Tuổi đời của cha mẹ không thể không biết. Chúng ta có thể chúc mừng ngày sinh của cha mẹ, cảm thấy vui mừng và cũng cảm thấy lo lắng vì cha mẹ ngày một già đi. Cha mẹ là cội nguồn của chúng ta, cha mẹ chính là đạo, yêu thương cha mẹ là yêu đạo và có thế mới có khả năng đạt đạo.
Đại đa số đều chỉ nhớ tới ngày sinh của mình, mà không nhớ ngày sinh của cha mẹ.
Sự thật phổ biến này chỉ rõ:
- Con người ta vốn tự tư.
- Con người dễ quên gốc.
- Con người ta chẳng muốn người khác chỉ trích mình.
Cả ba vấn đề trên đều quy về một điểm, nhằm chỉ mặt ác của nhân tính.
Triết nhân chỉ ra rằng: con người nên có lòng yêu thương cha mẹ như yêu thương con trẻ.
Tăng Tử, học trò của Khổng Tử là một người có học vấn, đức hạnh đều vô cùng xuất sắc, người đóng vai trò kế thừa tư tưởng của Khổng Tử truyền lại cho hậu thế. Khi sắp qua đời Tăng Tử triệu tập tất cả đệ tử, nói: “Bây giờ thầy có thể trút bỏ được gánh nặng rồi!”. Các học trò đều không hiểu ý nghĩa của câu nói đó.
Tăng Tử đáp: “Từ xưa có câu “Run rẩy lo sợ như tới gần vực sâu, như bước trên lớp băng mỏng”, thầy vì làm được hàm ý của câu nói này mà một đời sống phải cẩn thận từng ly, nhưng giờ đây đối diện trước cái chết, cuối cùng có thể bỏ xuống gánh nặng này rồi”.
Qua câu chuyện trên có thể thấy, Tăng Tử có tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, không phút lơ là việc tôn kính cha mẹ.
Nho gia cho rằng, “hiếu” là khởi điểm của luân lý đạo đức. Một người coi trọng đạo hiếu tất nhiên là người có lòng thương yêu, ăn nói nho nhã. Gia đình coi trọng đạo hiếu thì mọi người giàu tình yêu thương, quan hệ gắn bó chặt chẽ, ngược lại, tất nhiên là tình cảm nhạt nhẽo, kết cấu gia đình lỏng lẻo, dễ tan vỡ. Có thể thấy, không coi trọng đạo hiếu sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định và hài hòa trong toàn thể xã hội. Đúng như Lý Quang Diệu nói: “Đạo hiếu không được coi trọng, hệ thống sinh tồn sẽ trở nên yếu ớt và lối sống văn minh cũng vì thế mà trở nên xấc xược. Chúng ta không thể vì người già vô dụng mà chẳng đoái hoài. Nếu làm con mà đối đãi với cha mẹ như thế, chẳng khác nào cổ vũ cho con cái trong tương lai cũng đối đãi với mình như vậy”.
Đức Phật nói với A Nan rằng: “Ta thấy chúng sinh, nhân phẩm, lòng dạ và hành vi mông muội, chẳng nghĩ đến cha mẹ có ân đức lớn. Không thường xuyên cung kính, vong ân bội nghĩa, chẳng có lòng nhân từ, bất hiếu chẳng đoái hoài”.
Nho gia nói thẳng thừng những người bất hiếu là kẻ “súc sinh”.
Khổng Tử nói: “Hiếu lễ, đó chính là gốc của con người”. Như vậy chính là đặt chữ “hiếu” lên trên mọi giá trị. Căn bản của đạo làm người là làm tốt bổn phận con cái của mình.
Câu nói này không chỉ là thuyết giáo về luân lý, mà hàm chứa tư tưởng triết lý sâu sắc, liên quan đến sự thành bại một đời của chúng ta không thể không biết.
Chúng ta giống như cha mẹ mình, điều đó nói lên tính đồng nhất giữa hai thế hệ, cũng có nghĩa là, chúng ta chỉ có đối tốt với bố mẹ thì mới có thể đối tốt với mình một cách chân chính. Bởi vì, một bộ phận trong sinh mạng chúng ta là của cha mẹ.
Khổng Tử nói: “Tuổi tác của cha mẹ không thể không biết, một là để vui, hai là để lo”, rồi nói: “Cha mẹ còn, không được đi xa”. Những câu nói này đều là danh ngôn chí lý. Con người đừng để đến khi mất đi rồi mới biết có.
Khổng Tử khi sinh ra cha đã qua đời, được mười mấy tuổi thì mẹ mất, nhớ mẹ vô hạn, khát vọng có cha vô hạn khiến cho ông hiểu được sâu sắc vai trò quan trọng của cha mẹ đối với sự trưởng thành của con người. Đây là cội nguồn, là cái gốc. Tuyệt đối không thể bỏ gốc theo ngọn, không thể đầu đuôi lẫn lộn.
Có rất nhiều người rời bỏ quê hương đi ra ngoài lập nghiệp, có người thành công, có kẻ thất bại, đều không có trường hợp nào nằm ngoài quy luật ngày tháng trôi qua. Họ hoặc vì thành công mà bận rộn, “không có thời gian thăm nom cha mẹ”, hay do xôi hỏng bỏng không mà ngượng không dám nhìn cha mẹ. Như vậy xuất hiện một hiện tượng phổ biến kỳ lạ mà lại vô cùng tàn khốc:
Họ một đi không trở lại, cuối cùng đợi tới một ngày nào đó trở về nhà thì cha mẹ đã già, đau bệnh, thậm chí đã qua đời.
Đó là lời giáo huấn đau đớn biết bao, bấy giờ mới biết: “Lỡ một nước cờ thành nỗi hận thiên cổ, quay đầu trở lại đời người đã trăm năm”. .
Yêu thương cha mẹ mới có thể yêu thương mình. Đối với các nhà triết học và nhà khoa học, họ thường gần gũi với cha mẹ hơn so với tưởng tượng trên thực tế. Cha mẹ làm rõ vận mệnh của chúng ta. Đối xử tốt với cha mẹ không chỉ là sự đền đáp công ơn, mà còn để cho bản thân mình tốt hơn. Làm con nếu không thể bao dung được cha mẹ, mọi lòng tốt với thiên hạ chỉ là giả dối.