Nguyễn Tuân trước hết là một nhà văn. Viết phê bình chỉ là việc làm tay trái Một cây bút phê bình tài tử, chỉ viết về những gì mình thích. Cho nên các bài viết của ông chỉ có bình, không có phê. Bình và tán. Bình cái hay, tán cái giỏi, cái tài của đối tượng viết.
Trong số những bài phê bình xuất sắc của Nguyễn Tuân, phải kể đến bài Thời và thơ Tú Xương. Kể cũng dễ hiểu. Hai cây bút nổi tiếng tài hoa, lừng danh phong nguyệt và chơi ngông ấy dù không sống cùng thời, cũng vẫn có thể là một cặp tri âm tri kỉ.
Bài Thời và thơ Tú Xương, đúng như cái tên của nó, gồm có hai phần: Thời Tú Xương và Thơ Tú Xương.
Nguyễn Tuân trước hết là một nhà văn
1. Chương trình PTTH lớp 12 chỉ trích giảng một đoạn trong phần Thơ Tú Xương. Tuy vậy cũng nên nói đôi điều về phần Thời Tú Xương. Các thầy dạy văn thường gọi phần này là bối cảnh lịch sử hay hoàn cảnh ra đời của tác giả hay tác phẩm văn học. Nói về bối cảnh lịch sử, Nguyễn Tuân không chỉ nêu lên những sự kiện lịch sử khô khan, trừu tượng. Dựa vào hàng loạt tri thức lịch sử cụ thể và trí tưởng tượng, ông dựng lên trước mắt người đọc cảnh tượng và không khí cụ thể của xã hội Việt Nam thời Tú Xương ở thành phố Nam Định Người khác có thể chỉ viết: "Năm 1873, sĩ quan thủy quân Pháp hạ xong thành Hà Nội thì xuống đánh luôn thành Nam Định" Nhưng Nguyễn Tuân thì phải viết tiếp: "Thành Nam Định có ba cửa: cửa Tây, cửa Nam, cửa Đông cũng bị đánh một lúc, tướng Giácnic bắc thang leo vào thành". Người khác có thể chỉ viết: "Năm 24 tuổi Trần Tế Xương đã thành ông Tú Xương đỗ tú tài" Nhưng Nguyễn Tuân thì phải nói đến nơi đến chốn và rất tỉ mỉ: "Trường thi Nam Định năm 1894 đông như kiến cỏ. Năm 1891, Nam Định chỉ có 9000 sĩ tử, năm 1894 con số người đi thi lên tới 11 vạn (...) kì Đệ nhất vào ngày 25-10-1894. Kì đệ nhị, ngày 15 - 11 (...) lễ xướng danh từ sớm cho đến chiều. Ghế bành của các quan chấm trường dự lễ tai ghế cao đến 4 thước mét..."
Đây không phải chỉ là chuyện cá tính và phong cách viết. Đây còn là yêu cầu của việc giải thích những hiện tượng văn học Cảm hứng sáng tác của nhà văn bao giờ cũng bắt nguồn từ một môi trường tâm lí xã hội cụ thể. Tác động của các sự kiện lịch sử tới nhà văn phải lọc qua môi trường ấy và chịu một độ chiết quang khúc xạ nhất định. Nguyễn Tuân đã dày công thu thập tài liệu lịch sử và dùng trí tưởng tượng, dựng lại cái môi trường xã hội cụ thể, cái không khí lịch sử cụ thể khi thực dân Pháp hạ thành Nam Định, lấp sông Vị Hoàng, khi những khoa thi Hán học cuối cùng có Tây đến ra bài, có cả đám "đít vịt" đến dự, có tiệc rượu, có nhảy đầm, lễ xướng danh có mật thám lùng sục, có bắn súng ca nòng thị uy... để đề phòng phong trào chống Pháp của Đề Thám, của Kì Đồng vẫn ầm ĩ, chỉ chờ dịp để bùng trở lại... Đó đâu phải là chuyện lan man, dài dòng của lối viết Nguyên Tuân. Đó là việc làm cần thiết để giải thích thế giới hình tượng và cái giọng điệu vừa xót thương chua chát, vừa ngang ngược ác khẩu của thơ Tú Xương.
2. Nhưng hãy trở về với phần thơ Tú Xương của bài phê bình ở phần này, đâu là chủ đề chính, đâu là cái luận điểm cơ bản nhất mà Nguyễn Tuân muốn khẳng định?
Nguyễn Tuân không bao giờ chịu nói những điều người khác đã nói. Với ông, mỗi bài viết phải là một phát hiện mới, phải phát biểu được chủ kiến riêng. Vào thời điểm Nguyễn Tuân viết bài Thời và thơ Tú Xương (tháng 5-1961), giới nghiên cứu, phê bình văn học nói chung có thiên hướng chỉ nhấn mạnh và đề cao giá trị phản ánh hiện thực và nghệ thuật trào phúng của thơ ông Tú. Nguyễn Tuân không phủ nhận điều ấy, nhưng không cho dó là cái làm nên phần giá trị đặc sắc nhất của sự nghiệp Tú Xương. Thực chất, thơ Tú Xương, thơ Nguyễn Tuân, là "cái khía trữ tình, cái hơi lãng mạn" nó "bay nhẹ ở trên tất cả những cái đó kia".
Đó luận điểm cơ bản của bài phê bình hay phát hiện chủ yếu của Nguyễn Tuân về thơ Tú Xương là ở đấy.
Nhà phê bình khi xác định được luận điểm rồi. lại phải biết đề xuất luận điểm như thế nào cho kín kẽ (tranh hiếu lầm và những phản ứng không đáng có của người đọc), đồng thời gây được ấn tượng để lôi cuốn sự chú ý.
Để tránh cho luận điểm của mình bị coi là cực đoan, phiến diện, trước hết tác giả thừa nhận nội dung hiện thực và bút pháp trào phúng của thơ Tú Xương. Đây không phải là ý chính của bài viết nên Nguyễn Tuân chỉ dùng lối liệt kê các khía cạnh của nội dung hiện thực và nghệ thuật châm biếm, đả kích của thơ ông Tú để khẳng định thơ Tú Xương là cái "chứng từ về đạo học thành Nam tàn lụi", là tập kí sự chi tiết về đời sống thành Nam, về sinh hoạt vật chất và tinh thần của một lớp nhà nho tỉnh Nam lúc Tây sang", là tiếng cười phá phách, chửi bới, văng tục, ném vào cái xã hội nhố nhăng thời ấy .v.v ...
Những thừa nhận giá trị hiện thực và bút pháp trào phúng của thơ Tú Xương chỉ là cái đòn bẩy để đề xuất luận điểm cơ bản của nhà phê bình, ở đây ta thấy ông có một cách diễn đạt rất ấn tượng: đưa ra một giả tưởng như là một thủ pháp cường điệu, tô đậm một thủ pháp thường thấy ờ Nguyễn Tuân với một giọng điệu rất Nguyễn Tuân: "Có lúc tôi đã thấy giật mình cho Tú Xương, khi tôi giả tỉ thơ Tú Xương không có cái khía cạnh trữ tình, cái hơi lãng mạn của nó mà lâu chỉ rất những: "Cống hỉ - mét xì, thôi thôi lạy mợ xanh căng lậy. Thú thật, tôi thấy chối tai đấy, ở ai thế nào thì tôi không hay, nhưng ở tôi, khi mà Tú Xương cứ hiện thực chỉ có như vậy thôi, cái gốc hiện thực ấy mà không có cái ngọn trữ tinh, cái tân lãng mạn ấy, thơ Tú Xương cũng tắt gió trong tôi từ lâu rồi, và đã bay ra khỏi tôi lúc nào không biết chừng".
Nhưng tô đậm chỉ để gây chú ý và tạo tâm thế đón đợi, chứ không có tác dụng thuyết phục người đọc về sự đúng đắn của luận điểm. Phải có những luận cứ xác đáng, vững chãi mới giải quyết được vấn đề.
Nguyễn Tuân đã đưa ra những luận cứ gồm hai loại: lý luận về thơ và bằng chứng thực tế ở thơ Tú Xương. Những luận cứ này ông không trình bày tách bạch trước sau mà cho đan xen vào nhau và nâng dần lên từ thấp đến cao, từ ý nghĩa hạn hẹp tới tính khái quát rộng rãi
Về lý luận, trước hết Nguyễn Tuân đưa ra một định nghĩa về thơ. xuất phát từ đặc trưng một bài thơ của Béctôn Brét: thơ ấy la "cái chốc lát" - "cái chốc lát có tính toán - mà nhà thơ, từ những "chi tiết nôm tạp", những chữ, những hình ảnh "thông tục", thậm chí "trắng trợn" nữa "cho bổng lên một ánh thơ nó vô hạn bâng hhuâng tưởng như không còn ai vạch được ra bên bờ cho nỗi day dứt đó."
Tiếp đó ông dẫn ra bài Đi hát mất ô của Tú Xương làm bằng chứng. Sức thuyết phục của đoạn văn phê bình ở đây phu thuộc vào sự chọn lựa được một bài thơ của ông Tú vừa hay vừa tiêu liêu lại vừa ứng với lý thuyết, đồng thời ứng với cái tài bình thơ. tán thơ của Nguyễn Tuân.
+ Từ sự phân tích bài Đi hát mất ô, Nguyễn Tuân lại đưa ra một định nghĩa khác về thơ chặt chẽ hơn và có tầm khái quát cao hơn. "... thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng có loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khắc với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tư liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những lô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó đưa ra được một cái diện không gian thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sử điệp
Thơ là mở ra được một cải gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín.
+ Tiếp đó Nguyễn Tuân lại dẫn ra một bài thơ khác của Tú Xương để làm bằng chứng: bài Sông lấp. Và ta lại được thưởng thức một đoạn bình thơ, tán thơ độc đáo và đầy tài hoa của ông.
Nghiên cứu, phê bình văn học là phát hiện ra những chân lý nghệ thuật ở đối tượng nghiên cứu, phê bình cũng có thể xem đó là những đáp số của khoa học văn chương. Nhưng khác với toán học thì tìm ra đáp số thì bài giải đã có thể coi là căn bản hoàn tất. Trong khoa học văn chương thì không hẳn thế, tìm ra "đáp số", công việc xem ra mới chỉ trót lọt được một nửa. Phải diễn đạt "đáp số" sao cho người đọc cũng hiểu được như mình ở đây hiểu gắn với cảm, nhận thức lý trí gắn với phản ứng tình cảm, cảm xúc trước cái đẹp. Vì thế diễn đạt "đáp số" là sáng tạo ra một bài văn để làm sáng tỏ bài văn của người sáng tác Văn phê bình vì thế tuy không phải văn sáng tác nhưng rất gần với văn sáng tác. Nghĩa là cũng phải có hình ảnh, có giọng điệu để chuyển tải tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ. Đây là chỗ lợi thế của những người sáng tác viết phê bình. Cố nhiên lợi thế này càng rất rõ ở Nguyễn Tuân.
Đọc bài Thời và Thơ Tú Xương, ta được thưởng thức nhiều đoạn văn câu văn đầy hình ảnh. Trên kia đã dần ra những định nghĩa viết theo cách như thể của Nguyễn Tuân về thơ. Đấy là những hình ảnh minh họa khái niệm. Khái niệm trừu tượng, nhờ hình ảnh. Trở nên cụ thể, hữu hình, sống động, ở những đoạn bình thơ, hình ảnh dưới ngòi bút Nguyễn Tuân lại càng giàu tính biểu cảm hơn nữa.
Này đây, Ông bình bài thơ của Béctôn Brét:
"Bơ-rét vừa mượn cái trí não người thơ mà đưa vào pho sử khập khiễng kia một chiều hoàng hôn làm nhòe hết mặt mày vì nhân phong kiến đã chìm hết hào quang giả tạo".
