Đọc Số phận con người của M.Sôlôkhôp, ai cũng thấy rõ nhân vật Xôcôlôp là con người có một ý chí và nghị lực phi thường. Nhưng chính con người kiên cường, sắt thép ấy lại luôn dạt dào một tinh thần nhân hậu, nhân ái. Một con người đã mất mát quá nhiều trong chiến tranh. Sau chiến thắng, anh vẫn tiếp tục phải chịu đựng và hy sinh cho người khác. Ngay tiếng khóc đau buồn cũng chỉ thường diễn ra trong chiêm bao, còn ban ngày anh phải dùng nghị lực để kìm lại và giấu đi vì một lý do cao thượng biết bao nhiêu. Đúng như lời người dẫn truyện đã phát biểu: "Không, không phải những người đứng tuổi đã bạc đầu trong chiến tranh chỉ khóc trong chiêm bao đâu. Họ cũng khóc trong thực tại đấy. Cái chính ở đây là phải biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi, nóng bỏng lăn trên má anh".
Nổi bật lên trong truyện là hai con người, một già "đứng tuổi đã bạc đầu trong chiến tranh" và một còn bé bỏng, ngây thơ. Nhưng cả hai đều hứng trọn quá nhiều mất mát. "Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ...". Sau chiến tranh họ gặp và nương tựa vào nhau. Cuộc đời của Xôcôlôp quả là một cuộc đời quá bất hạnh: chiến tranh đã cướp đi của anh tất cả những người thân yêu nhất - vợ và hai con gái trúng bom, người con trai duy nhất là Anatôli lớn lên, ra mặt trận và lại ngã xuống chiến trường đúng ngày toàn thắng (9-5-1945). Bản thân Xôcôlôp cũng bị thương, bị bắt làm tù binh, chịu đựng bao nhiêu cực hình của trại tù phát xít, thế rồi dũng cảm, mưu trí, trở lại được đội ngũ của mình. Ngày chiến thắng cũng là ngày anh không còn gì để mất: "Trái tim tôi đã suy kiệt, đã bị chai sạn vì đau khổ". Anh chỉ còn biết mượn rượu giải sầu, Xôcôlôp gần như bị đẩy vào ngõ cụt bế tắc. Chính lúc ấy thì anh gặp bé Vania, cậu bé không nhà không cửa, không ai thân thích và không nơi nương tựa "bạ đâu ngủ đó", "thằng bé rách bươm xơ mướp. Mặt mũi thì bê bét nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma len, đầu tóc rối bù những cặp mắt - cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm". Chiến tranh cũng đã cướp đi của Vania tất cả. Lòng Xôcôlôp dâng trào xúc động: "Những giọt nước mắt nóng hổi sôi lên ở mắt tôi và lập tức tôi quyết định: Không thể để cho mình với nó chìm nghỉm riêng rẽ được!". Anh đã nhận cậu bé làm con và ngay lúc đó tâm hồn anh "cảm thấy nhẹ nhõm và bừng sáng lên”. Từ khi gặp bà Vania, Sôcôlôp gần như quên hẳn đi bản thân với bao nỗi đau khổ của chính mình. Anh dồn hết tình thương ấp ủ cho Vania. Và chính cậu bé đã mang lại cho anh niềm vui và sự an ủi bất ngờ: ''Tôi thức giấc, thấy nó rúc vào nách tôi như con chim sẻ dưới mái ra, ‘ngáy khe khẽ, tôi thấy lòng vui không lời nào tả xiết!". Cứ đêm đêm nhìn ngắm Vania ngủ say sưa, trái tim tưởng đã hoá đá của Xôcôlôp lại "trở lên êm dịu hơn". Xôlôkhôp đã giành rất nhiều chi tiết để miêu tả sự ngây thơ trong trắng của Vania. Chính cậu bé cũng đã phải gánh chịu quá nhiều đau thương, mất mát. Nhưng vì còn quá non nớt ngây thơ nên tất cả quá khứ đau thương ấy đôi khi chỉ bùng lóe lên trong kí ức rồi vụt tắt. Sôlôkhôp viết: "Tri nhớ trẻ con cứ quầng sáng mùa hạ, soi sáng tất cả trong chốc lát rồi vụt tắt." Cái chi tiết "chiếc áo banh tô bằng da" mà Vania nhớ lại là bố mình trước kia vẫn mặc, câu hỏi bất ngờ của cậu về chiếc áo ấy đã khiến Xôcôlôp giật mình và "phải đánh trống lảng". Thực ra anh không muốn chú bé biết sự thật cay đắng lúc ấy, chưa nên làm u ám tâm hồn thơ ngây của cậu bé "có cặp mắt xanh như da trời”, long lanh "như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm". Thực sự Sôcôlôp đã gánh chịu tất cả gánh nặng mất mát thay cho cậu bé để tâm hồn trong trắng, thơ ngây ấy được thanh thản, yên vui, Xôcôlôp cũng là một con người bình thường như bao nhiêu con người khác Nhưng cái cao đẹp của tâm hồn hồn anh là đức hy sinh, là ý chí và nghị lực phi thường, là lòng vị tha, nhân hậu. Anh đã cố ghìm mình, cứng cỏi luốt thầm những giọt lệ mỗi khi nghĩ về số phận của mình: "Ban ngày bao giờ cũng trấn tĩnh được, không hớ ra một tiếng thở dài, một lời than vãn, nhưng ban đêm thức giác thì gối ướt đẫm nước mắt". Vượt ra ngoài ý chí kiên cường, sắt đá của người đã được tôi luyện bằng gian khổ, hy sinh, anh đã phải khóc trong những cơn mơ. Lời tự thuật chân thành, chân thực khiến người đọc càng xúc động trước sự cao cả của tâm hồn anh, không muốn tâm hồn Vinia buồn tủi, khổ đau.
Xôcôlôp gánh chịu tất cả. Thực ra đâu phải là anh không biết khóc, không rơi nước mắt được giữa ban ngày. Lời trữ tình ngoại đề của người dẫn dẫn truyện cũng chính là những suy nghĩ sâu sắc và thấm đượm tình người, hiểu thấu đáo lòng người. "Không, không phải những người đứng tuổi đã bạc đầu trong chiến tranh chỉ khóc trong chiêm bao đâu. Họ cũng khóc trong thực tại đấy. Cái chính ở đây là phái biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em thấy giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má anh".
Là một yếu tố ngoài cốt truyện, trữ tình ngoại đề trực tiếp thể hiện và giãi bày những cảm xúc, ấn tượng, tình cảm và tư tưởng chủ quan của tác giả đối với hiện thực mà ông ta mô tả. Với đoạn văn trữ tình ngoại đề trên, sôlôkhôp bày tỏ lòng khâm phục của mình trước một con người vừa kiên cường, vừa nhân hậu, bao dung. Đoạn trữ tình ngoại đề ấy cũng làm rõ thêm quan điểm nghệ thuật của Sôlôkhôp. "Nghệ sĩ không thể lạnh lùng khi sáng tạo... Khi viết, máu nhà văn phải sôi lên".