Tác phẩm là một chuỗi cười dài giòn rã, sảng khoái, đồng thời rất cay độc, ném vỗ vào mặt cái xã hội “thượng lưu” trưởng giả ở thành thị đang chạy theo lối sống “Âu hóa” hết sức đồi bại lố lăng và bịp bợm đương thời. Nếu coi cuốn “tiểu thuyết cười” này là một vở đại hài kịch thì mỗi chương trong đó là một màn và mỗi màn lại có những cảnh, những “xen” của “tấn trò đời” đó. Dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng, chương nào đoạn nào trong cuốn tiểu thuyết cũng thú vị, hấp dẫn, song lại vẫn nổi bật lên một số chương, đoạn thật đặc sắc. Chương XV nhan đề Hạnh phúc của một tang gia là một chương như vậy. Hơn đâu hết, tài năng trào phúng bậc thầy và sức phê phán mãnh liệt của ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã thể hiện rõ rệt ở chương truyện giống như một màn hài kịch đặc sắc đó.
Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của chương truyện thể hiện ngay ở cái đầu đề (mỗi chương trong tiểu thuyết Số đỏ đều có đầu đề gồm những mệnh đề đầy trào phúng). “Tang gia”, ấy là gia đình đang có người vừa mất, hẳn là phải bao trùm một không khí sầu thương, não nề. Vậy mà trong cái “tang gia” giàu sang, rất thượng lưu này, một niềm “hạnh phúc” to lớn, đầy ắp cứ tràn ra, không nén nổi. Cái chết của cụ Tổ chẳng làm cho người con người cháu nào của cụ sầu não tiếc thương, mà trái lại, đã đem đến một hạnh phúc to lớn, bất ngờ! “Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm!”, “Bọn con cháu vô tâm cũng sung sướng thỏa thích... Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma, v.v...”. “Tang gia ai cũng vui vẻ cả...”. Đó là không khí tưng bừng, vui vẻ, náo nức chuẩn bị cho một ngày hội chứ đâu phải của một tang gia! Cũng có “bối rối”, cũng có những nét đăm chiêu, lo lắng..., nhưng vì những cớ gì khác chứ không phải vì nghĩ đến người chết.
Mâu thuẫn trào phúng xuyên suốt cảnh đám ma là ở chỗ này: đây là đám ma rất to, rất dông, được tiến hành rất trọng thể, đúng là “một đám ma gương mẫu”, nhưng kì thực lại giống như một đám hội, đám rước hơn là đám ma.
Đám ma cụ Tổ quả là “to tát”, “long trong”: có kiệu bát cống, lợn quay... đi lọng (!), vài ba trăm câu đối, vòng hoa, vài trăm người đi đưa, máy ảnh thi nhau chụp lia lịa như ở hội chợ... Kèn đám ma thì thật “phong phú” và độc đáo: có cả kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu, “cho đến lốc-bốc-xoảng và bú-dích”! Và có lẽ món đặc biệt nhất là tiết mục “đặc sản” của tang gia: những bộ quần áo tang mốt mới nhất của tiệm may Âu hóa, nhờ cái chết đúng lúc của cụ Tổ mà được lăng xê (quảng cáo) rất kịp thời!
Đám ma “to” đến nỗi cụ Phán bà (người trong tang gia) cảm thấy “hết sức sung sướng” và người hàng phố “nhốn nháo cả lên khen đám ma to”. Tác giả đã viết với giọng “tỉnh bơ” mà xiết bao chua chát: “Đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu...”.
Kì thực, những cái “to tát”, “long trọng”, “danh giá” của “đám ma gương mẫu” ấy, chỉ là sự phô trương giả dối lộ liễu, sự rởm hợm hết sức lố lăng. Chẳng những mấy thứ như lợn quay đi lọng, âm nhạc bát nháo inh ỏi mới là lố lăng, vô văn hóa, mà cả cái tâm lí háo danh, thích “được tiếng” một cách vô nghĩa lí của cụ phán bà và tang gia (chỉ lo cho đám ma thật “to”, để được “danh giá nhất tất cả”), cũng rất kì quặc, vô văn hóa! Cảnh đám ma cho thấy ở cái xã hội ấy, người ta đã quen và rất thích, rất bằng lòng, với sự lừa dối mọi người và lừa dối mình bằng những trò lòe loẹt, om sòm như vậy.
Ống kinh của Vũ Trọng Phụng trong khi lia bao quát toàn cảnh cái đám ma “to tát”, đồng thời, dừng lại để đưa lên cận cảnh một vài nhân vật hoặc nhóm nhân vật, một vài chi tiết.
Đó là bộ mặt hí hửng, mẫn cán của hai viên cảnh sát Min - Đơ, Min - Toa đã “sung sướng cực điểm” vì được thuê giữ trật tự cho đám ma.
Đó là cô Tuyết với bộ y phục Ngây thơ khá hở hang và một “vẻ buồn lãng mạn” rất đúng mốt “một nhà có đám” (có điều cô buồn không phải vì thương xót khôn nguôi ông nội vừa chết, mà chì vỉ không thấy Xuân Tóc Đỏ, “bạn giai” của cô đâu cả!).
Đó là những quan khách sang trọng bạn thân của cụ cố Hồng, hình như đi dự đám tang cốt để khoe các thứ huy chương và các kiểu râu ria (“hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn hơn là để chia buồn với tang gia”). Các vị tai to mặt lớn ấy đã rất “cảm động”, không phải khi nghe tiếng kèn đám ma ai oán, mà là “khi trông thấy làn đa trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết”...!
Đó là đám phụ nữ “phần nhiều tân thời”, những “giai thanh gái lịch” của Hà thành văn vật đang “Âu hóa”, vừa đi đưa dám ma vừa “chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, hẹn hò nhau...”. Tức là họ đã đú đởn chim chuột với nhau, ngay trong khi đưa đám ma, và thật mỉa mai, “bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa,ma”!
Rồi những tiếng “thì thầm” với nhau của những người đi đưa ma ấy: họ chuyện trò về vợ con, nhà cửa, về cái tủ mới sắm, cái áo mới may... Thậm chí, còn có rất nhiều những “câu nói vui vẻ, ý nhị (...) rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma” như là: “con bé ấy kháu thế, con bé kia đẹp hơn”, “thằng ấy bạc tình bỏ mẹ”, “mỏ vàng hay mỏ chì”, “gớm cái ngực, đầm quá đi mất”, “vợ béo thế chống gầy thế thì mọc sừng mất”...! Những mẩu đối thoại thì thào rời rạc ấy đã “nói” lên rất to rằng: những kẻ đi ké đi đưa ma hoàn toàn dửng dưng với người chết, tất cả đều thản nhiên, vui vẻ, không có ai bận tâm đến người năm trong quan tài, mà chỉ soi mói ngắm nghía bình luận về cơ thể phụ nữ, chỉ nói với nhau những chuyện nhảm nhí trong đời sống đồi bại thường ngày của họ.
Vậy là cái “đám ma gương mẫu” rất to tát, có đầy dủ mọi nghi thức trọng thể ấy vẫn thiếu một thứ. Đó là lòng thương tiếc, sự đau buồn chân thành đối với người đã khuất. Thiếu cái đó thì tất cả những cái khác đều trở nên vô nghĩa và giả dối. Kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu inh ỏi mà làm gì, hàng trăm câu đối, vòng hoa và hàng trăm người đi đưa với vẻ mặt trang nghiêm, buồn rầu vờ vịt mà làm gì, nếu không hề chứng tỏ sự thương xót đối với người chết? Liệu người chết có thật sẽ “mỉm cười sung sướng” nếu biết mọi người vui vẻ, dửng dưng khi đưa mình đi chôn như vậy không? Điệp khúc “đám cứ đi” thật mỉa mai. Đám ma “to tát” ấy cứ từ từ chuyển động một cách trang nghiêm. Nhưng kì thật, đây đâu phải đám ma thật mà chỉ là đám hội, đám rước, một trò hề hấp dẫn mà thôi.
Mấy chi tiết lúc hạ huyệt càng trào phúng.
+ Cậu tú Tân bắt bẻ mọi người phải chống gậy, gục đầu, cong lưng, lau mắt... để chụp ảnh. Bạn bè cậu cũng “rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác để chụp”.
Tính chất đóng kịch của đám ma.
+ Ông Phán Mọc Sừng đã khóc rống lên “Hứt! Hứt! Hứt”. Nghe mùi thum thủm và lả oặt người. Trong lúc mọi người đang chú ý “ông cháu rể quý hóa ấy” thì ông ta bí mật dúi cho Xuân Tóc Đỏ món tiền công... Quá lạnh lùng và tàn nhẫn.
Đây là đám ma gương mẫu, một màn hài kịch sống động mà các nhân vật của nó là xã hội thượng lưu, là gia đình đại bất hiếu rất lố lăng, đồi bại và bịp bợm.