Mỗi bộ môn nghệ thuật có một chất liệu riêng, một ngôn ngữ riêng. Nếu hội hoạ là nghệ thuật của đương nét, màu sắc, âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, tiết tấu..., thì văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn từ là vật liệụ, là chất liệu, là tiếng nói của văn học. Vì thế mà Gorky nhà văn Nga, đã coi yếu tố thứ nhất của văn học là ngôn ngữ. Và cũng vì thế mà nhà văn được mệnh danh là “Nghệ sĩ của ngôn từ”. Thực ra ngôn từ nghệ thuật cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ đời sống của toàn dân. Nhưng trước khi đi vào tác phẩm thành ngôn ngữ văn học, nó đã trải qua quá trình chọn lựa, sàng lọc, gọt rữa, tái tạo dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ. vì thế mà ngôn từ nghệ thuật vẫn có những đặc trưng riêng của nó.
Có lẽ không ít người sẽ ngỡ ngàng khi được đề cập đến tính chính xác của ngôn ngữ văn học. Người ta vẫn nghĩ rằng tính chính xác là độc quyền của ngôn ngữ khoa học. “Văn chương tự cổ vô bằng cứ” kia mà! Làm sao có thể nói đến tính chính xác trong một lĩnh vực vốn mơ hồ như thế. Ấy thế nhưng ngôn ngữ văn học vẫn có tính chính xác riêng của nó. Tính chính xác của ngôn ngữ văn học cũng chính là ở chỗ: nó có khả năng diễn đạt chính xác những cái mơ hồ! Đời sống muôn màu, muôn vẻ, nghìn vạn dạng, có cả cái hữu hình, cả thứ vô hình, cả thứ bền vững lẫn thứ mong manh hư ảo, cả thứ trường tồn lẫn những thứ chỉ thoảng qua... Đối tượng nào cũng đòi hỏi được nắm bắt và thể hiện. Ngôn ngữ văn học không chịu bó tay, bất lực trước những đòi hỏi càng ngày càng phức tạp ấy. Thậm chí, một trong những niềm say mê của ngôn ngữ văn học là đuổi bắt cái vô hình, mơ hồ, hư thoảng, những biến thái tinh vi mong manh, và nhiều khi ngôn ngữ văn học đã đến một độ chính xác bất ngờ đến như là... phi lí. Khi Nguyễn Du viết:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Thì ta thấy câu thơ đã diễn tả cực kỳ chính xác cái tình thế bi kịch của Thuý Kiều. Kiểu muốn cậy nhờ em thay mình nối duyên với chàng Kim. Việc ấy là hệ trọng, nên lời nhờ cậy thành lời uỷ thác. Bốn chữ “Cậy”, “chịu”, “lạy”, “thưa” đã thể hiện thật chính xác cảm xúc, suy nghĩ và dáng điệu, cử chỉ của Thuý Kiều. Kiều với Vân là chị em gái. Lối xưng hô vẫn là “Chị - em”. Nhưng vị thế đã đảo lộn rồi. Câu thơ ấy đã diễn tả chính xác cái thực tế này của tinh thần: quan hệ chị em đã được thay bằng quan hệ ân nhân - người chịu ơn. Chị gái thành kẻ dưới, phải nói khó, cậy nhờ, phiền lụy; em gái thành kẻ bề trên, có quyền chấp thuận “chịu lời'' hay không. “Cậy”, “chị, “lạy”, thưa nhất nhất đều là lời của kẻ dưới nói với người trên. Nó cho thấy tất cả tình huống bi kịch của Thuý Kiều . Nó chính xác đến đỗi không có một chữ nào khác có thể thay thế. Hoặc khi Xuân Diệu tả:
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
thì ta cũng thấy những biến thái tinh vi của tự nhiên đã được diễn tả chính xác. Hiện ra trước mắt chúng ta một con đường tình với tất cả vẻ xinh xắn, duyên dáng của nó. Con đường “nhỏ nhỏ” chứ không phải là “nhỏ”, gió “xiêu xiêu” mà chưa hẳn đã “xiêu”. Những trạng thái đông, đang vận động chứ không phải động thái đã xong, đã hoàn tất. Một con đường để ngỏ, đầy tình tứ mời mọc, khêu gợi những bước chân tình ái. Con đường đang dập dìu cùng gió, cành hoang đang lơi lả cùng nắng. Còn nắng thì là “nắng trở chiều”. Ta không biết nó cụ thể là thời điểm nào, nhưng nó diễn tả chính xác về thứ nắng không ngừng biến ảo. Nhìn vào màu nắng, người ta thấy cả sự di chuyển của buổi chiều, sự nhón gót của thời gian. Vậy đấy, tính chính xác của ngôn ngữ văn học, trước hết là nó giúp nhà nghệ sĩ tả đúng người, đúng cảnh, đúng tình, nghĩa là nó giúp nhà văn nắm bắt được cái thần thái của đối tượng.
