"Cửa biển" là một bức tranh hết sức rộng lớn, hoành tráng, mở ra trên một diện không gian rộng, thời gian dài với vô số sự kiện và rất nhiều nhân vật. Việc Huệ Chi chết trước lễ cưới chỉ là một trong trăm nghìn sự kiện bề bộn ấy. Tuy nhiên sự kiện này lại có một ý nghĩa rất lớn và đồng thời cũng là một trong những trang cảm động nhất trong bộ tiểu thuyết đồ sộ này.
Sau khi Thi San tự tử trong tù, Kim Tú là em trai của Thi San muốn chiếm đoạt toàn bộ cái gia sản của anh. Là kẻ táng tận lương tâm, hắn không từ bỏ bất kì thủ đoạn nào để đạt được mục đích. Trước hết hắn cần tạo dựng chỗ dựa vào bọn phát xít Nhật lúc bấy giờ vừa hất cẳng Pháp. Muốn vậy hắn quyết định bán đứng đứa cháu. Hắn bầy ra vở kịch là gả Huệ Chi cho tên hiến binh. Để vở kịch thật hoàn hảo, Kim Tú đã vẽ nên bức chân dung rất hấp dẫn về tên hiến binh này để lừa bịp cô cháu gái ngây thơ, cả tin. Huệ Chi đã chấp nhận nhưng không phải hoàn toàn vì cả tin vào lời lẽ xảo quyệt của Kim Tú, Huệ Chi đã chấp nhận như một sự hi sinh, vì thế mà có lễ cưới này và như chúng ta biết, hôn lễ chưa kịp cử hành đã biến thành tang lễ.
Phải nói rằng đây là một tình huống thật oái oăm. Nhà văn Nguyên Hồng tạo ra tình huống này để tố cáo bộ mặt thật của xã hội tư sản, tố cáo sự tàn bạo của phát xít Nhật và nói chung là lên án cái xã hội phàm tục đương thời. Mặt khác nhà văn bày tỏ được niềm tin mãnh liệt vào sự sống bất diệt của phẩm giá con người.
Trong tập "Cửa biển”, ta bắt gặp rất nhiều nhân vật nữ, phản diện cũng có, chính diện cũng nhiều. Nếu những nhân vật như mẹ La, gái Đen... thường được viết theo một bút pháp hiện thực rất nghiêm ngặt thì riêng Huệ Chi, tác giả nghiêng về bút pháp lãng mạn. Cứ khi nào viết đến nhân vật này là ngòi bút ông lại bay bổng, dào dạt chất thơ. Có thể nói ông không kiềm chế được ngòi bút đầy yêu thương, chi chút của mình. Trong truyện, Huệ Chi được coi như một bông huệ trắng tinh khiết bị vứt vào giữa đống rác rưởi, bẩn thỉu, hôi hám. Cho nên Huệ Chi là một hình ảnh hoàn toàn tương phản với gia đình đê tiện, đầy kẻ táng tận lương tâm của cố bà Đức Sinh. Huệ Chi càng mảnh mai yếu ớt bao nhiêu thì môi trường xung quanh càng tàn bạo, ô trọc bấy nhiêu. Mô tả nhân vật Huệ Chi là mô tả cái đẹp đang bị sự phàm tục vây bủa và đe dọa. Cái đẹp vốn mong manh không biết có thể được bảo toàn trong cái tương quan khác nghiệt đó hay không?
Nhưng mặt khác, Huệ Chi còn hiện ra như một thiên sứ. Đó là một cô gái trong trắng, thánh thiện, đầy bao dung, độ lượng. Huệ Chi sinh ra dường như để tha thứ cho tất cả. Có thể nói Huệ Chi mang trong mình sứ mạng cứu rỗi những linh hồn tội lỗi. Tuy nhiên chính cái mặt đất tội lỗi này lại đã tiêu diệt thiên sứ, đất này không có chỗ đứng cho thiên sứ. Cuối cùng, Huệ Chi phải chết, cái chết là một sự lên án gay gắt đối với cái xã hội tư sản đương thời nói riêng và với cái thế giới đê tiện được miêu tả trong truyện nói chung.
