Phân tích tác phẩm: Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

Thứ tư - 19/08/2020 23:51
Thanh niên nam - nữ, khi đã quyết định lập gia đình, có lẽ ai cũng muốn có con để “vui cửa vui nhà”, để “tròn đạo hiếu”. Sinh con rồi ai cũng muốn nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Thế nhưng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, quan niệm trọng nam khinh nữ,... đã đưa đẩy hàng triệu trẻ em vào cảnh đời bất hạnh. Điều ấy khiến Liên Hợp Quốc phải triệu tập hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em ngày 30-9-1990 tại Niu Oóc, và ra bản tuyên bố này.
Phân tích tác phẩm: Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
Bản tuyên bố được trích gồm 17 điều, được chia làm 4 đề mục khá rõ ràng.

Hai điều đầu tiên là lời thông báo “cam kết”“kêu gọi khẩn thiết với toàn thể nhân loại”. Điều đó có nghĩa là những thành viên cấp cao đã thấy rõ nguy cơ khủng hoảng về con người trong thế giới tương lai, kiên quyết cùng nhau hành động và trịnh trọng kêu gọi mọi chính phủ, mọi người: “Hãy bảo đảm cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn”. Đi đôi với lời kêu gọi khẩn thiết ấy là nhận định về đặc tính và công việc của trẻ: “trong trắng, dễ bị tổn thương, còn phụ thuộc, ham hoạt động...”, “tương lai của chúng phải được hình thành trong sự hòa hợp và tương trợ”.

Được như vậy, lớp trẻ này lớn lên, trưởng thành mới mong xây dựng được một thế giới hòa bình.

Hội nghị phải kêu gọi khẩn thiết như vậy vì hiện tại (1990) có quá nhiều trở ngại thách thức. “Những nhà lãnh đạo chính trị” đã chỉ ra 3 thách thức lớn (điều 4, 5, 6): “chiến tranh, phân biệt chủng tộc, thảm họa dịch bệnh, nợ nước ngoài, bệnh AIDS, thiếu nước sạch và ma túy”. Ngoài thảm họa do thiên nhiên gây ra, tất cả những thách thức còn lại là do con người. Trở ngại do thiên nhiên gây ra, con người có thể khắc phục được, còn trở ngại do con người tạo ra thì khó mà vượt qua, nhất là với các nước nghèo, chậm phát triển. Trở ngại do con người tạo ra trước hết là ở tư tưởng bá quyền xâm lược, chiếm đóng và thôn tính. Một số trẻ em Việt Nam là nạn nhân của chất độc màu da cam đang làm xót xa lương tri của thế giới. Các cuộc nội chiến vì phân biệt chủng tộc, tranh giành quyền lực khiến đất nước phải mang nợ nước ngoài vì mua vũ khí, đạn dược đã đẩy người dân vào các trại tị nạn. Họ sống thiếu thốn đủ mọi thứ, trẻ con thiếu cả ăn uống thì làm sao có sự học hành? Người dân Nam Phi phải mất 339 năm đấu tranh mới xóa được chế độ A-pác-thai (apartheid). Bài học về sự thách thức này quá lớn!

Một thách thức gây cản trở khác trong việc lành mạnh hóa đời sống của trẻ em là các tập đoàn buôn bán ma túy, một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Con số được đưa ra là: “Mỗi ngày, có hùng triệu trẻ em phải chịu đựng những thảm họa của đói nghèo..., có tới 40.000 em chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật...” do hậu quả của những thách thức trên gây ra.

Sau khi nêu ra những thực trạng chung như là nguyên nhân gây ra những thảm họa cho trẻ em trên toàn thế giới, ở điều bảy, “những nhà lãnh đạo chính trị” tham dự hội nghị cùng cam kết là “phải đáp ứng”, nghĩa là phải cùng nhau giải quyết.

Chăm lo cho trẻ em thế giới nếu có những thách thức thì cũng có những cơ hội. Cơ hội thứ nhất (điều 8) là “các nước chúng ta có đủ phương tiện và kiến thức để bảo vệ sinh mệnh của trẻ em” nếu các nước chịu liên kết và thực hiện Công ước về quyền của trẻ em. Được như thế thì cả về mặt pháp lí và về của cải vật chất không chỉ “bảo vệ sinh mệnh của trẻ em” mà còn giúp trẻ “phát triển đầy đủ tiềm năng..., nhận thức được quyền của mình”.

Một cơ hội thuận lợi khác là “bầu không khí chính trị quốc tế” đã được cải thiện theo chiều hương các nước hợp tác với nhau để “phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường...”, và “giải trừ quân bị”. Chỉ cần ngưng phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân như nhà văn Mác-két đã kêu gọi, lấy số tiền ấy “tăng cường phúc lợi cho trẻ em” thì sự sống và phát triển của trẻ chắc chắn tốt đẹp hơn.

Tám điều cuối, bản Tuyên bố tập trung nói về “nhiệm vụ” của “chúng ta”. Trong 8 nhiệm vụ ấy có 6 nhiệm vụ hướng trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng là trẻ em và các bà mẹ, còn nhiệm vụ cuối cùng (điều 17) là đốc thúc và phối hợp trong thực hiện.

Về trẻ em thì “tăng cường sức khỏe và chế độ dinh dưỡng”, và hạ tháp “tỉ lệ tử vong của trẻ em nói chung và tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh nói riêng”, chăm sóc nhiều hơn cho “trẻ em bị tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khăn”; “đối xử bình đẳng và có cơ hội đồng đều” cho các em gái và các em trai ngay từ đầu; xóa mù chữ và “bảo đảm sao cho trẻ em được học hết bậc giáo dục cơ sở”. Cũng không quên nhiệm vụ giúp trẻ em mồ côi, thất lạc gia đình “tìm biết được nguồn gốc lai lịch của mình”, và “phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do”, về phụ nữ thì “Mọi biện pháp có thể áp dụng được để đảm bảo an toàn khi mang thai và sinh đẻ”.

Có thể nói rằng 6 nhiệm vụ của bản Tuyên bố đề ra để thực hiện cho trẻ em và phụ nữ là rất nhân bản. Nếu làm được, người lớn đã đặt nền móng để con trẻ biết đâu là phần nhiệm vụ của con trẻ trước khi biết đâu là bổn phận người lớn.

Hai điều cuối của bản Tuyên bố đề cập đến nhiệm vụ phát triển kinh tế của mỗi nước, “nỗ lực liên tục và phối hợp hành động mới hoàn thành được các nhiệm vụ trên”.

Người Việt, từ xưa đã tỏ lòng mình trong việc chăm sóc con cái:

Chim trời ai dễ đếm lông,
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.

Tất nhiên vẫn còn số ít người lớn bất nhẫn với trẻ con, nhưng nhìn chung xã hội Việt Nam đang ra sức chăm lo cho “chủ nhân của đất nước tương lai”. Các cơ sở từ thiện của các cơ quan xã hội, tôn giáo nuôi dạy hàng trăm ngàn trẻ mồ côi, khuyết tận, bị ung bướu,... vì chiến tranh, bão lụt, chất độc màu da cam... Và đang nỗ lực biến Tuyên bố đầy tính nhân đạo của Liên Hợp Quốc thành hiện thực hạnh phúc đối với trẻ em.

 ----------------
- Bài văn nghi luận xã hội, đúc kết những nội dung đã được thảo luận ở Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em họp tại Niu Oóc (New York) ngày 30-9-1990. Nội dung gồm 17 điều:
- Nhận định về trẻ em và kêu gọi (2 điểu)
- Sự thách thức (5 điều)
- Cơ hội (2 điều)
- Nhiệm vụ (8 điều)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây