ vợ ông lão đánh cá).
- Nghệ thuật kể giao hoà các sự việc siêu nhiên với hiện thực theo phép tăng tiến.