Kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử - Bài làm 1
Bác Hồ là vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam. Bác hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp cho chúng ta học tập và noi theo. Bác không chỉ có lối sống trách nhiệm, chu toàn, giản dị mà ở Người còn lấp lánh vẻ đẹp của tình yêu thương. Câu chuyện kể về Bác với anh cán bộ làm em nhớ mãi.
Chuyện kể rằng, có khoảng thời gian Bác phải ở nhờ nhà một người cán bộ. Mỗi sáng Bác đều dậy rất sớm tập thể dục rồi dọn dẹp nhà cửa. Ngôi nhà chật chội, lụp xụp của anh qua bàn tay Bác đã trở nên gọn gàng, sạch sẽ. Trong nhà có tất cả năm người bao gồm vợ chồng anh cán bộ, đứa con trai tên Hải, anh Kiên và Bác. Ban ngày anh bận cắt tóc, Bác vẫn thường chẻ củi, nấu cơm hộ. Vợ anh buôn gạo nên kì nào có gạo về, Bác cũng ra vác giúp.
Có lần gạo về đúng lúc anh đang bận học, chẳng có ai khiêng đỡ, vợ anh bực tức gắt gỏng vì không có người. Thấy vậy, anh giận vợ, đi từ trên gác rút guốc đánh mấy cái. Vợ anh chưa kịp làm to chuyện thì Bác xuất hiện. Hành động chẳng mấy hay ho của anh đã bị Bác nhìn thấy. Bác phê bình anh: "Sao anh lại làm như thế?". Rồi Bác rủ anh Kiên bê gạo vào nhà. Đến tối, Bác lại phê bình anh chuyện lúc sáng. Bác ôn tồn giải thích lý do tại sao một người đàn bà nghèo khổ phải trở nên gắt gỏng rồi truy đến nỗi khổ của những người bị bóc lột. Bác hỏi anh rằng: "Tại sao một người Đảng viên như anh mà lại hành động như thế?". Bác nói: "Về việc đoàn thể thì rất có thể chỉ vì hành động sai lầm cỏn con như thế mà lộ bí mật." Những lời nói đầy thấm thía của Bác khiến anh phải nể phục mà tiếp thu.
Nhớ lại những ngày đầu gặp gỡ, Bác luôn giúp đỡ gia đình anh, quan tâm đến mọi người cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất nên tạo được nếp sống khác hẳn. Nhất là đối với thằng con trai anh - cháu Hải, Bác luôn chăm sóc cho nó thật chu đáo. Nó ngủ ngoẹo đầu thì Bác sắp gối, chỉnh cho nó nằm thẳng lại. Bác dậy mấy lần ban đêm chỉ để đắp chăn cho nó. Để phòng nó ốm đau vặt vãnh, Bác đều lo cho nó mặc thật ấm. Thấy nó ăn no, Bác nới rộng giải rút cho thằng bé. Tuy chỉ là khách trong nhà, nhưng Bác giống như thành viên trong gia đình từ lâu.
Qua câu chuyện ngắn kể về Bác, em càng hiểu thêm về những đức tính cao đẹp của một con người, một nhân cách lớn lao. Câu chuyện kể về Bác đã cho em thấy được nếp sống kỉ luật, gọn gàng, khoa học và sự tận tình, chu đáo của Bác đối với mọi người xung quanh. Hình ảnh giản dị của Bác đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu đậm, là tấm gương sáng để các thế hệ học tập và noi theo.
Kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử - Bài làm 2
Một trong những nhân vật lịch sử mà em kính trọng nhất chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để biết nhiều hơn về con người Đại tướng, em thường tìm đọc các mẩu chuyện về cuộc sống đời thường của ông. Trong đó có một mẩu chuyện mà em nhớ mãi.
Theo đó, vào tháng 11 năm 1983, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một chuyến về thăm quê. Lần đó, ông đã về thăm lại ngôi trường cấp 3 của mình ở Lệ Thủy. Rất nhiều bà con đã đến đó để được tận mắt nhìn thấy vị Đại tướng oai phong của dân tộc. Trong vòng vây cán bộ, học sinh, nhân viên nhà trường cùng nhân dân, Đại tướng chợt tiến về phía một cụ già. Lại gần, Đại tướng cất tiếng hỏi:
- Có phải cụ là Choạc không?
- Thưa ngài đúng ạ! - Cụ già lúng túng trả lời!
Ngay lập tức, Đại tướng vui vẻ hẳn lên, cất tiếng nói:
- Cụ đừng gọi như vậy. Năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ thưa, tôi 71 tuổi.
- Vậy thì chúng ta là bạn đồng niên. Tôi 73.
Vừa nói, Đại tướng vừa cười rạng rỡ. Sự thân thiện, tay bắt mặt mừng ấy khiến không chỉ cụ Choạc mà người dân xung quanh đều khó hiểu. Nhưng sau khi biết chuyện, thì mọi người đều xúc động không thôi. Bởi thời niên thiếu, khi Đại tướng còn đi học ở Huế, thì năm nào về nghỉ hè cũng về thăm quê. Và cụ Choạc chính là một chàng thanh niên lúc đó thường sang nhà ông cấy, gặt thuê. Vì cụ Choạc lúc đó vừa khỏe mạnh lại vui tính, hay hát hò nên có nhiều dịp gặp mặt với Đại Tướng. Đã rất nhiều năm trôi qua với nhiều biến động, nhưng Đại tướng vẫn nhận ra người quen của mình trong đám đông ngay.
Mẩu chuyện đó tuy bình dị nhưng cũng đủ để em cảm nhận được trái tim ấm áp, giàu tình yêu thương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử - Bài làm 3
Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, có một nhân vật đã để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ qua chiến công mà còn bởi tư duy chiến lược và tâm hồn anh hùng. Đó chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng tài ba và là biểu tượng của lòng yêu nước, trí tuệ, và tinh thần quật cường. Trần Hưng Đạo không chỉ nổi tiếng qua những chiến thắng vang dội chống lại quân Nguyên Mông mà còn qua sự sáng suốt và khôn ngoan trong cách lãnh đạo quân đội và bảo vệ quê hương.
Trần Hưng Đạo, tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ra trong một gia đình quý tộc thuộc triều đình nhà Trần. Ông nhanh chóng nổi bật với tài năng quân sự và trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất của triều đình. Thời kỳ ông sống đánh dấu một giai đoạn căng thẳng và biến động của lịch sử Việt Nam, với những cuộc xâm lược liên tiếp từ phương Bắc.
Đặc biệt, sự xâm lược của quân Nguyên Mông là thách thức lớn nhất đối với sự tồn vong của quốc gia và đã đòi hỏi sự lãnh đạo tài tình, quyết đoán của các vị tướng, trong đó có Trần Hưng Đạo.
Trần Hưng Đạo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam thông qua các chiến thắng chói lọi chống lại quân Nguyên Mông. Trong các cuộc chiến này, ông không chỉ thể hiện tài năng quân sự xuất chúng mà còn phô diễn tư duy chiến lược độc đáo. Một trong những chiến công tiêu biểu nhất là trận Bạch Đằng giang năm 1288, nơi ông đã sử dụng chiến thuật cọc nhọn để đánh bại đoàn quân đông đảo của Nguyên Mông.
Qua những trận chiến này, Trần Hưng Đạo không chỉ chứng minh khả năng lãnh đạo tài ba mà còn thể hiện tầm nhìn sâu rộng trong việc áp dụng chiến thuật và tận dụng địa hình, cũng như tinh thần đoàn kết, mưu trí trong quân đội. Ông đã trở thành biểu tượng của sự khôn ngoan, dũng cảm và lòng yêu nước, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ học tập và noi theo.
Ý nghĩa lịch sử của Trần Hưng Đạo không chỉ nằm ở những chiến thắng oanh liệt mà còn trong việc ông đã trở thành biểu tượng của tinh thần quốc gia và lòng yêu nước. Các chiến thắng của ông chống lại quân Nguyên Mông không chỉ bảo vệ được nền độc lập của dân tộc mà còn nâng cao niềm tin và sức mạnh tinh thần cho toàn dân Việt Nam.
Di sản của Trần Hưng Đạo còn được ghi nhớ qua những bài học về chiến lược quân sự, tinh thần lãnh đạo và sự hy sinh vì đất nước. Ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử và tâm thức của người dân Việt Nam, là nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi thế hệ, hướng dẫn họ về tình yêu quê hương và sự quyết tâm bảo vệ tổ quốc.
Trần Hưng Đạo, qua những chiến công lịch sử và tầm nhìn lãnh đạo sâu sắc, không chỉ là một vị tướng huyền thoại mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho dân tộc Việt Nam. Ông đã để lại một di sản không chỉ trong sách sử mà còn trong trái tim và tâm trí của mỗi người dân Việt.
Sự nghiệp và tinh thần của Trần Hưng Đạo sẽ mãi là biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên cường và trí tuệ, nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của sự hy sinh và lòng quả cảm trong việc bảo vệ tự do và độc lập của quốc gia.
Kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử - Bài làm 4
Trong những năm tháng chiến tranh, rất nhiều người con của mảnh đất Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ và đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc. Một trong số đó là Võ Thị Sáu - nữ anh hùng huyền thoại vùng Đất Đỏ.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Nguyên quán được ghi trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã cùng với anh trai tham gia cách mạng. Chị tham gia vào đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Trong thời gian này, chị tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương. Không chỉ vậy, chị cũng nhiều lần phát hiện ra gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động tấn công địch.
Một lần nọ, chị nhận nhiệm vụ mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng - một tên Việt gian bán nước ngay tại xã nhà. Lựu đạn nổ, tên Tòng bị thương nặng nhưng không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công khiến bọn lính đồn khiếp vía, không dám truy lùng Việt Minh ráo riết như trước. Sau này, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, chị đã bị giặc bắt. Sau khi bị bắt, cô lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa và khám Chí Hòa. Thực dân Pháp đã cho mở phiên tòa, thời điểm này, chị vẫn chưa tròn mười tám tuổi. Luật sư biện hộ đã lấy đó làm căn cứ để giúp chị thoát khỏi án tử hình, nhưng tòa án vẫn tuyên án tử hình chị. Chúng chuyển chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo. Ở đây, thực dân Pháp đã lén lút đem chị đi tử hình.
Vào năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Chị Võ Thị Sáu chính là một biểu tượng về lòng dũng cảm, kiên cường.