1. Chủ nghĩa hiện thực phê phán là một khuynh hướng cảm hứng thẩm mỹ từng phát triển thành những trào lưu văn học lớn ở nhiều nước phương Tây thế kỷ XIX với những tên tuổi lừng lẫy như Xtăngđan, Bandắc, Phlôbe... ở Pháp, L.Tônxtôi, Đốtxtôiepxki, Sêkhốp... ở Nga, Tắckơrê, Dickenx... ở Anh.v.v... ở nước ta, xu hướng văn học ấy cũng hình thành và phát triển khá mạnh từ khoảng những năm 20 của thế kỷ này, đặc biệt là từ 1930 đến 1945. Để dễ nhận ra đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực phê phán, người ta thường đối chiếu nó với chủ nghĩa lãng mạn. Đấy là hai khuynh hướng cảm hứng thẩm mỹ khác nhau đáp ứng những nhu cầu khác nhau của tâm hồn con người.
Nếu chủ. nghĩa lãng mạn thường hướng về ước mơ và lý tưởng, thì chủ nghĩa hiện thực quan tâm nhiều hơn đến đời sống thực tại. Nếu chủ nghĩa lãng mạn có hứng thú đặc biệt trong sự bộc lộ cái tôi chủ quan đầy tình cảm cảm xúc của người viết, thì chủ nghĩa lãng mạn, nối như N.am Cao, lại muốn "đóng cũi sắt tình cảm" của người cầm bút để cố gắng diễn tả một cách chân thật những qui luật khách quan của xã hội.
Nếu chủ nghĩa lãng mạn thích tìm đến những cái phi thường, cái biệt lệ, đến những cảnh xứ lạ phương xa..., thì chủ nghĩa hiện thực lại có hứng thú viết về những cái quen thuộc, những điều thường thấy, thậm chí những sự thật tầm thường nhàm chán nữa. Tất nhiên nó không dừng lại ở sự mô tả hình thức bề ngoài của các hiện tượng, mà muốn khám phá bản chất và qui luật của đời sống hiện thực trên tinh thần khoa học.
-Về đề tài viết thì chủ nghĩa lãng mạn đặc biệt ưa thích mô tả thiên nhiên, tình yêu và tôn giáo, trong khi chủ nghĩa hiện thực tập trung hẳn vào đề tài xã hội. Cho nên người ta thường gọi các nhà văn hiện thực là những văn sĩ xã hội.
-Nói chung, công cụ để nhận thức thế giới của văn học là hình tượng nghệ thuật. Nhưng văn học hiện thực chủ nghĩa yêu cầu hình tượng phải đạt tới trình độ điển hình, có thế mới phản ánh được bản chất và qui luật của xã hội. Cho nên nói đến chủ nghĩa hiện thực là phải nói đến những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, như nhân vật Nghị Hách trong Giông tố, Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, hay Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.v.v...
- Chủ nghĩa hiện thực với định từ "phê phán" thể hiện quan niệm về một chủ nghĩa hiện thực nghiêng về phía tố cáo, lên án tính chất xấu xa, đen tối của những tổ chức xã hội dựa trên áp bức bóc lột, như xã hội thực dân phong kiến ở nước ta trước Cách mạng tháng Tám chẳng hạn.
- Chủ nghĩa hiện thực phê phán ra đời và phát triển trên cơ sở một xã hội mà mâu thuẫn giai cấp đã trở thành hết sức gay gắt và tàn bạo, các tầng lớp thống trị bộc lộ rõ rệt bản chất xấu xa của chúng, đồng thời phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân cũng phát triển mạnh mẽ. Người cầm bút, vì thế, có điều kiện thấy rõ tâm địa đen tối của những Nghị Lại (Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan), Nghị Quế (Tắt đèn của Ngô Tất Tố), Bá Kiến (Chí Phèo của Nam Cao), Nghị Hách, Xuân Tóc Đỏ, cố Hồng, bà Phó Đoan (Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng).v.v... đồng thời ý thức trách nhiệm, tinh thần dân chủ được cổ vũ bởi khí thế đấu tranh của quần chúng.
- Nếu chủ nghĩa lãng mạn có thể tự phân hoá thành nhiều xu hướng tư tưởng khác nhau, thậm chí đối lập nhau: tích cực hoặc tiêu cực, cách mạng hay phản động, thì chủ nghĩa hiện thực phê phán tuy không phải không có sự khác biệt giữa nhà văn này và nhà văn khác, nhưng nói chung, đều thống nhất trên tinh thần dân chủ và nhân đạo.
- Chủ nghĩa hiện thực phê phán cũng có mặt hạn chế của nó. Và điều này cũng khá thống nhất ở các nhà văn thuộc xu hướng văn học này. Ấy là họ chưa nhìn thấy vai trò tích cực cải tạo xã hội bằng cách mạng của nhân dân. Họ nhìn nhân dân lao động chỉ như những nạn nhân bất lực của xã hội bất công. Vì thế, nói chung, họ rất bi quan về lối thoát của xã hội và về tiền đồ của những người họ coi là "nhỏ bé" dưới ách áp bức bóc lột.
