Thế này là thế nào ? Đó là một câu hỏi đầy sự kinh ngạc, băn khoăn của bà mẹ Hạ Du khi đứng trước nấm mồ của con trong ngày tết thanh minh. Bà thốt ra câu hỏi ấy vì thấy trên mộ con bà có một vòng hoa, ai đó đã đặt lên. Chắc hẳn là bà sẽ không đặt ra câu hỏi ấy nếu biết rằng bà không hoàn toàn cô độc giữa cái tối tăm, ngu xuẩn đến độc ác của đồng bào mình.
"Thế này là thế nào?". Bà mẹ Hạ Du không hiểu được, kình ngạc và băn khoăn là đúng. Làm sao bà hiểu được, bà có thể tin được rằng trên mộ con mình ai đó lại đặt một vòng hoa. "Rõ ràng là một vòng hoa, hoa trắng, hoa hồng xen lẫn nhau, y nằm khoanh trên nấm mộ khum khum". Bà không tin được và ngạc nhiên đến nỗi: "Loạng choạng lùi lại mấy bước, mắt trợn chừng, ngơ ngác". Sở dĩ bà ngạc nhiên trước điều đó là; vì người ta vẫn nói, con bà là giặc, là điên. Toàn bộ số người ; ở quán nước nhà bà Hoa đều khẳng định con bà là thằng điên "Điên thật rồi"; "Nằm trong từ mà còn rủ lão đề lao làm giặc"; "Cái thằng khốn nạn": "Cái đồ ấy thương hại làm gì?”.v.v.; Người ta kết tội con bà bị án tử hình, chết chém. Thiên hạ ruồng bỏ nhà bà. Nấm mộ con bà "Trẻ không thể đến chơi, bà con họ hàng nhất định là không ai đến rồi"... "Hoa không có gốc, không phải mọc từ dưới đất mọc lên. Ai đã đến đây?". Ai đã xếp vòng hoa lên mộ con bà? Trong khi nấm mộ bình thường khác "Chỉ thấy lác đác vài nụ hoa bé tí, tràng trắng, xanh xanh..." Trong hoàn cảnh ấy, làm sao bà không ngơ ngác, băn khoăn được.
Câu hỏi thốt ra "Thế này là thế nào?" chứa chất tất cả điều đó. Thế này là thế nào? Chỉ có thể trả lờí cho bà mẹ Hạ Du rằng: con bà không phải là điên, không phải làm giặc, không phải là "thằng khốn nạn" như người ta vu oan cho nó. Cái xã hội mà đại diện là những người có mặt ở quán nước bà Hoa "nhao nhao cười cười, nói nói", tha hồ sỉ vả Hạ Du kia, chẳng qua là một xã hội u tối, lạc hậu. Những con người ấy, một khi còn tin tưởng rằng máu người tẩm bánh bao có thể chữa khỏi bệnh lao cho cậu Thuyên (con trai bà Hoa) thì làm sao hiểu được hành động của Hạ Du. Họ "chê cười, nguyền rùa, bức bách hảm hại" Hạ Du, chẳng qua cũng chỉ là do đói nghèo, ngu dốt, nói như Lỗ Tấn, họ "không phải là cố ý". Thực ra họ "thật đáng thương hại" đúng như lời Hạ Du nói thẳng vào mặt lão Nghĩa, khi bị lão đánh vì đã nói "Thiền hạ Mãn Thanh chính là của chúng ta".
Câu nói này của Hạ Du thực ra là một tư tưởng yêu nước, yêu dân tộc. Câu nói ấy có nghĩa là: Nước Trung Quốc là của người Trung Quốc. Thế mà cả đám đông ở quán nước ấy đều kinh ngạc: "Thử nghi xem, nói thế mà nói được à?", "tức anh ách" và lão Nghĩa đã đánh Hạ Du "hai bạt tai". Một xã hội như thế thì con bà bị kết tội và chết chém là phải. Nhưng bà không biết rằng, trong xã hội ấy không phải tất cả đều ngu muội và u tối như thế.
Không phải ai cũng đều nhìn nhận và hiểu nhầm con bà như thế. Cái vòng hoa ấy chứng tỏ là cố người vẫn kính trọng, yêu quí và khâm phục con bà. Chứng tỏ họ vẫn tin tưởng vào cách mạng, mặc dù cách mạng bị khủng bố, bị dìm trong biển máu. Vòng hoa trên nấm mộ Hạ Du như một sự ghi nhận tình cảm và tấm lòng của một lớp người: "Không giày đạp lên máu của các liệt sĩ", và "không san bằng mồ mả" của những người cách mạng "trong quên lãng" - Thực ra thì không đợi đến câu trả lời của chúng ta bà mẹ Hạ Du mới hiểu. Sau câu hỏi thốt lên kinh ngạc "Thế này là thế nào?", bà "nghỉ rồi lại nghĩ, bỗng nước mắt trào ra, bà ta khóc to".
Rõ ràng những lời khóc con "oan cho con lắm Du ơi!" hoặc "Trời có mắt, chúng nó giết con thì trời báo hai chúng nó thôi Du ơi!"... chứng tỏ bà đã nhận thức được, bừng tỉnh ra được phần nào về sự thật con mình và cái chết oan khốc ấy. Thực ra bà đã hiểu rồi. Câu nói: "Mẹ biết rồi! Du ơi!" chính là câu bà tự trả lời cho nỗi băn khoăn, kinh ngạc lúc đầu của chính bà "thế này là thế nào?".
Vòng hoa trên mộ Hạ Du giống như đoá hoa trên mộ người cộng sản trong bài thơ Mồ anh hoa nở của Thanh Hải ở Việt Nam sau này:
"Trên mộ người cộng sản
Bông hồng nở và nở
Hương thơm bay và bay..."
Ai đã đặt vòng hoa ấy lên mộ của Hạ Du? Còn ai khác, nếu không phải là chính Lỗ Tấn. Đó là vòng hoa ông đặt để tưởng niệm những người bạn của ông đã ngã xuống khi tham gia cách mạng. Đó cũng là lời bày tỏ hy vọng: Máu của các chiến sĩ sẽ không bị "giày đạp" và mồ mả của họ sẽ không bị "san phẳng đi trong quên lãng" cho dù "không phải là cố ý".