Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ một nhân vật văn học) - Bài làm 1
Bài thơ Đồng dao mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã giúp em cảm nhận được tình yêu đất nước, quê hương vô cùng to lớn và sâu sắc trong tâm khảm của những người lính, những người dân Việt Nam.
Trước khi trở thành một người lính, anh ấy cũng là một cậu trai trẻ bình thường với tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên. Anh ấy cũng chưa một lần yêu ai và luôn khát vọng được yêu. Anh ấy cũng chưa dám thử cà phê vì sợ vị đắng. Cũng còn ham chơi, mê tít trò thả diều. Tuy vậy, khi đất nước cất tiếng gọi, anh vẫn gác lại tất cả để ra chiến trường. Vẫn là anh đó, nhưng nay gan gạ hơn, mạnh mẽ hơn, can trường hơn. Điều gì khiến anh thay đổi như thế? Chính là tình yêu quê hương đất nước trong anh.
Như Bác Hồ đã từng nói “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Phải! Bất kì người dân Việt Nam nào cũng yêu nước. Chính vì thế, ai cũng có thể trở thành một người lính mạnh mẽ, can trường, không sợ súng đạn của kẻ thù. Các anh bộ đội cụ Hồ cũng vậu. Gác lại bút nghiên, đeo súng lên vai, các anh ra trận mạc. Có người trở về cầm tiếp bút mực, nhưng cũng có rất nhiều người phải vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường khói lửa. Chàng trai trong bài thơ Đồng dao mùa xuân cũng vậy. Anh đã hi sinh bởi bom đạn của kẻ thù, bất ngờ và đau đớn. Nhưng sự ra đi của anh không phải là dấu chấm hết. Anh không hề biến mất, mà vẫn còn mãi đó. Hình dáng của anh lồng vào dáng vẻ của non sông đất nước. Anh hiện diện trong bóng lưng của những người lính áo xanh kia. Anh hóa thành ngọn lửa trên vai người đồng đội, thôi thúc họ càng thêm mạnh mẽ, ngoan cường.
Chính sự hi sinh của các anh đã tạo nên độc lập tự do của tổ quốc. Các anh hiến dâng tuổi xuân của mình, dựng nên mùa xuân của quê hương đất nước. Cho rừng cây được xanh tốt, cho trẻ em được đến trường, cho mẹ già được ngồi đan áo… Tất cả những niềm vui hân hoan ấy, là nhờ các anh. Thế nên nhân dân ta muôn đời luôn biết ơn và kính trọng các anh. Dù chiến tranh đã lùi về phía xa, chỉ còn hiện diện qua những câu chuyện kể, nhưng chưa một ngày một giờ nào người dân quên đi sự hi sinh to lớn của các anh cả. Những người lính bộ đội cụ Hồ ấy, sẽ sống mãi trong lòng người dân nước Việt.
Tinh thần yêu nước mạnh mẽ ấy, đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện ý nhị qua hình ảnh người lính trẻ. Từ đó, giúp người đọc thêm thấu hiểu về những con người vĩ đại ấy. Đồng thời lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến tất cả mọi người.
Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ một nhân vật văn học) - Bài làm 2
Cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ rất nhiều những điều vụn vặt, nhỏ bé. Bài học đó đã được tôi rút ra từ nhân vật hai bố con sau khi đọc xong văn bản “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Từ đó gợi ra cho tôi nhiều suy nghĩ về những điều nhỏ bé trong cuộc sống.
Trong văn bản, người bố đã giảng dạy cho người con biết ý nghĩa của những món quà thực sự. Đó không phải là những thứ đồ vật chất lớn lao, đắt tiền, sang trọng, mà đó chính là tình cảm, tấm lòng của người tặng đã gửi gắm vào đó. Cho nên dù món quà có lớn hay nhỏ thì đều đẹp và đáng trân trọng. Cách chúng ta đón nhận mòn quà đó của người tặng cũng thể hiện nét đẹp của chính mình.
Thật vậy, chúng ta thường ước mơ những điều lớn lao và mong muốn làm những điều vĩ đại trong cuộc đời. Nhưng để đạt được những điều lớn lao đó thì đều xuất phát từ những điều bình dị trong cuộc sống. Cho dù nó có thể là thành công hay thất bại, vui sướng hay đau khổ, thì chúng đều là những mảnh ghép trong bức tranh xếp hình tạo nên những điều vĩ đại.
Cuộc sống của con người bao gồm nhiều mối quan hệ trong xã hội. Và nhân cách của mỗi chúng ta sẽ quyết định đến những giá trị đích thực trong cuộc sống. Để có được cuộc sống hạnh phúc thì chúng ta không thể bỏ qua sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ và yêu thương lẫn nhau. Có được thành công trên đường đời không thể thiếu sự kiên trì, nỗ lực và những cố gắng nơi bản thân. Vì thế, hạnh phúc đơn giản lắm, chỉ cần góp nhặt những niềm vui nhỏ trong cuộc sống. Bình an, hạnh phúc đều ở xa côi, chúng luôn hiện ngay bên cạnh ta, từ những điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống thường ngày.
Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, khi con người cứ sống vội vã, chẳng mấy ai sống chậm lại để cảm nhân từng giây phút trôi qua là điều đáng trân quý. Con người đang mất dần cảm nhận từng phút trôi qua là quà tặng, mỗi niềm vui nhỏ góp nhặt trong đời là món quà của cuộc sống. Người ta cứ sống vội vã và bị cuốn theo những đam mê, mục đích riêng mình. Ví dụ như con người đang quên mất rằng một bữa cơm tốt chung với nhau là điều đáng quý hơn hết. Một gia đình yêu thương sẽ là nơi nghỉ ngơi lúc khó khăn trên đường đời, những người bạn thân là chỗ để tâm sự lúc buồn sâu, tạo nên những thành tựu đáng ghi nhận. Nhưng nếu vì nó mà bỏ quên gia đình, bạn bè thì thật không nên, nó có thể sẽ phá hỏng hết môi quan hệ.
Chúng ta nhiều khi lầm tưởng rằng giá trị cuộc sống tạo nên bởi những điều thật lớn lao, nhưng điều đó vô tình khiến ta quên đi những điều nhỏ nhặt đời thường. Khi hiểu được giá trị của những điều nhỏ nhặt làm nên việc lớn lao, ta sẽ thấy hạnh phúc không bao giờ ở xa ta, chỉ cần nâng niu, trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và góp nhặt những niềm vui đơn sơ trong dòng đời.
Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ một nhân vật văn học) - Bài làm 3
Một trong những cuốn sách mà tôi rất yêu thích là “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da. Trong tác phẩm này, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với nhân vật Gióc-ba, một con mèo mùn được nhà văn xây dựng để gửi gắm bài học về tình yêu thương.
Truyện kể về việc chú mèo mun Gióc-ba nuôi dưỡng Lắc-ki, một con hải âu mồ côi. Mẹ Lắc-ki bị ngộ độc váng dầu nên đã chết ngay sau khi để trứng. Tình cờ chứng kiến cái chết của hải âu mẹ, Gióc-ba đã hứa ba điều: ấp quả trứng, bảo vệ, nuôi lớn hải âu con và dạy nó bay. Bằng tình yêu thương Lắc-ki và được sự hỗ trợ trợ giúp của các bạn mèo, Gióc-ba đã hoàn thành ba lời hứa của mình.
Câu chuyện được bắt đầu từ một lời hứa, nhưng chính trái tim nhân hậu của chú mèo Gióc-ba lại làm lay động trái tim của biết bao độc giả. Từng trang sách được lật mở là từng cảm xúc khác nhau mà chúng ta đã trải qua: vui vẻ, buồn bã, tức giận đến hồi hộp, hạnh phúc của những nhân vật trong truyện. Một thế giới của loài vật hiện lên thật sự sinh động, thú vị khiến cho người đọc không thể rời mắt khỏi trang sách.
