Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri sinh năm 1917 tại làng Đại Hoàng, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là xã Hoà Hậu huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam), trong một gia đình nông dân. Quê Nam Cao thuộc vùng chiêm trũng, xưa kia quanh năm nghèo đói.
Sau khi học xong trung học, Nam Cao ôm ấp nhiều mộng ước cao đẹp, ông vào Sài Gòn kiếm sống và cho ra đời những bài thơ tình lãng mạn đầu tiên, song không mấy giá trị ít lâu sau, vì ốm yếu, Nam Cao đành phải trở về quê hương, chứng kiến cảnh làng xóm và gia đình mình đang trên đà sa sút. Sau một thời gian, nhờ người thân, Nam Cao dạy học ở một trường tư thuộc ngoại ô Hà Nội, với đồng lương rẻ mạt. Khi Nhật chiếm Đông Dương, trường bị đóng cửa, Nam Cao sống vắt vưởng bằng nghề viết văn, làm gia sư. Đến năm 1943, ông tham gia Hội văn hoá cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo tại Hà Nội. Bị giặc khủng bố gay gắt, Nam Cao lại phải về làng, rồi tham gia cướp chính quyền, ở địa phương và được bầu làm chủ tịch đầu tiên ở xã. Đến năm 1946, ông đi theo đoàn quân Nam tiến do tướng Nguyễn Sơn chỉ huy vào Nam Trung Bộ một thời gian. Từ năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên truyền. Năm 1950, cùng với một số văn nghệ sĩ, Nam Cao theo bộ đội đi chiến dịch Biên Giới. Cuối năm 1951, trên đường vào công tác ở vùng địch hậu liên khu III, Nam Cao bị địch phục kích và sát hại, khi tài năng đang chín, hứa hẹn những sáng tác có tầm cỡ về những con người mới và thời đại mới. Sau gần nửa thế kỉ, mới đây, hài cốt Nam Cao đã được chuyển về an táng tại quê nhà.
Bình sinh, Nam Cao là người khiêm nhường, ít nói, bề ngoài như lạnh lùng. Nhưng, con người này vốn có đời sống nội tâm phong phú. Ông thường day dứt, hối hận vì những sai lầm và luôn nghiêm khắc đấu tranh để cố thoát khỏi lối sống tầm thường nhỏ nhoi, khao khát vươn tới một cuộc sộng tốt đẹp. Nam Cao gắn bó sâu nặng với quê hương và những người nghèo khổ. Điểu này góp phần quan trọng khiến ông giữ được nhân phẩm, nhân cách trước sự cám dỗ của đời sống vật chất tầm thường và tạo nên những tác phẩm giàu giá trị nhân đạo.
Nam Cao sáng tác khá sớm, có thơ, truyện, kịch đăng báo từ năm 1936 với nhiều bút danh như. Thuý Rư, Nhiêu Khê... Ông là cây bút kết tinh những thành tựu tiêu biểu nhất của văn học hiện thực trước Cách mạng tháng Tám, đồng thời cũng là nhà văn sớm có những sáng tác thành công ngay trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Nam Cao là nhà văn có ý thức tự giác về quan điểm nghệ thuật. Quan điểm ấy được thể hiện khá hệ thống và đặc biệt tiến bộ. Ông còn là một trong những cây bút có sự nhất quán giữa quan điểm nghệ thuật và sự nghiệp sáng tác.
Sáng tác trước cách mạng của Nam Cao tập trung vào hai mảng đề tài chính: Cuộc sống của những người trí thức nghèo và của nông dân nghèo.
Ở để tài trí thức nghèo, Nam Cao thường lấy chính mình làm nguyên mẫu để viết những truyện ngắn như Cười, Đời thừa, Quên điều độ, Trăng sáng, Mua nha... và nhất là tiểu thuyết Sống mòn. Ở những tác phẩm này, Nam Cao đã khắc hoạ nổi bật tấn bí kịch tinh thần của những "giáo khổ trường tư", những viên chức nghèo, những nhà văn nghèo. Họ có hoài bão cao đẹp, khao khát được phát triển nhân cách, được khẳng định cá nhân mình trước cuộc đời. Thế nhưng, họ đã bị xã hội bất công và đời sống đói nghèo "ghì sát đất"; những ước mơ đẹp đẽ bị dập tắt phũ phàng, đúng là "Tài cao phận thấp, chí khí uất" (Tản Đà). Qua đó, nhà văn lên án xã hội vô nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người, đồng thời thể hiện niềm khao khát vươn tới một cuộc sống cao đẹp, ở đó con người có cơ hội phát triển tận độ tâm trí, tài đức của mình để xứng đáng với danh hiệu cao quý của Con Người, ở đề tài này không thể không nói đến tiểu thuyết Sống mòn. Đây là tác phẩm đặc sắc tổng hợp nhiều phương diện ở những truyện ngắn trước đó của Nam Cao viết về đề tài trí thức nghèo. Có thể nói, trong lịch sử văn học Việt Nam chưa có cây bút nào viết về người trí thức vừa chân thực, dũng cảm vừa sâu sắc như Nam Cao.
