Nghị luận về vấn đề Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương - Bài làm 1
Con người, với đặc điểm khác biệt so với loài vật, hiểu rõ về việc giữ gìn vệ sinh không gian sống để bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn bệnh tật và tạo ra một môi trường sống trong sạch và lành mạnh. Một trong những thói quen quan trọng mà mỗi học sinh cần phải áp dụng là biết giữ gìn vệ sinh trường lớp. Hành động nhỏ này mang lại ý nghĩa to lớn đối với tập thể và cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần phải từ bỏ quan điểm: "Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương."
Giữ gìn vệ sinh trường lớp không chỉ là việc duy trì sạch sẽ mà còn là cách bảo vệ không gian học tập khỏi bẩn, ô nhiễm và các loại rác thải, vi khuẩn có thể gây hại. Việc này đặt ra câu hỏi tại sao cần phải quan tâm và giữ gìn vệ sinh trường lớp. Trường học và lớp học là nơi học sinh dành thời gian học tập và giải trí. Đây là không gian chung, nơi tập trung đông đảo học sinh, do đó, có nguy cơ nhiễm bẩn cao từ rác thải và thức ăn. Nếu trường học và lớp học không được giữ gìn vệ sinh, đó có thể làm suy giảm sức khỏe và hiệu suất học tập. Ngược lại, một không gian học tập sạch sẽ và an toàn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho học tập hiệu quả, đồng thời giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của học sinh.
Việc giữ gìn vệ sinh trường lớp là trách nhiệm của từng học sinh. Mỗi học sinh phải thể hiện tinh thần tự giác và trách nhiệm trong tập thể. Tôn trọng và giữ gìn vệ sinh trường lớp là một hành động xuất phát từ ý thức tự giác và trách nhiệm xây dựng tập thể học sinh. Hơn nữa, biết giữ gìn vệ sinh không chỉ là việc duy trì môi trường sạch sẽ mà còn là lối sống lành mạnh, văn minh và tiến bộ.
Một số học sinh có suy nghĩ lệch lạc, cho rằng việc giữ gìn vệ sinh trường lớp là trách nhiệm của những người lao công. Mặc dù điều này không hoàn toàn sai, nhưng việc chủ quan, bày bừa trong lớp học và chỉ trách nhân viên lao công làm sạch đã tạo ra suy nghĩ và hành động thiếu tính trách nhiệm và đồng đội. Mỗi học sinh cần phải nhận thức và trân trọng nghề nghiệp của những người giữ gìn vệ sinh và đồng thời tự giác giữ gìn vệ sinh trường lớp. Họ không nên tùy ý bôi bẩn hay vứt rác, mà ngược lại, cần phải hiểu rằng sự sạch sẽ của lớp học là lợi ích chung cho tất cả. Việc này không chỉ giúp cải thiện môi trường học tập mà còn xây dựng tính cách và tư duy tích cực cho học sinh.
Để thực hiện mục tiêu giữ gìn vệ sinh trường lớp, học sinh có thể áp dụng những biện pháp như không vứt rác bừa bãi, dọn vệ sinh lớp vào đầu và cuối giờ học, thực hiện các hành động giữ gìn không gian chung một cách đúng đắn. Cần phải tạo thói quen tự giác, không mang thức ăn và đồ uống có thể gây rơi lên lớp học, và tham gia tích cực vào các hoạt động vệ sinh tập thể. Quan trọng nhất, học sinh cần phải nhận thức rằng giữ gìn vệ sinh trường lớp không chỉ là trách nhiệm của người khác mà còn là trách nhiệm của chính họ, để xây dựng một môi trường học tập sạch sẽ, thân thiện và an toàn.
Nghị luận về vấn đề Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương - Bài làm 2
Để mỗi học sinh có được sự phát triển tốt nhất về năng lực, đạo đức, điều quan trọng là cần tạo được cho các bạn môi trường học tập tốt nhất, môi trường ở đây được hiểu theo cả nghĩa ẩn dụ là quá trình giảng dạy của thầy cô và theo nghĩa thực: sự xanh, sạch, đẹp của môi trường sống, khuôn viên trường học, lớp học. Để môi trường lớp học luôn xanh, sạch đẹp, việc vệ sinh trường học thường xuyên là điều rất quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương Sự thực liệu có phải và có nên như vậy?
Trường học là cơ sở giáo dục, là môi trường cung cấp không gian học tập cho học sinh dưới sự chỉ đạo của các giáo viên. Vệ sinh trường học là các hoạt động nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất về môi trường, cơ sở vật chất trường, lớp, các trang thiết bị, chế độ vệ sinh dạy học, học tập, tập luyện thể dục, thể thao. Việc đảm bảo vệ sinh trường lớp sạch sẽ giúp học sinh và các giáo viên có môi trường học tập tốt hơn, xanh sạch đẹp và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cũng như sức khoẻ tốt nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng vệ sinh trường học chỉ là trách nhiệm của những người lao công được nhà trường trả lương, đây là ý kiến hoàn toàn sai lầm. Bởi trường học là môi trường học tập chung của tất cả học sinh và giáo viên, nơi đây học sinh sẽ được tiếp thu, lĩnh hội kiến thức góp phần phát triển bản thân mình. Chính bởi lẽ đó, học sinh là đối tượng quan trọng nhất chịu ảnh hưởng bởi môi trường trường học, đáng ra họ chính là người phải biết giữ gìn và đảm bảo sạch sẽ môi trường học tập của chính mình. Những người lao công không thể dọn hết được tất cả giấy rác ở mọi ngóc ngách trong phòng học, mà những nơi đó học sinh nên tự mình nâng cao ý thức không vứt rác bừa bãi và không ỷ lại vì có những người lao công. Hơn nữa, nếu học sinh vẫn có thói quen ỷ lại vào những người lao công như vậy, họ vẫn sẽ xả rác ở bất cứ nơi đâu, không nhặt giấy rác tại chỗ ngồi sau mỗi buổi học, không sắp xếp lại bàn ghế ngay ngắn thì chính họ đang là người khiến môi trường học tập của mình thêm tồi tệ hơn. Việc giữ gìn về sinh chung không phải trách nhiệm của một cá nhân cụ thể nào mà đó là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, những người trực tiếp học tập và phát triển trong môi trường đó. Không những vậy, những suy nghĩ lệch lạc đó còn có thể dẫn đến một thái độ khinh thường, thiếu tôn trọng sức lao động của những người lao công, ảnh hưởng đến đạo đức và nhân cách của bản thân người học sinh. Những người như vậy sẽ không được sự yêu mến từ thầy cô và bạn bè xung quanh.
Nhiều học sinh cho rằng gia đình đã bỏ tiền cho nhà trường thuê lao công và họ phải có trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh. Vì thế nên học sinh sẵn sàng mang đồ ăn đồ uống vào lớp học và sau khi ăn uống xong họ vứt rác vào hộc bàn, trên ghế hay bất cứ nơi đâu. Sau giờ học, những người lao công phải vất vả dọn dẹp khu vực xung quanh lớp học và cả trong lớp học nhưng không thể đi từng hộc bàn để dọn dẹp được. Thế nên, lâu dần chính nơi học tập của những học sinh sẽ bị ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của học sinh đó.
Ý kiến trên là không đúng đắn. Mỗi chúng ta, là học sinh cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn vệ sinh lớp học cũng như môi trường xung quanh lớp học, không nên có thái độ ỷ lại vào người khác. Để nâng cao ý thức của học sinh, nhà trường nên có những hình thức xử phạt những em học sinh xả rác bừa bãi, hay có những quy định về khuôn viên ăn uống của học sinh nhằm hạn chế tối đa tình trạng xả rác bừa bãi trong trường học. Gia đình cũng nên nhắc nhở con em mình phải vứt rác đúng nơi quy định và đảm bảo vệ sinh chung.
Tóm lại, giữ gìn vệ sinh tốt sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho con người phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất. Môi trường là nơi chúng ta sinh sống, học tập và làm việc, vì thế bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta, đó không phải là công việc của riêng cá nhân nào. Khi còn là học sinh, chúng ta cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh hơn nữa, từ trường học đến môi trường chung bên ngoài xã hội.
Nghị luận về vấn đề Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương - Bài làm 3
Ở trường học, học sinh không phải chỉ quan tâm đến chuyện học hành, sách vở. Mà các em còn phải để ý đến nhiều vấn đề khác nữa. Trong đó, không thể không nhắc đến vấn đề giữ gìn vệ sinh lớp học. Vậy mà lại có ý kiến cho rằng vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương. Bản thân em không đồng tình với ý kiến này.
