Phân tích tác phẩm: Lao Xao – Duy Khán
Sách tham khảo
2020-08-19T09:33:47-04:00
2020-08-19T09:33:47-04:00
https://sachthamkhao.com/ngu-van/phan-tich-tac-pham-lao-xao-duy-khan-5054.html
https://sachthamkhao.com/uploads/news/2020_08/chim-cheo-beo.jpg
Sách tham khảo
https://sachthamkhao.com/uploads/sach-tham-khao-logo.png
Thứ tư - 19/08/2020 08:56
Duy Khán (1934 - 1995) quê ở huyện Quê Võ, tỉnh Bắc Ninh Tuổi thơ im lặng (1985) là tập hồi kí tự truyện của tác giả. Thông qua hồi tưởng và kỉ niệm tuổi thơ, tác giả dựng lại những nét chấm phá về cuộc sống ở làng quê thuở trước trong những bức tranh thiên nhiên, sinh hoạt, đồ vật và hình ảnh con người. Cuộc sống ấy tuy nghèo khó, vất vả nhưng giàu sức sống bền bỉ và chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của làng quê.
Bài Lao xao trích từ tác phẩm Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1987. Đoạn văn kể lại khoảng đời trong sáng của nhà văn ở làng quê, nhất là với những cánh chim trong ngày hè mới chớm.
Mở đầu bài văn là những câu miêu tả ngắn gọn về thời gian, khung cảnh. Thời gian thì “chớm hè”, mới bắt đầu mùa nắng. Không gian thì từ rộng đến hẹp, từ “cả làng” đến “góc vườn ông Tuyển”. Đặc trưng của khung cảnh là hoa lan, hoa giẻ, hoa móng rồng... tỏa hương. Tất nhiên không thiếu ong và bướm. Và có sự xuất hiện của “chúng tôi”, bọn trẻ, trong đó có nhà văn, chuyện trò “râm ran”. Một sáng sớm ngày hè thanh bình, trong sáng.
Nhưng sự xuất hiện của con người chỉ để tô điểm cho buổi sáng mùa hè, là cái cớ để tác giả miêu tả và kể chuyện về các loài chim. Ví dụ, khi nghe tiếng con bồ các kêu vang, chị Điệp nhanh nhảu đọc bài đồng dao:
“ - Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú lại là chú bồ các, ...”
Nhờ đó mà nhà văn đã miêu tả một loạt dòng họ của chim bồ các. Nếu bồ các “bao giờ cũng vừa bay vừa kêu như bị ai đuổi đánh” thì dòng họ của nó “đều hiền cả”. “Chúng đều mang vui đến cho giời đất”. Tác giả vừa miêu tả vừa kể cái tính hiền hậu của họ nhà chim này. Từ hình ảnh sáo sậu, sáo đen đậu trên lưng trâu hót mừng được mùa, con sáo đen “tọ tọe” tập nói ở nhà bác Vui cho đến con “tu hú đỗ ngọn cây tu hú mà kêu” đều là loại chim mang vui đên cho trời đất. Để miêu tả và kể chuyện quê mình, Duy Khán đã dùng tiếng địa phương như “giời, thống buổi, ngấp ngoái” (trời, xế buổi - quá nửa buổi, ngắc ngoài) khiến người đọc như được nghe một người vùng Bắc Ninh kể về làng mình. Cùng là một từ “tu hú” tên của loài chim cùng họ với bồ các nhưng cũng là tên của cây vải theo địa phương chỉ vì khi chim tu hú kêu là báo hiệu mùa trái vải chín. “Quả chín đỏ, đầy ụ như mâm xôi gấc”:
Lướt qua đàn chim ngói, chim nhạn, nhà văn bắt đầu miêu tả các loài chim dữ mà trước hết là “con bìm bịp”. Nhà văn đã kể chuyện “về một ông sư dữ như hổ mang” để giải thích vì sao chim có tính dữ và tên ấy. Khoác bộ cánh màu nâu, suốt đêm ngày núp trong bụi rậm, và chí lên tiếng “bịp bịp” khi “thổng buổi”. Và “khi nó kêu thì một loạt chim ác, chim xấu mới ra mặt”. Vừa miêu tả chim bìm bịp câu văn vừa giữ vai trò chuyển tiếp trong việc miêu tả các loài “chim ác, chim xấu” khác. Tiếng kêu của nó như hiệu lệnh cho đồng bọn hành sự.
Ra mặt đầu tiên là con diều hâu “có cái mũi khoắm đánh hơi tinh lắm”. Ở vùng quê, “Đâu có xác chết. Đâu có gà con...” là thấy nó rồi! Tác giả bắt đầu kể lại trận “Ẩu đả dưới, gốc vối già” giữa diều hâu và gà mẹ mà tác giả đã nhìn tận mắt. Ấy là đoạn văn kể chuyện bằng cách miêu tả các chi tiết chọn lọc, gợi hình: “Con diều hâu lao như mũi tên xuống, gà mẹ xù cánh vừa kêu vừa mổ, vừa đạp diều hâu”. Trận này, diều hâu thắng, bắt được gà con mang đi thì “những mủi tên đen, mang hình đuôi cá từ đâu tới tấp bay đến. Ấy là những con chèo bẻo”, mệnh danh là “kẻ cắp”. Thế là một trận chiến nữa xảy ra trên không giữa diều hâu và đàn chèo bẻo. Ngôn ngữ miêu tả tự nhiên, có cả thành ngữ, gợi hình ảnh sinh động. Lần này thì diều hâu thua, phải chạy trốn. Chèo bẻo là kẻ chiến thắng, để lại hình ảnh đẹp làm thay đổi tình cảm của nhà văn “Từ đây, tôi lại quý chèo bẻo”, để rồi tác giả đưa ra nhận xét: “Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm”. Chèo bẻo “trị kẻ ác” nên tấn công cả những tên “lia lia láu” như “quạ đen, quạ khoang” khi chúng rình vào chuồng lợn để bắt gà con hay trộm trứng. Con quạ bị đàn chèo bẻo tấn công chết đến rũ xương...
Người đời thường bảo vỏ quýt dày có móng tay nhọn, kẻ cắp gặp bà già. Có diều hâu, quạ thì có chèo bẻo, có chèo bẻo thì có chim cắt. Duy Khán kết hợp thật nhuần nhuyễn. văn miêu tả và văn kể chuyện trong đoạn văn này, hay nói đúng hơn là Duy Khán đã kể lại chuyện chim bồ câu nhà chú Chàng bị chim cắt xỉa chết và trận đánh kinh hoàng giữa chim cắt và chèo bẻo bằng lối văn miêu tả. Khi miêu tả, nhà văn chỉ chọn những chi tiết đặc biệt. Ví dụ, miêu tả chim cắt thì chỉ tả “cánh nhọn như dao bầu dục chọc tiết lợn”. Về đặc tính hoạt động thì “Chúng là loài quỷ den, vụt đến, vụt biến...”, và “Khi đánh nhau, chim cắt chỉ xỉa bằng cánh”. Những câu văn so sánh và đặc tả ấy cũng đủ để gây ấn tượng với người đọc về loài chim ác này. Trận chiến đấu kinh hoàng trên không được sự cổ vũ của đám trẻ con kết thúc bởi cái chết cưa con chim cắt, và kẻ chuyên trị chim ác là chèo bẻo đã chiến thắng. Kẻ phục thiện và làm điều thiện đã được đền đáp!
Với sự quan sát tinh tường, tài chọn lọc các chi tiết trong sự hiểu biết phong phú về các loài chim, tình cảm sâu đậm với quê hương, cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn tự sự và miêu tả, Duy Khán đã thành công với Lao xao trích từ tác phẩm Tuổi thơ im lặng. Người đọc càng có ấn tượng khi đọc những câu văn ngắn, nghệ thuật so sánh... khiến bức tranh quê vừa giàu sắc thái vừa sinh động mà nhà văn đã kể lại để càng yêu thương đất nước Việt Nam.
* Ghi chú:
- Bài văn thuộc thể loại thơ tự sự, vừa kể vừa miêu tả.
- Đời sống, tâm hồn tuổi thơ “lao xao” cùng những cánh chim và cây cối ở làng quê Bắc Bộ.
- Bài văn dùng nhiều tiếng địa phương.