Trong đề tài nông dân, đáng chú ý nhất là các tác phẩm Chí phèo, Một đám cưới, Lão Hạc, Mua danh, Tư cách mõ, Dì Hảo, Nửa đêm... Nhà văn quan tâm trước hết đến cuộc sống tối tăm thê thảm của những số phận, hẩm hiu, bị đè nén áp bức. Nam Cao thường đi sâu vào những trường hợp vì nghèo đói khốn cùng nên người nông dân đã bị lăng nhục một cách tàn nhẫn, bất công. Và ông đã kiên quyết đứng về phía những con người thấp cổ bé họng này để đòi quyền sống và nhân phẩm cho họ. Viết về quá trình nông dân bị lưu manh hoá trong những năm dưới ách của thực dân Pháp và Phát xít Nhật, Nam Cao đã tố cáo xã hội tàn bạo huỷ diệt cả thể xác lẫn linh hồn của người nông dân, đồng thời, nhà văn cũng trân trọng phát hiện những phẩm chất cao đẹp của họ. Cho dù họ bị xã hội tàn phá cả hình người và tính người. Điều này chứng tỏ chiều sâu hiện thực và nhân đạo của ngòi bút Nam Cao. Trong những tác phẩm viết về đề tài nông dân, truyện ngắn Chí phèo được khẳng định là một kiệt tác. Ở đây, nhà văn đã sáng tạo được một điển hình sống động, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc: từ một nông dân hiền lành, lương thiện, Chí Phèo bị xã hội tàn bạo biến thành "con quỷ dữ", nhưng cuối cùng, nhân vật này vẫn đủ tỉnh táo xách dao đi đòi cuộc sống lương thiện. Chí Phèo chứng tỏ cảm quan hiện thực nhạy bén, tư - tưởng nhân đạo sâu sắc và tài năng nghệ thuật bậc thầy của nhà vặn lớn Nam Cao.
Sau Cách mạng tháng Tám, Nam Cao hăng hái lao mình vào mọi công việc cả cách mạng và kháng chiến. Về sáng tác văn học, hai tác phẩm Đôi mắt, và Nhật kí ở rừng (1948) của Nam Cao nổi lên như những thành tựu xuất sắc nhất của nền văn học mới trong bước đầu xây dựng. Đôi mắt ra đời giữa lúc giới văn nghệ sĩ đang lúng túng "nhận đường", nghĩa là xác định đúng đắn phương hướng sáng tác. Đôi mắt cũng như các truyện Trăng sáng, Đời thừa sáng tác trước cách mạng là những tuyên ngôn nghệ thuật của Nạm Cao, Nếu như Trăng sáng là cuộc đấu tranh để khẳng định chủ nghĩa hiện thực, thì Đôi mắt đặt vấn đề xác định quan điểm, lập trường của người nghệ sĩ cách mạng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân
Những sáng tác của Nam Cao thể hiện một phong cách nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn. Nhà văn luôn cảnh tỉnh người đọc trước nguy cơ bị sói mòn về nhân cách, bị "chết mòn" về tinh thần. Ở những tác phẩm tiêu biểu nhất, ông thường diễn tả cuộc vật lộn gian khổ của con người để bảo tồn nhân cách trong sáng, cao đẹp... Truyện Nam Cao vì thế vừa sâu sắc về chất trí tuệ, vừa giàu chất thơ trữ tình. Nam Cao tỏ ra đặc biệt sắc sảo trong việc khám phá và diễn tả những quá trình tâm lý phức tạp.
Sở trường này đã giúp cho truyện Nam Cao có những cách trần thuật rất linh hoạt. Men theo dòng tâm tư của nhân vật, nhà văn dắt dẫn mạch truyện một cách rất phóng túng, đồng thời: vẫn đảm bảo được kết cấu chặt chẽ của tác phẩm, Nam Cao cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển ngôn ngữ văn xuôi ở nước ta. Ngôn ngữ của ông vừa góc cạnh vừa tinh tế, vừa gần gũi với tiếng nói đầy sức sống của nhân dân lao động vừa hết sức điêu luyện.
Với tài năng ấy, tư tưởng ấy, nhân cách ấy, Nam Cao xứng đáng được coi là một trong những cây bút lớn nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.