Hồi trước bố mẹ phải tự dọn dẹp trường lớp, không có cô lao công nhưng bố mẹ vẫn giữ trường lớp sạch sẽ vì đó là trách nhiệm của những học sinh chúng ta”. Đó là lời mà mẹ em vẫn dạy và nhắc nhở chúng em về việc tự giác vệ sinh trường lớp. Con người khác với loài vật ở đặc điểm là biết giữ gìn vệ sinh không gian sống để bảo vệ sức khỏe, tránh được bệnh tật, tạo nên môi trường sống trong sạch, lành mạnh.
Tất cả các học sinh từ khi học lớp một đã được nghe và thực hiện các hoạt động giữ gìn vệ sinh trường lớp. Như quét dọn lớp học, lau bàn ghế, vứt rác vào thùng… Những hành động đó không chỉ giúp trường lớp luôn sạch sẽ, mà còn giúp rèn luyện tinh thần tự giác, thái độ cho các em học sinh.
Các cô nhân viên lao công đúng là người chịu trách nhiệm chính trong việc vệ sinh trường lớp, tuy nhiên mỗi học sinh phải có thái độ trân trọng nghề nghiệp, biết ơn người đã giữ vệ sinh chung cho môi trường học tập. Không những vậy, mỗi bạn học sinh cần tự giác giữ gìn vệ sinh trong và ngoài lớp học, không được tự ý bầy bừa, vấy bẩn lớp học. Bởi hơn hết, một lớp học sạch sẽ sẽ tốt cho việc học tập và sức khỏe của chúng ta. Hơn nữa, giữ vệ sinh là hành động đúng đắn và là trách nhiệm của mọi người.
Chính vì vậy, giữ gìn về sinh trường học, lớp học, xây dựng môi trường học tập sạch sẽ, thân thiện và an toàn là trách nhiệm của mỗi học sinh. Một việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong cộng đồng.
Nghị luận về vấn đề Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương - Bài làm 4
Giữ gìn sự sạch đẹp cho nơi mình ở là nghĩa vụ của mỗi công dân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương. Theo ý kiến của bản thân, tôi cảm thấy quan điểm này rất sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức con người và xã hội.
Đầu tiên, gìn giữ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải riêng ai. Trường học được coi như "ngôi nhà thứ hai" của học sinh. Vậy, với tư cách một thành viên trong "ngôi nhà" ấy, mỗi chúng ta cần biết tự dọn dẹp, làm sạch không gian sống của "gia đình" mình. Học sinh cũng được dạy dỗ, rèn luyện cho từ nhỏ về thói quen làm sạch nơi ở. Điều này có trong cả lời Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng: "Giữ gìn vệ sinh thật tốt". Ngoài ra, việc dọn dẹp vệ sinh còn mang đến sự phát triển tích cực cho người học. Nó sẽ giúp người trẻ rèn luyện thói quen dọn dẹp, từ đó nâng cao tinh thần tự giác của mỗi cá nhân. Qua những buổi tổng vệ sinh được tổ chức, các học sinh còn có thể nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Việc suy nghĩ rằng trách nhiệm vệ sinh trường học chỉ thuộc về những người lao công đã gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Nó tạo ra thói quen ỷ lại cho con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ cho rằng việc vệ sinh là nhiệm vụ của người khác, từ đó thản nhiên bày bừa, xả rác mà không chịu dọn dẹp. Nếu cứ tiếp tục suy nghĩ ấy, con người sẽ dần trở nên lười biếng, phụ thuộc, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển của xã hội.
Để hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực mà quan điểm trên mang lại, chúng ta rất cần có những giải pháp triệt để. Đầu tiên, mỗi cá nhân phải tự rèn luyện ý thức cho bản thân. Trong một môi trường chung, nếu ai cũng nghĩ dọn dẹp không phải việc của mình thì sẽ chẳng có người nào chịu đứng lên hành động. Sự giáo dục và định hướng sớm của gia đình và trường học cũng là yếu tố quan trọng giúp cho con người hoàn thiện về nhận thức. Hãy cùng chung tay, chung sức phát triển cộng đồng, loại bỏ những quan điểm, định kiến tiêu cực, phiến diện.
Việc vệ sinh trường học nói riêng và giữ gìn môi trường sống nói chung là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả mọi người. Mỗi cá nhân hãy tự nâng cao ý thức bản thân, góp phần vào công cuộc xây dựng một xã hội văn minh, phát triển.