Trong Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung Trung Bộ, Trần Hoàng đã giới thiệu khá chi tiết về danh lam thắng cảnh này.
Mở đầu bài văn là phần giới thiệu địa giới và đường đi vào động Phong Nha. Vào Phong Nha bằng đường thủy, hoặc đường bộ được giới thiệu khá rõ ràng, du khách không đi theo đoàn du lịch có thể dựa vào lời hướng dẫn này để tìm đến. Người đi theo đường bộ cũng vào thăm hang động bằng đường thủy từ bến sông Son. “Sông mang tiếng là “Son” nhưng nước lại một màu xanh thẳm và rắt trong”. Đấy đã là một nét lạ đầu tiên trên đường đến động Phong Nha giữa :ảnh đẹp hoang sơ của những dày núi đá vôi, bãi mía nương ngó củi các xóm làng.
Những đoạn văn kế tiếp Trần Hoàng miêu tả Động khô, động nước. Nếu Động khô ở độ cao 200m là dòng sông ngầm nay đã kiệt nước với vẻ đẹp của “những vòm đá trắng vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh” thì ở Động nước, Trần Hoàng đã miêu tả nhiều chi tiết hơn. Cái hấp dẫn của Động nước đó là du khách “phải đi bằng thuyền và mang theo đèn đuốc, bởi càng đi sâu vào trong thì hang càng tối”. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ gợi hình, gợi sắc và biện pháp so sánh để miêu tả mười bốn buồng trong suốt chiều dài khoảng 1500 mét sông dẫn vào hang với các bến bãi để thuyền ghé lại.
Dưới ánh sáng lung linh của đèn, đuốc, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên về các hình khối thạch nhũ. Tác giả đã liệt kê ra hàng loạt hình tượng động vật, đồ vật,... và cả ông tiên ngồi đánh cờ, để rồi khâm phục “bàn tay tài hoa của tạo hóa khéo tạo cho các khối thạch nhũ không những chỉ đẹp về dường nét mà còn rất huyền ảo về sắc màu..”. Không chỉ màu sắc huyền ảo lóng lánh như kim cương, âm thanh ở đây cũng khác lạ. Một giọt nước rơi trên mặt sông, một tiếng người nói,... tất cả “đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt”. Hòa vào cảnh hoang sơ, bí hiểm ấy là “các bàn thờ do người Chăm, người Việt dựng nên tự thuở nào”. Các bàn thờ ấy là chứng tích thông báo cho các thế hệ đời sau biết là tổ tiên của hai dân tộc đã khám phá ra nơi này từ thuở xa xưa và họ đã xem nơi đây là chốn thiêng liêng xứng đáng để thờ Trời Thần, thờ Bụt.
Trần Hoàng còn cho biết rằng du khách chỉ có thể thăm động thứ mười bốn, còn vào sâu bên trong thì mới chỉ có vài đoàn thám hiểm trong đó có đoàn của Hội Địa lí Hoàng gia Anh nhờ có đầy đủ trang thiết bị. Nhưng vẫn chưa khám phá tới tận cùng bởi phía sâu bên trong còn có “các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi Kể Bàng và khu rừng nguyên sinh 40000ha vẫn còn cất giữ bao điều huyền bí thú vị, hấp dẫn mà con người vẫn chưa biết hết”. Câu văn là lời thông báo “bao điều huyền bí thú vị và hấp dẫn” vẫn còn đang được tiếp tục khám phá, nghĩa là du khách vẫn còn có thể trở lại để chiêm nghiệm thêm những điều huyền bí mới được khám phá.
Với vẻ đẹp độc đáo và huyền bí ấy, Hội Địa lí Hoàng gia Anh đã cử một đoàn qua thám hiểm động Phong Nha. Trưởng đoàn thám hiểm Hao-ớt Lim đã nêu nhận xét:
“Với kinh nghiệm của mười sáu năm thám hiểm hang động ở tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của Hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới”. Và với sự tìm hiểu của mình, Trần Hoàng đã trích dẫn thêm báo cáo của đoàn thám hiểm trên về bảy cái nhất của động Phong Nha. Đó là: “hang động dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá rộng nhất và đẹp nhất; có những hồ ngầm đẹp nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; thạch nhủ tráng lệ và kì ảo nhất; sông ngầm dài nhất”.
Cuối bài văn là thông tin về đầu tư xây dựng của Nhà nước, của tỉnh Quảng Bình để Phong Nha “sớm trở thành một địa điểm du lịch, thám hiểm và nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh của đất nước”.
Bài văn được viết theo trình tự nơi chốn, từ tổng quát tới những chi tiết chính như một hướng dẫn viên du lịch thành thạo đang thuyết minh cho khách tham quan. Lời văn trong sáng, ngôn ngữ gợi hình, gợi sắc khiến người đọc có cảm giác như đang được nhìn khung cảnh thật xuất hiện dần trước mắt mình. Sự tôn vinh nét đẹp kì ảo, khơi gợi sự huyền bí chưa được khám phá ở hệ thống hang động đẹp nhất đã được thế giới công nhận vào năm 2003 làm người đọc háo hức muốn tìm đến để hòa mình vào cảnh sắc của Phong Nha.
* Ghi chú:
- Bài văn miêu tả cảnh đẹp hoành tráng của động Phong Nha. Liệt kê và miêu tả từng chi tiết từ ngoài vào trong bằng ngôn ngữ gợi hình, gợi sắc.
- Vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn của Động khô và Động nước và phát biểu của Hội Địa lí Hoàng gia Anh về bảy cái nhất của động Phong Nha.