Tri thức Ngữ văn 8 CTST, Bài 1. Những gương mặt thân yêu
Sách tham khảo
2024-09-23T10:36:58-04:00
2024-09-23T10:36:58-04:00
https://sachthamkhao.com/ngu-van-8-ctst/tri-thuc-ngu-van-8-ctst-bai-1-nhung-guong-mat-than-yeu-5937.html
https://sachthamkhao.com/uploads/news/2024_09/nv8.jpg
Sách tham khảo
https://sachthamkhao.com/uploads/sach-tham-khao-logo.png
Thứ hai - 23/09/2024 10:23
Tri thức Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo, Bài 1. Những gương mặt thân yêu (thơ sáu chữ, bảy chữ)
1. Thơ sáu chữ, bảy chữ
- Thơ sáu chữ là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ. Thơ bảy chữ là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ. Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần, ngắt nhịp đa dạng.
2. Vần
- Bên cạnh cách phân loại vần chân, vần lưng, vần trong thơ còn được phân loại thành vần liền và vần cách (thuộc vần chân). Vần liền là trường hợp tiếng cuối của hai dòng thơ liên tiếp vần với nhau. Vần cách là trường hợp tiếng cuối ở hai dòng thơ cách nhau vần với nhau.
3. Bố cục của bài thơ
- Bố cục của bài thơ là sự tổ chức, sắp xếp các phần, các đoạn thơ theo một trình tự nhất định. Việc xác định bố cục giúp người đọc có cái nhìn tổng quát, biết rõ bài thơ có mấy phần, vị trí và ranh giới từng phần trong bài thơ, từ đó có thể xác định được mạch cảm xúc của bài thơ.
4. Mạch cảm xúc của bài thơ
- Mạch cảm xúc của bài thơ là sự tiếp nối, sự vận động của cảm xúc trong bài thơ.
5. Cảm hứng chủ đạo
- Cảm hứng chủ đạo là trạng thái tình cảm mãnh liệt, thường gắn với tư tưởng và đánh giá nhất định được thể hiện xuyên suốt tác phẩm, tác động đến cảm xúc của người đọc.
6. Vai trò của tưởng tượng trong tiếp nhận văn học
- Tác phẩm văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng, sáng tạo, được thể hiện bằng ngôn từ. Vì thế, khi đọc văn bản, người đọc cần huy động nhận thức, trải nghiệm, sử dụng kết hợp các giác quan đề tái hiện trong tâm trí mình hình ảnh con người hay bức tranh đời sống mà nhà văn, nhà thơ đã khắc họa trong văn bản. Nhờ khả năng tưởng tượng, người đọc có thể trải nghiệm cuộc sống được miêu tả, hóa thân vào các nhân vật, từ đó cảm nhận và hiểu văn bản đầy đủ, sâu sắc hơn.
7. Từ tượng hình và từ tượng thanh: đặc điểm và tác dụng:
- Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của sự vật, chẳng hạn: gập ghềnh, khẳng khiu, lom khom…
- Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh trong thực tế, chẳng hạn: khúc khích, róc rách, tích tắc…
- Từ tượng hình và từ tượng thanh mang giá trị biểu cảm cao; có tác dụng gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, âm thanh một cách sinh động và cụ thể; thường được sử dụng trong các sáng tác văn chương và lời ăn tiếng nói hằng ngày.