Phân tích bài thơ: Cây chuối của Nguyễn Trãi

Thứ năm - 16/07/2020 06:23
Trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Trãi là một trong số những người toàn tài, xưa nay hiếm. Ông là một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, đồng thời cũng là một nhà văn, một nhà thơ có tầm cỡ kiệt xuất, vĩ đại. Riêng ở lĩnh vực thơ, có thể nói Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập viết bằng chữ Nôm đã đặt nền móng cho thơ ca tiếng Việt. Trong tập thơ nói trên, người đời sau thường chú ý nhiều đến phần Hoa mộc môn tả các loại cây và các loại hoa. Trong số này, không thể không nói đến bài thơ Cây chuối được viết theo thể thất ngôn chen lục ngôn sau đây:
Phân tích bài thơ: Cây chuối của Nguyễn Trãi
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.

Trước hết điều lý thú đáng ghi nhận ở đây là Nguyễn Trãi không những chỉ viết bằng chữ Nôm mà quan trọng hơn là ông viết về loại cây dân dã, gần với cuộc sống bùn đất quê mùa. Như nhiều người đều biết, thơ cổ không thiếu những bài tả về hoa lá, cây cối, nhưng thường chỉ tập trung miêu tả một số cây “cao sang” quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai. Dường như phải đến Nguyễn Trãi, những loại cây cối “tầm thường” kia mới được hiện diện trong thơ ca. Như vậy có nghĩa, tuy cùng viết về thiên nhiên (như không ít nhà thơ thời phong kiến khác), nhưng hướng khai thác của Nguyễn Trãi đã có sự cách tân so với những cây bút cùng thời. Bài thơ Cây chuối, giúp ta hiểu thêm về con người Nguyễn Trãi. Nếu qua Bình Ngô đại cáoQuân trung từ mệnh tập… người đọc biết một Nguyễn Trãi anh hùng, yêu nước thiết tha, thì qua bài Cây chuối ta thấy thêm một Ức Trai nhạy cảm, đa tình và trẻ trung. Tuy bài thơ có nhan đề là Cây chuối và cả bốn dòng thơ đều nói về cây chuối, nhưng không phải là bài thơ tả cây chuối đơn thuần mà thực chất là một bài thơ tình, bộc lộ một cái nhìn trẻ trung tươi mát, đầy lãng mạn của nhà thơ trước tạo vật. Có thể nói, bao trùm bài thơ là cảm hứng về tình yêu nồng thắm.

Lâu nay, đã có nhiều cách hiểu khác nhau về bài thơ này. Để tránh có những suy diễn đáng tiếc, thiết tưởng trước hết phải hiểu đúng câu chữ của bài thơ. Bài Cây chuối có thể diễn Nôm như sau: Bén khí hậu thời tiết của mùa xuân, cây chuối vốn đã tươi tốt, nay lại tốt tươi thêm. Cũng nhờ hơi xuân ấy, buồng chuối đẹp lạ lùng tựa hồ như tỏa hương thơm quyến rũ suốt đêm… Mùa xuân, nhìn những đọt chuối non còn cuộn lại chưa nở, thi sĩ tưởng tượng như một bức thư tình còn phong kín. Nhà thơ muốn nhờ một làn gió xuân thổi tới, gượng nhẹ giúp cho đọt chuối - bức thư tình kia mở ra xem…

Ở đây cần phải lưu ý, một mặt, Nguyễn Trãi có những cách tân khiến cho bài thơ có giá trị độc đáo, nhưng mặt khác, nhà thơ vẫn không thể hoàn toàn thoát ra khỏi những quy phạm của thi pháp văn học trung đại. Có lẽ không nên hiểu cây chuối ở đây phải là một cây chuối cụ thể “tả thực" nào, và đang ở vào một mùa xác định nào trong năm. Và “hơi xuân” cũng không phải chỉ có ba tháng mùa xuân (chuối không trổ buồng vào mùa xuân). Cố nhiên có nhiều cách hiểu về mây từ “đầy buồng lạ”; “buồng” là phòng của người thiếu nữ, phòng của thi nhân hay là buồng chuối. Theo giáo sư Bùi Văn Nguyên, một chuyên gia về Nguyễn Trãi, tự dạng (dạng chữ Nôm) của chữ buồng trong bài thơ là chữ buồng chỉ buồng chuối, buồng cau (khác với chữ buồng chỉ căn buồng, buồng the, khuê phòng).

Vậy mở đầu bài thơ, Nguyễn Trãi có lẽ cho người đọc cảm nhận về một cây chuối biểu tượng. Do có được sức xuân, tình xuân tiềm tàng từ bên trong nên khi gặp được “hơi xuân”, cây chuối càng thêm tươi tốt. Xuân Diệu trong khi bình bài thơ này đã lưu ý người đọc lý giải tại sao Nguyễn Trãi không viết “lại tốt thêm” mà viết ”tốt lại thêm”, ông cho rằng: “Lại tốt thêm" thì có bề dung tục, không đủ trân trọng đối với chủ từ của câu, chẳng qua theo đà, theo thời mà thêm tốt, bớt tốt, còn “tốt lại thêm” tức là vốn cái tốt đã là bản chất rồi. Ngay từ lúc bén hơi thì tốt thêm. Đây thật là những lời bình tinh tế, sâu sắc. Khi nói đến mùa xuân Nguyễn Trãi nhấn mạnh đến “hơi xuân”, sức xuân nét tiêu biểu, đặc thù của nó chứ không cốt ghi nhận ở phương diện thời gian.

Đến câu thứ hai, tác giả miêu tả đặc điểm của cây chuối. Đây là loại cây có buồng “Đầy buồng lạ” và kỳ diệu hơn là hương thơm của buồng chuối ngào ngạt, quyến rũ suốt đêm. Nhà thơ Quang Huy cho rằng: “Nghĩ cho cùng, quả chuối kể cũng lạ. Nó không giống bất cứ một thứ quả cây nào dù mơ hay mận, dù là cau hay bưởi… Đến như cách xếp đặt quả chuối thành nải thành buồng như vậy cũng kỳ lạ nốt. Mặc dù quả chuối rất gần gũi và thân quen với mỗi chúng ta, nhưng Nguyễn Trãi vào lúc ấy đã sửng sốt: “Đầy buồng lạ”, chính là như vậy". Tìm ra cái lạ trong sự vật đã quá quen nhàm: đó là tư chất của nghệ sĩ.

Nhưng sức nặng của bài thơ là ở vào hai câu cuối cùng:
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.

Có lẽ khi viết những câu này, Nguyễn Trãi đã được gợi ý từ một vế cầu đối “Thư lai tiêu diệp văn do lục” (Thư viết trên lá chuối gửi đến lời văn còn xanh). Cho dù sự phán đoán trên đây là đúng thì công lao của Nguyễn Trãi cũng rất lớn. Từ cách diễn đạt của người xưa, Ức Trai sáng tạo ra một hình tượng vừa chân thực vừa mới mẻ. Bằng cái nhìn tinh tế rất nghệ sĩ, Nguyễn Trãi thấy tàu lá chuối kia như là một bức thư tình còn đang phong kín, chứa chất trong đó bao ngọt ngào ân ái và e ấp của một tình yêu buổi đầu trao gửi còn rất đỗi ngập ngừng. “Phong còn kín” vừa nói được sự trắng trong vừa nói được ý e lệ, giữ gìn.

Ôi, người anh hùng Nguyễn Trãi nhìn một cái đọt chuối mà tưởng tượng ra một phong thư, một bức thư tình trai gái viêt cho nhau. Người ta thường nói, thi sĩ là “giống hữu tình” là “nòi tình” quả là đúng với trường hợp của tác giả bài thơ Cây chuối này.

Nhưng tình tứ hơn nữa là câu cuối cùng. Câu kết bài thơ kết lại bằng 6 chữ: “Gió nơi đâu gượng mở xem”, dùng thủ pháp nhân hóa thể hiện liên tưởng nghệ thuật rất nghệ sĩ. Đọc câu này, ta có thể hình dung: Gió xuân từ nơi xa thổi đến, như một bàn tay run rún và hồi hộp vì xúc động, gió gượng nhẹ, mơn man và khẽ khàng trân trọng mở dần dần bức tình thư kia… Cảm nhận bài thơ như một chỉnh thể, chúng ta có thể nghĩ đến cây chuối và gió xuân cũng như cô gái và chàng trai. Chàng trai say mê, trẻ trung nhưng cũng rất ý nhị, tinh tế. Cô gái thì trinh trắng và e ấp… Hai câu thơ nói trên ít nhiều cũng có yếu tố tả thực: đọt chuối non đang vươn dần lên, đang mở dần ra trong gió xuân. Nhưng điều quan trọng hơn là Nguyễn Trãi đã gửi vào đó cảm hứng tươi mát của một khách đa tình mà tao nhã.

