Bài học hay trong cuộc sống
Sách tham khảo
2019-09-03T05:45:41-04:00
2019-09-03T05:45:41-04:00
https://sachthamkhao.com/triet-ly/bai-hoc-hay-trong-cuoc-song-3748.html
/themes/linebox/images/no_image.gif
Sách tham khảo
https://sachthamkhao.com/uploads/sach-tham-khao-logo.png
Thứ năm - 22/08/2019 11:07
Những bài học vô giá về cuộc sống, những triết lí nhân sinh sâu sắc qua những câu chuyện đơn giản mà thâm thúy giúp ta trưởng thành hơn trong cuộc đời.
Bài học về lòng quyết tâm, dám nghĩ dám làm
Một vị tỉ phú muốn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp nên hỏi một người trong buổi hội thảo:
- Anh có chăn nuôi hoặc trồng trọt gì không?
Người ấy trả lời:
- Không, thời buổi này làm nông nghiệp là cầm chắc lỗ.
Vị tỉ phú lại hỏi:
- Vậy anh có đầu tư gì không?.
Người ấy nói:
- Không, vì tôi sợ sẽ mất cả chì lẫn chài.
Người kia lại hỏi:
- Vậy anh làm gì?.
Người ấy đáp:
- Tôi chỉ làm công ăn lương.
Bài học rút ra: Nếu chúng ta không dám làm, không dám mạo hiểm bởi làm gì cũng sợ rủi ro, sợ thất bại thì suốt đời sẽ không làm nên trò trống gì. Quanh năm suốt tháng chỉ muốn an toàn, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, suốt đời sống mòn với đồng lương ít ỏi. Dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại để qua đó rút ra bài học cho mình, thì bạn mới có thể thành công vượt trội trong cuộc sống.
Bài học về sự sáng tạo trong nghề nghiệp
Ở một thị trấn nhỏ, có một thương nhân đến mở một trạm xăng, làm ăn phát đạt. Sau đó có người khác đến, mở trạm xăng thứ hai. Rồi cứ thế người thứ ba, thứ tư, … đến, mở trạm xăng. Chuyện làm ăn dần dần đi vào ế ẩm, không phát đạt như họ tưởng. Thấy vậy, người thương nhân chuyển qua mở xí nghiệp, nhà hàng chẳng mấy chốc trở nên giàu có.
Bài học rút ra: Nếu bạn cứ rập khuôn máy móc theo người ta thì bạn không thể khá lên được. Thấy người ta trồng rau cũng bắt chước trồng rau, thấy người ta trồng cà cũng bắt chước trồng cà, thấy người ta nuôi gà cũng bắt chước nuôi theo, … cuối cùng cũng chẳng nên cơm cháo gì. Hãy nhìn vào thực tế và khả năng bản thân, phải sáng tạo hơn họ hoặc làm khác đi thì bạn mới thành công được.
Bài học về cách làm, cách nghĩ
Một cô gái bị đau chân không thể qua chỗ sông cạn. Vị hòa thượng già liền chủ động cõng cô gái đó qua sông rồi tiếp tục lên đường. Vị tiểu hòa thượng đi cùng cứ mãi suy nghĩ: Vì sao thầy lại làm vậy? Thầy làm vậy có phải phạm giới rồi không? Suốt dọc đường vị tiểu hòa thượng cứ suy nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời bèn hỏi sư phụ:
- Lúc nãy tại sao người lại cõng người con gái đó? Chúng ta là người xuất gia tu hành mà thầy?
Lão hòa thượng từ tốn đáp:
- Ta đã để cô ấy lại chỗ bờ sông rồi, sao con còn cõng cô ta đến đây vậy?
Bài học rút ra: Tu hành là để cứu độ chúng sinh, việc cõng cô gái đang bị đau chân là giúp người bị nạn bất kể người đó là ai. Phàm làm việc gì miễn là không thẹn với lòng, không trái với đạo thì không phải bận tâm.
Bài học về tạo dựng sự nghiệp cuộc đời
Có hai vị Hoà thượng ở hai ngôi chùa trên hai ngọn núi gần nhau. Hằng ngày họ đều xuống núi để lấy nước. Một hôm vị hòa thượng ở ngọn núi bên phải không thấy vị hòa thượng ở núi bên trái xuống lấy nước như mọi khi nên nghĩ bụng: Có lẽ ông ta ngủ quên chăng? Nhưng hôm sau và nhiều hôm sau nữa vẫn không thấy vị hòa thượng ở bên trái xuống lấy nước. Nên vị hòa thượng ở núi bên phải tức tốc chạy sang thăm bạn: Có lẽ ông ấy bị ốm rồi. Khi đến nơi thấy bạn mình vẫn khỏe mạnh, ông ngạc nhiên hỏi:
- Đã một tuần rồi ông không xuống núi gánh nước, lẽ nào ông không cần uống nước?
Người bạn dẫn ông đi ra sân sau của chùa, chỉ vào cái giếng và nói:
- Mỗi ngày trôi qua, tôi đều dành ra một ít thời gian để đào cái giếng này. Đến nay, nó đã hoàn thành nên tôi không cần phải xuống núi gánh nước nữa.
Bài học rút ra: Năm tháng đi qua, tuổi già sẽ đến nên bạn không thể cứ mãi “gánh nước”. Do đó bạn cần có kế hoạch cho ngày sau, tương lai của bạn thế nào đều phụ thuộc vào nỗ lực của bạn ngày hôm nay.
Bài học về đạo đức nghề nghiệp
Lão thợ khóa muốn chọn một truyền nhân kế nghiệp mình nên gọi hai người đồ đệ ưng ý nhất lên để kiểm tra. Ông chuẩn bị hai két sắt để ở hai phòng khác nhau, rồi sai hai người đồ đệ tham gia thi tài mở khóa. Kết quả người thứ nhất chỉ mất 10 phút đã mở được két, còn người thứ hai mất hơn 20 phút. Bấy giờ lão thợ khóa mới hỏi người thứ nhất:
- Con là người mở nhanh nhất, vậy con thấy trong két có gì?
Người này ánh mắt sáng rỡ, phấn khích trả lời thầy:
- Thưa thầy, bên trong có rất nhiều tiền, vàng. Cả đời con chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tiền, vàng như vậy!
Lão thợ khóa quay đầu lại hỏi người thứ hai:
- Con là người mở chậm hơn, vậy con thấy trong két có gì?
Người này ấp úng, lo lắng nói:
- Thưa thầy, con chỉ lo mở khóa nên không thấy bên trong có cái gì cả.
Nghe vậy, lão thợ khóa trịnh trọng tuyên bố: Đồ đệ thứ hai là người ông chọn nối nghiệp mình.
Bài học rút ra: Đối với thợ khóa thì cần phải biết: Trong lòng chỉ có làm khóa mà thôi. Nếu không chỉ cần một chút tà ý sẽ đem lại hậu quả khôn lường. Ở đời bất kể làm ngành, nghề gì đều phải có đức, có tâm. Không vì lợi riêng mà bất chấp thủ đoạn hại người, hại mình để lại tiếng xấu cho muôn đời sau.
Bài học về sự chấp nhận và buông bỏ
Một ngôi chùa bị cháy, toàn bộ kinh thư và vật dụng bỗng chốc trở thành tro bụi. Nhưng vị sư trụ trì vẫn trầm tĩnh khi không biết làm sao cứu vãn tình hình hiện tại. Ngài bước ra khỏi đám lửa, vô tình gặp một vị khách đi qua tò mò hỏi:
- Nhân quả gì đây, hay là do ăn ở mích lòng ai?
Vị sư chắp tay:
- Mô Phật, thiện tai, thiện tai!
Chú tiểu đứng cạnh cũng nóng lòng nên hỏi sư trụ trì:
- Kính bạch Thầy, do nhân quả gì mà chùa ta lâm vào cảnh khốn khổ đến nỗi chùa bị đốt, trong khi đó người đời lại buông lời không hay?
Vị sư nhìn chú tiểu mỉm cười và nói:
- Con cứ chờ xem!
Một thời gian sau, rất nhiều phật tử phát tâm cúng dường, chùa được xây dựng lại, đẹp hơn, uy nghiêm hơn. Khi đó chú tiểu nhìn ngôi chùa và chợt như hiểu ra điều gì, vội vàng đến chỗ vị Sư và hỏi:
- Bạch Thầy, có phải Thầy bảo con chờ để xem điều này?
Vị Sư với tư thế ngồi thản nhiên nhìn ngôi chùa, mỉm cười:
- Con cứ chờ xem!
Nhiều năm sau, chú tiểu đã trưởng thành hơn, nhìn ngôi chùa mỗi ngày một thay đổi, phật tử ngày càng đông. Chợt nhớ tới lời vị Sư dặn: “con cứ chờ xem” chú lại đến chỗ vị sư trụ trì để hỏi thêm lần nữa:
- Bạch Thầy, con nên chờ xem điều gì ạ?
Vị Sư khoanh tay phía sau nhắm mắt đáp rằng:
- Con đã xem rồi, còn hỏi ta điều gì?
Chú tiểu ngẫm lại tất cả, từ khi chùa cháy, bị người đời nói lời không hay, cho đến khi xây mới, phật tử khen chùa đẹp, nay chùa đã hơi cũ người lại đến vì lòng thành. Chú nhìn dáng vẻ thản nhiên của sư phụ, chú nhớ lần đầu tiên ngôi chùa bị đốt sư phụ vẫn điềm nhiên như thế, xây mới cũng như thế, khen hay chê cũng thản nhiên cho đến khi chùa cũ kĩ vẫn bình tâm như vậy.
Chú tiểu chợt ngộ ra lời thầy: “Ta chẳng phải là chờ đợi mà cứ thản nhiên đón nhận sự đổi thay, để mọi thứ diễn ra theo quy luật của nó”.
Bài học rút ra: Trong cuộc đời con người có vô vàn những điều hay và không hay. Vui sướng tột đỉnh với điều hay để rồi đau khổ tận cùng với điều không hay là sự thái quá của cảm xúc. Hãy rèn luyện bản thân chấp nhận với sự thay đổi, đau đớn. Được - mất không quan trọng, quan trọng là ta phải tĩnh tâm, thản nhiên buông bỏ những thứ không còn thuộc về mình và đón nhận những cái mới theo quy luật cuộc đời - Vạn sự tùy duyên. Có như thế bạn mới nhận về sự thanh thản và hạnh phúc trong cuộc trần ai này.