Suốt cuộc đời làm cách mạng, có lẽ Bác đã có nhiều đêm không ngủ, và Bác cũng đã từng tự sự trong thơ. Nhưng để có một bài thơ cụ thể viết về đêm không ngủ của Bác một cách trọn vẹn như Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ thì quả thực hiếm thấy.
Hai khổ thơ đầu, về hình thức thì cả hai khổ được gieọ vần liền (rồi / ngồi, ngâm / thâm); chữ cuối câu thứ tư ở khổ thơ đầu (ngủ) hợp vần với chữ cuối câu đầu ở khổ thơ kế tiếp (lửa). Nhờ vậy mà cả hai khổ thơ liền mạch về âm điệu vốn là đặc trưng của thơ. Về nội dung thì Minh Huệ giới thiệu thời gian, không gian, và con người, thời gian là “khuya lắm rồi”, có thể là lúc nửa đêm về sáng, lúc mọi người vào giấc ngủ say. Không gian là “bếp lửa” trong “mái lều tranh xơ xác”. Và con người là “anh đội viên” và “Bác”. Những cụm từ giới thiệu thời gian và không gian ấy cũng gián tiếp khái quát hoàn cảnh chung lúc bấy giờ.
Những khổ thơ kê tiếp là lời tự sự trữ tình kể chuyện về Bác. Hình tượng bên ngoài của Bác đã được khắc họa rõ nét hơn. Nếu ở khổ thơ trên nhà thơ chi phác thảo nên “vẻ mặt Bác trầm ngâm”, một hình ảnh tĩnh thì giờ đây là hình ảnh động của người có “mái tóc bạc”.
Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu minh giật thột
Bác nhón chăn nhẹ nhàng
Hai khổ thơ trên, khổ đầu gieo vần chéo (Bác / bạc), khổ kế tiếp được gieo vần liền (một / thột) diễn tả đối tượng mà “anh đội viên nhìn”. Đối tượng ấy vẫn với vẻ mặt trầm ngâm dưới mái tóc bạc làm những công việc tưởng chừng như vụn vặt, nhưng suy nghĩ sâu xa hơn, cụ thể hơn thì thật ý nghĩa.
Trước hết, những việc làm tẩn mẩn với thái độ cẩn trọng trong việc “đốt lửa, nhón chân nhẹ nhàng, đi dém chăn” thường là những cử chỉ của người cha, người bác chăm lo cho con cháu, thể hiện tình thương ruột thịt đậm đà. Đấy là một hình ảnh đẹp với những cử chỉ cao quý tạo sự ấm lòng nơi con cháu. Chính bởi vậy mà:
Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng
Có lẽ anh đội viên cũng như bao nhiêu người khác lấy làm sung sướng, tự hào khi được chăm sóc như thế, có cảm giác như được một ông tiên già chăm sóc. Nhưng trở về với hiện thực chiến dịch biên giới, anh đội viên mới cảm thấy:
Thổn thức cả nỗi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ:
- Bác ơi! Bác chưa ngủ?
Bác có lạnh lắm không?
Anh đội viên thương Bác, cứ lo cho sức khỏe của Bác, trong lúc:
Chiến dịch hãy còn dài
Rừng lắm dốc, lắm ụ
Đêm nay Bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi
Tâm trạng bồn chồn, thổn thức của anh đội viên là ở đó, ở sự có mặt của Bác trong suốt mùa chiến dịch biên giới, sau khi lực lượng kháng chiến đã qua thời kì cầm cự, sẽ tạo sức mạnh tinh thần lớn lao cho chiến sĩ tìm giặc mà đánh. Thế nhưng:
... Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình:
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc
Một hình tượng tập trung suy nghĩ về một điều gì đó vô cùng lớn lao vừa vừng chắc, nghiêm túc mà cũng vừa căng thẳng. Chính hình ảnh đó đã đấy anh đội viên vào tâm trạng “hốt hoảng”. Và anh đã “nằng nặc” mời Bác đi ngủ. Năm từ mang ý nghĩa tôn kính, cảm thán trong câu thơ “- Mời Bác ngủ Bác ơi!” được đảo lại ở câu thơ cuối của khổ thơ : “Bác ơi! Mời Bác ngủ!” thể hiện sự nhấn mạnh lời thỉnh cầu xuất phát từ sự “hốt hoảng” của anh đội viên.
Lần thứ nhất Bác đã trả lời anh đội viên, lần này Bác cũng trả lời như thế và thêm vào tâm trạng của Bác:
- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không an lòng
Như trên đã phân tích, việc Bác đốt lửa, dém chăn cho từng đội viên cứ tưởng là những việc nhỏ nhặt, nhưng kì thực nó rất cần thiết cho sức khỏe của con người: sau ăn uống là ngủ ngon. Đi đánh giặc mà suốt đêm không ngủ, sức khỏe yếu thì làm sao xung trận, thắng giặc băng chiến thuật đánh nhanh, rút gọn? Vào thời buổi ấy, nói như nhà thơ Hồng Nguyên:
Áo chăn chưa đủ ấm,
Ăn uống vẫn tồi tàn
(Nhớ)
Thì việc lo cho bộ đội “ngủ ngon” lại có ý nghĩa lớn!
Không chỉ thương bộ đội, Bác cũng “không an lòng” với đời sống của đoàn dân công. Trong hoàn cảnh chồng, con cầm súng chống giặc, những người cha, người mẹ, người vợ ngoài việc chăm lo cho gia đình, sản xuất, ... họ còn xung phong chuyển lương thực, thuốc men, ... ra mặt trận trong hoàn cảnh:
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Trời thì mưa lăm thăm
Làm sao cho khỏi ướt!
Hóa ra là thế. Hành động “đốt lửa, dém chăn” là cho con cháu ở gần, còn những người ở xa như dân công thì Bác khắc khoải, âu lo đến nỗi không ngủ được. Được thấy và được nghe những việc làm, những lời chứa đầy tình thương ấy của Bác, anh đội viên như thấy trí mình sáng lên, lòng mình ấm lại:
Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác
Cảm giác ấy anh đã nhận ra, ngay từ đầu, nhưng giờ đây thì rõ ràng hơn, sâu hơn, và rộng lớn hơn nhiều. Chính vì thế mà từ tâm trạng “bồn chồn, hốt hoảng” chuyển sang tâm trạng “vui sướng mênh mông”. Và anh đã nhận ra nguyên nhân của sự chuyến đổi tâm trạng ấy. Đó là:
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh.
“Lẽ thường tình” xuất phát từ bản chất của con người. Mọi hành vi của con người đều là hình thức biểu hiện bản chất. Bác mang bản chất thương người nên sống vì người. Bác làm cách mạng trọn đời là vì bản chất ấy. Với Bác thì đó là “lẽ thường tình”, nhưng với chúng ta thì đó là điều cao cả và vĩ đại.
Thơ ngũ ngôn thường hợp với thể loại tự sự trữ tình. Minh Huệ đã chọn hình thức thơ này để kể lại chuyện một đêm không ngủ của Bác trong chiến dịch biên giới. Hình tượng của Bác không chỉ được khắc họa ở vẻ mặt, mái tóc, chòm râu mà còn ở tấm lòng yêu thương rộng lớn và sâu sắc của Người với quân dân, đất nước. Với Bác, đánh giặc cứu nước là để mọi người dân Việt Nam được sống trong độc lập tự do, xây dựng cuộc sống ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai ai cũng được học hành. Chính vì vậy mà bài thơ Đêm nay Bác không ngủ vẫn tồn tại với thời gian để thế hệ đời sau học tập và tiến bộ.
* Ghi chú:
- Thơ tự sự, ngũ ngôn, có những đoạn mang hình thức đối thoại. Bài thơ có 16 khổ, mỗi khổ được gieo vần liền (rồi / ngồi), hay vần chéo (Bác / bạc); giữa hai khổ thơ thì vẫn được gieo ở chữ cuối của càu cuối của khổ thơ thứ nhất hợp với chữ cuối của câu đầu ở khổ thơ kế tiếp (vần liền).
- Qua Đêm nay Bác không ngủ người đọc cảm nhận được tình yêu sâu sắc của Bác đối với quân dân thời chiến, và lòng thương kính của người chiến sĩ đối với Bác.