Gióc-ba và họ nhà mèo đã nuôi lớn và dạy dỗ Lắc-ki bằng tình yêu thương chân thành, tha thiết. Một lần nọ, Lắc-ki đi tới của tiệm tạp hóa và đụng độ với con đười ươi Mát-thiu. Nó chê Lăc-ki bẩn thỉu, còn gieo vào đầu cậu ý nghĩ bầy mèo muốn nuôi lớn cậu để ăn thịt. Lắc-ki trở về nhà, cảm thấy buồn rầu và không thiết tha ăn uống. Cả bầy mèo lo lắng hết sức. Gióc-ba phải đến bên hỏi han Lắc-ki. Sau khi biết được lí do, Gióc-ba đã giải thích cho Lắc-ki hiểu được sự khác biệt của hải âu và mèo, cùng với tình yêu thương mà họ nhà mèo dành cho Lắc-ki.
Ở cuối truyện, Lắc-ki học được cách bay, giọt nước mắt mãn nguyện của chú mèo Gióc-ba đã cho thấy tình yêu thương thật lớn lao. Gióc-ba cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã giữ đúng lời hứa nhưng trong sâu thẳm lại buồn vời vợi vì từ đây sẽ xa đứa con nhỏ bé mà bấy lâu nay mình đã dành hết tình yêu thương cho nó một cách trọn vẹn nhất. Qua câu chuyện, nhà văn cũng truyền tải đến người đọc một thông điệp: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn”. Đây là một thông điệp vô cùng giá trị trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” đã để lại cho người đọc cảm xúc đẹp đẽ. Chúng ta cũng nhận ra được bài học về tình yêu thương trong cuộc sống.
Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ một nhân vật văn học) - Bài làm 4
“Bài học đường đời đầu tiên” được trích trong “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Trong đoạn trích này, nhân vật Dế Mèn hiện lên với tính cách kiêu căng, ngạo mạn. Cũng bởi tính xấu ấy mà nó đã gây ra cái chết của Dế Choắt. Qua nhân vật này, tác giả đã gửi gắm một bài học giá trị trong cuộc sống.
Nhà văn đã xây dựng tính cách của nhân vật Dế Mèn. Chàng ta mang những nét tính cách của con người: kiêu căng, ngạo mạn và hống hách. D ế Mèn nghĩ mình là nhất nên dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm: quát mắng chị Cào Cào, đá ghẹo anh Gọng Vó. Nhất là đối với Dế Choắt - người bạn hàng xóm thì Dế Mèn luôn tỏ ra coi thường, chê bai. Một lần sang nhà Choắt chơi, Mèn đã lên tiếng chê: “Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế. Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng… Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn..”. Đến khi Choắt muốn nhờ giúp đỡ, thì Dế Mèn lại khinh khỉnh: “Hức! Thông ngách sang nhà ta? Dễ nghe nhỉ? Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được. Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết!”. Cách ứng xử này của Dế Mèn có phần ngang ngược, ích kỉ.
Cái dáng vẻ yếu đuối của Dế Choắt khiến cho Dế Mèn cảm thấy khinh khỉnh, coi thường. Đặc biệt nhất là tình huống dẫn đến cái chết thương tâm cho Choắt. Cậu đã bày trò trêu chị Cốc, khiến chị ta tức giận. Nhưng lại chỉ trốn trong hang mà không dám ra nhận lỗi. Cuối cùng, Dế Choắt là người chịu vạ lây. Trước khi chết, Dế Choắt đã đưa ra những lời khuyên chân thành cho Dế Mèn: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết suy nghĩ sớm muộn rồi cũng mang họa vào thân”. Nhờ vậy, Dế Mèn đã nhận thức được lỗi lầm của bản thân.
Có thể thấy, qua nhân vật Dế Mèn, tác giả muốn phê phán tính cách kiêu căng, ngạo mạn và nhắc nhở con người cần biết suy nghĩ trước khi làm mọi việc. Nhân vật Dế Mèn hiện lên vô cùng sinh động.