Tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay đang có những diễn biến phức tạp đe dọa trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Trước tình hình căng thẳng của biển Đông, “Thanh niên cần làm gì để bảo vệ Tố quốc?”, là câu hỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ khi đề cập đến thời sự biển Đông.
Biển đảo Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của người Việt Nam. Điều này đã được chứng minh bằng lịch sử và các tài liệu khoa học. Các tư liệu khoa học và pháp lý được công bố hiện nay, đều thể hiện quá trình khai phá, chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều hành động xâm hại đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam: bắt ngư dân Việt làm ăn, tấn công các tàu Việt trên vùng biển của chính Việt Nam, ngang ngược xây dựng thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa...
Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thanh niên, học sinh cần nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng chủ quyền biến đảo và giá trị to lớn chủ quyền mà ông cha ta đã đổ xương máu để xây dựng; về lịch sử Việt Nam đặc biệt là lịch sử địa lý liên quan đến chủ quyền biển đảo, về lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... tìm hiểu rõ chính sách ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề biển Đông cũng như nội dung của luật pháp, chế độ pháp lý của các vùng biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Thanh niên cần hưởng ứng tích cực các diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, khẳng định chủ quyền biển đào của Việt Nam trên các diễn đàn, đồng thời kịch liệt lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Thanh niên phải là hậu thuẫn, là chỗ dựa tình cảm vững chắc của những người lính biển đảo, bằng những việc làm thiết thực như gửi thư đến các lính Hải đảo để chia sẻ động viên và tiếp sức cho các anh thêm nghị lực để trông giữ biển đảo. Điều quan trọng nữa là không ngừng tu dưỡng phẩm chất người Việt Nam mới, tích cực tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh, có định hướng lý tưởng yêu nước và đoàn kết thì chúng ta sẽ kết nối khối sức mạnh lớn đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó sẵn sàng chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp vào công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương bằng tất cả những gì mình có thể.
Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc được cha ông truyền lại. Trách nhiệm của tuổi trẻ nói riêng là ra sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ này như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.