Đoạn trích "Huệ Chi trước lễ cưới" tuy ngắn nhưng cũng đủ cho ta hình dung về tính cách của Huệ Chi. Huệ Chi hiện ra như một cô gái yếu đuối, mảnh mai, thậm chí ốm yếu nữa. Đồng thời lại là một cô gái chất chứa bên trong một sự quyết liệt. Ở đây Nguyên Hồng đã mô tả Huệ Chi cứ bất định giữa hai trạng thái: vừa trong trạng thái bệnh lý (kiểu người mộng du) vừa trong trạng thái tâm lý (bên dưới vẻ mộng du thấy ló ra những lựa chọn khá tỉnh táo). Chính vì thế mà tác giả đã mô tả một Huệ Chi trong một cơn bệnh với những biểu hiện: sốt, âm sâm, li bì, mền mệt với những việc săn sóc của u Hùng như: uống thuốc, dỗ dành, cưng nựng. Song song với việc ấy, Nguyên Hồng đã mô tả bằng những ngôn ngữ và hành động về một Huệ Chi cứng cỏi, quyết liệt. Huệ Chi vẫn ý thức được về thời gian, vẫn kịp mặc những chiếc áo đẹp. Khi bước qua cửa phòng của Giáng Hương vẫn nhận rõ, bước lên cầu thang vẫn đếm đủ ba bậc tam cấp. Chính vì thế cái chết của Huệ Chi chính là sự hoà lẫn cả hai trạng thái: vừa là tai nạn của người mộng du bước quá chân ra ngoài lan can sân thượng, vừa là một cuộc tự sát của một cô gái quyết không chấp nhận việc chung sống với người chồng tàn bạo. Và ý nghĩa của truyện chính là ở chỗ đó. Sự lựa chọn quyết liệt của Huệ Chi cho thấy đây là một cô gái trung trinh, quyết bảo toàn phẩm giá của mình. Rõ ràng, Huệ Chi từ trước đến sau vẫn xứng đáng là một bông huệ trắng tinh khiết, không bị hoen ố. Chỉ cái chết mới bảo toàn được điều đó và Huệ Chi vẫn là một thiên sứ. Qua cái chết của nhân vật, Nguyên Hồng đã tố cáo hiện thực tàn bạo, đồng thời bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào cái đẹp. Huệ Chi có thể chết nhưng không khuất phục, có nghĩa là cái đẹp có thể bị bức hại nhưng không thể bị tiêu diệt. Kết thúc đoạn trích là một cái chết bi kịch, gieo vào lòng người đọc một niềm lạc quan. Đó chính là cảm xúc chân chính của bi kịch.
Để mô tả thành công hình ảnh Huệ Chi trong giờ phút này tác giả đã sử dụng ngôn ngữ nhân vật một cách chính xác. Nó vừa là lời nói của người mộng du, lẫn lộn giữa thực và mộng, âm và dương, người sống và người chết, hiện tại và quá khứ, giữa cái hiện hữu và không hiện hữu. Đồng thời nó là lời độc thoại của một sự lựa chọn quyết liệt, không phải là không tỉnh táo. Vì thế lời lẽ của Huệ Chi đối thoại mà thực ra là độc thoại, phù hợp với trạng thái của nhân vật.
Nguyên Hồng đã chuẩn bị cho cái chết của Huệ Chi công phu và đầy trân trọng. Con đường Huệ Chi đến cái chết dường như cũng là con đường thiên sứ về trời, ông đã dồn tất cả những gì đẹp nhất, trinh bạch, thơm tho, thánh thiện nhất cho người con gái này. Đó là một thế giới của hương, hoa, của ánh sáng. Điều đáng nói là Huệ Chi đi những bước chập choạng giữa mộng và thực. Cảnh bầy ra trước mắt cô vừa là những hình ảnh quen thuộc trong giáo đường những ngày lễ trọng, tượng trưng cho thiên đường của Đức chúa, lại cũng là cành trang hoàng cho đám cưới. Nhờ thế mà người đọc có thể thấy cái chết của Huệ Chi là một cái chết vừa đau xót, vừa cao đẹp. Chính sự mô tả này cũng cho thấy Nguyên Hồng yêu thương nhân vật của mình như thế nào.