Phần đầu của truyện nhân vật “tôi” đã phác thảo chân dung và tính tình của cô em gái Kiều Phương. Có lẽ Kiều Phương là một cô bé có hình dáng và khuôn mặt dễ thương, nhưng “tôi quen gọi nó là Mèo bởi vì mặt nó luôn bị chính nó bôi bẩn”. Thế là nét phác thảo về khuôn mặt đã giới thiệu khái quát tinh nghịch ngợm và vô tư của cô em gái Kiều Phương. Vì nghịch ngợm nên mặt mới bẩn. Và vì vô tư nên vui vẻ nhận biệt danh Mèo mà “tôi” đã đặt cho thay vì giận lẫy bởi cái tên không mấy đẹp ấy. Chẳng những thế câu văn còn hé lộ một chút đam mê màu sắc, và tính ngoan ngoãn ở câu trả lời lém lỉnh khi bị “tôi” trách mắng là đứa ưa lục lọi: “Mèo mà lại! Em không phá là được..”. Và ở cử chỉ sau khi “tự chế” xong màu sắc, Mèo “Mèo vui vẻ chạy đi làm những việc bố mẹ tôi phân công, vừa làm vừa hát..”. Tuy còn nhỏ, đam mê sở thích của mình, tự chế màu cho vào từng lọ nhỏ để vẽ, nhưng Mèo biết giữ lời, biết bổn phận và trách nhiệm, dù đó chỉ là những công việc nhỏ thôi.
Mọi sự đều nằm trong bóng tối nếu không có bé Quỳnh và chú Tiến Lê. Chú Tiến Lê là họa sĩ bạn thân của bố mẹ, còn Quỳnh là con gái của chú. Hôm đó, chú Tiến Lê dẫn bé Quỳnh ra vườn, còn “tôi” thì đang mải mê với cánh diều. Chính khoảng thời gian ngắn ngủi này đã dẫn đến những tình huống mới của truyện. Chính bé Quỳnh là người khơi mở, và bố của bé Quỳnh là người tạo thêm ý nghĩa cho con gái ra vườn để xem những bức tranh do cô Mèo Kiều Phương vẽ. Những gì tai nghe mắt thấy vô tình đã thành cú sốc tâm lí đối với nhân vật “tôi”. Cô bé Mèo Kiều Phương ưa lục lọi, mặt mày lọ lem nay đà “là thiền tài hội họa”, nhất là hình ảnh bố ôm thốc Mèo lên và nói với giọng đầy tự hào: “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn”, rồi mẹ cũng không kìm được xúc động đã làm cho nhân vật “tôi” “luôn luôn cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài”.
Khung cảnh sinh hoạt gia đình thì chẳng có gì đổi thay, nhưng tâm trạng của nhân vật tôi thì càng lúc càng nặng nề. Trước hết là tâm trạng tủi thân vì cả nhà đang chú ý vào tài năng của Mèo, còn “tôi” thì “chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì”. Chính vì vậy mà “tôi” đâm ra kẻ có mặc cảm tự ti, nhiều lúc “chỉ muốn gục xuống khóc”, “không thể thân với Mèo như trước kia nữa”. Rồi dẫn tới sự việc “mà tôi vẫn coi khinh: xem trộm những bức tranh của Mèo”, Biết đó là xấu nhưng vẫn làm là do tâm lí ganh tức, muốn xem tài năng của Mèo có xứng đáng với lời khen của chú Tiến Lê và sự mừng rỡ, hãnh diện cúa bò mẹ không. Sau khi đã xem những bức tranh có nét vẽ “ngộ nghĩnh, vô cùng dễ mến” của Mèo, nhân vật “tôi” “có cảm tưởng nó biết mọi việc chúng tôi làm và lơ đi vì không chấp trẻ em”. Như vậy nhân vật “tôi” đã phát hiện thêm em gái mình đã sớm có thái độ của người lớn, “không chấp trẻ em”, luôn luôn nghĩ đến cái đẹp, cô gắng làm cho mọi vật trong nhà đều đẹp dù đó là con mèo, cái bát sứt. Vừa phát hiện ra tài năng vừa cảm nhận được tâm hồn rộng mở của cô em gái, “tôi lén trút ra một tiếng thở dài”. Người đọc cảm nhận trong tiếng thở dài ấy tất nhiên là có nỗi buồn riêng, nhưng bao trùm lên tất cả là giải tỏa mối nghi ngờ, và cảm phục thực sự tài năng của cô em gái.
Dù vậy, làm sao có thể khỏa lấp ngay được sự ganh tị và mặc cảm tự ti. Bởi vậy mà nhân vật “tôi” vẫn buồn, vẫn giữ một khoảng cách xa. Ngay cả khi hay tin bức tranh của cô em được trao giải nhất, cô em lao vào ôm lấy cổ thì “tôi” đã “viện cớ dang dở việc và đẩy nhẹ nó ra”. Nếu “xem trộm những bức tranh” biểu hiện tâm trạng ganh tị lên tới tột đỉnh thì cử chỉ “đẩy nhẹ nó ra” biểu hiện tâm trạng đã bớt căng thẳng, ganh tị đã dịu bớt khá nhiều rồi. Nhờ vậy mà nhân vật “tôi” chịu theo bố mẹ cùng đến phòng tranh để dự lễ trao giải cho em gái mình.
Cái nút của truyện, chủ đề của truyện được mở ra và sáng lên ý nghĩa ở phần cuối, cảnh ở trong phòng tranh. Đang trong tâm trạng chẳng thấy gì thích thú khi dự lễ trao giải này nên nhân vật “tôi” chỉ nhìn mà không cảm. Nhân vật tôi chỉ thấy “một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mộng mơ nữa”, như mọi người xem tranh khác đang có mặt ở phòng tranh. Chỉ tới khi nghe mẹ thì thầm: “Con có nhận ra con không?” thì lúc ấy “Tôi giật sững người”. Người mẹ xuất hiện như là chất xúc tác xóa bỏ sự ganh tị, mặc cảm tự ti của nhân vật tôi. Là mẹ, ắt hẳn bà đã nhận ra tâm trạng nặng nề ấy.
Sau giây phút “giật sững người” ấy, nhân vật tôi mới cảm thấy “thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ”. Tại sao thế? Bởi vì người anh luôn nghĩ rằng cô em gái chẳng vẽ mình dù chú Tiến Lê có khuyên rằng “Cháu hãy vẽ cái gì thân thuộc nhất với cháu”, và chỉ mới đây thôi cô em gái “có vẻ hay xét nét tôi, khiến tôi rất khó chịu”. Sự ngỡ ngàng là vì thế, nhưng khi nhìn thây bức tranh vẽ thì thấy mình trong tranh có vẻ hoàn hảo quá thì có lẽ “tôi” hãnh diện vì tài vẽ của em gái, và vì cả chính mình. Nhưng rồi liền sau đó là xấu hổ vì tự thấy mình không xứng đáng với lòng bao dung độ lượng của em gái, và trước cả mọi người. Đấy là lời tự kiểm điểm, là tình cảm sâu sắc nhất của người đã nhận ra lỗi lầm của mình đối với cô em gái nhanh nhẹn, ngây thơ, và nhân hậu. Và cuối cùng nhân vật “tôi” đã nhận ra mình, nhận ra cái cao quý của cô em gái bằng câu trả lời với mẹ: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”. Người anh phủ nhận hình ảnh trong bức tranh là chân dung của mình vì đã nhận ra sự không hoàn hảo, sự không công bằng về cái nhìn của mình đối với em. Nhưng rõ ràng người anh là kẻ biết phục thiện.
Còn cô em gái có biệt danh là Mèo, ngoài tính ngây thơ, hay lục lọi, đam mê màu sắc còn là người luôn hướng tới cái đẹp hoàn hảo mà bức tranh “Anh trai tôi” đã nói lên tất cả hoài bão ấy của cô.
Bằng lối viết tự sự, giọng văn nhẹ nhàng, Tạ Duy Anh đã kể lại một câu chuyện khá gần gũi với đời sống trong mỗi gia đình có cha mẹ và con cái. Tác giả đã cố gắng diễn tả tâm lí của tuổi thơ tua hình ảnh hai anh em ruột thịt là “tôi” và Kiều Phương. Dù là anh em nhưng vẫn khó khỏa lấp được lòng ganh tị. Chỉ có tình thương và độ lượng mới có thể thức tỉnh được con người. Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến tuổi thơ.
* Ghi chú:
- Truyện được viết bởi ngôi thứ nhất, nhân vật “tôi” kể lại sự việc.
- Truyện có 5 ý chinh:
- Em gá Kiều Phương ưa lục lọi, nghịch ngợm pha màu.
- Chủ Tiến Lê (họa sĩ) phát hiện tài vẽ tranh của Kiều Phương.
- Anh ganh tị với tài năng của em.
- Kiều Phương thi vẽ và đứng nhất.
- Cùng đi nhận giải, nhìn bức tranh em gái vẽ chân dung mình, người anh nhận ra lòng nhân hậu của em.
- Tâm trạng của nhân vật diễn biến theo năm ý chính ấy.