Có lẽ, nói đến ngôn ngữ văn học, điều người ta quen nghĩ hơn là tính hình tượng của nó. Có thể nói trừu tượng là điều tối kị, là điểm chết của ngôn ngữ văn học. Đây có lẽ là một trong những điểm giúp nhà ngôn ngữ vạch ra cái ranh giới giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ khoa học. Về căn bản, tư duy của nhà khoa học là trừu tượng hoá, còn tư duy của người nghệ sĩ là hình tượng hoá. Mà loại tư duy kia đã hằn lên hai thứ ngôn ngữ tương ứng. Cũng không loại trừ việc xâm nhập, việc vay mượn ngôn ngữ để làm giàu lẫn nhau. Tuy nhiên, đó không phải là điều cơ bản. Một nhà khoa học, nhà triết học có thể nói: hai sự vật tồn tại trong cùng một môi trường có ảnh hưởng qua lại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nhau. Đó là một chân lý được phát biểu bằng ngôn ngữ trừu tượng của nhà khoa học. Cũng sự thật ấy, quy luật ấy, văn học có thể nói giản dị hơn: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Mực, đèn, đen, sáng là những hình ảnh cụ thể người ta có thể cảm nhận được bằng trực quan. Đằng sau nó chứa đựng những ý tưởng sâu sắc. Những ý tưởng ấy sống trong hình tượng tạo thành một ấn tượng sâu đậm và lý thú trong lòng người đọc. Tuy nhiên, hình tượng trong câu tục ngữ kia còn nghiêng về lối hình tượng minh hoạ, công cụ của suy lý Khi Nguyễn Du viết:
Long lanh đáy nước in trời.
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
thì đó là cả một bức tranh lộng lẫy diễm ảo, được vẽ bằng ngôn từ. Nó là màu sắc, là đường nét, là mây khói, là không gian, là cái bóng hư ảo của thời gian nữa... cứ như nó không phải là ngôn từ vậy. Ngôn từ đã hoá thân thành hình tượng, câu thơ đó trải ra thành một bức tranh, thi phẩm đã thăng hoa thành hoạ phẩm. Khai thác tính hình tượng, khả năng tạo hình của ngôn ngữ văn học, nhà văn đã xây dựng nên tác phẩm văn học, như là một thế giới sống động. Bước vào mỗi tác phẩm, hơn trước cả mọi điều, người đọc bước vào thế giới của hình tượng, hình ảnh. Trước tất cả mọi điều, văn học lưu lại thành ấn tượng trong ký ức người đọc bao giờ cũng là những hình tượng, hình ảnh, ấy là một lẽ sống của ngôn ngữ văn học.
Vậy mà, nói cho cùng, động lực của văn học lại là tình cảm. Mác coi nghệ thuật là sự sáng tạo của con người theo quy luật của cái đẹp. Đồng chí Lê Duẩn thì phát biểu cụ thể hơn: “... nói nghệ thuật là nói quy luật riêng của tình cảm, thường thường triết học giải quyết về lý trí, nghệ thuật xây dựng tình cảm” Điều đó cũng có nghĩa là cái đẹp sinh thành từ tình cảm. Tình cảm là ngọn nguồn, là sức sống, là linh hồn của cái đẹp. Cái đẹp trong nghệ thuật ngôn từ cũng không nằm ngoài qui luật chung ấy. Chính điều này là cội rễ sâu xa quyết định đến một đặc trưng vào loại hàng đầu cùa ngôn ngữ văn học: tính biểu cảm. Thiếu tính biểu cảm, người nghệ sĩ không thể phô bày được thế giới cảm xúc phong phú mãnh liệt của mình. Cũng như tính trừu tượng, tính vô cảm là chỗ chết của nghệ thuật và ngôn từ nghệ thuật. Ngôn ngữ văn học không thể nào chấp nhận được sự khách quan lạnh lùng, xơ cứng, vô cảm. Mỗi một lời nói bao giờ cũng phải được chất chứa đầy tình cảm. Mỗi một ngôn từ bao giờ cũng phải hàm chứa một sắc thái biểu cảm nào đó. Để tất cả hợp lại mới thành điệu tình cảm chung, điệu tâm hồn của tác phẩm. Viết về thôn vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử đã có một đoạn thật xuất sắc:
Sao anh không về chơi thôn vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Có thể nói câu chữ nào cũng chan chứa một niềm thiết tha của Hàn Mặc Tử với mảnh vườn Vĩ Dạ, với cảnh sắc trần gian.
