+ Muốn phân tích được nổi bật vẻ đẹp của Huấn Cao, cần đặt hình tượng này trong quan hệ với hai nhân vật khác trong truyện: người quản ngục và viên thơ lại. Cả ba đều là những con người đặc biệt, những đốm sáng trong bóng tối nhà tù, hay nói như tác giả, là những “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Cố nhiên Huấn Cao là thanh âm trong trẻo nhất, là đốm sáng chói lọi nhất. Nhưng phải có mặt hai nhân vật kia để làm tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ của hình tượng người tử tù – nhân vật chính của tác phẩm.
+ Huấn Cao là một con người tài hoa khác thường, ông viết chữ rất đẹp. Đây là viết chữ Hán và là một nghệ thuật gọi là thư pháp của người xưa. Người ta treo chữ đẹp (hoặc viết trên lụa, hoặc khắc trên gỗ phủ sơn mài) trong nhà, nơi trang trọng nhất như treo những bức họa quý.
+ Tài viết chữ của Huấn Cao như thế nào, cứ xem thái độ của người quản ngục thì rõ: “Biết đọc vở nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm (…) có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một vật báu trên đời”. Tất nhiên, chữ ông Huấn Cao phải đẹp lắm, quý lắm thì người quản ngục và viên thơ lại mới phải kiên trì và dụng công đến như thê trong cách đối xử “biệt nhỡn” đối với ông để mong được ông cho chữ. Mà đâu phải chỉ có kiên trì và công phu. Còn phải dũng cảm nữa. Bởi vì biệt đãi một tên tử tù là một hành vi rất nguy hiểm. Hành vi này sẽ phải trả giá rất đắt nếu bị bại lộ.
+ Huấn Cao cũng là một con người có khí phách khác thường. Một tử tù chỉ đợi ngày chết chém mà không hề tỏ ra nao núng, vẫn ung dung đường hoàng. Phẩm chất này của Huấn Cao cũng được làm nổi rõ trong quan hệ với viên quản ngục. Viên quan coi tù này hoàn toàn có quyền dùng những thủ đoạn tàn bạo đối với ông, nhưng ông chẳng những không sợ mà còn “cố tình làm ra khinh bạc đủ điều”. Ngục quan vào gặp ông trong nhà giam “khép nép” hỏi: “Ngài muốn gì xin cho biết. Tôi sẽ liệu”, ông trả lời: “Ngươi hỏi ta muốn gì? “Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng tới quấy rầy ta”.
Nhưng quản ngục chẳng những không nổi nóng mà còn tỏ ra kính nể hơn nữa, bởi vì “y cũng thừa hiểu những người chọc trời khuấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù”.
+ Tuy nhiên Huấn Cao không phải là con người có trái tim bằng thép. Đúng là tiền bạc và quyền thế không lung lạc được ông. Về việc cho chữ cũng vậy, ông nói: “Ta không vì vàng ngọc hay quyền thể mà ép mình viết bao giờ”. Cho nên khi tưởng rằng người quản ngục trong cái trại giam này cũng giống như mọi tên quản ngục khác, nghĩa là kẻ đại diện thô bạo của quyền lực phi nghĩa, thì ông tỏ ra hết sức cứng rắn. Nhưng khi hiểu rằng đây là một tâm hồn trong sáng lạc vào giữa đám người “cặn bã”, ông liền thay đổi thái độ. Hóa ra con người ấy cũng có lúc mềm lòng: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Và ông sẵn sàng cho chữ ngục quan – dòng chữ cuối cùng của một đấng tài hoa và một bậc anh hùng nghĩa sĩ.
– Thiên truyện của Nguyễn Tuân kết thúc bằng một cảnh tượng tác giả gọi là “xưa nay chưa từng có ở chốn lao tù”.
Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ (…) Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh (…) Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực (…) Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:
– Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn rõ ràng đến thế.
Đoạn văn đã sử dụng thành công bút pháp đối lập: đối lập ánh sáng và bóng tối, cái đẹp và sự bẩn thỉu hôi hám.. Và người tử tù, tuy cổ đeo gông, chân vướng xiềng, nhưng tư thế thì hiên ngang lồng lộng trước sự khúm núm đầy cảm phục của người quản ngục. Đó là sự chiến thắng của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương kết tinh cao độ ở hình tượng lẫm liệt của Huấn Cao đối với bóng tối, sự nhơ bẩn của một xã hội phi nghĩa.
Và khi người quản ngục vái người tù một cái, chắp tay nghẹn ngào nói: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” thì không phải chỉ là tạ ơn người ta cho chữ mình mà là vái một nhân cách đẹp: vẻ đẹp của tài hoa, của khí phách anh hùng và của thiên lương trong sáng cao cả.