Chưa có kết quả khảo sát chính xác về lịch sử ra đời của áo dài Việt Nam, nhưng theo một số thông tin truyền miệng thì áo dài Việt Nam có từ thế kỷ thứ XVIII. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá trên thế giới, cho đến nay áo dài đã trở thành một nét đẹp truyền thống, sâu sắc không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội hoặc sự kiện trọng đại của người Việt.
Để may một chiếc áo dài đòi hỏi sự công phu và tỉ mĩ của bàn tay người thợ. Từ khâu chọn vải, cắt may cho đến đường chỉ đều phải uyển chuyển, chính xác đến từng milimet. Loại vải được dùng để may áo thường là các loại vải lụa, bởi đặc trưng của nó là mỏng nhẹ, co giãn tốt giúp cho người mặc dễ dàng trong các thao tác đi, đứng, ngồi và làm việc. Tuy nhiên nếu điệu đà hơn bạn có thể chọn các loại vải phi bóng, tơ tằm, gấm hay ren điểm voan, hoặc đính kim tuyến,..
Về màu sắc vải tuỳ theo từng vóc dáng, độ tuổi của mỗi người mà chọn màu cho phù hợp. Đối giới trẻ nên chọn các tông màu sáng, hoạ tiết tươi, mới, trẻ trung. Đối với người lớn tuổi nên chọn các tông màu đậm, tím, sẫm màu, hoạ tiết đơn giản có thể đính kim tuyến, ... Đối với áo dài cưới hỏi nên chọn tông màu đỏ, hồng, hoạ tiết chim phụng, hoa văn, ...
Áo dài khác với những trang phục may sẵn khác là mỗi người chỉ có thể mặc đẹp một loại áo dài do người thợ đo, may cho chính mình mà thôi. Áo dài đòi hỏi sự chính xác rất cao, từ thân trước, thân sau cho đến tay, cổ, vòng ngực, vòng eo, vòng mông, ... đều phải tuyệt đối đúng với người cần may. Cắt sai một li là xem như bỏ cả cái áo. Chính vì thế mà giá tiền công may một cái áo dài rất cao. Một chiếc áo dài đẹp phải vừa kín dáo, vừa duyên dáng vừa gợi cảm, từng đường nét mềm mại ôm sát bầu ngực, eo, mông tôn lên vẻ đẹp thướt tha, yêu kiều của người phụ nữ.
Áo dài được sử dụng rộng rãi trong đời sống, như trang phục học sinh, sinh viên, giáo viên, công chức, ... Trong ngày cưới - ngày trọng đại của mỗi người Việt - ngày đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời, xây dựng hạnh phúc gia đình riêng cho mình, cô dâu mặc áo dài đầu đội khăn đóng cùng chú rể thắp nén hương lên bàn thờ để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, thật trang trọng và hiếu đạo, thể hiện một truyền thống tốt đẹp của người Việt: "Uống nước nhớ nguồn" "Chim có tổ người có tông".
Áo dài thật sự đã làm nổi bậc vẻ đẹp truyền thống của người Việt, làm tôn lên vẻ sang trọng, quý phái, lịch sự. Mặc chiếc áo dài, trông người phụ nữ thật mềm mại, duyên dáng. Nhìn những em bé mặc áo dài, trông thật rực rỡ, đáng yêu và ra vẻ rất trưởng thành. Những nữ sinh trong trang phục áo dài trắng tinh trông thật trong sáng, hồn nhiên, làm cho mọi người ai cũng phải ngước nhìn mà lòng xao xuyến, bâng khuâng. Người già cũng có thế mặc áo dài, với những chiếc áo dài màu nhung đen, xanh đậm hình họa nổi bật, trông họ thật đẹp lão. Chiếc áo dài thực sự là chiếc áo dành cho mọi lứa tuổi.
Ngày nay áo dài có mặt ở khắp mọi nơi, từ nông thôn cho đến thành thị, từ trong nước cho đến nước ngoài và cả trong thơ văn, nhạc hoạ, phim ảnh đều có hình ảnh áo dài trong đó. Chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng hết sức cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Chúng ta là thế hệ hậu sanh cần phải giữ gìn và tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó.