Nói đến đức hi sinh là nói đến đức tính tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam. Trong thời bình cũng như trong thời chiến, đức tính ấy được bộc lộ rõ nét nhất qua các tác phẩm văn, thơ đương thời. Trong những tác phẩm ấy, chúng ta không thể không nhắc đến Hồ Dzếnh với bài thơ: Cảm Xúc - Bài thơ ca ngợi người con gái Việt Nam với cảm xúc chân thành, biết ơn và trân trọng.
Cảm Xúc
Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi
Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ
Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hi sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
Hồ Dzếnh (1916-1991), tên thật là Hà Triệu Anh, quê tại làng Đông Bích, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông sang sinh sống ở Việt Nam từ khoảng năm 1890, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt, quê ở bến Ghép, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 1957. Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội. 15 năm sau ngày mất ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2007).
Tác phẩm của ông gồm có: Dĩ vãng (truyện vừa, 1940), Quê ngoại (tập thơ, 1942), Những Vành Khăn Trắng (truyện dài, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, 1942), Tiếng kêu trong máu (truyện dài, 1942), Một chuyện tình 15 năm về trước (ký bút hiệu Lưu thị Hạnh, 1943), Chân trời cũ (tập truyện ngắn, 1943), Hoa Xuân Đất Việt (tập thơ,1946), Cô gái Bình Xuyên (truyện vừa, 1946), Cuốn sách không tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất),.
Bài thơ Cảm xúc được in lần đầu tiên trong tập thơ Quê Ngoại xuất bản năm 1942, Hồ Dzếnh lấy nguyên mẫu là hình ảnh người mẹ của ông - người cả đời tận tụy, tảo tần, hi sinh cho chồng, con.
Người phụ nữ sống trong xã hội cũ hầu như không có quyền quyết định cuộc đời mình, mà phải an phận, cam chịu và phục tùng. Họ bị tước đi rất nhiều quyền lợi, bị đối xử tệ bạc, bị trói buộc bởi những định kiến xã hội bất công, nam quyền độc đoán. Thấu hiểu nỗi thống khổ đó, nhà thơ đã đồng cảm:
Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
"Từ thuở sơ sinh" đã "lận đận rồi", bởi lẽ sống trong xã hội “trọng nam khinh nữ” "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" một nam xem như có, mười nữ xem như không sinh con trai thì được nâng niu chiều chuộng, sinh coi gái thì bị hắc hủi, hẩm hiu. Rồi yêu đương cũng chẳng dám thổ lộ, chỉ biết nén nhịn trong u uất, nếu thổ lộ ra thì bị xem là gái hư, không nên nết, bị cả làng đàm tiếu. Vì thế:
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già
Quanh năm làm lụng vất vả, chăm chỉ lo công việc nên chẳng bao giờ biết đến việc làm đẹp, trau chuốt cho bản thân. Bởi thế cho nên "Má hồng mỗi tiết, mỗi phôi pha". Tuổi xuân qua mau, đến khi vui thú cũng là lúc "bồng bế con thơ, đón tuổi già". Cuộc đời người phụ nữ thật buồn tẻ, giản đơn mà gian truân, vất vả. Ngoài công việc, chồng con ra chẳng còn gì dành cho người phụ nữ nữa cả. Họ sống lầm lũi như con tằm nhả tơ, như con ong cần mẫn, như một cái bóng bên đời.
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi
Lịch sử đã sang trang, cô gái Việt Nam ơi! Những tư tưởng, giáo lý cũ đã không còn nữa rồi. Gió mới đã về xua tan đi những xiềng xích, giam cầm cuộc đời cô. Cái xã hội mục nát ấy giờ đây không còn nữa, thay vào đó là một xã hội công bằng, văn minh, bình đẳng, nam nữ bình quyền. Nhà thơ như một người mang tin tốt về cho cô gái:
Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ
Với tâm trạng háo hức, vì là người đầu tiên đem đến hạnh phúc cho cô gái, hi vọng cô gái vẫn còn như thuở trước, nhưng tác giả chỉ thấy:
Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!
Những thành quả cực nhọc mà cô gái đã bỏ biết bao công sức, mồ hôi để gieo trồng nay đã tươi tốt, mỉm cười với gió xuân. Nhưng lòng cô gái đã héo úa rồi còn đâu. Trải qua bao năm tháng cực nhọc, lam lũ cô đâu còn như thời xuân sắc nữa. Cô đã già nua trong cái làng cỏn con ấy rồi. Ngọn gió thời gian không còn kịp để cứu rỗi cuộc đời của cô nữa. Tác giả chợt nấc lên:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hi sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Nếu chữ "hi sinh" có ở đời? mà thật sự có đấy chứ! Nhà thơ hỏi mà như trả lời cho chính câu hỏi đó rồi. Nhà thơ muốn làm một việc nghĩa để trả ơn và đền đáp công lao của người con gái ấy: "Nạm vàng muôn khổ cực" để cho lòng cô gái được vui tươi, được hạnh phúc. Bởi những tháng ngày bất hạnh, tủi nhục mà cô đã phải gánh chịu nay đã được nhà thơ đến đáp xứng đáng. Câu thơ như một lời cảm tạ, lời cảm ơn chân thành nhất chứ vàng bạc nào mua được sự hi sinh cao cả ấy!
Cảm xúc là một bài thơ hay viết về người con gái Việt Nam chịu thương, chịu khó, đã không tiếc tuổi xuân, công sức dâng hiến đời mình cho gia đình, cho đất nước. Bài thơ nhiều lần lặp lại cụm từ "Cô gái Việt Nam ơi!" như nhấn mạnh, như kêu gọi: Phụ nữ Việt Nam hãy đứng lên giành quyền bình đẳng về cho mình. Xin cảm ơn tác giả đã để lại cho đời, cho phụ nữ Việt Nam một tiếng nói chân thành và sâu sắc.