Thi sĩ tài danh Xuân Diệu kể tên thứ tự như thế, do ngẫu nhiên hay muốn xác lập tuổi đời cao thấp của mỗi bài thơ? Trong nhà trường, từ giáo trình đại học, đến sách giáo khoa phổ thông, các nhà sư phạm lại xướng danh cách khác: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Nếu chỉ đọc riêng từng bài thì việc gọi trước sau bài nào chẳng có gì quan trọng. Nhưng nay, ở chương trình Văn 11 có hai tiết với tư cách một bài giảng văn (nửa thời gian học về tác giả Nguyễn Khuyến) thì không thế đọc, giảng ngẫu hứng, tùy tiện.
Cần xuất phát từ một cơ sở khoa học, một góc nhìn, một chủ đề nội dung nào đó, để định hướng. Theo thời gian sáng tác ư? Theo không gian miêu tả? Theo tâm trạng tác giả? Ở thơ cổ nói chung, thơ Nguyễn Khuyến nói riêng, thời gian, không gian nghệ thuật, cái tôi thi sĩ thường đan xen, nhạt nhòa, ẩn hiện mơ hồ, rất tinh tế. Do đó, trước ba bài thơ thu này, chúng ta cần kết hợp những khoảnh khắc thời gian với dáng hình nhân vật trữ tình, kết hợp nhửng cung bực tâm trạng thi sĩ với yêu cầu để đọc đúng, hiểu sâu. Tôi xin đề nghị chúng ta đọc, giảng theo thứ tự sau: Thu vịnh - Thu ẩm - Thu điếu.
“Thu vịnh” - Mùa thu làm thơ, là khoảnh khắc từ chiều ngả dần về tối. Bức tranh thu cao rộng ở bầu trời xanh ngắt, hạ thấp xuống những nét mảnh mai của cành trúc lơ phơ, rồi là là thấp trên mặt nước sương khói phủ mờ và gần hơn nữa là song cửa đẫm ánh trăng. Thi liệu, đề tài của bức tranh phong cảnh này nằm trong ước lệ của thi pháp thơ cổ, với: bầu trời, cây cỏ, mật nước, song cửa, ánh trăng... Nhưng nó vẫn có hồn và mang ít nhiều nét cảnh Việt Nam, nhất là rất riêng Nguyễn Khuyến. Rõ nhất là ở mấy chữ: “Song thưa để mặc bóng trăng vào”. Nét vẽ trong thơ, hay chính là tâm trạng nhà thơ? “Song thưa” và “để mặc” là chủ thể. “Bóng trăng vào” là khách thể. Một tiếng thở dài buông xuôi? “Bóng trăng”, chứ không phải “ánh trăng”. Trăng đã hóa thân thành người thản nhiên, ung dung bước vào. Cảnh và tình trong thơ mờ ảo dần. Thật mà không thật, có mà như không có, quen mà hóa xa lạ. Vì thế, nhìn hoa nở ngay trước giậu, ngỡ hoa sót lại từ năm ngoái. Nghe một tiếng chim trời kêu trên không trung, biết không phải tiếng ngỗng của nước mình. Thơ không ghi âm thanh, mà nghe rõ tiếng lòng thi sĩ đang thảng thốt. Có giống chăng tâm trạng chàng Kim Trọng cô đơn, ngơ ngác sững sờ khi trở lại vườn Thúy đầy những nét khác lạ, đổi thay: “Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”?. Đến hai câu cuối của bài thơ thì nỗi cô đơn, thảng thốt bật thành tiếng nói bộc bạch chân thành:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Chữ “thẹn” trong bài này gợi nhớ hai lần chữ “thẹn” trong bài Di chúc: “Ơn vua chưa chút báo đền. Cúi trông thẹn đất, ngửa lên thẹn trời”. Và cũng gợi nhớ chữ “nhục” trong bài Hội Tây: “Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu”. Tất nhiên, nhân cách một vị Tam nguyên vốn mang bản tính nhà nho khí khái trọng nghĩa khinh tài, khác xa những tiện dân vô tâm, vô tình đang vui vẻ, thỏa thuê dự Hội kia. Dù sao, đọng lại ở cuối ngọn bút. Thu vịnh vẫn là một nỗi buồn, một lời tự trách, tư, thẹn, hổ ngươi rất chân thành.
Đến bài Thu ẩm - Mùa thu uống rượu thì, nỗi buồn, tâm trạng tự trách, tự thẹn thành nỗi chán chường gần như muốn buông thả. Khoảnh khắc thu vì thế, là những giây phút chập tối, đêm sâu nhạt mờ, hư ảo. Vẫn gồm những họa tiết cơ bản như trước: bầu trời, mặt nước, ánh trăng, sương khói, bờ giậu... Nhưng khác trước là ở cái khuôn hình đậm của một căn “nhà cỏ thấp le te”, ở cái nét sâu của một “ngõ tối... đóm lập lòe”, những dấu hiệu đích thực của làng quê Việt Nam, lung linh, đẹp, nhưng mờ ảo. Điểm giữa bức tranh hư ảo và nhạt mờ ấy là hai mảng màu cùng hắt ra một gam màu gắt “da trời xanh ngắt” - “mắt lão đỏ hoe”. Đó là hai ánh mắt đang đau đáu nhìn nhau, mắt của trời và mắt của thi nhân. Nhìn nhau ngỡ như đối lập mà có sự hòa hợp bên trong. Hòa hợp như những lời chất vấn hỏi han, rồi tự vấn, tự đáp. Ở Thu vịnh cũng có lối cấu trúc “hỏi đáp” tương tự: “Ngỗng nước nào - Nghĩ ra lại thẹn”... Nhưng nếu bài trước còn có chút gì tỉnh táo, thì đến đây, tâm trạng nhà thơ thành chếch choáng, ngất ngư. Câu thơ cuối, nhất là mấy âm cuối “dăm ba”... “hoe”... “say nhè” òa ra như những dòng nước mắt.
Ai đó, khi đọc, Thu vịnh, Thu ẩm chỉ khen bức tranh làng cảnh Việt Nam đẹp đẽ, thơ mộng chung chung, mà không mường tượng ra dáng hình nhà thơ đang ngơ ngác trước thiên nhiên, không thấm thía tâm trạng người trí thức đang ngượng ngùng, xót xa, buồn, có lúc muốn buông xuôi quên lãng... thì gần như là chưa đọc Nguyễn Khuyến. Ai đó, đọc Nguyễn Khuyến, chỉ dừng ở Thu vịnh, Thu ẩm thì cũng là chưa hiểu hết Nguyễn Khuyến. Phải đọc tiếp Thu điếu mới trọn vẹn bức “tam bình” (tiếc thay chưa đủ bộ tứ bình) mùa thu của nhà thơ Yên Đổ, của một vùng quê Yên Đổ.
Bài Thu điếu - Mùa thu câu cá đã từng được nhiều người, rất nhiều người bình giảng, ngợi ca. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: Trong ba bức tranh thiên nhiên, “Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam, ở Bắc Bộ”. Và cũng chính Xuân Diệu đã hơn nhiều người khác, bình rất hay về vẻ đẹp của cảnh thu Việt Nam, về thành công tốt đẹp của quá trình dân tộc hóa trong nghệ thuật ngôn từ Nguyễn Khuyến. Chúng tôi chỉ xin bổ sung một nét đẹp riêng của thi phẩm này so với hai bài trước là: cái khoảnh khắc giữa buổi trưa thu trong suốt, cái thuyền câu bé tẻo teo, cái ngõ trúc quanh co, thực ra là những ngõ tre làng và nhất là cái không gian nhỏ hẹp, rất quê kiểu Việt Nam, cái dáng hình nhân vật trữ tình - người thơ Nguyễn Khuyến - thuần phác, thân thương. Bài thơ lấy đề tài không mới, nói về một công việc không lạ. Song so với việc “làm thơ”, việc “uống rượu” ở Thu vịnh, Thu ẩm thì việc “câu cá” trong bài Thu diếu dù sao cũng thú vị hơn. Thú vị nhất là hai câu kết:
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Khi vẽ Lã Vọng câu cá, nhiều họa sĩ thường dựng một hình ảnh con người thanh thản, thoát tục, với tóc râu phơ phất, quần áo thùng thình tẽn bờ suối, giữa núi rừng bao la, thoáng rộng. Bằng hai câu kết Thu điếu, cụ Tam nguyên đã tự họa một bức chân dung khác hẳn. Từ không gian tạo nền “ao thu trong veo”, đến địa điểm dựng nhân vật “chiếc thuyền bé tẻo teo” và cái dáng ngồi “tựa gối ôm cần”... tất cả như đang thu lại, nhỏ dần, nhỏ bé tưởng chừng chỉ còn là... một cái chấm. Song không phải một cái chấm im lặng, thoát tục, một dấu chấm hết. Trái lại, hình tượng thơ, nhất là giọng điệu câu - câu cảm thán “lâu chẳng được”, kết hợp câu cầu khiến “cá đâu đớp động” - khiến tâm trạng nhân vật thơ thêm đằm sâu, trĩu nặng. Đi câu, ai chẳng mong mau được cá. Vậy mà, “lâu chẳng được”. Vì thế, ý thơ bật ra thành những lời than thở, những tiếng thì thào mong mỏi, những tiếng gọi... Cụ Tam nguyên than thở về việc câu không được cá, hay đang xót xa cho vận nước cứ mãi hắt hiu như mặt ao nhỏ hẹp? Gọi cá cắn câu, đớp động để phao câu nhấp nháy hay muốn một cái khuấy mạnh, nổi sóng giữa những ao đời tù túng bấy giờ? Nhà thơ không nói trực tiếp bỗ bã kiểu thầy Đồ Chiểu: “Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng, Nỡ để dân đen mắc nạn này”. Nhưng, với đặc trưng của ngôn ngữ văn chương - ý ở ngoài lời, người đọc chúng ta vẫn nghe được một tiếng lòng đang thổn thức. Dưới cái mặt nước ao thu phẳng lặng và trong veo kia, vẫn đau đáu một nỗi đợi chờ, một niềm tin, niềm hi vọng. Và có chẳng một tiếng gọi thì thầm mà da diết, tiếng gọi của con chim cuốc đau đời, nhớ nước “Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ”? (Bài Cuốc kêu cảm hứng, Nguyễn Khuyến).
Vậy đấy, đọc Thu vịnh, đến Thu ẩm và cuối cùng là Thu điếu, chúng ta bắt gặp ba khoảnh khắc thời gian sáng dần, trong trẻo dần - từ chiều tà, đêm sâu, chuyển sang giữa trưa, bắt gặp ba dáng hình nhân vật trữ tình với công việc cụ thể - làm thơ, uống rượu rồi câu cá. Nhất là chúng ta cảm nhận mỗi lúc một rõ hơn, sâu sắc và đẹp đẽ hơn những cung bậc và tâm trạng thi sĩ. Trong thơ Nguyễn Khuyến, cảnh là của đất trời, quê hương, còn tình là tấc lòng riêng của thi sĩ. Nguyễn Khuyến yêu mến sâu xa làng cảnh quê hương thuần phác, trong trẻo, đồng thời luôn trăn trở, day dứt về thân phận người dân mất nước, về nhân cách người tri thức học rộng, tài cao mà bất lực, mà vô vị. Bao trùm lên tất cả vẫn là một tấm lòng chân thật, thật trong cách sống, thật trong mỗi vần thơ. Tấm lòng ấy dù trải qua những xót xa, những tủi hổ, thẹn thùng, có lúc muốn buông thả, quên lãng, nhưng cuối cùng đã trở lại bình tĩnh, đợi chờ, tin tương và hi vọng. Tấm lòng ấy ở người trí thức nói riêng, con người ta nói chung trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, giai đoạn nào của đất nước đều đáng quý. “Hãy đọc thơ Nguyễn Khuyến cho tim mình rung động với quê hương, đồng cảm với thi sĩ ngày nào, để có thêm những rung động mới, những cảm xúc mới cần thiết cho ngày nay và cho mai sau".