  Ý kiến bạn đọc

  • VŨ ĐỨC HƯƠNG
    MỘT CÁCH BÌNH CHÚ BÀI THƠ "CÂY CHUỐI"
    CỦA THI NHÂN NGUYỄN TRÃI
    CÂY CHUỐI
    Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
    Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
    Tình thư một bức phong còn kín
    Gió nơi đâu gượng mở xem.
    Bài thơ Cây chuối của thi nhân Nguyễn Trãi đã được nhiều người quan tâm và bình chú, nhưng rất khác nhau.Lã Nhâm Thìn trong cuốn Thơ nôm đường luật(NXB Giáo dục,1998)cho rằng đây là cây chuối còn non;Nguyễn Trãi viết chữ "buồng" đã có đến ba cách hiểu,"buồng là buồng chuối,là phòng khuê ( của người con gái)và phòng văn( của thi nhân).Còn chữ "mầu" đã có ít nhất hai cách giải thích: "mầu" là mùi và "mầu" là mầu nhiệm.Bài thơ Cây chuối không phải là bài thơ thiên nhiên mà là tình yêu tuổi trẻ trong trắng, thanh tao; có thể liên tưởng cây chuối- người con gái đẹp; gió xuân-chàng trai. Hà Văn Thùy trong bài Nghi án quanh bài thơ Cây chuối đăng trên phụ bản báo Văn nghệ số 7+8 ( tháng 1,2- 2004)lại cho rằng đối tượng bài thơ của thi nhân Nguyễn Trãi là bụi chuối và bài thơ này tả cảnh.
    Tại sao giữa các tác giả cùng bình chú một bài thơ Cây chuối mà lại có sự khác nhau đến như vậy? Cái đúng, cái hay và cái độc đáo đáng trân trọng của bài thơ này là như thế nào? Để trả lời cho hai câu hỏi này ta hãy đi tìm hiểu từng câu một.
    Câu 1.Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
    Về nghĩa đen:Cây chuối do gặp rồi ngấm hơi xuân, yếu tố tinh tế, có thể coi như chất men hay chất xúc tác kích thích cây phát triển, thêm mỡ màng và tươi tốt thêm.
    Về nghĩa bóng câu này giống với câu tục ngữ "Gái phải hơi trai như Thài lài phải cứt chó". Về khía cạnh tác dụng, hơi xuâni và hơi trai giống nhau.Hơi xuân kích thích Cây chuối tốt lại thêm; còn hơi trai làm cho người con gái đã xinh đẹp lại xinh đẹp hơn. nghĩa bóng của câu 1 là người đàn bà gần người đàn ông thì cái "tốt " vốn có được nhân thêm lên.
    Câu 2: Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
    Về nghĩa đen có thể hiểu câu này theo hai cách, nhưng cùng một kết quả.
    Cách thứ nhất:Khi Cây chuối chửa, trong thân xuất hiện một một cái buồng chứa cuống hoa và phôi hoa.Buồng này không có tên, nên được gọi là" buồng lạ". buồng lạ bị phôi hoa bịt kín ở phía trên, nên ở bên trong luôn luôn tối, mầu thâu đêm là vậy.
    Cách thứ hai:Cần nhận ra mệnh đề đầu của câu thơ này đã được tác giả nói lái. Câu 2 nói lái sẽ là" Là buồng đậy mầu thâu đêm. Buồng đã bị đậy bằng phôi hoa thì không có ánh sáng lọt vào, nên bên trong luôn luôn tối.Mầu thâu đêm là vậy.
    Về nghĩa bóng của câu 2, để hiểu được cần nhận ra tác giả đã nói lái cả hai mệnh đề.Câu này nói lái sẽ là "Là buộng đầy mầu đâu thêm.".Tiếng "buộng là nói lớ của tiếng buộm. Chửa buộm là chửa hoang.Cho nên, câu 2 nói lái và nói lớ, có thể hiểu là "Là chửa hoang đích thị Mầu".Đến đâycó thể hiểu nghĩa bóng của câu 2 là người đàn bà không chồng mà chửa.
    Câu 3: Tình thư một bức phong còn kín:
