Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng)

Thứ bảy - 06/04/2024 10:41
Tú Xương là một nhà thơ khá nổi tiếng với mảng đề tài trào phúng.

 Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) - Thương vợ

Tú Xương là một nhà thơ khá nổi tiếng với mảng đề tài trào phúng. Trong đó, bài thơ Thương vợ là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ của ông.

Trong bài thơ, Tú Xương đã đứng ở khía cạnh của một người chồng - một người đàn ông để bày tỏ niềm cảm thông với những người phụ nữ. Người vợ trong thơ Tú Xương không ai khác chính là một nhân vật có thật ở ngoài đời - bà Tú:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”


Bốn câu thơ đầu đã giới thiệu về công việc của bà Tú - buôn bán vốn là công việc vô cùng vất vả, không lúc nào được nghỉ ngơi. Nhưng bà vẫn tần tảo sớm hôm để “nuôi đủ năm con với một chồng” - việc tách riêng “một chồng” dường như thể hiện được một hoàn cảnh thật éo le. Người chồng đáng ra phải là người chèo chống để nuôi cả gia đình. Vậy mà ở đây, người vợ phải một mình mưu sinh nuôi cả chồng con.

Người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu đựng những ràng buộc phong kiến nên không thể kêu ca, than thở mà chỉ biết im lặng chấp nhận, chịu đựng qua từng ngày và coi đó là số phận của bản thân:

“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa chẳng quản công”


Câu thơ vận dụng sáng tạo thành ngữ, sử dụng từ phiếm chỉ vừa nói lên sự vất vả gian lao vừa nói lên đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú. Vợ chồng là duyên nợ, vậy nên cũng “âu đành phận”, có nghĩa là đành chấp nhận. Dù khó khăn, nhọc nhằn nhưng vẫn chịu đựng, chấp nhận hy sinh.

Hai câu thơ cuối cùng giống như là một lời tự vấn của chính nhà thơ:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”


Tiếng “cha mẹ” vang lên sao mà chua xót, giống như một lời tự trách bản thân vô dụng để rồi khiến vợ phải chịu đựng khổ cực.

Như vậy, với tình cảm thương yêu, quý trọng, tác giả đã ghi lại một cách xúc động, chân thực hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hy sinh qua bài thơ Thương vợ.
 

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) - Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu

Nhà thơ Tú Xương có nhiều bài thơ trào phúng hay. Trong đó, Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là một tác phẩm khá tiêu biểu. Với bài thơ, tác giả đã khắc khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước trong buổi đầu của xã hội thực dân nửa phong kiến.

Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu miêu tả lễ xướng danh khoa thi Hương năm 1897 tại Nam Định. Hai câu đề nói về nét mới của khoa thi:

“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”


Trước đây, việc thi cử do triều đình tổ chức nhằm mục đích kén chọn nhân tài ra làm quan để giúp vua, giúp nước. Trong hoàn cảnh bấy giờ, nước ta đã bị thực dân Pháp thống trị, việc thi cử vẫn còn thi chữ Hán theo lộ cũ “ba năm mở một khoa”. Câu thơ thứ hai nêu lên tính chất hỗn tạp của kì thi này: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Trước đây, ở Bắc Kì vốn có hai trường thi Hương là “trường Nam” trường thi Nam Định và “trường Hà” - trường thi ở Hà Nội. Nhưng khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi ở đây đã bị bãi bỏ. Nên các sĩ tử Hà Nội phải xuống thi chung ở trường Nam Định.

Tiếp đến, hai câu thực miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh đặc sắc mà cũng đầy khôi hài:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”


“Sĩ tử” vốn là những người thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến, theo nghiệp bút nghiên nên mang phong thái nho nhã. Nhưng hình ảnh “sĩ tử” ở đây lại hiện lên thật lôi thôi, nhếch nhác. Cách sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, đưa từ láy “lôi thôi” lên đầu câu thơ đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Không chỉ vậy, khung cảnh trường thi lúc này không còn là chốn tôn nghiêm mà trở nên ồn ào, chẳng khác nào cảnh họp chợ nên quan trường mới “ậm oẹ” và “thét loa” - những người coi thi cũng chẳng còn cái phong thái nghiêm trang, trịnh trọng vốn có.

Ở hai câu luận tô đậm bức tranh “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” bằng hai bức biếm hoạ về ông Tây và mụ đầm:
“Lọng cắm rợp trời: quan sứ đến;
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”


Hình ảnh “lọng cắm rợp trời” gợi tả cảnh đón tiếp dành cho “quan sứ” - lũ cướp nước đầy long trọng. Không chỉ vậy, từ xưa, chốn trường thi là nơi tôn nghiêm, lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, phụ nữ không được đến. Vậy mà bây giờ lại có hình ảnh “mụ đầm ra” với “váy lê quét đất” càng làm tăng thêm sự nực cười.

Cuối cùng, hai câu thơ cuối bộc lộ một niềm cay đắng, xót xa cho cảnh ngộ đất nước:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”


Câu hỏi tu từ “nhân tài đất Bắc nào ai đó” như một lời thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất nước. Kẻ thù xâm lược vẫn còn đó, thì đường công danh này có ý nghĩa gì. Qua đó, tác giả bộc lộ sự tủi nhục, xót xa trước thực tại đau đớn của nước nhà.

Như vậy, bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu đã khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước.
 

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) - Hội tây

Nguyễn Khuyến là một cây bút trào phúng nổi bật trong làng văn học trung đại Việt Nam. Bút pháp trào phúng của ông nhẹ nhàng, kín đáo nhưng vô cùng sâu cay. Đọc tác phẩm Hội Tây, em mới thực sự cảm nhận được đỉnh cao trong thơ trào phúng của Nguyễn Khuyễn.

Hội tây là một tác phẩm thơ thất ngôn bát cú mẫu mực về cấu tứ và nội dung. Ở ngay câu thơ đầu tiên, tác giả đã giới thiệu đến người đọc một sự kiện tưng bừng gọi nôm na là hội Tây:

“Kìa hội Thăng Bình tiếng pháo reo”

“Hội Thăng Bình” là ngày hội vui mừng do các quan Tây tổ chức tại Thăng Bình. Trong thời gian làm Bố Chánh ở Quảng Nam, Nguyễn Khuyến đã có dịp trực tiếp quan sát các lễ hội này. Nhưng cũng có người lại cho rằng, hội Thăng Bình này là lễ hội người Pháp tại Hà Nội tổ chức để ăn mừng Cách mạng Pháp thành công tại mẫu quốc. Và họ tổ chức lễ hội cho dân đen ở xứ An Nam được chung vui, được hưởng “ké” niềm vui của mẫu quốc. Dù là theo nghĩa nào, thì lễ hội được nhắc đến ở câu thơ đầu cũng chẳng phải một lễ hội truyền thống của dân tộc ta, của người Việt ta tổ chức.

“Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.”


Bầu không khí của lễ hội trở nên rạo rực với “cờ kéo” và “đèn treo” - hai món đồ trang trí đến từ Tây phương. Sự hiện diện của nó đã gián tiếp khẳng định đây chỉ là lễ hội của người Pháp mà thôi, chứ chẳng phải của chúng ta. Qua lời kể của Nguyễn Khuyến, lễ hội hiện lên thật tươi vui và sống động. Dù là lễ hội Tây, nhưng các trò chơi xuất hiện vẫn mang đậm truyền thống văn hóa của nước ta, như hát chèo, đánh đu, bơi lội, leo cột… Tuy nhiên, cách cách trò chơi được tả lại thì thật là khác lạ. Nhà thơ sử dụng rất nhiều các tính từ giàu sức gợi, sức tả cho người đọc mặc sức tưởng tượng về lễ hội. Mấy bà quan vốn sang trọng, quý phái thì lại được miêu tả với dáng vẻ tênh nghếch kém duyên. Phận nữ nhi lại tụ tập đi xem người ta cởi trần bơi lội, đã vậy lại còn là các mệnh phụ phu nhân quyền quý. Đối với xã hội phong kiến đương thời thì thật là thiếu đứng đắn. Trong sân hát chèo, nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thì lại có mấy thằng bé phải lom khom nghe hát chèo. Sao chúng lại phải lom khom để nghe hát, dù sân chèo rộng đến vậy? Chắc bởi các quan Tây, các phú ông phú bà đã chiếm hết chỗ ngồi, còn chúng phải đứng hầu, rồi tranh thủ nghe hát nên mới phải lom khom. Đến trò chơi đánh đu quen thuộc vào các hội xuân cũng được xuất hiện trong lễ hội. Động tác di chuyển của người chơi được khắc họa bằng từ “cậy sức” làm cho trò chơi vốn mang đến không khí tươi vui, tràn ngập sức sống phút chốc lại trở nên thô thiển, kém duyên dáng của các chị. Còn các anh thì hớn hở trèo lên các cột bôi mỡ vì tiền đang treo trên ngọn cây. Tính từ “tham” được đẩy ngay lên đầu câu, đã nhấn mạnh động cơ, mục đích của người tham gia chơi hội. Tất cả tạo nên một bầu không khí nhốn nháo, lộn xộn.

“Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!”


Lễ hội vui vẻ, nhộn nhịp đó được khen là “khéo vẽ trò”. Cụm từ đó khẳng định tính chất mua vui, giải trí của lễ hội theo chiều hướng tiêu cực. “Vẽ trò” là cụm từ mà dân gian thường nói khi nhắc đến một sự kiện được tổ chức rầm rộ, cầu kì nhưng chẳng có ý nghĩa, giá trị gì cả. Hội Tây được khắc họa trong bài thơ này cũng vậy. Người Tây tổ chức lễ hội để mua vui cho chính họ. Và kẻ được đem ra mua vui chính là những người dân An Nam vì tham tiền, ham vui mà mặc kệ danh dự, nhân phẩm, liều mình phấn đấu tham gia. Chúng gom hết những trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc từ từ hát chèo đến leo cột, rồi đánh đu. Những trò chơi đặc sắc của dân tộc ta, là niềm tự hào của nền văn hiến nghìn năm, nay bị đem ra làm trò mua vui cho những kẻ xâm lược. Ấy thế mà các nam thanh nữ tú vẫn nhiệt tình tham gia, phô bày dáng vẻ kệch cỡm, kém duyên để đem lại tiếng cười cho lũ thực dân Pháp. Vui sao? Càng vui bao nhiêu thì càng nhục bấy nhiêu. Cặp quan hệ từ tăng tiến bao nhiêu - bấy nhiêu đã khiến người đọc cảm nhận được sự phẫn uất của nhà thơ khi chứng kiến đồng bào mình bỏ mặc danh dự, nhân phẩm đi làm trò mua vui cho kẻ ngoại xâm. Tinh thần tự tôn của dân tộc bị đạp xuống dưới những đồng tiền bẩn thỉu của lũ ngoại bang. Vậy mà họ lại không hề thấy nhục nhã chút nào, vẫn vui vẻ, vẫn hào hứng lắm. Dường như chẳng ai hay về cái thực tại ê chề đang diễn ra ở trước mắt mình.

Ngay từ nhan đề “Hội Tây”, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã nhấn mạnh về chủ quyền của ngày hội. Ông phân biệt rành rọt đó là hội của người chứ chẳng phải hội của ta. Từ các vần thơ, hình ảnh tả thực, tác giả đã châm biếm sâu cay về cách tham gia hội người vô cùng hăng hái đến quên mất tự tôn, danh dự của người dân ta. Từ đó, ông vạch trần tấm màn che giả dối nhân danh quyền con người của lũ thực dân Pháp. Bởi khi chúng đem người dân An Nam ra làm trò mua vui, thì nghĩa là chúng chẳng hề xem họ là con người, chẳng hề đối xử bình đẳng với họ. Đó cũng là cái tát thẳng vào những con người đã tự biến mình thành trò vui. Để đánh thức lương tri, lòng tự tôn dân tộc trong chính họ. Đó chính là ngụ ý cao cả của nhà thơ thông qua những vần thơ châm biếm trong Hội Tây.
 

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) - Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu

Trần Tế Xương cay nhất là chuyện thi cử. Tài giỏi như ông mà phải đến lần thi thứ tám mới đậu vét được cái tú tài. Mà Tú tài thời đó thì được tiếng là “ông Tú” nhưng chỉ được “làm quan tại gia”, “ăn lương vợ”. Nhưng không được thênh thênh trên đường hoạn lộ chưa hẳn đã là rủi, thì ông Tú Xương làm thơ, làm thi sĩ, thành thi hào! Bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” là một đòn trời giáng của Tú Xương vào chế độ thi cử mạt vận, hổ lốn, ô nhục của thời thực dân mới đặt chân cai trị đất nước ta.

Là sĩ tử, cũng là nạn nhân trong kì thi Hương năm Đinh Dậu (1897), tại Nam Định, Trần Tế Xương tận mắt chứng kiến sự suy đồi của Nho học, đau lòng trước nỗi ô nhục của tài tử văn nhân đất Bắc. Cho nên mở đầu bài thơ, tác giả đã phê phán sâu sắc nhà nước thực dân phong kiến thời bấy giờ:

“Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà”


Tác giả nói “nhà nước” một cách trang trọng như vậy nếu những việc làm của “nhà nước” mà tô't đẹp thì là ngợi ca, còn nếu nói đến những việc làm của “nhà nước” không ra gì thì là “hạ bệ”. Rõ ràng là Tú Xương đã “hạ bệ” cái “nhà nước” thực dân phong kiến đó bằng sự kiện “ba năm mở một khoa”. Dưới sự cai trị của “nhà nước” thực dân, đạo học (chữ Nho) đã mạt vận. “nhà nước” chỉ mở kì thi cầm chừng, hổ lốn, mất hết vẻ trang nghiêm của kỳ thi quốc gia: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Sợ mất an ninh ở Hà Nội, “nhà nước” thực dân đã lừa sĩ tử Hà Nội xuống Nam Định “thi lẫn” với sĩ tử trường Nam. Chỉ một từ “lẫn”, Tú Xương phơi bày cả sự đổ nát của kỳ thi quốc gia và phê phán “nhà nước” vô trách nhiệm.

Sang hai câu thực, sĩ tử và quan trường được nhà thơ Tú Xương biếm họa rất tài tình:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa”


Tú Xương có biệt tài mà Nguyễn Công Hoan tôn như “thần thơ thánh chữ” là chỉ trong một chữ đã lột tả được thần thái của sự vật. Chỉ một từ “lôi thôi” được đảo ra phía trước, nhấn mạnh là hình ảnh của sĩ tử bị chìm trong sự nhếch nhác. Sĩ tử mà bút mực đâu không thấy, chỉ nổi bật lủng lẳng một cái lọ (vì đường xa, phải đeo theo lọ nước uống). Hàng ngàn “sĩ tử vai đeo lọ” thì lôi thôi thật, là bức tranh biếm họa để đời về anh học trò đi thi trong thời buổi thực dân nhố nhăng. Còn quan trường thì “ậm ọe” giọng như mửa. Sĩ tử thì đông vì dồn cả hai trường thi lại nên quan trường phải “thét loa” lại còn lên giọng đe nẹt sĩ tử nên thành ra “ậm ọe” tởm lợm thật đáng ghét. Thái độ trào lộng của nhà thơ thật rõ ràng. Đối với “sĩ tử”, Tú Xương thấy nhếch nhác đáng thương; đối với “quan trường”, Tú Xương khinh ghét ra mặt. Quan trường của một kì thi quốc gia bát nháo mà còn “ậm ọe” không biết nhục.

Tú Xương còn ghi lại một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử thi cử của nước nhà là “khoa thi Đinh Dậu”, có cả Tây đầm nhốn nháo ở trường thi:
“Cờ cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê phết đất mụ đầm ra”


“Cờ cắm” hay “Lọng cắm”? Sách giáo khoa hiện hành chép là “Cờ cắm”, có chú thích là: có bản chép: “Lọng cắm”. Thơ Tú Xương gần với thơ ca dân gian, nhà thơ sáng tác không in ấn, không xuất bản, người đời nghe rồi ghi lại nên dễ “tam sao thất bản”. Trong những trường hợp có dị bản như thế này thì buộc người đọc, người nghiên cứu phải lựa chọn. Người soạn sách giáo khoa chọn “cờ cắm” để đối với “váy lê” ở câu dưới cho thật độc. “Cờ” mà đối với “váy” độc quá! Theo tôi, “lọng cắm” hay hơn:

“Lọng cắm rợp trời quan sứ đến”

Quan sứ (công sứ Nam Định Lơ Nooc Măng, đèn dự lễ xướng danh khoa thi Hương hẳn là phải có “lọng cắm rợp trời” mà “lọng cắm” thì mới “rợp trời”. Còn vế đối “Lọng cắm rợp trời” với “váy lê phết đất” cũng chỉnh quá, mà độc địa không kém. Lọng là cái che trên đầu “quan sứ” mà lại đôi với “váy” là cái che dưới mông “mụ đầm”! “Quan sứ” đến”, “mụ đầm ra”, chúng nó “đến”, nó “ra” như thế thì nhục quá, không chịu được, Tú Xương đã chơi một đòn trí mạng vào bọn Tây đầm thực dân nhốn nháo vào cái thời buổi nhố nhăng! Tú Xương ác khẩu trong cách đối chữ đôi câu, cái tôn nghiêm đem đọ với những cái không tiện hô đúng tên thật, ông lợm sự sông, ông cho lộn tùng phèo cả đi. Nghĩ về người quan văn người quan võ thời nhí nhố ấy, ông đem cái võng (võng điểu võng thắm) ra mà đối với cái khố dây (khố đỏ khố xanh). Tường thuật việc trường thi chữ nho có Tây đến ra bài, ông đem cái lọng quan sứ mà đối với cái váy mụ đầm, đem cái đít vịt bà đầm ra đối với cái đầu rồng một ông cử dốt đang lạy tạ mũ áo vua ban... (Nguyễn Tuân).

Kết thúc bài thơ, tác giả chuyển từ giọng điệu trào lộng sang giọng điệu trữ tình thâm trầm. Tú Xương đau lòng nhắn nhủ với “nhân tài đất Bắc”:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”


Giọng trữ tình thấm thìa ấy như có sự cộng hưởng của giọng điệu trữ tình đầy nhiệt huyết của các nhà ái quốc đầu thế kỷ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Tất nhiên trong giọng điệu chung của những tấm lòng ái quốc ấy, ta vẫn nhận ra sắc thái riêng của Tú Xương. Khi thì xót xa thổn thức “Nhân tài đất Bắc nào ai đó”, khi thì kiêu bạc trịch thượng “Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà”. Không dễ gì mà hạ một chữ “ngoảnh cổ” như vậy đối với giới trí thức Bắc Hà. Phải có chân tài và quan trọng hơn nữa là phải có tấm lòng đối với đất nước, với dân tộc thì nhân tài đất Bắc mới tâm phục. Đúng là tâm sự yêu nước thổn thức của Tú Xương là vật bảo chứng cho những gì là lộng ngôn của nhà thơ:

“Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”

(Đêm hè)

Dưới mắt Tú Xương, sự suy đồi của đạo học (chữ nho) là một hiện tượng của sự mất nước, của sự nô lệ. Với Tú Xương, nỗi nhục trong “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” là nỗi nhục mất nước! “Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đông tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian, thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp” (Nguyễn Tuân).

“Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” của Trần Tế Xương là “sử thi” về đời sống nhà nho lúc Tây sang. Đạo học suy đồi, thi cử bát nháo hố’ lốn, sĩ tử mất hết nhuệ khí, quan trường mất hết nhân cách. Bọn thực dân nghênh ngang đến trường thi là một nỗi ô nhục của nhân tài đất Bắc. Nỗi đau của nhà thơ đã làm thức tỉnh tầng lớp trí thức đương thời.

Nghệ thuật trào lộng và trữ tình của Tú Xương đều sâu sắc, thấm thía. Đối với sĩ tử, nhà thơ thương mà cười, đối với quan trường, nhà thơ căm ghét mà châm biếm, đối với bọn thực dân, nhà thơ căm thù mà đả kích, hạ nhục. Từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, bút pháp của bài thơ bộc lộ tài hoa của một hồn thơ lỗi lạc. Đúng như lời ngợi ca của Yên Đổ:

“Kia ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”

 

Phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) - Hạnh phúc một tang gia

Vũ Trọng Phụng không chỉ được biết đến là “ông vua phóng sự đất Bắc” mà còn được biết đến là một nhà tiểu thuyết hiện thực đại tài. Dù thời gian sáng tác ít ỏi, nhưng ông đã để lại cho văn học Việt Nam hiện đại những tác phẩm xuất sắc: Giông tố, Số đỏ, Kĩ nghệ lấy tây, … Các tác phẩm của ông thường đi sâu phân tích, khám phá những mâu thuẫn trong đời sống, phê phán lối sống giả dối của xã hội thượng lưu đương thời thông qua nghệ thuật trào phúng đặc sắc. Tất cả những đặc điểm đó đã được phán ánh trong đoạn trích: Hạnh phúc một tang gia trích từ tiểu thuyết Số đỏ.

Trước hết ta cần hiểu nghệ thuật trào phúng là gì? Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật tạo nên những mâu thuẫn, tạo nên những tiếng cười mang tính chất đả kích, châm biếm sâu cay những hiện tượng đáng cười trong xã hội, từ đó tạo nên tiếng cười mang dụng ý phê phán và lên án xã hội.

Trước hết nghệ thuật trào phúng được thể hiện ở mâu thuẫn trào phúng. Mẫu thuẫn này đã được bộ lộ ngay từ nhan đề của tác phẩm. Hạnh phúc vốn là khái niệm chỉ trạng thái tâm lí vui sướng, hân hoan khi đạt được điều gì đó. Còn tang gia vốn là một nỗi buồn, nỗi đau cho các thành viên trong gia đình cũng như người xung quanh. Còn trong trường hợp này, tang gia lại trở thành niềm vui, sự hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Cả gia đình cụ cố Hồng đều cho sự sống của cụ cố tổ là bất thường, bởi cụ đã sống quá lâu, số tài sản mà họ mong ngóng mãi không thể nhận được. Bởi vậy, việc Xuân Tóc Đỏ làm cho cụ cố tổ tức chết đã làm mãn nguyện tất cả những thành viên trong gia đình, từ đây tài sản kếch xù mà họ nhòm ngó bấy lâu nay sẽ được chia. Trong niềm vui chung được nhận gia sản, mỗi người họ lại có những niềm vui riêng, niềm vui của họ quả là muôn màu, muôn vẻ. Cụ cố Hồng hám danh, thích khoe mẽ, thì đây chính là cơ hội để cụ được mặc bộ đồ xô gai, lụ khụ chống gậy để cho người ta khen: “úi kìa, con gia nhớn đã già thế kia à”, để người ta thấy phúc phận mà người chết được hưởng. Vợ chồng Văn Minh và TYPN thì lại sung sướng khi có thể biến đám tang thành sàn diễn thời trang, lăng xê những mẫu quần áo mới nhất của họ. Còn ông Phán mọc sừng nhận ra giá trị lớn đôi sừng trên đầu, vì đôi sừng đó mà lão nhận thêm được vài nghìn trong số gia sản tiền đền bù danh dự. Cô Tuyết ngây thơ được trưng diện những bộ đồ hở hang, “ngây thơ” chứng tỏ mình còn trong trắng. Riêng với cậu Tú Tân, cậu sẽ được đem chiếc máy ảnh vào thực hành. Không chỉ vậy, những kẻ ngoài gia đình cũng tìm được hạnh phúc cho mình: Min Đơn Min Toa đang thất nghiệp bỗng có việc làm; bàn bè cụ cố có dịp khoe huân chương đầy ngực… Ngoài ra mâu thuẫn trào phúng còn phải kể đến Xuân Tóc Đỏ: hắn là người gây ra cái chết của cụ cố, vốn có tội lại thành có công, sự vắng mặt của Xuân khiến cho tất thảy mọi người phải lo lắng: “Thiếu ông đốc tờ Xuân là thiếu tất cả, những ông thầy thuốc chính hiệu đã thất bại hoàn toàn”. Như vậy một gia đình tự gán cho mình cái mác văn minh, một xã hội âu hóa nhưng đều là những kẻ bất hiếu, độc ác, đây là xã hội lố lăng, không có chút tình người.

Không chỉ vậy, để tô đậm chất trào phúng trong đoạn trích, Vũ Trọng Phụng đã lựa chọn những chi tiết đắt giá, đầy ấn tượng. Đó là cảnh đám ma đông vui, ồn ã như một đám hội. Đám ma đó là sự kết hợp lố lăng, Tây – Tàu – Ta lẫn lộn, người đi rước chẳng chút buồn thương, họ không hề quan tâm đến người chết. Kẻ thì nói chuyện chồng con, hàng xóm, kẻ thì tận dụng cơ hội để chim chuột nhau,… “đám cứ đi” và tiếp tục câu chuyện của mình. Điệp từ “đám cứ đi” được lặp đi lặp lại nhiều lần cho thấy sự giả tạo, đi chậm lại không phải quyến luyến, tiếc thương mà là để cố khoe sự giàu có, hào nhoáng của gia đình, của đám tang.

Quay đến cận cảnh, Vũ Trọng Phụng hướng ngòi bút vào cậu Tú Tân đang hò hét, la ó mọi người đứng tư thế sao cho đẹp nhất để cậu chụp ảnh, người phải chống gậy, kẻ phải gục đầu, người phải lau nước mắt,… ; bà Văn Minh sốt ruột,… cụ cố Hồng mếu máo, khóc ngất đi; còn ông Phán mọc sừng trong lúc đau đớn khóc oặt cả người vẫn tận dụng cơ hội để tạo ra một cuộc mua bán, trao đổi chóng vánh với Xuân Tóc Đỏ, tờ năm đồng được gấp làm tư, nhanh chóng đưa vào tay Xuân Tóc Đỏ cùng với đó là niềm hi vọng sẽ có cơ hội hợp tác ở những lần khác hiệu quả hơn nữa. Họ quả là những kẻ diễn viên đại tài.

Ngoài ra còn phải kể đến ngôn ngữ trào phúng, phóng đại bậc thầy. Vũ Trọng phụng rất tinh tế khi sử dụng các từ ngữ gây cười, từ cách gọi tên sự vật: lợn quay đi lọng, lốc bốc xoảng, bú dích… đến cách đặt tên các nhân vật: TYPN, Min Đơ, Min Toa, ông Phán mọc sừng, sư cụ Tăng Phú… đều diễn đạt một cách ý nhị thái độ châm biếm của ông. Những hình ảnh so sánh vi von hài hước: Cảnh sát không được biên phạt buồn như nhà buôn vỡ nợ; Từ chối việc chạy chữa như những vị danh y biết tự trọng… diễn tả chính xác bản chất nhân vật và sự thối nát của xã hội. Hình ảnh đậm tính chất trào phúng: “Tuyết đi mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt nhà có đám” … Giọng văn đậm chất châm biếm: Thật là một đám ma to tát; Cái chết kia làm cho nhiều người sung sướng lắm… Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó đã tạo nên giá trị mỉa mai sâu cay, đặc sắc, tố cáo, vạch trần sự giả dổi, đểu cáng trong nhân cách của những kẻ giàu có trong xã hội đương thời.

Bằng bút pháp trào phúng đặc sắc, giọng điệu châm biếm, trào phúng sâu cay Vũ Trọng Phụng đã vô cùng thành công khi vạch trần bộ mặt xã hội giả dối, bất nhân. Tiếng cười bật lên vừa hỏm hỉnh vừa sắc sảo, qua đó thể hiện thái độ coi thường, kinh bỉ cái xã hội âu hóa lố lăng, tầng lớp thị dân lố bịch đương thời.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây