Thật khó xác định được chính xác thời điểm ra đời của một tác phẩm văn chương dân gian nói chung và truyện Trầu cau nói riêng. Tuy vậy, dựa vào một số chi tiết của truyện này, ta có thể ước đoán, đây là truyện dân gian xuất hiện từ khá sớm, khi gia đình theo chế độ quần hôn thời nguyên thuỷ đang chuyển sang một giai đoạn mới là gia đình một vợ, một chồng, ở truyện Trầu cau, nguyên nhân xảy ra bi kịch dẫn đến cái chết của cả ba người, trước đây họ vốn thương yêu nhau, rõ ràng là do tính ghen tuông. Nếu nhìn ở một phương diện nào đó, thì quả là “người anh đã xô đẩy người em đến chỗ chết”, đúng như Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “(Sau việc nhầm lẫn của vợ, người anh nghi ngờ em có tình ý với vợ mình, càng hờ hững với em hơn trước. Người em buồn tủi, cô quạnh liền bỏ nhà ra đi... rồi chàng chết và biến thành tảng đá)”. Ở bước quá độ từ chế độ quần hôn sang chế độ một vợ một chồng, con người gặp không ít khổ đau, bất hạnh. Sự khổ đau, bất hạnh đó đã được hình tượng hoá thành truyện và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cho dù tính chất “nguyên thủy” của truyện này có bị mai một đi theo thời gian, nhưng nhìn chung truyện Trầu cau vẫn bảo lưu được những chi tiết để chúng ta có thể khẳng định rằng: đây là tác phẩm trước hết có ý nghĩa ghi nhận bi kịch hôn nhân gia đình ở một giai đoạn lịch sử quá độ như đã trình bày ở trên.
Nhưng càng về sau, khi chuyển sang xã hội phong kiến với những kỉ cương mới, người ta không thể chấp nhận tình trạng quần hôn và coi đấy như là sự vi phạm luân thường đạo lí. Và chắc rằng truyện Trầu cau đã được cập nhật hoá, các tác giả dân gian, bằng con đường truyền miệng, đã thêm và bớt một số chi tiết khiến cho truyện này mang đậm màu sắc giáo huấn: ngợi ca tình nghĩa bền vững, thắm tươi của vợ chồng, anh em trong gia đình. Câu chuyện cho người đọc thấy rằng: vì có sự hiểu lầm, người em ra đi rồi biến thành tảng đá. Anh đi tìm em và chết bên tảng đá và biến thành cây không cành mọc thẳng. Vợ đi tìm chồng tựa vào gốc cây than khóc, mình gầy xắc ve, biến thành một cây leo mọc bên tảng đá. Sau này, nhân dân gọi cây mọc thẳng là cây cau, cây dây leo là trầu, lấy tảng đá đem về nung cho xốp ăn với trầu cau, cho thơm miệng, môi đỏ. Hình ảnh tảng đá, cây cau, cây trầu luôn gần gũi, quấn quít, hoà hợp với nhau, đấy chính là biểu tượng sinh động của tình anh em tươi thắm, tình vợ chồng thuỷ chung, bền chặt. Đấy là ý nghĩa mang giá trị nhân văn sâu sắc của truyện Trầu cau và dường như càng ngày, trong cách hiểu của dân gian nó càng lấn át ý nghĩa bi kịch gia đình đã nói ở trên.
Ngoài ra, truyện Trầu cau còn có một ý nghĩa nữa, không kém phần quan trọng: bằng một hư cấu đậm đà chất trữ tình, truyện này đã thể hiện “nội dung văn hoá lành mạnh của tục ăn trầu ở Việt Nam hàng ngàn năm qua” (Cao Huy Đỉnh). Thật vậy, trong truyện, “tình duyên của ba người tuy đã chết mà vẫn kẹo sơn thắm thiết, cho nên trong sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, ,để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin hội hè, tục ăn trầu đã trở thành tục cố hữu của dân tộc Việt Nam”.
Như vậy, truyện Trầu cau có những ý nghĩa khác nhau. Dường như càng ngày ý nghĩa phản ánh một bước tiến xã hội và thể hiện tâm trạng đau khổ giằng xé giữa tình anh em và tình cảm vợ chồng ở trong từng nhân vật của truyện, đưa đến cái chết sầu muộn của cả ba người, càng ít được quan tâm. Trái lại, ý nghĩa ngợi ca tình nghĩa anh em vợ chồng vững bền thuỷ chung và ý nghĩa giải thích tục ăn trầu càng được khẳng định.
Dẫu sao, truyện Trầu cau vẫn là một trong những cổ tích hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Kết thúc câu chuyện, cả ba nhân vật đều chết. Tuy vậy, điều đó không làm người đọc bi quan chán nản, ngược lại. nó kích thích tình yêu cuộc sống, khơi dậy niềm tin vào sự gắn bó hoà hợp của con người đối với con người. Điều này cũng góp phần làm cho truyện Trầu cau luôn gần gũi và hấp dẫn chúng ta.