Đây nữa, ông bình hai câu cuối cùng của bài Đi hát mất ô:
“Bài thơ nổi gió lên từ hai câu cuối cùng. Từ một chuyện ăn cắp đồ vật, đáng lý chỉ gây nỗi một chút tiếc của Tú Xương trang trọng nâng nó lên thành một nỗi niềm hồi hộp xót thương của những cặp tình nhân muôn thuở (...) Bên cái tục tằn, Tú Xương lồng vào một nét thanh, Tú Xương lấy một cái trong trắng mà gạn lọc cái vẩn đục và hút nó lên theo với thơ mình".
Và đây nữa, ông bình cái tiếng gọi đò trong bài Sông lấp: "Cái tiếng gọi đò u hoài trong thơ Sông lấp Tú Xương còn là cái tiếng gọi đàn của cả một đoạn sử ta cuối thể kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đất nước quê hương lộp cộp móng lừa Tây, vó ngựa lai, giây đinh sắng đá và đì đoành ca nông chấm câu cho những vần thơ yêu nước..."
Câu văn phê bình của Nguyễn Tuân không chỉ giàu hình ảnh mà còn giàu âm điệu, nhịp điệu. Và ngôn ngữ Nguyễn Tuân thì thật là phong phú, đầy góc cạnh và màu sắc. Có những chữ ông hạ xuống thật đặc sắc và đầy trọng lượng. Chẳng hạn ông viết: nếu làm văn xuôi thì “có thể ngừng ở đó (...) được phép ách lại đó". Chữ ách đầy sức nặng bồi thêm cho chữ ngừng một cách thật thú vị. "Nếu con sông lấp Vị Hoàng mà chỉ có hai câu thơ thôi, thì con sông Tây lấp kia có thể coi là tuyệt tự rồi..." Tuyệt tự đúng là số phận của con sông lấp nếu không có tiếng gọi đò sẽ còn vọng mãi trong thơ Tú Xương. Nguyễn Tuân có khả năng sáng tạo hàng loạt định ngữ có sắc thái khác nhau để diễn tả cùng một đối tượng. Chẳng hạn, cũng một tiếng gọi đò trong bài thơ Sông lấp, khi thì ông gọi là "Cái thảm kịch gọi đò sông vắng", khi thì gọi là "Cải thảm kịch đợi nước gọi đò", khi lại gọi là "Cái tiếng gọi đò u hoài" hay là "Cái tiếng gọi đàn của cả một đoạn sử ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX”. Đó là sự phong phú của ngôn ngữ Nguyễn Tuân mà cũng là cái tinh tế sắc sảo của tư duy phân tích của ông về một hình tượng nghệ thuật...
4. Văn Nguyễn Tuân, dù là văn sáng tác hay phê bình, bao giờ cũng mang đậm dấu ấn cá tính, phong cách của ông Đây là Một cái tôi tài hoa, uyên bác và có một cái gì gai góc. Lắng nghe lời văn, giọng văn của Nguyễn Tuân, người tinh ý có thể cảm nhận được cái chất mỉa mai châm biếm ẩn kín trong ấy nhằm vào những đối tượng nào đấy của ngày hôm nay mà ông không tiện vạch mặt chỉ tên một cách trực diện: "... Tôi tin rằng những thế hệ đó (thế hệ của năm 2000 của năm hai nghìn lẻ mấy trăm chi đó") được nâng cao vật chất và tinh thần, được học nhiều hiểu rộng gấp mấy mươi chúng ta bây giờ, họ có một quan niệm rộng rãi hơn về xử sự xử thế của những con người sống trước họ, họ ái ngại nhiều hơn là lên án những người trước đây chỉ mới yêu nước trong phạm vi yêu tiếng nói dân tộc (...) cái học lực của họ sẽ tạo cho họ nhiều độ lượng nhân ái hơn, tình cảm phong phú và thuần khiết hơn?...v.v..."
Với tính chất tài tử tuỳ hứng, lối phê bình của Nguyễn Tuân không tránh khỏi nhiều khi phiến diện và cực đoan. Nhưng những lối viết của ông không bao giờ bằng phẳng, nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt. Đọc ông thế nào ta cũng thu lượm được một cái gì mới mẻ, độc đáo, làm giàu thêm cho chúng ta một ý nghĩ, một tình cảm nào đó, một lối hành văn hay một cách đặt câu dùng từ nào đó sắc sảo và tài hoa.