Người ta đã từng nói nhiều đến đôi bàn tay to lớn, thô ráp, chai sạn của nhà văn L.Tônxtôi. Nhìn bàn tay ông, người ta khó nghĩ rằng chính bàn tay ấy đã viết ra những trang hết sức thi vị và tinh tế về tâm hồn con người. Chỉ cần đọc hai đoạn văn, ông mô tả hai lần nhân vật Anđrây ngắm nhìn Cây sồi bên đường trong tác phẩm nổi tiếng Chiến tranh và hòa bình, chúng ta cũng thấy được phần nào tài năng này của L.Tônxtôi.
Cây sồi trong mắt Anđrây lần gặp đầu tiên, đó là một cây sồi rất lớn "Hai người ôm không xuể đứng sừng sững"; "Có lẽ nó già gấp mười lần những cây bạch dương"; "Nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy cây bạch dương ấy". Mùa xuân đã đến rồi. Cây cối xung quanh đã nẩy lộc đâm trồi "Những ngọn cỏ mới mọc, những nhánh lộc bạch dương". Riêng cây sồi già vẫn đứng đấy cổ kính như "một con quái vật già nua, cau có và khinh khỉnh"; "giữa đám bạch dương tươi cười", vỏ cây nứt nẻ đầy những vết sứt sẹo. Những cành như những cách tay to sù sì không cân đối, với những ngón tay quều quào xoè rộng. Nó vẫn đứng "cau có, lầm lì, què quặt, và kiên gan" im lìm "giữa đám cỏ hoa"; "Chỉ có cây sồi là không chịu khuất phục cái phép nhiệm màu của mùa xuân ánh nắng".
Cây sồi trong mắt Anđrây trong lần gặp thứ hai, Vẫn là cây sồi bến đường ấy: "Phải! chính cây sồi dạo trước . Và cũng đúng vào mùa xuân "cảnh vật, đều nở hoa, có tiếng hoạ mi thánh thót khi xa, khi gần". Anđrây đưa mắt tìm. Nhưng "thật khó lòng tin được rằng chính cây sồi cằn cỗi kia đã sinh ra những chòm lá xanh mơn mởn ấy"; "Cây sồi già bây giờ đã đổi mới hẳn, toả rộng say sưa, ngất ngây, khi đung đưa trong ánh nắng chiều"; "Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vệt sẹo, vẻ ngờ vực và buồn rầu như trước kia cũng không còn dấu vết"; "Xuyên qua lớpp vỏ cứng già hàng thế kỷ, những khóm lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài". Hai tâm trạng trong một con người. Cây sồi già trong lần gặp đầu tiên là cây sồi dưới mắt một con người đầy thất vọng, chán nản "không thiết gì đến công danh, sự nghiệp nữa", ấy là khi Anđrây vừa thất trận trở về.
Chàng đã từng bị thương ngã xuống chiến trường Aoxteclich (1805), nằm ngắm trời xanh vời vợi mà nát tan hy vọng, ấy là khi chàng thấy rõ hết mọi mưu đồ cá nhân thấp hèn trong hàng ngũ tướng tá, ấy cũng là khi vừa thoát chết trở về thì gia biến: vợ sinh con trai và chết. "Chàng không thể nào quên được cái nhìn trách móc của vợ khi hấp hối". Tất cả đều dồn nén cho Anđrây một tâm trạng tràn đầy thất vọng và ngao ngán. Chàng dường như thấy thế là cuộc sống đã chấm dứt, cuộc đời thế là kết thúc. Thành thử cây sồi trong mắt chàng đã lên tiếng: "Mùa xuân, tình yêu, hạnh phúc. Sao cái điều dối trá, khờ khạo, và điên rồ như thế mà mãi mãi các người vẫn không chán..."; "Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc?".
Anđrây nghĩ: "Phải, cây sồi ấy nói phải, một ngàn làn phải". Tiếng thì thầm của cây sồi và lời nói khẳng định kiên quyết, chắc chắn của Anđrây chỉ là một mà thôi. Cây sồi đã nói hộ tâm trạng của chính chàng. Cây sồi già trong lần gặp thứ hai, tuy vẫn là cây sồi ấy, nhưng người nhìn nó đã mang một tâm trạng khác, ở vào một hoàn cảnh khác. Ấy là khi chàng đã gặp Natasa, cô gái xinh đẹp, trong trắng, đầy sức sống, con bá tước Rôxtôp. Ấy là lúc "lòng chàng se lại, chàng hiểu vì sao. Ngày hôm nay đẹp quá, ánh nắng rực rỡ quá, xung quanh vui quá. Và cô gái mảnh dẻ, xinh đẹp kia không hề biết và không muốn biết rằng có chàng tồn tại trên đời này".
Ấy là cái đêm trăng ở Ôtratnưi, chàng được chứng kiến lòng yêu cuộc sống đến đam mê của Natasa, sức sống rạo rực trong lòng, nàng muốn cất cánh bay lên trong bầu trời tràn ngập ánh trăng xuân. Đúng cái đêm ấy "trong tâm hồn chàng bỗng trào lên một mớ ý nghĩ rối ren, bất ngờ cùng với bao nhiêu hy vọng trẻ trung không ăn nhập gì với cuộc đời chàng". Có một sự thay đổi đến mức chàng "không đủ sức để hiểu nổi tâm trạng mới mẻ của mình" phải ngủ thiếp đi. Đối với tâm trạng ấy, cây sồi già trong lần gặp này, bỗng trở thành một cây sồi khác. Nó mang lại cho Anđrây "một cảm giác vui mừng, sảng khoái, tưởng chừng như mỗi tế bào trong mình đã đổi mới, sống lại. Và trong cùng một lúc, chàng nhớ lại tất cả những giờ phút tốt đẹp nhất của cuộc đời mình".
Chính cây sồi ấy đã thay đổi hẳn ý định của chàng "không cuộc đời đã chấm dứt ở tuổi ba mốt" và "ý nghĩa này có cái sức mạnh của một điều quyết định không thể nào thay đổi được nữa". Cây sồi lần này đã nói hộ tâm trạng của chàng như vậy. "Phép biện chứng tâm hồn" là một trong những nét đặc sắc nhất về nghệ thuật viết tiểu thuyết của L.Tônxtôi. Nhờ đặc sắc này mà ông có thể lạch sâu vào thế giới nội tâm thầm kín và đầy bí ẩn của con người, giúp ta thấy được những diễn biến kì diệu của tâm hồn nhân vật. Tâm trạng của Anđrây qua hai lần ngắm cây sồi bên đường trong tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình là một minh chứng cho tài nghệ khám phá phép biện chứng tâm hồn con người của nhà văn Nga vĩ đại.