Nghĩa đen câu này rất cụ thể, rất dễ hiểu. Ta hãy thử đỗ mật vào một chiếc đĩa trên bàn. Chỉ một lúc sau, quanh chiếc đĩa kia đàn ruồi ở đâu đã kéo đến bu đầy. Trong đĩa có vài con ruồi đã chết, hoặc đang dẫy chết và số ruồi chết kia sẽ còn tăng thêm nhiều nữa. Ruồi vốn ham mê chất ngọt, nay được tự do hút mật thì còn gì bằng? Nhưng ruồi lại quên rằng mật là chất dính, có thể làm cho chân, cho cánh chúng trở nên vô dụng để bị chết chìm giữa đĩa mật ngon. Sẵn thích mật mà không ngờ rằng chính mật có thể giết được mình, ruồi đành chết một cách ngu dại.
Tìm ra nghĩa đen rồi, nghĩa bóng câu trên ắt sẽ đến với ta rất tự nhiên. Quả vậy, câu này dụng ý nhất là nên đề phòng những kẻ tâm địa xảo trá, chỉ mượn lời nói ngọt để phỉnh nịnh ta với mục đích trục lợi. Phàm là người, ai lại không thích được khen thưởng, tâng bốc? Ruồi không bao giờ chê mật thì người cũng không bao giờ chê phỉnh.
Ấy chỉ vì háo danh, háo thắng nên người đời thường lầm lẫn, không phân biệt được đâu là nịnh, đâu là ngay. Nắm lấy điểm tâm lý thông thường ấy, những kẻ gian ngoan muốn đưa ta vào đường xấu, hoặc muốn lợi dụng ta, làm hại ta, chỉ việc rót vào tai ta những lời đường mật để mê hoặc, ru ngủ ta. Những lời phỉnh nịnh ấy người ngoài nghe thấy phải chối tai, mà nực cười thay, chính ta vẫn tưởng là thực, nở mũi nở mày. Thế rồi họ muốn điều gì mà ta chẳng theo, xúi bẫy việc gì mà ta chẳng làm? Vì khi ấy, ta đã mù quáng rồi, có biết suy xét nữa đâu, chẳng khác con ruồi cứ lăn mình vào đĩa mật.
Nói đến “Mật ngon chết ruồi” tôi lại nhớ chuyện anh Ba ở kế bên nhà tôi. Thấy anh có tiền, một lũ bạn bu quanh anh tán tỉnh: Nào là anh Ba của chúng ta lịch sự, rộng rãi, hiểu đời... nào là anh Ba là người quảng đại, nhân đạo v.v... Còn biết bao nhiêu là lời tán tụng nữa mà người chung quanh nghe phải bít tai. Nhưng anh Ba thú làm, cho là bạn thật bụng với mình, mời họ đi ăn, đi uống lu bù. Rồi cứ thế, nay mang tiền cho người này vay, mai cho người khác mượn để chẳng bao giờ họ trả cả. Cho mãi đến khi anh bị rút hết ruột, tỉnh ngộ ra thì đã dại rồi, dại quá mất rồi. Tiền thì hết mà bạn cũng chẳng còn. Thật là một bài học quý giá cho những ai thích nghe phỉnh nịnh.
Phải tự xét mình cho nghiêm khắc, để xem mình có xứng đáng với những lời ca tụng ấy không. Và nên nhớ rằng, được người khen chưa hẳn là ta đã tốt, và kẻ chê ta chưa chắc đã là kẻ thù, muốn điều xấu cho ta. Sống ở đời phải biết mình là ai, mình đứng ở vị trí nào, phải luôn luôn “khiêm tốn” nhìn rõ mình thì mới không bị “mật dụ”.