Mở đầu là một câu hỏi thật nhiều sắc thái tình cảm: vừa hỏi han, vừa hờn trách, vừa nhắc nhở, vừa mời mọc... Nó là câu hỏi của ai? Của chính Hàn đó thôi. Hàn Mặc Tử đang tự phân thân để hỏi chính mình, để trách chính mình, để mời chính mình, để nhắc chính mình về một việc đáng ra phải làm từ lâu, mà giờ đây khi đã bị chia lìa khỏi cuộc đời, không biết có còn cơ hội để thực hiện nữa không. Ấy là trở về nơi cũ, thăm lại cảnh xưa! Cái điều bình thường ấy giờ đây đã thành một ao ước - ao ước vô vọng, thậm chí thành một hạnh phúc “ hạnh phúc đã ngoài tầm tay. Biết bao tình ý giấu kín trong một giọng hỏi thông thường ấy. Và cái câu thư 3 kia: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” cũng đầy xao động tâm hồn trong mỗi chữ. Chỉ nói riêng một chữ không đâu; chữ “quá”! Phân tích câu thơ, người ta thường ít để ý đến nó. Cũng phải thôi, nó chỉ là một từ chỉ mức độ. Có màu mè óng ả như chữ “mướt” chữ “ngọc” đâu! Nhưng chính chữ ấy đã quyết định đến âm hưởng chung của câu thơ: âm hưởng của một tiếng kêu, trầm trồ, kinh ngạc vì chợt nhận ra vẻ đẹp bất ngờ của mảnh vườn Vĩ Dạ, mà có lẽ khoảnh khắc trước chưa thấy, mà khoảnh khắc sau cũng chưa chắc đã phát hiện được. Không có thứ ngôn từ có khả năng biểu cảm như thế, người nghệ sĩ đành câm lặng trước cuộc đời. Trái lại khi có nó, người nghệ sĩ có thể hát lên cái tiếng hát bên trong của trái tim mình. Có thể là tiếng hát sôi nỗi đắm đuối
(Tố Hữu)
Có thể là tiếng hát da diết đau thương:
Những đồi sim tím chiều hoang biền biệt.
(Hữu Loan)
Có thể là tiếng nấc của con tim
Núi vẫn Đôi mà anh mắt em.
(Vũ Cao)
Trong văn học, thường những ngôn từ giàu sức biểu cảm nhất lại là những ngôn từ giản dị nhất.
Song, nói đến ngôn từ văn học mà thiếu đi đặc trưng này thì có vẻ như ngôn ngữ ấy sẽ ... phi văn học: ấy là tính hàm súc! Nói đến văn chương là nói đến tính hàm súc, cô đúc. Hàm súc hiểu nôm na là lời ít ý nhiều. Có lẽ vì thế mà hơn ở đâu hết ngôn từ nghệ thuật cần được làm giàu nghĩa để nó thực sự là thứ ngôn từ đa nghĩa. Và cũng bởi thế, văn chương là lĩnh vực “quí hồ tinh bất quỉ hồ đa”. Đốtxtôiépxki khi cho rằng “tài nghệ quan trọng nhất của một nhà văn chính là biết xoá bỏ”, thì cũng là đề cập một cách gián tiếp đến tính hàm súc nghệ thuật. Điều này đòi hỏi nhà văn phải thực sự là nhà chỉ huy chữ nghĩa, biết điều binh khiển tướng. Càng hàm súc, sức công phá của ngôn từ càng lớn. Chỉ một câu thơ: Đầu súng trăng treo, mà ta có thể khai thác mãi. Câu thơ khép lại bài thơ “Đồng chí” nổi tiếng của Chính Hữu. Nó là ánh sáng đẹp đẽ trong trẻo rọi chiếu lên toàn bộ thế giới của bài thơ, tô điểm cho tình đồng chí của họ. Đầu súng trăng treo, đó cũng có thể là một cặp đồng chí. (Ta nhớ câu thơ của Tố Hữu: “ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan). Ngoài ra còn có thể có nhiều lớp nghĩa tượng trưng khác nữa đến với người đọc từ những câu giản dị kia: đầu súng là thực tại tàn khốc của chiến tranh, trăng treo là mơ ước lãng mạn về đời sống thanh bình, đầu súng là hiện tại trăng treo là viễn ảnh tương lai, vì vầng trăng kia mà sinh ra đầu súng này, và đầu súng sinh ra để giữ gìn bảo vệ vầng trăng đó v.v... Tất cả chỉ có 4 chữ, hai hình ảnh mà khơi gợi ra trong tâm trí người đọc biết bao ý nghĩa. Đây là một sức mạnh mà khó có thứ ngôn ngữ nào có thể tranh chấp được với ngôn từ nghệ thuật.
Còn có thể kể đến nhiều đặc trưng khác. Nhưng dẫu sao những đặc trưng kể trên là không thể bỏ qua, không thể bỏ quên. Nó cho thấy ngôn từ nghệ thuật có một đòi hỏi thật khắt khe. Lao động nhà văn là một thứ lao động sáng tạo đầy khổ hạnh. Đã có người gọi nhà thơ là người “thợ ngôn từ”, lại có người gọi là “phu chữ”... để nhấn mạnh phương diện lao động cực nhọc của người nghệ sĩ ngôn từ. Nhưng, thiết tưởng, cách hình dung của Maiacốp-xki có lẽ thuyết phục hơn. ông ví việc luyện chữ nghĩa như việc luyện uranion:
Phải luyện qua nghìn cân quặng chữ.
Đề thu về một chữ mà thôi
Ngôn ngữ ra đời và phát triển được là nhờ những công phu rèn luyện phi thường như thế.