* Phân tích bài viết tham khảo
Văn bản: Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của Lý Bạch
1. Giới thiệu về bài thơ.
Trả lời:
“Tĩnh dạ tứ” thuộc đề tài “nguyệt dạ tư hương” mà ta gặp trong thơ Đường.
2. Nêu khái quát cấu tứ của bài thơ và định hướng phân tích, đánh giá.
Trả lời:
Đêm yên tĩnh trên đường lữ khách, tình quê hương ngổn ngang muôn lối; nhà thơ chớp lấy một cảm giác sai lạc, tức cảnh sinh tình, viết một bài thơ tuyệt diệu.
3. Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ.
Trả lời:
Cái sáng, cái lạnh đã lay tỉnh nhà thơ, khiến nhà thơ "cử đầu vọng minh nguyệt" nghĩa là nhà thơ đã tỉnh, đã hết ngỡ ngàng nên mới "ngẩng đầu ngắm trăng sáng". Nhưng động tác "ngẩng đầu" chỉ trong khoảng khắc, vì thấy trăng như thấy "cố tri". Trong thơ cổ, trăng luôn là bạn của người viễn khách. Bởi vì trên đường lữ thứ, mọi cảnh vật, con người đều lạ, chỉ có vầng trăng là luôn quen thuộc, ở quê nhà hay đêm tha hương cũng chỉ một vầng trăng ấy.
4. Chú ý làm rõ tính khái quát của hình ảnh, chi tiết.
Trả lời:
- Ánh trăng vào tận phòng cho biết đêm sâu, nhân thấy ánh trăng rọi sáng đầu giường rõ ràng là người không ngủ.
- Nhà thơ ngẩng đầu ngắm trăng sáng vì thấy trăng như thấy “cố tri”.
- Nhà thơ gặp lại trăng như gặp lại người quen, thấy trăng mà sinh ra nỗi nhớ.
- Ánh trăng làm xót xa lòng người, nỗi nhớ quê nhà trĩu nặng đã khiến mái đầu cúi xuống.
- Chủ đề của bài thơ “tư hương” nhưng lại dành đến ba câu tả trăng, đến câu tâm niệm “tư cố hương” thì liền dừng lại.
5. Đánh giá chung.
- Lấy cái vô tình nói tình thì tất tình hiện ra, lấy cái vô ý tả ý thì ý chân thật.
- Ở đây “lấy cái vô tình” là dùng đến ba câu để tả trăng. “Lấy cái vô ý” tức là động tác “cử đầu” và “đê đầu” đều như phản xạ tự nhiên, “vô ý”, do sự “điều khiển” tự nhiên gần như vô thức.
6. Kết luận.
Tĩnh dạ tứ có tính chất tự nhiên, chân thực, đầy hàm ý.
* Trả lời câu hỏi bài mẫu:
Câu 1 - Trang 69: Bài thơ đã được giới thiệu như thế nào?
Trả lời:
Bài thơ được giới thiệu bằng cách giải thích nhan đề.
Câu 2 - Trang 69: Xác định trình tự, logic triển khai hệ thống ý trong bài viết.
Trả lời:
- Giới thiệu bài thơ.
- Nêu khái quát cấu tứ của bài thơ.
- Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ.
- Làm rõ tính khái quát của hình ảnh, chi tiết.
- Đánh giá chung.
- Kết luận.
Câu 3 - Trang 69: Cấu tứ và tính chất khái quát của hình ảnh trong bài thơ đã được người viết đề cập ở đoạn nào, câu nào?
Trả lời:
- Cấu tứ và tính chất khái quát của hình ảnh trong bài thơ được đề cập đến ở đoạn văn thứ hai.
- Câu văn khái quát: Đêm yên tĩnh trên đường lữ khách, tình quê hương ngổn ngang muôn lối; nhà thơ chớp lấy một cảm giác sai lạc (thố giác), tức cảnh sinh tình, viết nên một bài thơ tuyệt diệu.
* Thực hành viết
1. Chuẩn bị viết
2. Tìm ý, lập dàn ý
3. Viết
Đề bài: Viết bài văn nghị luận về văn bản Tràng giang – Huy Cận.
Bài làm:
Mỗi ai khi đi xa đều mang trong mình chút hình chút bóng thân thương của dòng sông quê hương. Đặc biệt đối với các nhà thơ, nhà văn, dòng sông quê luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn, thôi thúc các nhà thơ không thể kìm lòng mà phải viết. Một dòng sông “nước gương trong soi tóc những hàng tre” trong thơ Tế Hanh, một con sông Đà trong tùy bút Nguyễn Tuân, một dòng sông Hương êm đềm trong văn Hoàng Phủ…. Và chỉ khi đến với Tràng giang của Huy Cận, ta mới thấy hết được những gì đẹp nhất, thơ nhất nhưng cũng chứa chan tình quê trong cảm thức của tác giả.
Mang trong mình cả cái tài, cái tâm lẫn cái tầm, Huy Cận được mệnh danh là nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn. Tuy am hiểu nhiều nền văn minh, văn hóa của nhân loại, hồn thơ ông vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Suối nguồn thơ ca truyền thống đã rót vào tâm hồn Huy Cận những giai điệu du dương, khiến cho tiếng thơ - những khi đạt đến độ thuần thục - rất dễ đi vào lòng người. Thể thơ lục bát truyền thống, thể thơ năm chữ của dân ca Nghệ Tĩnh - trong tay Huy Cận - vừa mộc mạc chân tình vừa lắng đọng, hàm súc; sắc thái biểu hiện được phát huy rõ rệt. Chất suy nghĩ bàng bạc khắp các tứ thơ.
Hình ảnh thơ Huy Cận thường không sắc sảo, gây ấn tượng mạnh mà thâm trầm, khơi gợi; như len nhẹ, như ngấm sâu vào tâm hồn và trí tuệ người đọc. Những bức tranh thiên nhiên trong thơ Huy Cận thường rất ít đường nét, giản ước theo bút pháp cổ điển, gợi nhiều hơn tả. Do đó, có thể nói: ấn tượng không gian có được - trước hết - nhờ phong vị Ðường thi. Nhà thơ Xuân Diệu có lần từng nhận xét: “Thơ viết về đất nước, thiên nhiên và quê hương là một điểm mạnh của Huy Cận. Dường như ở đây nhà thơ đã toát ra một mảng hương sắc sâu xa, cao đẹp nhất của tâm hồn mình”. Và Tràng giang đã thể hiện sâu sắc điều đó.
“Tràng giang” là bài thơ tuyệt bút in trong tập “Lửa thiêng” xuất bản năm 1940. Theo tác giả cho biết, vào một buổi chiều thu 1939, khi còn là sinh viên trường Đại học Canh nông, Huy Cận đứng ở bờ nam bến Chèm, ngắm dòng sông Hồng mênh mông, lòng dào dạt xúc động mà viết bài thơ này. Đó là những cảm nhận về tràng giang và một nỗi buồn man mác dâng lên lúc hoàng hôn khi nhà thơ đứng trước cảnh: “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
Có thể nói nhan đề của một bài thơ chính là cửa ngõ, là điểm xuất phát để người đọc có thể lần mò theo đó khám phá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Và bài thơ “Tràng giang” cũng vậy, ý nghĩ, nỗi niềm thầm kín được gửi trọn trong nhan đề vẻn vẹn hai từ “Tràng giang”. “Tràng giang” hay còn gọi là “trường giang” là một từ Hán Việt ý chỉ con sông dài. Nhưng tác giả lại lấy tên “Tràng giang” chứ không phải “Trường giang”. Bởi vốn dĩ “Trường giang” chỉ có ý nghĩa chỉ con sông dài đơn thuần như thế; nhưng ngược lại “Tràng giang” vừa nói con sông dài mênh mông, vừa nói lên tâm trạng, nỗi niềm của chính tác giả. Vần “ang” kéo dài ra như nỗi niềm của Huy Cận chưa bao giờ vơi khi đứng trước con sông rộng lớn mênh mông này. Bước vào thế giới của Tràng giang, ta như lạc vào một miền sông dài trời rộng đầy cuốn hút:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về, nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Câu thơ đầu mở ra với sóng. Không ồn ào, mạnh mẽ mà là “sóng gợn”. Động từ “gợn” vừa miêu tả tư thế, vừa miêu tả tâm thế. Bởi lẽ, “gợn” trước hết gợi đến những chuyển động vô cùng nhỏ, chậm rãi của sóng. Tuy là một động từ nhưng thực chất “gợn” gợi ra cái không khi tĩnh lặng, im ắng của thiên nhiên sông nước. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh của nhà thơ sao thật tài tình. Chi tiết hé mở hoàn cảnh thiên nhiên, nhưng cũng mở ra không gian tâm trạng của nhà thơ. Ta thấy ở đó tâm thế của một con người mang trong mình sự sâu lắng, mà cũng đượm buồn.
Sóng không chỉ là sóng sông mà còn là sóng lòng, sóng tâm đang nhẹ nhàng từng gợn nhỏ, thấm cái “buồn điệp điệp” toát ra từ cảnh và dội vào lòng thi nhân. Từ láy "điệp điệp” không chỉ vẽ lên những đợt sóng gợn liên hồi của sông nước mà còn là dòng sông tâm trạng của nhà thơ, sóng lòng từng đợt từng đợt cuộn vào nhau.
Đặc biệt hơn, ngay ở câu đầu, tác giả đã nhắc lại nhan đề bài thơ không phải không có dụng ý. “Tràng giang” nghĩa là con sông vừa dài vừa rộng, gợi ra không gian rộng lớn, choáng ngợp. Đặt giữa cái nền ấy là một con người lẻ bóng, nhỏ nhoi đang đưa cặp mắt buồn theo mấy con sóng lăn tăn tít tắp đến tận chân trời. Điều này càng tô đậm thêm nỗi lòng của Huy Cận, một thi sĩ sẵn sàng buồn mọi lúc mọi nơi. Nỗi buồn của người lữ thứ dừng chân trên quán chật đèo cao, buồn đêm mưa, buồn nhớ bạn, buồn khi nắng xuống, khi chiều lên, thậm chí là buồn khi không còn thấy những dấu chân trên đường.
Nếu như câu thơ đầu chập chùng sóng vỗ thì đến những câu tiếp theo đã thấp thoáng bóng dáng của con thuyền. “Con thuyền xuôi mái nước song song” hay cũng chính là con thuyền trôi vô định, trôi song song dòng nước, cho con sóng đưa đi. Hình ảnh đó gợi tâm thế buông xuôi, phó mặc cho dòng đời, sự đời đưa đẩy của thi nhân. Cùng với nỗi “buồn điệp điệp” trên, câu thơ càng làm sáng tầng ý nghĩa sâu sắc này.
Có thể nói, câu thơ thứ ba là một sáng tạo tài tình của tác giả. Theo lẽ thường, nước đẩy, thuyền trôi. Thuyền trôi theo dòng nước. Nói cách khác, thuyền và nước không bao giờ tách rời nhau, ngược chiều nhau. Nhưng với Huy Cận thì “thuyền về, nước lại”. Hai thế đối lập gợi ra cái vô lí trong logic nhưng thực chất, xét ở bề sâu, bề sau, bề xa, ta càng hiểu được hơn nỗi lòng của người lữ khách miền sông nước.
Phải chăng đó là mặc cảm chia lìa trong cảm nhận của Huy Cận khi đứng trước sông dài trời rộng? Cũng như Hàn Mặc Tử khi còn nằm trên giường bệnh, nhìn ra xa mà thấy “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Đó là nỗi buồn đầy ám ảnh trong mặc cảm chia li. Thế nên Huy Cận “sầu trăm ngả”. Nỗi sầu to lớn mà không gì có thể bù đắp được.
Toàn bộ nỗi lòng của nhà thơ cuối cùng được kết đọng cả trong hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng”. Thơ ca từ cổ chí kim, nỗi buồn được cắt nghĩa dưới vô vàn hình hài góc cạnh khác nhau. Có cái nỗi buồn khi thấy “cây ngô đồng, vàng rơi vàng rơi thu mênh mông” (Bích Khê), có cái nỗi buồn trước “rặng liễu đìu hiu” (Xuân Diệu), lại có cái buồn khi nghe thấy tiếng gà gáy não nùng trong thơ Lưu Trọng Lư.
Nhưng có lẽ, buồn trước một cành củi khô thì chưa bao giờ xuất hiện trong kho tàng văn học Việt Nam. Củi chỉ những kiếp người nhỏ bé, bất hạnh, cũng trôi lênh đênh vô định trong dòng chảy của cuộc đời. Vậy nên, “củi một cành khô lạc mấy dòng” là điều không thể tránh khỏi.
Khổ thứ hai tiếp tục cái mạch thơ của khổ đầu:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Điều đầu tiên gây ấn tượng trong lòng độc giả là phép đảo ngữ. Từ láy “lơ thơ” được đặt lên đầu câu, nối tiếp sau đó là “cồn nhỏ gió đìu hiu”. Một câu mà xuất hiện liên tiếp ba tính từ chỉ sự xơ xác, nhỏ bé, lẻ loi của tạo vật. Đìu hiu, hay cũng chính là cái buồn không ai chia sẻ đang dậy sóng trong tác giả. Thay vì là bức tranh thiên nhiên như khổ một, khỏ thơ thứ hai lại tái hiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà tiêu biểu nhất là hình ảnh chợ chiều thời điểm vãn. Chợ vốn dĩ miêu tả cảm giác đông đúc, ấm no, tràn đầy sức sống, đúng như Nguyễn Trãi từng miêu tả: “Lao xao chợ cá làng Ngư Phủ”. Đủ để thấy cái vui tươi nhộn nhịp của một phiên chợ. Huy Cận không như thế, ông chọn cho mình thời điểm vãn chợ như một tín hiệu nghệ thuật đặc sắc. Chợ vãn là khi “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía…” (Thạch Lam). Chi tiết gợi ra cái hoang tàn, xơ xác, hiu quạnh, heo hút của làng quê miền sông nước, cũng là gợi mở cái buồn vô hạn trong lòng thi nhân.
Hai câu cuối là một sáng tạo nghệ thuật tiêu biểu cho cái hồn thơ đậm phong vị Đường thi của Huy Cận. Câu trước, câu sau đối nhau, niêm luật sử dụng chặt chẽ cùng các động từ, tính từ đối nhau từng cặp: lên - xuống, dài - rộng như mở thêm cho không gian. Sông nước đã rợn ngợp nay càng rộng lớn hơn nhiều lần. Sông nước mở ra theo chiều cao, chiều sâu, chiều dài, chiều rộng. Không gian như đang giãn nở từ từ theo mọi chiều kích.
Đọc câu thơ ta thấy như mọi vật đang chuyển động r xa hơn, cao hơn, rộng hơn, sâu hơn. Và ở chính giữa bức tranh ấy, ta thấy tâm điểm vẫn là bóng dáng nhỏ bé tưởng chừng đơn độc, hiu quạnh giữa vũ trụ. Nỗi buồn, nỗi sầu của thi nhân vì thế mà nhân lên gấp bội lần.
Khổ thơ thứ ba vẫn tiếp tục mạch cảm xúc về sự hờ hững, mất hết liên lạc giữa các sự vật. Con mắt nhà thơ nhìn vào bèo, những sinh thể nhỏ nhoi, yếu đuối giữa mặt nước mênh mông.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Cảnh mênh mang, buồn bã, trống vắng của Tràng giang được nhân lên mấy lần phủ định. Chiếc cầu, con đò bắc nối đôi bờ là biểu hiện của sự giao nối của con người và cuộc sống, thường gợi lên không khí tấp nập, thân tình, gợi nhớ quê hương: “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta - Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo - Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo - Nhịp cầu nối những bờ vui” (Nhịp cầu nối những bờ vui). Nhưng ở đây, không một chiếc cầu bắc nối đôi bờ, nghĩa là tuyệt nhiên không một dấu vết của sự sống hay một cái gì gợi đến tình người, lòng người muốn gặp gỡ lại qua đôi bờ hoang vắng.
Hai bờ sông cứ thế chạy dài về phía chân trời như hai thế giới cô đơn, xa lạ, không bao giờ gặp nhau, không chút niềm thân mật của những tâm hồn đồng điệu. Cảnh Tràng giang nay chỉ còn “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Bức tranh thật đẹp nhưng tĩnh lặng và buồn đến nao lòng.
Trên mặt nước ấy xuất hiện hình ảnh cánh bèo lẻ loi, đơn độc, gợi đến thân phận “cánh bèo mặt nước” (Nguyễn Du), sự tan tác, chia lìa, phiêu bạt:
Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu cũng nữa là lênh đênh
(Nguyễn Du)
Câu thơ cho ta thấy: Bèo dạt hoa trôi trên dòng tràng giang hay cũng chính là kiếp trôi nổi của con người trong dòng thời gian. Cả bốn câu, mỗi câu một nỗi buồn riêng, kéo nhau như sóng gợn trong lòng Huy Cận. Không nhìn dòng nước buồn hiu hắt nữa, nhà thơ dắt chúng ta nhìn đến cao hơn:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Trong thơ của Huy Cận cũng có cánh chim và đám mây như trong một số bài thơ cổ nói về buổi chiều, tuy nhiên, hai hình ảnh này không có tác dụng hô ứng cho nhau như trong thơ cổ, mà chúng còn có ý nghĩa trái ngược nhau. Trong buổi chiều muộn, từng lớp, từng lớp mây trên cao kia vẫn chất chồng lên nhau, tạo thành những núi bạc, nổi bật trên nền trời xanh trong.
Đây là một cảnh vật hùng vĩ biết bao! Đó không phải đám mây cô đơn lững lờ trôi giữa tầng không khi chiều về như trong thơ của Hồ Chí Minh. Mây ở đây chất chồng, ánh lên trong nắng chiều, làm cho cả bầu trời trở nên đẹp đẽ và rực rỡ. Giữa khung cảnh ấy, một cánh chim nhỏ nhoi xuất hiện. Cánh chim bay giữa những lớp mây cao đẹp đẽ, hùng vĩ như càng làm nổi bật lên cái nhỏ bé của nó. Nó đơn côi giữa trời đất bao la, tựa như tâm hồn nhà thơ bơ vơ giữa đất trời này.
Việc đặt cánh chim và những núi mây bạc ở thế đối lập đã tô đậm thêm nỗi buồn trong lòng nhà thơ. Nỗi buồn như thấm đượm, lan tỏa trong khắp cả không gian:
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
“Lòng quê” hay cũng chính là hồn quê, tình quê trong lòng thi nhân, sự hướng tâm chứ không chỉ đơn thuần là tấm lòng chất phác, quê mùa. Hai từ “dờn dợn” cho ta cảm nhận sóng biển đang ở bên ta, sóng biển cũng biết nhớ thương hay tác giả đang nhớ thương vậy? Hai từ “dờn dợn“ còn gợi cho ta thấy được sự lên xuống uốn lượn của sóng biển hay nỗi nhớ trào dâng của nhà thơ khi đứng trước cảnh hoang vắng của một buổi chiều tà. Và nỗi nhớ ấy không chỉ một lần mà là liên tục, nhiều lần nhưng nỗi ấy mới chỉ là “dờn dợn” mà chưa phải là cuồng nhiệt. Câu thơ muốn nói lên lòng nhớ quê hương khi tác giả đứng trước sông nước rợn ngợp.
Câu thơ cuối cùng kết lại toàn bài. Đó chính là điểm nhấn sâu sắc nhất, đóng lại tư tưởng, tình cảm của bài thơ. “Không khói hoàng hôn” nghĩa là không một yếu tố ngoại cảnh nào tác động trực tiếp đến thi nhân nhưng tại sao nhà thơ vẫn nhớ nhà? Đặt trong thơ ca từ cổ chí kim, Thôi Hiệu đã từng bày tỏ nỗi hoài hương của mình thế này: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Hoàng Hạc Lâu). Trước cảnh mà dâng trào nên tình nhớ. Còn ở phần phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận, ta lại thấy không một chút gợi nhớ nhưng tấm lòng nhà thơ vẫn hướng về quê cha đất tổ. Đủ để thấy cái tình quê ấy nó đậm đà biết nhường nào.
Đặt trong hoàn cảnh ra đời bài thơ, Huy Cận đứng trước dòng sông quê hương mà vẫn nhớ quê hương, thâm trầm nhưng sâu sắc. Tình cảm ấy, tấm lòng ấy, mấy ai sánh kịp? Dưới hình thức một bài thơ đậm phong vị Đường thi, kết cấu mạch lạc và cái tài sáng tạo ngôn ngữ, hình ảnh của tác giả, bài thơ hiện lên như một bản hòa ca mà ở đó, các nốt nhạc đều hợp sức tấu lên khúc ca yêu thiên nhiên, đất nước.
Nhà phê bình Phan Cự Đệ có lần từng nhận xét: “Các nhà lãng mạn gửi gắm vào trong thơ một tấm lòng tha thiết yêu thiên nhiên đất nước và một sự nâng niu đối với tiếng Việt, lúc bấy giờ bị xem như tiếng mẹ ghẻ, tiếng con đòi… Tiếng nói trong Thơ mới là tiếng mẹ đẻ yêu thương, phong cảnh trong Thơ mới chính là đất nước Việt Nam mĩ lệ với những vẻ đẹp riêng của từng vùng quê hương (“Quê hương” của Tế Hanh, “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, “Đà Lạt đêm sương” của Quách Tấn, “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, “Chiều xuân” của Anh Thơ…). Cho nên ta có thể dễ dàng thống nhất với Xuân Diệu khi anh viết: “Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc”.
Thời gian có thể phủ bụi một số thứ. Nhưng có những thứ càng rời xa thời gian, càng sáng, càng đẹp. “Tràng giang” của Huy Cận là một bài thơ như thế. Cùng với tấm lòng chan chứa tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ, thi phẩm sẽ còn sống mãi với chúng ta cho đến tận muôn đời.