    Khi Cây chuối chửa, vào giai đoạn cuối có một đọt lá cuối cùng mọc lên, báo hiệu cho sự kiện này.Đọt lá cuối cùng vào thời gian đầu nó cuộn lại,được ví như bức thư của người đàn bà chửa hoang viết mà không gửi. Mà gửi để làm gì ! Ai nhận mà gửi! Bởi việc chửa hoang là một việc phạm vào quy phạm đạo đức, nhất là trong xã hội phong kiến, ai phạm còn phải nộp phạt cơ mà!
    Câu 4:Gió nơi đâu gượng mở xem.
    Nghĩa đen của câu này là:Cuộn lá đọt cuối cùng dần dần cũng được mở ra do gió không biết xuất xứ từ phương trời nào (khi mở ra hết chiếc lá đọt cuối cùng có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các lá mọc trước)
    Nghĩa bóng của câu 4 là: Chuyện của người đàn bà không chồng mà chửa dần dần cũng được hé lộ bởi gió, hiện thân của loại người có tính tò mò chuyện riêng tư của người khác. Loại người này được gọi là :"Ngồi lê mách lẻo".
    Qua tìm hiểu từng câu của bài thơ Cây chuối, ta đã biết cái đúng của bài thơ là gì rồi .Bằng việc mô tả cây chuối chửa, chẳng phải là cây chuối còn non hay bụi chuối,Thi nhân muốn nói về người đàn bà không chồng mà chửa, giống như nhân vật Thị Mầu trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.Bài thơ không phải là bài tả cảnh hay bài liên tưởng đến tình yêu tuổi trẻ.
    Bài thơ Cây chuối đầy tính nhân văn, chứng tỏ lòng thương người của thi nhân Nguyễn Trãi. Trước hiện tượng người đàn bà không chồng mà chửa, tác giả không những không chê bai hay khinh rẻ mà còn cho là" tốt lại thêm", Đúng thế, trong mọi xã hội có không ít những người đàn bà vì một lý do nào đó đã không thể được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, không chồng mà vẫn có con, nhưng nhen nhóm trong họ một niềm vui nho nhỏ lúc sớm tối hay niềm hy vọng khi tuổi già phải nhờ cậy vào con.
    Để tạo ra cái hay của bài thơ, tác giả đã khéo chọn Cây chuối, một loài cây với dáng vẻ mập mạp, mỡ màng, nhưng không yểu điệu, thướt tha mà có phần "tồ" là khác: đồng thời, Cây chuối không có chuối đực mà vẫn đơm hoa kết trái, vẫn sinh con đẻ cái để mô tả rồi nhân cách hóa rất phù hợp với chủ đề của bài thơ nói về người đàn bà không chồng mà chửa. Có thể nói rằng thi nhân Nguyễn Trãi rất tinh tường mới có sự lựa chọn tuyệt vời này.
    Bên cạnh cái hay, bài thơ Cây chuối còn thể hiện cái độc đáo được tạo ra bởi tác giả sử dụng nói lái, một dạng của nghệ thuật chơi chữ, đòi hỏi việc tu từ. Cũng cần kể đến việc tác giả sử dụng nói lớ, làm cho câu thơ dí dỏm thêm. Câu 2 của bài thơ minh chứng cho nhận xét này.
    Đến đây ta đã trả lời được câu hỏi thứ hai về cái đúng, cái hay và cái độc đáo đáng trân trọng của bài thơ Cây chuối là gì.
    GHI CHÚ: Bài bình chú này đã được đăng trên báo Giáo dục&Thời đại CHỦ NHẬT, số 37 ngày 14 tháng 9 năm 2014.
    VŨ ĐỨC HƯƠNG
      VŨ ĐỨC HƯƠNG   12/08/2020 22:50
    • @VŨ ĐỨC HƯƠNG Cảm ơn Bạn đẫ đồng cảm với bài viết của tôi
        VŨ ĐỨC HƯƠNG   18/11/2022 08:32
    • @VŨ ĐỨC HƯƠNG hay quá ạ 👍👍👍👍👍
        Ha Anh   14/09/2022 12:25
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây