Văn thơ Hồ Chí Minh có một phong cách nghệ thuật hết sức phong phú và đa dạng

Thứ hai - 02/12/2019 10:00
Đề: Dựa vào cáo tác phẩm Truyện và Ký, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, hãy giải thích và chứng minh ý kiến:"Văn thơ Hồ Chí Minh có một phong cách nghệ thuật hết sức phong phú và đa dạng".
Sinh thời Hồ Chí Minh không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương để lại cho đời, nhưng thực tế Người đã trở thành một nhà văn, nhà thơ lớn Những sáng tác của Bác lại hết sức phong phú, đa dạng về phong cách nghệ thuật. Không nói toàn bộ sự nghiệp sáng tác văn học của Người, chỉ cần phân tích mấy tác phẩm Truyện và Ký Người viết vào đầu những năm 20 của thế kỷ và tập thơ Ngục trung nhật ký cũng đủ thấy rõ điều đó

Người viết vào đầu những năm 20 của thế kỷ

Vì sao lại có hiện tượng dường như một nghịch lý như vậy? Giải thích hiện tượng này có nghĩa là tìm hiểu quy luật sáng tác Văn học độc đáo của Hồ Chí Minh. Có thể nói quan điểm sáng tác nhất quán của Bác là nguyên nhân tạo nên phong cách nghệ thuật hết sức đa dạng, phong phú của thơ văn Hồ Chí Minh. Quan điểm sáng tác ấy là: coi hành vi sáng tác văn chương trước hết phải phục vụ hết sức hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng, phải có đối tượng và mục tiêu cụ thể thiết thực. Vì vậy trước khi cầm bút, Người luôn luôn tự đặt cho mình các câu hỏi: Viết cho ai (đối tượng)? Viết để làm gì (mục đích)? Viết cái gì? (nội dung) và viết thế nào (hình thức)? Hồ Chí Minh trên bước đường hoạt động của mình, từ Đông sang Tây, từ ngoài nước đến trong nước, tuỳ từng nơi, từng lúc, tuỳ từng tình huống cụ thể, Người đã phải giải quyết bao nhiệm vụ khác nhau, phải liên kết bao bạn bè gần xa, phải đối phó với bao kẻ thù lớn nhỏ sao cho phù hợp với chiến lược và sách lược cách mạng từng thời kỳ. Phục vụ cho những yêu cầu cách mạng cụ thể ấy, nhằm vào những mục tiêu và đối tượng vận động cách mạng cụ thể rất khác nhau, thơ văn của Người tất nhiên cũng phải hết sức phong phú đa dạng từ nội dung đến hình thức, từ tư tưởng đến phong cách nghệ thuật. có thể coi đó là quan điểm và quy luật sáng tác văn học độc đáo của Hồ Chí Minh. Quan điểm ấy thể hiện rất rõ qua những Truyện Ký và tập thơ Nhật ký trong tù của Người.

Trước hết, tính chất phong phú đa dạng của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh thể hiện ngay ở sự khác biệt hầu như hoàn toàn giữa phong cách viết truyện ký và phong cách thơ Nhật ký trong tù. Nói như Phạm Huy Thông trong bài tựa bản dịch truyện ký Nguyễn Ái Quốc: "Hồ Chủ Tịch đa viết "Nhật ký trong tù" bằng chữ Hán với phong cách Đường, Tống và đã viết những truyện ký bằng tiếng Pháp (...) như một ngòi bút phương Tây sắc sảo, rất điêu luyện, rất Pháp".


 
Nói riêng về những tác phẩm truyện ký. Đây là nhừng truyện ngắn và bút ký viết bằng tiếng Pháp ra đời vào đầu những năm hai mươi của thế kỷ này Như trên đã nói đây là những tác phẩm được viết hàng một ngòi bút phương Tây hiện đại và "rất Pháp" Tất cả đều nhằm tố cáo tội ác của bọn thực dân tư bản, bọn phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa, đồng thời đề cao những tấm gương yêu nước và cách mạng.