2. Như đã nói, văn học hiện thực phê phán ở nước ta hình thành từ khoảng những năm 20 của thế kỷ nàỵ và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn vãn học 1930 - 1945?
Nếu so với các trào lưu văn học hiện thực phê phán ở các nước phương Tây thế kỷ XIX thì thành tựu của văn học hiện thực phê phán nước ta nhỏ bé hơn. Điều đó là tất nhiên vì trào lưu văn học này ở nước ta tồn tại trong hoàn cảnh một nước thuộc địa hết sức lạc hậu về mọi mặt lại bị ép bởi chính sách văn hoá cực kỳ phản động của chủ nghĩa thực dân Pháp. Nhưng chính vì nhìn nhận nó trong hoàn cảnh ấy mà ta cần đánh giá cao thành tựu của nó.
Tự do là điều kiện sống còn của văn học ở một đất nước không có tự do như nước ta trước đây lại bị chính sách ngu dân của đế quốc Pháp đẩy vào một tình trạng hết sức lạc hậu về văn hoá (trình độ học vấn cao nhất của nhà văn hiện thực phê phán hước ta là bậc phổ thông cơ sở), vậy mà chỉ trong vòng 15 năm, trào lưu văn học hiện thực phê phán đã đẻ ra được hàng loạt cây bút như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển.v.v... thì phải nói là một thành tựu rất đáng tự hào. Mà họ không phải chỉ sản xuất ra những tác phẩm rập khuôn, đơn điệu. Có thể nói, mỗi cây bút là một gương mặt riêng, một phong cách riêng khá phong phú, đa dạng.
- Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng đã góp vào trào lưu văn học hiện thực phê phán những chuỗi cười sảng khoái.
Nhưng tiếng cười của họ cùng mỗi người một khác.
+ Nguyễn Công Hoan coi xã hội thực dân tư sản chỉ là một sân khấu bi kịch. Những tình cảm thiêng liêng truyền thống như tình mẹ con, tình vợ chồng, anh em, tình họ hàng ruột thịt.v.v... đều có thể biến thành trò hề, trò bịp; Truyện Mất cái ví chẳng hạn là cuộc diễn trò hết sức đểu cáng của một "quan" tham giàu có mà keo bẩn. Để đuổi khéo ông cậu ở nhà quê ra chơi vì "tốn lắm!", "quan" đã đóng một lúc hai vai hề: một mặt sắm vai ông cháu vẫn tỏ ra biết kính nể ông cậu, mặt khác diễn trò đánh mất ví, vờ vịt nghi ngờ người này, tra hỏi người khác, cốt để ông cậu cảm thấy nhục mà "cút" sớm. Tiếng cười của Nguyễn Công Hoan là thế, thường bật ra như một tiếng chửi, như một cái tát trái cực mạnh.
+ Tiếng cười đả kích của Vũ Trọng Phụng cũng quyết liệt không kém. Số đỏ là một chuỗi cười ròn rã ném vào mặt những "ông chủ", "bà chủ" của xã hội thành thị ngày trước đang trên đường "Âu hoá", "văn minh hoá" một cách hết sức nhố nhăng. Với cái nhìn sắc sào, Vũ Trọng Phụng phát hiện ra tất cả đều là bịp bợm, tất cả đều là đồ rởm: Âu hóa rởm, văn minh rởm, thể thao rởm, trí thức rởm, triết gia rởm, cảnh sát rởm, văn chương rởm, tu hành rởm, thầy thuốc rởm, ái tình rởm, hiếu để rởm.v.v... Mỗi chương của Số đỏ là một màn hài kịch, trong đó tác giả phát hiện mọi thứ rởm của xã hội ấy qua một mâu thuẫn nực cười. Chẳng hạn như chương Hạnh phúc của một tang gia: Một đàn con cháu đại bất hiếu tổ chức một đám tang to nhất Hà Thành để "báo hiếu" một cụ tổ. Di chúc của ông cụ ghi rằng, chỉ khi nào ông cụ trăm tuổi, gia tài mới được chia. Bây giờ ông cụ đã nằm xuống rồi! Thật là sung sướng! Đúng là "Hạnh phúc của một tang gia!" Ngày phát tang trở thành ngày hội. Đám ma trở thành đám rước hết sức linh đình:
"Kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu lần lượt thay nhau mà rộn lên. Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song trong sự thật thì vẫn thì thầm với nhau chuyện trò về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may. Trong mấy trăm người đi đưa thì một nửa là phụ nữ, phần nhiều tân thời bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, bà Phó Đoan vân vân... Thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen, tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”.
- Nguyên Hồng, Nam Cao lại đem đến cho trào lưu văn học hiện thực phê phán những tác phẩm thật giàu chất trữ tình. Nghĩa là những trang viết chủ yếu không phải đem lại tiếng cười và lời kết tội, mà tình thương và nước mắt.
+ Người ta gọi Nguyên Hồng là nhà văn của những người cùng khổ hoặc nhà văn của một chủ nghĩa nhân đạo thống thiết. Dường như ông cầm bút trước hết không phải vì mục đích văn chương mà để nói cho đầy đủ, cho sâu sắc những nỗi thống khổ của loài người mà ông được chứng kiến ngay từ tuổi thiếu niên khi sớm bị ném vào cái xã hội của những lớp người ở dưới đáy của xã hội ngày trước. Trong những lớp người ấy, khổ nhục nhất là người phụ nữ. Đó là nô lệ của những người nô lệ. Vì thế, nhân vật chủ chốt, được mô tả cảm động nhất và thành công nhất trong tác phẩm của Nguyên Hồng là người phụ nữ lao động nghèo khổ, như Tám Bính (Bỉ vỏ), như mẹ Hồng (Những ngày thơ ấu), hay mợ Du (Mợ Du).
Nhân vật phụ nữ của tác phẩm Nguyên Hồng nói chung là những người lao động hết sức cần cù và giàu tình cảm, ở họ lòng thương con bao giờ cũng hết sức mãnh liệt. Nhưng thường họ phải chịu đủ thứ bất hạnh: đã là nạn nhân của xã hội lại là nạn nhân của gia đình phong kiến. Mợ Du là một người phụ nữ như vậy. Mợ phải bỏ chồng vì bị bắt quả tang tình tự với một anh thợ may trai trẻ làm công cho chồng mợ. Nhưng mợ không thể bỏ con. Nguyên Hồng đã dành những trang hết sức cảm động mô tả những lần mợ trở về thăm con một cách lén lút. Tất cả nỗi đau khổ của mợ cho đến khi chết là ở chỗ tình mẫu tử bị chia cắt như thế. Mợ chết trong nghèo đói, cô độc, nhưng đau khổ nhất là không được gặp lại đứa con yêu dấu của mình trước khi nhắm mắt.
+ Nam Cao không chỉ có trái tim giàu yêu thương mà còn có một khối óc, luôn suy tư sâu sắc về những kiếp người nghèo khổ trong xã hội cũ. Ông thường viết về những người nông dân nghèo và người trí thức nghèo thời ấy. Nhưng dù viết về loại người nào, nhà văn cũng thể hiện nỗi đau đớn của mình trước tình trạng con người bị lăng nhục, bị huỷ hoại nhân cách, nhân phẩm vì miếng cơm manh áo trong một xã hội bất công. Văn sĩ Hộ trong truyện Đời thừa khao khát viết được những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, những tác phẩm "biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có". Nhưng vì miếng cơm manh áo anh ta phải viết vội vàng, viết cẩu thả, sản xuất ra "một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”, để khi đọc lại thấy mình là "thằng khốn nạn", "kẻ bất lương". Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Hộ thấy mình chỉ là kiếp sống thừa, là "đời thừa".
Bi kịch của anh nông dân Chí Phèo còn nặng nề hơn nữa. Cũng vì đói nghèo, anh phải làm canh điền cho địa chủ Bá Kiến và bị hắn tống vào tù vì một cơn ghen bóng ghen gió. Nhà tù đã biến anh ta thành một tên lưu manh côn đồ. Trở về làng, lại cũng vì đói cơm đói rượu, anh ta đã phải làm tay sai cho Bá Kiến, chuyên đốt nhà, giết người, rạch mặt ăn vạ, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Nếu chàng văn sĩ Hộ trong Đời thừa vì miếng cơm manh áo mà không giữ được tư cách một nhà văn chân chính, thì Chí Phèo chỉ vì lý do đó, còn bị huỷ hoại cả nhân tính lẫn nhân hình. Mối tình của Thị Nở đã đánh thức lương tâm của Chí. Chí muốn trở lại cuộc đời lương thiện, nhưng bị đời từ chối. Anh ta lại uống rượu và xách dao đến nhà Bá Kiến, đòi lại bộ mặt người và quyền được sống lương thiện của mình trong một cơn say tuyệt vọng: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện được nữa, Biết không!”
Anh ta đã đâm chết Bá Kiến và tự sát vì không giải quyết được tấm bi kịch bị từ chối làm người.
Vẻn vẹn trong vòng 15 năm, trào lưu văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam đã ghi được những thành tựu như thế, thực không phải là nhỏ. Khuôn khổ của bài viết không cho phép giới thiệu đầy đủ các cây bút hiện thực với toàn bộ sự nghiệp của họ. Nhưng dù chỉ điểm qua một số gương mặt, một số tác phẩm tiêu biểu, cũng thấy những gì trào lưu văn học này để lại cũng rất đáng kể. Nó đã dựng lên hàng loạt bức tranh chân thực, sinh động về những ngày đen tối của xã hội thuộc địa nước ta, trong đó tội ác và đồng tiền phi nghĩa làm chủ. Đồng thời, với tính nhân đạo sâu sắc, nó đã giúp người đọc cảm thông với những nỗi đau khổ của nhân dân lao động và phát hiện ở họ nhiều đức tính tốt đẹp, tuy rằng một không khí u ám vẫn bao phủ lên những trang sách vì người viết chưa nhận được lối thoát của lịch sử, tương lai của nhân dân nhờ cách mạng.