Đoạn văn 1
"Tràng Giang" là bài thơ với nhiều thi liệu mang màu sắc cổ điển. Đọc tác phẩm, ta bắt gặp những hình ảnh "con thuyền" vô cùng quen thuộc. Nhà thơ Hàn Mạc Tử cũng đã từng viết "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?/ Có chở trăng về kịp tối nay". Con thuyền trên dòng sông vô định gợi liên tưởng đến những kiếp người nhỏ bé, vô danh. Không chỉ vậy, chi tiết "cánh bèo" là chất liệu quen thuộc trong thơ ca. Nó cũng cho ta hình dung rõ nét về sự lênh đênh, trôi nổi của những kiếp người gian truân. Những hình ảnh thơ quen thuộc đã góp phần diễn tả tâm trạng của Huy Cận. Và đó cũng chính là nỗi niềm của thế hệ các nhà thơ Mới lúc bấy giờ. Họ bị mất phương hướng vào cuộc đời không biết sẽ đi đâu về đâu. Vậy qua đây, người đọc có thể hiểu hơn về tâm trạng của Huy Cận lúc bấy giờ.
Đoạn văn 2
"Tràng Giang" là bài thơ đặc sắc của Huy Cận. Qua tác phẩm, người đọc có thể cảm nhận được sâu sắc nỗi sầu của tác giả trước thiên nhiên mênh mông, hiu quạnh. Nhà thơ mở ra trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, bao la của Tràng Giang. Đứng trước không gian ấy, lòng người không khỏi cảm thấy rợn ngợp. Câu thơ "Thuyền về nước lại sầu trăm ngả" đã cho ta hình dung rõ hơn về nỗi lòng thi nhân. Thuyền và nước hiện lên trong mối quan hệ đầy nghịch lí. Ở đây thuyền và nước sóng đôi nhưng chẳng thể giao hòa. Bởi lẽ lúc này lòng tác giả cũng đang bộn bề những nỗi buồn khó hiểu. "Sầu trăm ngả" đó là nỗi sầu khỏa lấp cả không gian. Vậy qua đây, độc giả có thể cảm nhận được sự nhỏ bé cùng tâm trạng bất an của nhân vật trữ tình trước không gian rộng lớn.
Đoạn văn 3
Ở khổ thứ nhất bài thơ "Tràng Giang", người đọc có thể cảm nhận được đặc sắc nghệ thuật độc đáo của Huy Cận. Tác giả sử dụng từ láy "điệp điệp" để gợi nỗi buồn thương da diết, miên man không dứt. Đặc biệt, sự đối lập giữa "củi một cành khô" với "lạc mấy dòng" đã nhấn mạnh sự chìm nổi, cô đơn của một cái tôi mất phương hướng. Quan trọng hơn, khổ thơ đầu còn nổi bật với cấu trúc đăng đối được tác giả sử dụng triệt để: "buồn điệp điệp" đối với "nước song song", "thuyền về" đối với "nước lại", "một cành khô" đối với "lạc mấy dòng". Tất cả những dụng ý nghệ thuật đó đã góp phần diễn tả nỗi buồn trầm lắng của tác giả trước thiên nhiên. Không gian càng rộng lớn thì Huy Cận càng thấy rợn ngợp. Trong hoàn cảnh đó, nhà thơ hướng tìm sự đồng cảm của con người. Thế nhưng hình ảnh con người cũng hiện lên rất thưa thớt. Vậy nên, đứng không gian bao la, thi nhân cảm thấy bị mất phương hướng và không biết rồi sẽ đi đâu về đâu.
Đoạn văn 4
“Tràng giang” là bài thơ làm nên tên tuổi của Huy Cận. Phương diện nghệ thuật đặc sắc chính là yếu tố tạo nên sự đặc biệt cho tác phẩm. Đầu tiên, ta phải kể đến bức tranh thiên nhiên sông nước hùng vĩ mà hoang sơ, vắng lặng đến khôn cùng được gửi gắm nỗi buồn triền miên. Chất liệu cổ điển của Đường thi được Huy Cận sử dụng một cách rất tài tình, thấm nhuần từ nhan đề đến hệ thống các hình ảnh thơ như con sông, cánh chim chiều, cồn cát, chợ chiều,... Nghệ thuật sử dụng từ láy “điệp điệp”, “song song” đem đến âm hưởng mênh mang tựa như nỗi buồn kéo dài từ cổ chí kim. Cách gieo vần chân “song” – “dòng”, “ngang” – “vàng”, “sa” – “nhà” cũng góp phần làm nên âm điệu hấp dẫn cho tác phẩm. Câu thơ cuối bài “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” đã bộc lộ trực tiếp cảm xúc của nhân vật trữ tình, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Những yếu tố nghệ thuật trên đã làm nên đặc trưng của một hồn thơ “ảo não” có một không hai trong phong trào Thơ mới.