Tuy vậy không truyện nào giống truyện nào, dù là những tác phẩm cũng nhằm vào một đích (chẳng hạn truyện Vi hành và truyện Lời than vãn của bà Trưng Trắc cùng lên án tên vua bù nhìn Khải Định).

Trong Vi hành tác giả tạo ra một tình huống nhầm lẫn rất thú vị, trong đó nhân vật chinh "Khải Định" không có mặt, mà lại được khắc hoạ rất rõ nét. Tác giả dùng hình thức viết thư để có thể dễ dàng chuyển cảnh, chuyển giọng một cách linh hoạt và tự nhiên, Ở lời than vãn của bà Trưng Trắc trí tưởng tượng lại được phát huy để tạo ra một thế giới rùng rợn, diễn tả cơn ác mộng của Khải Định bị tổ tiên xỉ nhục và ruồng bỏ. Với tác phẩm Varen và Phan Bội Châu thì tác giả vận dụng tài quan sát và kí hoạ, tạo ra những đoạn tường thuật sắc sảo hệt như quay một cuộn phim tư liệu về hành trình của Varen, đồng thời khai thác triệt để thủ pháp đối lập để làm nổi bật hai nhân cách: Varen thì bằng nháng, ba hoa, ti tiện, còn Phan Bội Châu thì uy nghi lẫm liệt. Truyện ngắn Pari lại sử dụng ngòi bút phóng sự rất linh hoạt, giọng văn thì đi từ mỉa mai chua chát đến căm giận xót xa. Con người biết mùi hun khói có thể gọi là một truyện viễn tưởng chính trị Còn Đồng tâm nhất trí lại có dáng dấp một truyện ngụ ngôn đậm màu sắc dân gian.v.v...

Nhật ký trong tù cũng là một tác phẩm rất đa dạng về phong cách nghệ thuật Tập thơ cũng tạo nên sự thống nhất hài hoà rất độc đáo của nhiều yếu tố tư tưởng và nghệ thuật tưởng như đối lập nhau.

Chỉ điểm qua hệ thống đề tài đã thấy như thế. Bên cạnh những đề tài rất thú vị, vốn quen thuộc với thơ ca cổ điển: phong, hoa, tuyết, nguyệt, triệu cảnh, văn cảnh, đãng sơn, ức hữu... là những đề tài rất nôm na, đầy chất văn xuôi như các bài: Điền Đông, Sơ đáo Thiên Bảo ngục, Lại sang, Bào hương cẩu nhục, Hạn chế, Nhân đỗ ngã...

Đi vào thế giới hình tượng thì thấy bên cạnh một cái tôi trữ tình có phong thái ung dung nhàn tản, bầu bạn với thiên nhiên tựa như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Bạch Vân Am, là một cái tôi khao khát tự do, khát khao chiến đấu, lòng như lửa đốt hướng về Tổ quốc, về đồng bào, đồng chí đang ngóng đợi mình.

Thà chết chẳng cam nô lệ mãi,
Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền
Xót mình còn hãm trong tù ngục
Chưa được xông ra giữa trận tiền.
(ở Việt Nam có báo động...)

Nghĩa là bên cạnh một bậc hiền triết của thuở xưa sống thanh thản ở ngoài dòng chảy của thời gian, là một chiến sĩ cách mạng luôn tính đếm từng chút thời khắc đi qua một cách oan uổng bên ngoài song sắt nhà lao: "Bốn tháng rồi”, "Tám tháng hao mòn với xích gông”, "Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu”, "Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng", ”Ngày đi bạn tiễn đến bên sông – hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng”, "Giam lâu ngày không được chuyển”, "Tiếc ngày giờ".v.v...

Ấy là sự thống nhất hài hoà giữa cái cổ điển và cái hiện tại trong một phong cách thơ phong phú độc đáo. Người ta thường nói, nhiều bài thơ trong Nhật ký trong tù có phong cách Đường thi. Nhận xét ấy thực ra chỉ đúng một nửa Phải thấy rằng những bài thơ ấy một mặt "rất Đường", mặt khác lại không hẳn là "Đường". "Đường" ở chỗ khi viết về thiên nhiên thường chỉ dùng vài nét chấm phá, để lại nhiều khoảng trống, cốt ghi lấy linh hồn của cảnh hơn là vẽ hình xác của tạo vật. "Đường" ở thế giới hình tượng tĩnh, có tính phi thời gian, và ở chỗ hình tượng nhân vật trữ tình ung dung tự tại, tâm hồn hoà hợp với thiên nhiên. Nhưng không hẳn là "Đường" vì thế giới nghệ thuật của nhà thơ cách mạng thể hiện một quan niệm khác với người xưa về không gian, thời gian và con người trong quan hệ với tạo vật. Nếu trong thơ xưa, thiên nhiên là chủ thể, con người thường sắm vai ngư, tiều, canh, mục, ẩn dật giữa chốn thôn dã, lâm tuyền, thì trong thơ Hồ Chi Minh, con người là con người hành động. Con người không ẩn đi mà hiện ra, không phải ẩn sĩ mà là chiến sĩ. Con người sống cao độ với thời gian. Con người là chủ thể:

Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên dến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non
(Đi đường)

Sự đa dạng của phong cách Nhật ký trong từ còn liên quan đến tính chất nhật ký của tác phẩm Trong nhà tù Bác ngồi ghi chép những sự thật diễn ra hàng ngày mà Người quan sát được. Cũng là một cách để giải trí đồng thời còn có nhu cầu của một con người hết sức năng động, không chịu để cho tâm trí mình được nghỉ ngơi chăng?

Có hai sự thật người tù cách mạng có thể theo dõi quan sát và ghi chép: một là sự thật khách quan, nghĩa là những điều mắt thấy tai nghe ở trong nhà tù và trên đường đi đày. Đối với sự thật này, tác giả thường dùng lối thơ hướng ngoại là chính, một thứ thơ thiên về bút pháp tự sự - tả thực.

Hoả lò ai cũng có riêng rồi
Nhỏ nhỏ to to mấy cái nồi
Cơm, nước, rau, canh đun với nấu,
Suốt ngày khói lửa mãi không thôi.
(Sinh hoạt trong tù)

Kết hợp những bài thơ này lại, ta có thể hình dung được rất cụ thể, chi tiết như xem một cuốn phim tài liệu, bộ mặt của nhà tù và một phần của xã hội Trung Quốc Hồi 1942 - 1943.

Nhưng có một loại sự thật khác, ấy là diễn biến tư tưởng và tâm trạng của tác giả khi một mình đối diện với thiên nhiên hay với bản thân mình. Đối với sự thật này, tất nhiên phải dùng lối thơ hướng nội, bút pháp trữ tình, một thứ nhật ký tâm sự, nhật ký tư tưởng. Kết hợp những bài này lại, ta được chiêm ngưỡng một bức chân dung tinh thần tự hoạ rất rõ nét và sinh động của nhà thơ.

Ở loại bài thứ nhất, người ta thấy trong thơ Hồ Chí Minh có nhà báo Nguyễn Ái Quốc hết sức sắc sảo trong bút pháp ký sự, phóng sự và nghệ thuật mỉa mai châm biếm.

Ở loại bài thứ hai, ta lại thấy trong nhà thơ cách mạng có sự nối tiếp truyền thống thi ca lâu đời của Phương Đông, của dân tộc, từ Lý Bạch, Đỗ Phủ... đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương...

Sự nghiệp thơ văn của Hồ Chí Minh là một khối thống nhất, toàn vẹn, nhưng không đơn điệu. Thống nhất ở lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; thống nhất ở quan điểm sáng tác phục vụ đấu tranh cách mạng, nhưng hết sức phong phú, đa dạng về thể loại và phong cách nghệ thuật. Đó là một hiện tượng văn học lớn và độc đáo; một cây bút có thể gọi là đa phong cách rất đặc biệt trong nền văn học Việt Nam hiện tại.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây