Câu 1 trang 54. Theo em, tác giả viết bài này nhằm mục đích gì?
Trả lời:
- Tác giả viết bài viết này nhằm mục đích nêu ra tầm quan trọng của bữa cơm gia đình trong cuộc sống của chúng ta.
Câu 2 trang 54. Tìm ý kiến, lí lẽ, bằng chứng mà tác giả sử dụng để làm rõ ý kiến.
Trả lời:
- Ý kiến 1: Bữa cơm gia đình rất bổ dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Lí lẽ 1: được chế biến bằng những nguyên liệu sạch, được lựa chọn cẩn thận, kĩ càng.
+ Lí lẽ 2: Không chỉ giúp ta khỏe mạnh mà còn khiến ta thấy ấm áp, hạnh phúc hơn.
- Ý kiến 2: sau một ngày mệt mỏi với công việc, trở về ăn bữa cơm gia đình, được tâm sự, được thấu hiểu, được lắng nghe và sẻ chia.
+ Lí lẽ: là dịp để người lớn trong gia đình dạy bảo con chasuu những điều hay, lẽ phải.
+ Bằng chứng: Ở Mỹ nghiên cứu chỉ ra rằng 1476 tình nguyện viên cho thấy rằng bữa cơm gia đình sẽ giúp mọi người gắn bó và hợp tác với nhau tốt hơn.
Câu 3 trang 54. Chức năng của đoạn mở bài trong bài văn trên là gì?
Trả lời:
Chức năng của đoạn mở bài trong bài văn trên là giúp người viết nêu lên vấn đề cần trình bài (bữa cơm gia đình) và thể hiện ý kiến của người viết về hiện tượng đó (bữa cơm gia đình và vô cùng quan trọng, ý nghĩa và cần được gìn giữ)
Câu 4 trang 54. Ở phần kết bài, người viết có thể đưa ra những để xuất hành động nhằm tạo ra những thay đổi tích cực. Đề xuất của người viết trong bài văn trên là gì? Theo em, đề xuất ấy có hợp lí không? Vì sao?
Trả lời:
- Đề xuất của người viết ở phần kết là mỗi thành viên đều cần góp sức, người đi chợ, người nấu ăn, người rửa chén bát.
- Theo em, đề xuất của tác giả rất hợp lí. Vì mỗi thành viên góp phần làm nên bữa cơm gia đình sẽ giúp các thành viên thấu hiểu và gắn bó với nhau hơn.
Câu 5 trang 54. Từ bài viết trên, em rút ra được bài học gì về việc viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống?
Trả lời:
Những điều em rút ra được về việc viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống là:
- Trình bày rõ ràng ý kiến về hiện tượng cần bàn luận
- Nêu lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến
- Cần đảm bảo bố cục bài viết như sau:
+ Mở bài: giới thiệu được hiện tượng người viết quan tâm và thể hiện rõ ràng ý kiến của người viết về hiện tượng ấy
+ Thân bài: đưa ra được ít nhất hai lí lẽ cụ thể để lí giải cho ý kiến của người viết (các lí lẽ được sắp xếp theo trình tự hợp lí); sử dụng các bằng chứng thuyết phục để làm sáng tỏ lí lẽ)
+ Kết bài: khẳng định lại vấn đề và đưa ra những đề xuất
Câu 6 trang 54. Em hãy viết bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ về một hiện tượng trong đời sống mà em quan tâm.
Trả lời:
Có lẽ cụm từ “sống ảo” đã không còn xa lạ thậm chí quá quen thuộc và trở thành thói quen của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhưng hiện nay hiện tượng này càng có xu hướng phát triển thái quá và dường như có những hệ lụy tiêu cực.
“Sống ảo” là khái niệm chỉ cách sống trong hoang tưởng, không đúng với thực tại bản thân hay cố ý tự tô vẽ cho mình một cuộc sống tốt đẹp, hoàn hảo trong mắt người khác mà cuộc sống đó khác với thực tại. “Sống ảo” thường thể hiện rõ nhất qua các trang mạng xã hội như Facebook,Instagram. Còn giá trị thực không chỉ dừng lại là sự thật về mỗi người trong cuộc sống hằng ngày mà còn là những giá trị tinh thần tốt đẹp và chuẩn mực đạo đức của xã hội. Việc xác định hai giá trị giữa “sống ảo” và “giá trị thực” khiến chúng ta phải suy ngẫm. Hiện tượng sống ảo xuất hiện tràn lan dưới nhiều hình thức. Các bạn trẻ có thể kết bạn, nói chuyện, tâm sự những điều thầm kín hay thậm chí là yêu đương với những người mới biết qua mạng xã hội dù chưa hề gặp mặt. Họ còn dùng mạng xã hội như công cụ để khoe khoang những thứ không có thực của bản thân như giàu có, danh tiếng. Sống ảo còn là gây sự chú ý, khiến mình nổi tiếng bằng những nội dung không lành mạnh hay bịa đặt hay thường xuyên trở thành “anh hùng bàn phím”, dùng lời nói hoa mĩ, tỏ ra mình văn minh, nhân ái. Cách sống này tạo ra một thế hệ chìm đắm trong ảo vọng, thích khoe khoang, dối trá, chỉ cố tô vẽ cho hình ảnh bản thân bằng những thứ không tồn tại, phớt lờ cuộc sống thực tế. Và khi trút bỏ vẻ ngoài hào nhoáng trở về cuộc đời thực, họ lạ lẫm, không xác định được hướng di của chính mình, làm phân tán, ảnh hưởng đến học tập và lao động cũng như các mối quan hệ thực. Sự tăng chóng mặt của các trang mạng xã hội, sức hút của những nút “like”, những lời ca tụng ảo khiến “sống ảo” trở thành căn bệnh khó chữa, ảnh hưởng đến nhân cách, tinh thần của giới trẻ.
Mỗi chúng ta cần tự ý thức sao cho việc sử dụng mạng xã hội hay công nghệ một các phù hợp. Phải nhìn nhận, đánh giá đúng bản thân và hiện thực cuộc sống, không chạy theo xu hướng. Những mối quan hệ trên mạng có thể đúng đắn nếu ta biết cân bằng, hài hòa với cuộc sống thực tại. Hãy chủ động thay đổi, điều chỉnh lại cách sống. Công nghệ là con dao hay lưỡi. Nếu biết cách sử dụng đó sẽ là công cụ vô cùng hiệu quả nhưng chỉ cần nhìn nhận sai nó sẽ là con dao giết chết tâm hồn bạn.