Truyện ngắn Đời thừa lần đầu tiên xuất hiện trên tờ tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, năm 1943.
Qua tác phẩm này, một mặt Nam Cao thể hiện tấn bi kịch, tinh thần đau đớn của người trí thức tiểu tư sản nghèo ngày trước, khao khát lao động sáng tạo, sống nhân ái, nhưng chỉ vì miếng cơm manh áo mà phải chấp nhận cuộc sống vô nghĩa, đôi khi còn tàn tệ với vợ con. Mặt khác, qua nhân vật Hộ, tác giả muốn phát biểu một số quan điểm nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ của mình.
Trước hết hãy nói về cái tiêu đề của tác phẩm: Đời thừa, có nghĩa là sống vô ích, sống vô tích sự, đời không cần đến.
Truyện là truyện tư tưởng. Nhân vật chính văn sĩ Hộ là nhân vật tư tưởng. Do đó, điều quan trọng nhất khi phân tích nhân vật này là phải nêu bật được vấn đề tư tưởng mà tác phẩm đặt ra.
Hộ cũng như phần đông nhân vật trí thức trong sáng tác của Nam Cao; chẳng hạn như Thứ trong Sống mòn (1944), hay Điền trong Trăng sáng (1943).. ít nhiều đều có những nét tự thuật của tác giả. Hộ trước hết là một nhà văn có ý thức sâu sắc về sự sống, khao khát một cuộc sống giàu ý nghĩa, bằng sự lao động sáng tạo của mình. Hộ "mang một hoài bão lớn", không bằng lòng với cuộc sống vô danh vô nghĩa, anh khao khát tên tuổi phải được khẳng định. Bởi vậy, anh luôn "băn khoăn nghĩ đến mặt tác phẩm nó sẽ làm mờ hết những tác phẩm khác cùng thơi"
Đâu chỉ có mơ ước, Hộ còn có quyết tâm lớn, anh sẵn sàng sống khắc khổ để phấn đấu cho nghệ thuật. "Hộ vốn nghèo", "sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ". Nhưng đối với anh ta, "đói rét không có nghĩa là gì". Hộ "khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất", sẵn sàng chấp nhận và vượt lên trên những thiếu thốn đời thường.
;
Hộ cũng là một nhà văn có ý thức trách nhiệm sâu sắc về nghề nghiệp, "Hộ viết lách một cách thận trọng". Anh kiên nhẫn lao động, tích luỹ vốn liếng: "đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán", "chỉ lo vun trồng cho cái tài (...) ngày một thêm nảy nở".
Như vậy, ở Hộ hội tụ được nhiều phẩm chất đáng quý để có thể trở thành một nhà văn chân chính. Nói cách khác, anh có đủ những điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được hoài bão mình ấp ủ.
Nhưng cũng như bao nhiêu người khác, Hộ không thể sống mãi một mình. Sau khi nhận Từ làm vợ, Hộ "có cả một gia đình phải chăm lo". "Đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra", mà đứa nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc. Vợ Hộ "săn sóc chúng đã đủ ốm người rồi, chẳng còn có thể làm thêm một việc khác nữa". Gánh nặng cơm áo của gia đình đổ cả lên đồi vai của Hộ. Từ một người "khinh những lo lắng tủn mủn”, anh buộc phải thay đổi cách sống buộc phải lo toan tới những điều "tẹp nhẹp” vô nghĩa lí. Dẫu sao, với tư cách là một nhà văn có lương tâm, điều đó vẫn không làm Hộ đau đớn bằng việc phải thay đổi cách viết thận trọng trước đây bằng cách viết "vội vàng cẩu thả để có tiền, phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc". Nghĩa là toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo gợi những tình cảm rất nhẹ rất nông, đem theo một vài ý rất tầm thường, quấy loặng trong một thứ văn chương bằng phang". Mỗi lần đọc lại những bài văn như thế, anh ta vô cùng xấu hổ "đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn..."
Đấy là tấn bi kịch đau đớn của Hộ - bi kịch của một nhà văn hết sức coi trọng nghề nghiệp, khao khát có được những tác phẩm chói lọi, để "nâng cao giá tri đời sống", nhưng rốt cuộc, lại cứ phải viết một cách cẩu thả.. khiến mình trở thành "một người thừa", một kẻ "đê tiện", "bất lương". "Còn gì đau đớn cho một kẻ khao khát làm một cái gì để nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt"? Hộ thấm thía bi kịch này và hiểu được sâu sắc nguồn gốc sâu xa của nó nhưng anh hoàn toàn bất lực, không có cách gì cưỡng lại được quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, anh không thể để vợ con chết đói, nên nỗi đau càng vò xé triền miên.
Thể hiện bi kịch tinh thần của người trí thức, Nam Cao góp một tiếng nói phê phán cái hiện thực phũ phàng, đã dập tắt những ước mơ tốt đẹp, những hoài bão của cả đời người. Hiện thực đó còn đẩy nhân vật Hộ vào bi kịch thứ hai không kém phần chua xót. Nếu như bi kịch thứ nhất thiên về khía cạnh nghề nghiệp (nói cụ thể hơn, là bi kịch của một nhà văn); thì bi kịch thứ hai là bi kịch của một con người.
Hộ là một nhân vật giàu lòng nhân ái, xem tình yêu thương đồng loại như một lẽ sống, một nguyên tắc sống. Theo anh, con người chân chính phải là con người có tình yêu thương đồng loại; mà "đồng loại” gần gũi nhất chính là vợ và con. Đối với Hộ "không thể bỏ lòng thương", bởi vì anh "là con người, chứ không phải là quái vật". Như vậy, trong quan niệm của Hộ, tiêu chuẩn cơ bản để phân biệt con người và con vật là tình thương. Chỉ khi nào có tình thương mới đủ tư cách được gọi là con người. Anh quan niệm: "Kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên vai kẻ khác để thỏa lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình".
Đây không phải chỉ là một ý nghĩ suông, Hộ đã thực sự sống với triết lý ấy. Trước cảnh ngộ đáng thương của Từ - một người phụ nữ bị người tình phụ bạc, bỏ rơi cùng với một đứa con mới đẻ, và một bà mẹ già mù "quanh năm nay ốm mai đau, mà Từ vẫn phảỉ nuôi" Hộ đã cúi xuống nỗi đau của Từ, nhận nàng làm vợ, "nuôi Từ, nuôi mẹ già con dại cho Từ"... Lòng thương người tất nhiên phải trả giá. Hộ phải lo cái ăn cái mặc cho một gia đình đông con. Điều này buộc Hộ phải đứng trưóc một sự lựa chọn thật khắc nghiệt: hoặc bỏ mặc vợ con để chuyên chú vào nghiệp văn chương; hoặc phải hi sinh sự nghiệp văn chương để nuôi sống vợ con. ở Hộ, con người chân chính cao thượng đã chiến thắng. Anh đã hi sinh nghệ thuật, nói rộng ra là hi sinh cuộc đời mình vì tình thương, vì con người. Còn gì đau đớn hơn đối với một người trí thức có hoài bão lớn, khao khát sống chói lọi, mà phải chấp nhận một cuộc đời vô ích, vô nghĩa. Nhưng đó lại chính là vẻ đẹp của nhân vật Hộ với tư cách là một con người và qua nhân vật Hộ thấy được cội nguồn của chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc của Nam Cao.
Tuy đã tự nguyện hi sinh tất cả vì tình thương, nhưng Hộ vẫn hi vọng chỉ phải tiêu phí "một vài năm để kiếm tiền”, sau đó, sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình. Nhưng cuộc Sống túng bẩn triền miên của gia đình đã dập tắt nguồn hi vọng tốt đẹp này. Hộ không những không thể sáng tạo được, mà còn không có cả những điều kiện tối thiểu để được thưởng thức văn chương như là một con người có văn hoá. "Hộ điên người lên vì phải xoay tiền" và "còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào được yên tỉnh"...
Sự hi sinh này đối với Hộ thật quá lớn, vì thế cho dù đã tự giác quyết định đặt sự sống và tình thương lên trên nghệ thuật, anh vẫn không tránh khỏi tâm: trạng đau buồn bi phẫn của kẻ "tài cao, phận thấp, chí khí uất" (Tâm trạng ấy đôi khi khiến con người thiếu tỉnh táo. Để giải sầu, Hộ đã từng "đi lang thang không chủ đích”', và cũng như bao người đàn ông cùng cảnh ngộ anh tìm đến rượu. Nhưng hơi men không phải bao giờ cũng đủ sức làm cho anh quên được nỗi đắng cay của cuộc đời. Giận cá chém thớt, người nghệ sĩ đầy lòng nhân ái này có lúc trở thành thô bạo. Anh ta trút tất cả nỗi uất ức vào người vợ "rất ngoan, rất phụ tùng, rất tận tâm" và đàn con vô tội của mình. Bằng ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, Nam Cao đã vạch ra quá trình chuyển biến của Hộ từ một nhà văn lấy tình thương làm lẽ sống, bỗng thành một kẻ vũ phu, cư xử tàn tệ đối với những người mà anh ta đã tự nguyện cưu mang, che chở. Thì ra, hiện thực đen tối có thể nhuộm đen tâm hồn của con người vốn trong sáng nhân hậu, làm cho họ tha hoá, biến đồng loại thành kẻ thù.
Mỗi khi cơn say qua đi, bình tâm trở lại, Hộ vô cùng hối hận. Có lắn nhìn Từ bế con đang thiếp đi trên võng, Hộ thấy bùi ngùi: ở Từ, anh thấy "tất cả lộ ra một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả, cẩn được hắn che chở và bênh vực". Anh ta hối hận, "khóc nức nở không ra tiếng khóc", nước mắt "bật ra như một quả chanh mà người ta bóp mạnh". Khi vợ thức dậy, hiểu ra, Hộ lại càng khóc to hơn và tự nguyền rủa mình: Anh "chỉ là một thằng khốn nạn". Thái độ sám hối của Hộ nói rằng ở Hộ, lòng thương người cuối cùng đã chiến thắng, tuy rằng chiến thắng trong đau khổ.
Thông qua tấn bi kịch của văn sĩ Hộ, Nam Cao muốn nói với người đọc về những vấn đề thật lớn lao: Xã hội cũ không cho phép con người được phát triển lành mạnh; nó dập tắt mọi ước mơ, hoài bão cao đẹp, làm mất đi ý nghĩa chân chính trong cuộc sống của mỗi con người. Nó còn phá huỷ mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa người với người, khiến tâm hồn người ta trở thành khô cằn, thậm chí đi đến chỗ đầy đoạ lẫn nhau, ngay trong cuộc sống thường nhật.