Kể một câu chuyện có nội dung nói về công cha nghĩa mẹ

Thứ năm - 14/11/2019 04:27
Đề: Kể một câu chuyện có nội dung nói về công cha nghĩa mẹ như câu ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Tuổi thơ - hai tiếng ấy thật là thiêng liêng, có lẽ bởi vì thế mà ai cũng nâng niu, gìn giữ trong trái tim mình. Đó là những hoài niệm đẹp khó phai mờ : Đêm trăng nghe bà kể cổ tích, buổi chiều thả diều trên con đê... Và với tôi cũng vậy, kỉ niệm về mùa thu năm ấy với hình ảnh người cha cứ sáng mãi, cứ dội về mỗi khi nhớ lại, mỗi khi bâng khuâng...

Chả là nhà tôi cách thành phố nơi tôi học hơn năm cây số. Ngày ngày, cha tôi chở tôi đi học trên chiếc xe đạp cọc cà cọc cạch mà cả nhà tôi vẫn gọi đùa là “con chiến mã”. Vào những ngày hè oi ả, nắng như đổ lửa, cha vẫn cặm cụi lai tôi. Mỗi giọt mồ hôi âm thầm thấm ướt vai áo cha là một niềm tin, ước mong tốt đẹp của cha về tôi. Những ngày đông rét cắt da cắt thịt, chống chọi với mưa gió, cha vẫn chở tôi trên con đường quen thuộc.

Mùa thu năm ấy, một mùa thu tôi không thể nào quên. Đó là những ngày lụt lội. Tôi còn nhớ rất rõ. Nước ngập hơn nửa bánh xe. Mưa, gió gào rít dữ dội. Cha tôi hôm ấy hơi mệt vì tối qua bị mắc mưa. Nếu nghỉ mất một buổi học thì hơi tiếc vì toàn là môn khó. Nhưng nhìn cha với dáng vẻ mệt mỏi, rồi nhìn ra ngoài trời... mưa gió..., tôi lại tự an ủi : “Thôi, mai mình mượn vở của bạn cũng được. Nhưng nếu mai cũng...”.

- Thuý ơi! - Tiếng gọi của cha cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Dạ ! - Tôi vừa trả lời, vừa chạy vào.
- Con lấy cặp đeo vào, mặc áo mưa rồi dắt xe ra, cha sẽ chở con đi.
- Nhưng mà cha...
- Không sao đâu, cha chỉ hơi mệt thôi mà. Lẹ lên con !
- Vâng ạ !

Vây là tôi lại cùng cha đến trường, trên con “ngựa sắt đã về già”. Gió ngoài này thật mạnh, cha con tôi lại đi ngược chiều. Cha còng lưng, đạp mạnh lên. Bàn tay cùa cha giữ chặt ghi đông. Tôi có cảm giác đôi bàn tay vững chãi đó đang hơi run run. Cha như đang dồn tất cả sức vào đôi chân, gồng cả người lên. Tôi biết là cha đang rất cố gắng. Đã có lúc tôi tưởng như một cơn gió mạnh thổi qua nữa thì sẽ hất tung cả con ngựa sắt này đi mất. Ngồi sau xe, tôi cứ mong sao cho mưa hãy giảm, gió hãy ngừng rít đi. Bỗng “rắc”. Hình như chú ngựa sắt cũng đã kiệt sức rồi thì phải. Tôi lo lắng. Cha tôi vội xuống xe, rồi lắc đầu :

- Phải dắt bộ thôi con ạ !
Tôi chần chừ:
- Hay là... Hay là ta quay về nhà, cha ?
- Ta đi đã hơn nửa đoạn đường rồi, quay về làm gì nữa, đi tiếp thôi. Con cứ ngồi yên nhé.

Cha tôi bì bõm lội nước đẩy xe đi. Mưa gió không thuyên giảm mà dường như còn mạnh hơn. Cha vẫn cố gắng, cố gắng từng bước. Tôi biết là cha mệt mỏi. Quần áo cha ướt sũng. Nước mưa chảy ròng ròng trên gương mặt cha... Cuối cùng, ngôi trường của tôi đã hiện ra. Tôi vào học không bị chậm và cũng cảm thấy chưa có buổi học nào ý nghĩa như vậy.

Đến chiều thì nước rút. Nhưng buổi tối hôm ấy cha tôi bị cảm lạnh, nằm li bì suốt mấy tiếng đồng hồ. Bón từng thìa cháo cho cha, tôi thấy mắt mình cứ cay cay, chực vỡ oà ra mất. Tôi thỏ thẻ :

- Cha ơi ! Vì con mà cha bị cảm ! Con xin lỗi cha.
- Không sao đâu con gái ạ ! Cha chịu khổ đã quen rồi. Chỉ cốt sao con cố gắng học hành cho giỏi giang...

- Vâng... - Tôi không thể nói tiếp thêm một lời nào nữa. Cũng may lúc đó, mẹ tôi từ dưới bếp di lên, bảo tôi ra học bài để cha nằm nghỉ cho đỡ mệt.

Hôm sau cha tôi đỡ hẳn. Những buổi học tiếp theo, cha vẫn chờ tôi đi trên chiếc “chiến mã” ấy. Năm đó, tôi đã đạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh. Đây là kết quả của quá trình cố gắng của tôi. Và có lẽ một phần nhiều còn là do tình thương mà cha mẹ đã dành cho tôi. Lúc nhận phần thưởng, tôi bắt gặp ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của cha. Tôi thầm cảm ơn người cha kính mến.

Thế đấy các bạn ạ . Đó là một kỉ niệm sâu sắc mà bây giờ hay cho mãi về sau tôi cũng không thể nào quên được. Nó trở thành một sợi dây vô hình neo giữ những kí ức tuổi thơ, neo giữ những tình cảm thiêng liêng để tôi luôn tự nhắc với lòng mình rằng : Phải sống tốt hơn! Sống tốt hơn nữa!
 
(Đặng Thị Thuý, Trường THCS Đặng Thai Mai, Thành phố Vinh)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây